Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Xử lý tài sản công tập trung vào nhà đất
Hàn Tín - 01/06/2021 17:01
 
Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 167/2017/NĐ-CP đang được hoàn thiện, trong đó tập trung xử lý nhà đất do cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp có vốn nhà nước quản lý, sử dụng.
Bộ Tài chính đang hoàn thiện Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 167/2017/NĐ-CP quy định về việc sắp xếp lại, xử lý tài sản công

Mở rộng đối tượng phải xử lý nhà đất

Một trong những điểm thay đổi lớn nhất trong Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 167/2017/NĐ-CP quy định về việc sắp xếp lại, xử lý tài sản công, là bổ sung đối tượng phải thực hiện xử lý nhà đất. Theo quy định hiện hành, chỉ có doanh nghiệp 100% vốn nhà nước và công ty cổ phần có vốn nhà nước từ 50% trở lên mới thuộc đối tượng thực hiện sắp xếp lại, xử lý nhà đất. Doanh nghiệp có vốn nhà nước từ 50% trở xuống và các công ty con, cháu của doanh nghiệp nhà nước quản lý, sử dụng nhà, đất theo quy định của pháp luật về đất đai, pháp luật về doanh nghiệp và pháp luật có liên quan.

Việc chưa bao quát hết đối tượng phải xử lý nhà đất, theo Bộ Tài chính, là một trong những nguyên nhân gây thất thoát đất đai thuộc sở hữu nhà nước. Bởi trên thực tế, do hoạt động theo mô hình công ty mẹ-con, nên các doanh nghiệp thuộc đối tượng phải xử lý nhà đất quản lý, sử dụng diện tích đất không nhiều, mà đất đai lại tập trung chủ yếu ở các doanh nghiệp cấp 1, cấp 2 là công ty cổ phần từ doanh nghiệp 100% vốn nhà nước.

Chẳng hạn, Vinatex, Vinachem, EVN, VNPT, VRG và PVN trên danh nghĩa đang quản lý, sử dụng 4.626 cơ sở nhà đất, nhưng trên thực tế chỉ trực tiếp quản lý, sử dụng 23 cơ sở nhà đất, chiếm chưa đến 0,5%, số còn lại do các công ty cổ phần cấp 2, cấp 3 trực tiếp quản lý, sử dụng.

Để tránh thất thoát tài sản nhà nước, trong Dự thảo Nghị định sửa đổi bổ sung Nghị định 167/2017/NĐ-CP, Bộ Tài chính kiến nghị, cùng với nhà đất đang do các doanh nghiệp thuộc tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp quản lý, sử dụng (hiện vẫn chưa được xử lý theo Nghị định 167/2017/NĐ-CP), sẽ đưa tài sản là nhà đất đang do doanh nghiệp cấp 2, cấp 3 thuộc công ty mẹ là doanh nghiệp nhà nước vào đối tượng phải xử lý.

Việc bán tài sản trên đất, đặc biệt là chuyển quyền sử dụng đất đã và đang gây thất thoát tài sản nhà nước vô cùng lớn. Năm 2020, theo số liệu của Thanh tra Chính phủ, toàn ngành thanh tra đã phát hiện hành vi vi phạm về kinh tế 64.551 tỷ đồng, 7.077 ha đất; kiến nghị thu hồi 26.007 tỷ đồng và trên 1.174 ha đất; xuất toán, loại khỏi giá trị quyết toán do chưa thực hiện đúng quy định và đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét xử lý 38.544 tỷ đồng, 5.903 ha đất.

Một trong những nguyên nhân dẫn đến thất thoát tài sản nhà nước qua việc bán tài sản trên đất và chuyển quyền sử dụng đất, theo Bộ Tài chính, là do quy định về việc bán tài sản trên đất và chuyển quyền sử dụng đất không phù hợp.

Cụ thể, Nghị định 167/2017/NĐ-CP quy định thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Tài chính trong việc quyết định bán nhà, đất theo tiêu chí giá trị nguyên giá của nhà đất được bán. Tuy nhiên, trên thực tế, trong sổ kế toán của cơ quan, tổ chức, đơn vị và doanh nghiệp, đa số chỉ hạch toán nguyên giá của tài sản trên đất; còn giá trị quyền sử dụng đất thì không theo dõi hoặc theo dõi không sát với giá trị quyền sử dụng đất đang giao dịch trên thị trường, nên giá trị quyền sử dụng đất được xác định khi đem bán thấp xa so với giá trị thực.

Để xử lý vấn đề này, Bộ Tài chính đề xuất, đối với nhà đất có nguyên giá dưới 500 tỷ đồng thực hiện theo hình thức bán đấu giá sẽ giao bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan trung ương quyết định. Giá trị quyền sử dụng đất đem bán (đối với cả doanh nghiệp lẫn cơ quan, tổ chức) được xác định theo bảng giá đất do UBND cấp tỉnh ban hành nhân với hệ số điều chỉnh do UBND cấp tỉnh quy định tại thời điểm xác định giá trị quyền sử dụng đất.

Công sản không chỉ có nhà đất, ô tô

Theo số liệu của Bộ Tài chính, tổng số tài sản nhà nước tại các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp theo nguyên giá vào khoảng 1.158.120 tỷ đồng, trong đó tài sản quyền sử dụng đất là 742.382 tỷ đồng, tài sản nhà 297.790 tỷ đồng, ô tô hơn 25.554 tỷ đồng và các tài sản khác có nguyên giá từ 500 triệu đồng trở lên/tài sản là trên 92.393 tỷ đồng.

Đưa ra quan điểm là phải quản lý chặt chẽ tài sản công, mặc dù nhà đất công có giá trị vô cùng lớn, nhưng theo PGS-TS. Đặng Văn Thanh, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế - Ngân sách của Quốc hội, nếu chỉ quản lý đất đai, “công xa” chặt chẽ là chưa đủ, mà cần phải có những quy định quản lý đối với tất cả các tài sản công khác. Công sản không chỉ có nhà đất, công trình và các tài sản khác gắn liền với đất; máy móc, thiết bị, ô tô và tài sản công khác đang được giao cho các cơ quan, tổ chức, đơn vị và doanh nghiệp quản lý, sử dụng.

“Toàn bộ nguồn lực có tính chất vật chất như tài nguyên, khoáng sản; tài sản kể cả hữu hình và vô hình được tạo lập, hình thành từ ngân quỹ nhà nước, cũng như sự đóng góp của cộng đồng dân cư đã và đang được đưa vào khai thác sử dụng cũng cần phải được quản lý chặt chẽ. Nhưng đến nay, chúng ta chưa có sự đánh giá đúng và đủ, còn thiếu sự ghi chép, kiểm kê, kế toán, kiểm soát tập trung toàn bộ khối tài sản vô cùng lớn này khiến chúng bị chiếm dụng, thất thoát, lãng phí, sử dụng không hiệu quả”, ông Thanh nhận định.

Theo ông Lê Minh Sơn, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, tài sản công không chỉ có đất đai, tài nguyên khoáng sản, tài nguyên nước, mà còn có nguồn lợi ở vùng trời, vùng biển, tài nguyên thiên nhiên khác và các tài sản do Nhà nước đầu tư, quản lý. “Nếu không đặt vấn đề quản lý toàn bộ tài sản công một cách hiệu quả, thì đồng nghĩa với việc sử dụng nguồn lợi to lớn của quốc gia một cách lãng phí và tạo kẽ hở cho nạn tham nhũng”, ông Sơn nói.

Đẩy mạnh triển khai thi hành Luật Quản lý, sử dụng tài sản công
Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Chỉ thị 32/CT-TTg về đẩy mạnh triển khai thi hành Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và các văn bản quy...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư