Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 18 tháng 04 năm 2024,
Lãng phí công sản
Mạnh Bôn - 23/06/2022 11:45
 
Thực trạng một lượng vô cùng lớn tài sản công (còn gọi là công sản) chưa được quản lý, theo dõi sát sao đang đặt ra một loạt vấn đề cần giải quyết.
Ảnh minh họa

Trên thế giới, giá trị tài sản công bình quân thường cao gấp khoảng 4 lần GDP một quốc gia. Riêng tại Việt Nam, giá trị tài sản công chắc chắn lớn hơn nhiều lần GDP, bởi theo Hiến pháp, đất đai, tài nguyên, nguồn lợi ở vùng biển, vùng trời và các tài sản do Nhà nước đầu tư, quản lý đều là tài sản công.

Do tài sản công có giá trị vô cùng lớn, nên các nền kinh tế trên thế giới như Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Pháp, Indonesia, Australia... đều quản lý hết sức chặt chẽ, đồng thời khai thác tối đa nguồn lực khổng lồ này phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội trên cơ sở mọi dữ liệu và sự biến động của tài sản công đều được ghi nhận trên cổng thông tin dữ liệu quốc gia.

Tại Việt Nam, khối lượng tài sản công trên lý thuyết là vô cùng lớn. Dù được đưa vào quản lý từ năm 2009 theo Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước và hiện tại là Luật Quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017, nhưng thực tế mới chỉ kiểm soát được một phần tài sản công.

Cụ thể, theo Bộ Tài chính, tính đến cuối năm 2016, giá trị tài sản công là trên 1.040 triệu tỷ đồng (không tính tài sản là công trình nước sạch nông thôn và hạ tầng giao thông đường bộ), bằng khoảng 23% GDP. Tại thời điểm ngày 31/12/2021, tổng giá trị tài sản công chỉ hơn 1.715 triệu tỷ đồng, tức bằng khoảng 26,5% GDP.

Do chưa được quản lý, theo dõi chặt chẽ, khai thác hiệu quả nên đã dẫn đến tình trạng lãng phí tài sản công, đặc biệt là lãng phí trong quản lý, sử dụng đất đai. Đơn cử năm 2021, cứ thanh tra 100 đơn vị, thì thanh tra ngành Tài nguyên và Môi trường phát hiện ra 35 đơn vị vi phạm, chủ yếu là sử dụng đất không đúng mục đích; không sử dụng đất hoặc tiến độ thực hiện chậm; lấn chiếm đất đai; chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính, thủ tục hành chính về đất đai…

Năm 2021, Thanh tra Chính phủ cũng phát hiện vi phạm về kinh tế với tổng số tiền trên 179.300 tỷ đồng, hơn 9.250 ha đất; đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét xử lý 156.336 tỷ đồng, 8.447 ha đất.

Riêng ở địa phương, công tác quản lý, sử dụng tài sản công thế nào hiện chưa có câu trả lời. Còn tại Hà Nội, cuộc làm việc mới đây giữa thường trực Hội đồng Nhân dân TP. Hà Nội với Sở Tài chính Hà Nội cũng chỉ thống nhất “kiến nghị giải pháp liên quan công tác sử dụng tài sản công vào mục đích cho thuê, kinh doanh, liên doanh liên kết”.

Hà Nội, TP.HCM là 2 địa phương có khối lượng tài sản công lớn nhất cả nước, việc theo dõi, quản lý sẽ ít nhiều gặp khó khăn hơn. Song ở hầu hết địa phương có giá trị và cơ sở tài sản công không lớn, cơ quan chức năng cũng “lực bất tòng tâm” khi nhiều đơn vị thuộc các bộ, ngành, cơ quan trung ương quản lý dù được tỉnh bố trí vị trí đất mới đẹp hơn, diện tích rộng hơn để xây dựng trụ sở làm việc và ngay cả khi trụ sở mới đã đi vào hoạt động, nhưng những đơn vị đó vẫn dứt khoát không trả lại diện tích nhà đất cũ.

Kể từ năm 2015, khi Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí có hiệu lực, vào kỳ họp đầu năm, Bộ Tài chính đều trình Quốc hội báo cáo khá dày về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, trong đó nêu rõ nguyên nhân cùng giải pháp khắc phục.

Hầu như năm nào, Quốc hội cũng dành chọn một buổi thảo luận ở hội trường về nội dung tiết kiệm, chống lãng phí, số lượng đại biểu đăng ký phát biểu thường nhiều gấp 3-4 lần số đại biểu được phát biểu cho thấy nội dung này được Quốc hội đặc biệt quan tâm. Nhưng nhiều đại biểu Quốc hội có thâm niên nhận xét rằng, nguyên nhân và giải pháp chống lãng phí tài sản công “nghe cứ quen quen”. Riêng chuyện các cơ quan, tổ chức, đơn vị nhận trụ sở mới không trả lại trụ sở cũ; các doanh nghiệp nhà nước đang quản lý, sử dụng đất đai, nhưng không lập phương án sắp xếp đã tồn tại nhiều năm nhưng vẫn chưa được xử lý dứt điểm.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định, lãng phí là một căn bệnh, là tội lỗi với Đảng, với Nhà nước và Nhân dân. Đã đến lúc phải quyết liệt ra tay chống lãng phí công sản như chống tham ô, tham nhũng, bởi như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nhận định, tham ô là trộm cướp; lãng phí tuy không lấy của công đút túi, song kết quả tai hại hơn tham ô.

Như vậy, để chống lãng phí công sản, có lẽ, việc đầu tiên cần làm là phải thống kê, cập nhật đầy đủ toàn bộ tài sản công và công khai trên Cổng thông tin dữ liệu quốc gia về tài sản công để người dân giám sát.

Quy định mới về sắp xếp lại, xử lý tài sản công
Chính phủ vừa ban hành Nghị định 67/2021/NĐ-CP ngày 15/7/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 167/2017/NĐ-CP ngày 31/12/2017...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư