Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 05 tháng 05 năm 2024,
Lãng phí cơ hội tại Dự án Rusalka, Khánh Hòa
Hà Nguyễn - 12/05/2013 22:47
 
Cuối cùng, thì dự án đình đám một thời Rusalka (Khánh Hòa) cũng đã được “sang tên, đổi chủ”. Một kết thúc được cho là không thể tốt hơn cho dự án này sau 8 năm bị bỏ hoang và dùng dằng không xử lý được. Đằng sau đó là một bài học đắt giá. >>> >>>   

Nếu Dự án Rusalka hoàn thành đúng tiến độ, không bị bỏ hoang,
thì đó còn là cơ hội lớn trong kinh doanh…

Lãng phí kéo dài

8 năm dùng dằng mãi không thể xử lý được, cộng thêm 5 năm chuẩn bị và triển khai trước đó, Rusalka đã có “lịch sử” hình thành và phát triển 13 năm.

Nhưng những gì còn lại của Rusalka hôm nay chỉ là khối tài sản được hình thành trên mảnh đất khoảng 45 ha giờ đã xuống cấp, thậm chí là hoang tàn. Khối tài sản này, vào năm 2006, đã được Bộ Tài chính định giá là 131 tỷ đồng.

Một mảnh đất rộng bị bỏ hoang, một khối tài sản dù không quá lớn nhưng đã không thể tiếp tục được xây dựng và đưa vào hoạt động. Đó rõ ràng là một sự lãng phí lớn.

Chưa kể, nhiều người, khi nói đến Rusalka luôn nhắc đến những “chi phí cơ hội” đã mất đi trong suốt thời gian qua. Thậm chí, cả những chi phí cơ hội mà các chủ nợ của Rusalka đã bỏ lỡ, khi tiền của của họ bị “giam” trong khối tài sản đang bị phơi sương, nắng.

Có lẽ, đó cũng là lý do vì sao, dù nợ gốc chỉ là 56 tỷ đồng, nhưng các chủ nợ lại đòi thanh toán số tiền lên tới hơn 294 tỷ đồng. Trong đó, riêng Công ty BMC (Bộ Công thương) có số nợ gốc là 51,6 tỷ đồng, nhưng lại đòi nợ tới 275,5 tỷ đồng.

Rusalka, ngay từ ban đầu, được đánh giá là một khu nghỉ dưỡng có vị trí rất đẹp, nằm tách biệt ở đầu mũi bán đảo, tựa vào núi Cô Tiên và nhìn vào vịnh biển Nha Trang, cách trung tâm thành phố chỉ 9 km. Và cũng theo kế hoạch ngay từ ban đầu, thì khu nhà nghỉ ven biển của Rusalka sẽ đi vào hoạt động năm 2006, các phân khu khác sẽ hoàn thành năm 2008 - 2009. Dự án này cũng dự kiến được khai thác dưới thương hiệu của các nhà quản lý quốc tế.

Một bài toán “giả sử” được đặt ra, là nếu dự án vẫn tiếp tục được triển khai, thì hôm nay, Nha Trang có lẽ đã có một khu du lịch đẳng cấp quốc tế đang hoạt động. Vào thời điểm Rusalka được đầu tư, Nha Trang chưa có những khu nghỉ dưỡng tuyệt đẹp như bây giờ. Nếu dự án được hoàn thành, thì đó còn là những cơ hội to lớn trong kinh doanh…

Rồi đây, Champarama Resort & Spa sẽ hồi sinh trên mảnh đất ấy. Nhưng ai cũng hiểu, vào thời điểm kinh tế khó khăn như hiện nay và khi các khu du lịch, nghỉ dưỡng đã được xây dựng rất nhiều ở Nha Trang, thì cơ hội cho Champarama sẽ trở nên hạn hẹp hơn. Chưa kể, cho đến giờ vẫn chưa thể nói trước tương lai của Champarama ra sao, bởi Công ty Focus Travel Nha Trang sẽ còn phải xử lý công nợ, xử lý khối tài sản đã được hình thành trên dự án cũ, triển khai xây dựng dự án mới rồi mới có thể đưa vào hoạt động…

Những “chi phí cơ hội” ấy cũng là một sự lãng phí kéo dài. Và tiếc rằng, không ai có thể định lượng được.

Bài học đắt giá

Có một câu hỏi mà cho tới bây giờ, khi nhìn lại quá trình xử lý Dự án Rusalka, dư luận luôn đặt ra rằng, vào thời điểm năm 2006, có nhất thiết phải tịch biên tài sản và rút giấy phép đầu tư Dự án?

Câu trả lời thực ra đã có, bởi trong Quyết định giám đốc thẩm số 07/2010, Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân tối cao đã khẳng định “cần phải hủy quyết định của tòa án cấp sơ thẩm và phúc thẩm về việc tiếp tục kê biên các tài sản của Nguyễn Đức Chi, vì trong phạm vi vụ án hình sự này, không có căn cứ pháp luật để tiếp tục kê biên tài sản của Nguyễn Đức Chi”.

Còn câu chuyện rút giấy phép đầu tư, theo thông tin của Báo Đầu tư, vào thời điểm trước khi bị bắt, chính Công ty Rus-Invest -Tur (RIT) đã đề nghị các cơ quan chức năng chuyển giao dự án cho doanh nghiệp có đủ điều kiện và năng lực để thực hiện dự án. RIT cũng đã trực tiếp đề xuất chuyển nhượng Dự án cho Công ty Bạch Lân (thuộc Công ty VP Partners LLC - Mỹ). Bộ Kế hoạch và Đầu tư, khi trình phương án xử lý đối với Dự án Rusalka cũng đã đề xuất việc cho phép ông Nguyễn Đức Chi được chuyển nhượng Dự án. Tuy nhiên, khi đó, đề xuất này đã không được chấp nhận. Bởi thế, căn cứ đề nghị của Bộ Công an, ngày 24/10/2006, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã quyết định thu hồi giấy phép đầu tư đã cấp cho Dự án Rusalka.

Có lẽ, cần nhắc lại rằng, trước thời điểm này, cuối tháng 9/2006, khi làm việc với UBND tỉnh Khánh Hòa và các bộ, ngành về việc xử lý Dự án Rusalka, Phó thủ tướng Chính phủ Trương Vĩnh Trọng cũng đã yêu cầu song song với quá trình kết thúc điều tra và đưa ra xét xử, các cơ quan liên quan cũng phải xác định rõ năng lực của chủ đầu tư mới tiếp tục thực hiện Dự án và giao Dự án Rusalka cho chủ đầu tư có đủ năng lực để không gây tổn thất cho xã hội.

Nếu khi đó, Dự án Rusalka được xử lý theo hướng trên và nếu ngay cả sau này, việc xử lý Dự án Rusalka được đẩy nhanh hơn, lãng phí đã không kéo dài. Và như ông Võ Tấn Thái, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Khánh Hòa đã nói, môi trường đầu tư của địa phương này đã không bị ảnh hưởng.

Trong câu chuyện của Rusalka, dư luận cũng đã nhắc nhiều đến chuyện có nên hình sự hóa một quan hệ dân sự, kinh tế hay không? Trách nhiệm của ông Nguyễn Đức Chi trước pháp luật là của cá nhân ông Chi, chứ không phải của pháp nhân Dự án Rusalka. Lẽ ra, khi ấy, Rusalka vẫn phải tiếp tục được triển khai?….

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư