Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Hai, Ngày 14 tháng 10 năm 2024,
Lãnh đạo ngân hàng nhận lương khủng; Lãi vay gói 120.000 tỷ đồng sắp giảm thêm
Thùy Liên - 08/09/2024 09:47
 
Người dân than khó khi nhận lương hưu qua tài khoản, lãi vay gói 120.000 tỷ đồng sẽ giảm thêm, hơn 1 tỷ USD tháo chạy khỏi các quỹ bitcoin, USD thủng mốc 25.000 VND/USD, lãnh đạo ngân hàng nhận lương khủng... là tiêu điểm ngân hàng tuần qua.

Gói tín dụng 120.000 tỷ đồng: Chính phủ đồng ý nâng mức giảm lãi suất cho vay với người mua nhà

Sau 4 lần giảm, lãi suất cho vay với người mua nhà của gói tín dụng 120.000 tỷ đồng còn 6,5%/năm. Ngân hàng Nhà nước đã báo cáo và được Chính phủ đồng ý đề xuất điều chỉnh Chương trình theo hướng nâng mức giảm lãi suất cho vay với người mua nhà.

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho hay, gói tín dụng 120.000 tỷ đồng với sự tham gia chủ lực là 4 ngân hàng thương mại nhà nước (Agribank, BIDV, Vietcombank, Vietinbank) đã tăng lên 140.000 tỷ đồng do có sự tham gia của 4 ngân hàng TMCP tư nhân (TPBank, VPBank, MB, Techcombank).

Chương trình được thực hiện hoàn toàn bằng nguồn vốn huy động của người gửi tiền của các ngân hàng thương mại, việc cho vay được thực hiện theo các quy định của pháp luật hiện hành về cho vay. Đến tháng 06/2024, các NHTM đã giải ngân 1.344 tỷ đồng, tăng 646,67% so với cuối năm 2023.

NHNN cho biết, thời gian qua đã tích cực triển khai nhiều giải pháp để giảm mặt bằng lãi suất cho vay. Cụ thể, NHNN đã 4 lần công bố lãi suất áp dụng đối với Chương trình (theo hướng giảm dần qua các kỳ công bố). Hiện, mức lãi suất cho vay của các NHTM áp dụng đối với khách hàng là chủ đầu tư Dự án ở mức 7%/năm và đối với khách hàng là người mua nhà tại dự án ở mức 6,5%/năm (áp dụng từ ngày 01/07/2024 đến hết ngày 31/12/2024).

 Như vậy, lãi suất áp dụng đối với Chương trình đã giảm 1%/năm so với kỳ 1/1/2024-30/06/2024 và giảm gần 2%/năm so với thời điểm bắt đầu triển khai Chương trình.

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ ngày 05/08/2024, Thống đốc NHNN đã báo cáo và được Chính phủ đồng ý đề xuất điều chỉnh nội dung Chương trình theo hướng nâng mức giảm lãi suất cho vay đối với người mua nhà từ 2% lên 3% trong 5 năm đầu, 5 năm tiếp theo thấp hơn 1% đến 2%, so với lãi suất cho vay bình quân trung dài hạn VND của 4 NHTM nhà nước.

Trước đó, Bộ Xây dựng cũng vừa có Văn bản số 220/BC –BXD báo cáo Thủ tướng về tình hình triển khai đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội giai đoạn 2021-2030.

Trong báo cáo gửi Thủ tướng, đề cập đến gói tín dụng 120.000 tỷ đồng dành cho nhà ở xã hội, Bộ Xây dựng cho biết, việc giải ngân gói tín dụng 120.000 tỷ đồng còn chậm, số ngân hàng tham gia chưa nhiều.  

Một số chủ đầu tư không đủ điều kiện về cho vay như không đảm bảo điều kiện dư nợ tín dụng, không có tài sản khác để thế chấp, chủ đầu tư làm nhà ở xã hội được miễn tiền sử dụng đất nên không đủ điều kiện thế chấp…

Bộ Xây dựng kiến nghị Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo khuyến khích các ngân hàng khác tham gia gói 120.000 tỷ đồng và xem xét giảm lãi suất và nâng thời hạn cho vay gói tín dụng này.

Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, qua tổng hợp báo cáo từ các địa phương, trong giai đoạn từ 2021 đến nay cả nước có 619 dự án nhà ở xã hội được triển khai với quy mô hơn 560.000 căn. Tuy nhiên, mới có 79 dự án nhà ở xã hội hoàn thành, 128 dự án nhà ở xã hội khởi công xây dựng và 412 dự án nhà ở xã hội được chấp thuận chủ trương đầu tư.

Cũng theo Bộ Xây dựng, tổng số lượng căn hộ nhà ở xã hội được khởi công, hoàn thành đến nay đạt khoảng 35,6% mục tiêu đề án xây 1 triệu căn nhà ở xã hội, giai đoạn đến năm 2025. Quy hoạch, bố trí quỹ đất phát triển nhà ở xã hội khoảng 9.757 ha (tính đến cuối tháng 8/2024). 

Trả lương, trợ cấp qua tài khoản ngân hàng: Người dân than khó

Theo phản ánh của cử tri, việc chi trả lương, trợ cấp qua tài khoản ngân hàng khiến các đối tượng cao tuổi, không biết sử dụng điện thoại thông minh gặp khó khăn. Chưa kể, người dân phải chịu rất nhiều loại phí ngân hàng.

Theo phản ánh của cử tri Thái Bình, việc chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội qua tài khoản cá nhân còn nhiều bất cập, gây khó khăn cho người dân; đặc biệt đối với các đối tượng chính sách là những người cao tuổi không có hoặc chưa biết sử dụng điện thoại thông minh và tài khoản cá nhân. Do đó, cử tri đề nghị có giải pháp để khắc phục tình trạng này.

Theo khảo sát của Báo Đầu tư, không chỉ Thái Bình mà người dân nhiều địa phương, đặc biệt là khu vực nông thôn đều có mong muốn nhận lương và trợ cấp bằng tiền mặt. 

Liên quan tới băn khoăn này của người dân, NHNN cho hay, ngày 28/10/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1813/QĐ-TTg ban hành Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025. Đề án đã đề ra mục tiêu, nhiệm vụ để khuyến khích TTKDTM. Đề án có đặt mục tiêu đến cuối 2025, có 60% số người hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp thất nghiệp trên địa bàn đô thị được chi trả thông qua các phương thức TTKDTM.

Đồng thời tại Chỉ thị 21/CT-TTg ngày 25/11/2022 về thúc đẩy chuyển đổi số trong chi trả an sinh xã hội TTKDTM, Thủ tướng Chính phủ đã giao trách nhiệm cho Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với cơ quan liên quan xây dựng quy trình và hướng dẫn các địa phương thực hiện triển khai nhiệm vụ chi trả KDTM cho các đối tượng hưởng chính sách an sinh xã hội.

Do đó, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Bảo hiểm xã hội Việt Nam là đơn vị chủ trì để nghiên cứu các giải pháp, hướng dẫn triển khai thực hiện việc chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội đến các đối tượng thụ hưởng một cách phù hợp đảm bảo sự thuận tiện cho các đối tượng thụ hưởng, cũng như bảo đảm thực hiện mục tiêu được Thủ tướng Chính phủ đề ra tại Đề án. Ngành ngân hàng sẽ phối hợp tích cực với các đơn vị liên quan trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ chi trả KDTM cho các đối tượng hưởng chính sách an sinh xã hội.

Cũng liên quan tới nhận lương hưu và trợ cấp qua tài khoản ngân hàng, cử tri Quảng Ninh và Nam Định lại than phiền vì các đối tượng chính sách, xã hội nhận được trợ cấp không cao trong khi nhận lương qua tài khoản ngân hàng lại phải gánh thêm nhiều loại phí (phí duy trì tài khoản ngân hàng; phí thường niên thẻ thanh toán nội địa; phí quản lý tài khoản ngân hàng, phí chuyển tiền và rút tiền…).

“Các loại phí này ảnh hưởng đến tâm lý, ngại mở thẻ và TTKDTM của người dân. Đề nghị rà soát các đối tượng chính sách, đối tượng xã hội (cao tuổi, tàn tật, hộ nghèo…) không phải chi trả các khoản kinh phí quản lý tài khoản tại ngân hàng để thuận lợi cho việc triển khai nhiệm vụ chi trả KDTM cho các đối tượng hưởng chính sách an sinh xã hội, đảm bảo tính chính xác, nhanh chóng, thuận tiện”, cử tri Quảng Ninh đề xuất.

Tương tự, cử tri Nam Định cũng đề nghị NHNN Việt Nam có chính sách hỗ trợ về phí dịch vụ khi sử dụng tài khoản cá nhân để nhận trợ cấp hàng tháng đối với các đối tượng trên nhằm thể hiện đúng tinh thần và ý nghĩa nhân đạo trong thực hiện chính sách của Đảng và Nhà nước.

Liên quan đến vấn đề này, NHNN cho hay, theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng, tổ chức tín dụng (TCTD) được quyền ấn định và phải niêm yết công khai mức phí cung ứng dịch vụ.

Đối với dịch vụ thẻ ghi nợ nội địa, NHNN đã ban hành Thông tư số 35/2012/TT-NHNN ngày 28/12/2012 quy định về phí dịch vụ thẻ ghi nợ nội địa trong đó quy định tổ chức phát hành thẻ cần có biện pháp phân loại đối tượng khách hàng để có hình thức hỗ trợ phù hợp đối với sinh viên nghèo, người lao động có thu nhập thấp, đồng thời chỉ đạo các tổ chức phát hành thẻ thực hiện rà soát lại các loại phí, mức phí thẻ ghi nợ nội địa đang được áp dụng tại đơn vị mình, đảm bảo việc thu phí tuân thủ theo quy định tại Thông tư 35.

Thực hiện chủ trương phát triển TTKDTM (bao gồm TTKDTM đối với trợ cấp an sinh xã hội) và chiến lược quốc gia về tài chính toàn diện, NHNN thường xuyên chỉ đạo toàn ngành triển khai nhiều giải pháp, trong đó đề nghị TCTD nghiên cứu, áp dụng các chính sách ưu đãi miễn, giảm phí cho các đối tượng khách hàng có thu nhập thấp, đối tượng yếu thế trong xã hội (người về hưu, người hưởng trợ cấp xã hội, người già, người nghèo...). Trên cơ sở đó, các TCTD căn cứ mục tiêu, chính sách, điều kiện, hoạt động kinh doanh của mình để có chính sách phí và hưởng ứng, thực hiện chủ trương nêu trên thông qua các chương trình ưu đãi, chính sách khuyến mại phù hợp.

Được biết, từ ngày 1/8/2024, cơ quan bảo hiểm xã hội đã thực hiện trực tiếp chuyển tiền chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng qua tài khoản cá nhân cho người hưởng bảo hiểm xã hội tại 43 tỉnh, thành phố. Từ ngày 1/9/2024, BHXH sẽ thực hiện phương thức chuyển tiền trực tiếp này tại 20 tỉnh còn lại.

Cử tri nhiều tỉnh, thành đồng loạt kiến nghị về quản lý thị trường vàng

Cử tri TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Long An, Trà Vinh, Hà Nam... đồng loạt gửi kiến nghị tới Ngân hàng Nhà nước (NHNN), đề nghị có giải pháp ổn định thị trường vàng. NHNN cho biết sẽ tổ chức tổng kết, đề xuất sớm sửa đổi Nghị định 24/2012/NĐ-CP.

Trước đề xuất của cử tri, NHNN cho biết, thời gian qua, giá vàng thế giới liên tục tăng cao do nhiều nguyên nhân. Thứ nhất, vàng là hàng hóa đặc thù, có tính thanh khoản cao, là tài sản cất trữ được ưa chuộng đặc biệt trong những giai đoạn kinh tế, địa chính trị biến động. Thứ hai, tâm lý của giới đầu tư bị ảnh hưởng từ những bất ổn kinh tế vĩ mô, tình hình lạm phát, căng thẳng địa chính trị trên thế giới, sự kiện ngân hàng Credit Suisse của Thụy Sĩ và một số ngân hàng Mỹ phá sản. Thứ ba, NHTW các nước tăng cường mua vàng bổ sung cho dự trữ ngoại hối.

Giá vàng miếng trong nước tăng và chênh lệch ở mức cao so với giá vàng quốc tế từ 2021 đến nay. Từ mức chênh lệch khoảng trên dưới 3 triệu đồng/lượng giai đoạn 2014-2021, từ cuối năm 2021 tới nay chênh lệch giá so với thế giới tăng cao và có lúc lên tới 18 triệu đồng/lượng. Điều này có nguy cơ tác động đến tâm lý xã hội về ổn định kinh tế vĩ mô, tiền tệ. Nguyên nhân chênh lệch giá vàng ở mức cao so với thế giới là: Giá vàng quốc tế tăng cao; Từ 2014, NHNN không cung thêm vàng miếng SJC; Các kênh đầu tư khác gặp khó khăn; Không loại trừ khả năng tồn tại việc thao túng thị trường, trục lợi, kinh doanh trái pháp luật.

Trước tình trạng này, thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, căn cứ các quy định pháp luật hiện hành, NHNN đã phối hợp cùng các bộ, ngành và các địa phương triển khai tổng thể các giải pháp để xử lý tình trạng chênh lệch giá vàng cao, ổn định thị trường vàng, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô.

Cụ thể, chỉ đạo NHNN các địa phương phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường công tác nắm tình hình, kiểm tra, thanh tra đối với hoạt động kinh doanh vàng tại địa phương.

Yêu cầu các TCTD, các doanh nghiệp được cấp phép kinh doanh mua, bán vàng miếng chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về hoạt động kinh doanh vàng; thực hiện chế độ hóa đơn, chứng từ theo quy định của pháp luật.

Đề nghị Bộ Công an, Bộ Công Thương, Bộ tài chính tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát… theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật như buôn lậu vàng qua biên giới, thao túng, trục lợi… gây mất ổn định thị trường vàng.

Phối hợp chặt chẽ với cơ quan quản lý và các cơ quan báo chí, truyền thông; kịp thời chia sẻ, cung cấp các thông tin về chủ trương, chính sách quản lý thị trường; làm tốt công tác truyền thông về các giải pháp, định hướng của NHNN.

Tổ chức đấu thầu và bán vàng miếng trực tiếp để bổ sung nguồn cung vàng miếng SJC cho thị trường. Bên cạnh đó, phối hợp với các bộ ngành (đặc biệt là Bộ Công an) và chính quyền các địa phương để đảm bảo an ninh trật tự, đảm bảo hiệu quả của các phương án can thiệp.

Với những giải pháp đồng bộ của NHNN và sự phối hợp hiệu quả của các cơ quan chức năng, chênh lệch giữa giá vàng miếng SJC trong nước và giá vàng thế giới quy đổi đã giảm đáng kể (ngày 01/8/2024, chênh lệch khoảng 4,32 triệu đồng/lượng).

Trong thời gian tới, NHNN cho biết sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp để ổn định thị trường vàng.

Cụ thể, sẽ tiếp tục thực hiện các biện pháp cần thiết theo quy định để kiểm soát chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới ở mức phù hợp theo chỉ đạo của các cấp thẩm quyền.

Phối hợp với các Bộ, ngành liên quan quyết liệt triển khai công tác thanh tra, kiểm tra đối với thị trường vàng, hoạt động của các doanh nghiệp kinh doanh vàng, các cửa hàng, đại lý phân phối và mua bán vàng miếng. Trong đó, tập trung nguồn lực để hoàn thành việc thanh tra theo Quyết định số 324/QĐ-TTGSNH2 ngày 17/5/2024 đối với 2 TCTD và 4 doanh nghiệp kinh doanh vàng theo đúng kế hoạch. Kiên quyết đấu tranh làm rõ, xử lý và đề xuất các cấp thẩm quyền xử lý nghiêm đối với các vi phạm, kể cả vi phạm pháp luật hình sự (nếu có).

Chỉ trong 7 ngày, hơn 1 tỷ USD tháo chạy khỏi các quỹ ETF bitcoin

Dòng tiền chạy khỏi các quỹ ETF bitcoin trong bối cảnh hoạt động bán tháo diễn ra mạnh mẽ. Trong vòng 5 tháng qua, bitcoin đã bị thổi bay tới hơn 30% giá trị.

Theo dữ liệu của Farside Investors, hơn 1 tỷ USD đã được rút ra khỏi 11 quỹ ETF bitcoin được niêm yết tại Mỹ trong 7 phiên giao dịch liên tiếp gần đây. Trong đó, phiên hôm qua (5/9) ghi nhận mức rút ròng 211,1 triệu USD và phiên giao dịch ngày 3/9 ghi nhận mức rút ròng 287,8 triệu USD. Quỹ FBTC của Fidelity và quỹ GBTC của Grayscale ghi nhận mức rút ròng lớn nhất trong số các quỹ ETF BTC. 

Dòng tiền đổ vào các quỹ ETF bitcoin giảm mạnh do sự giảm giá của bitcoin thời gian qua. Đồng tiền số này đã đạt mức cao kỷ lục hơn 73.000 USD/BTC vào giữa tháng 3/2024 trước khi quay đầu giảm mạnh do làn sóng bán tháo. 

Sáng nay (6/9), giá BTC có thời điểm đã thủng mốc 56.000 USD/BTC, đang đứng ở mức 56.600 USD/BTC. So với thời điểm giữa tháng 3/2024, BTC đã bị “thổi bay” hơn 17.000 USD/BTC, tương đương mức giảm hơn 30% giá trị.

Cựu giám đốc điều hành BitMEX Arthur Hayes gần đây đã dự đoán rằng Bitcoin có khả năng sẽ quay trở lại mức 50.000 USD.

“Trong trường hợp tốt nhất, Bitcoin sẽ dao động quanh các mức này và trong trường hợp xấu nhất, giá Bitcoin sẽ từ từ giảm xuống mức 50.000 USD", Arthur Hayes đã viết trong một bài đăng trên blog gần đây.

Đồng thời, Arthur Hayes tin rằng, các altcoin đang lao dốc sâu hơn, nghĩa là sự thống trị thị trường Bitcoin có khả năng sẽ tăng lên.

Là kênh đầu tư có mức độ rủi ro rất lớn song tiền số, tài sản số - đặc biệt bitcoin vẫn được đông đảo nhà đầu tư Việt Nam quan tâm.

Theo số liệu từ Chainalysis và đã được đại diện Bộ Tư pháp Mỹ chia sẻ cho thấy đã có tới 120 tỷ USD tiền mã hóa được chuyển vào Việt Nam trong vòng 1 năm, tính tới tháng 6/2023. Đáng chú ý, con số này cao gấp gần 5 lần so với con số 25 tỷ USD vào Việt Nam qua đường FDI.

TS. Phạm Anh Khôi, Phó chủ nhiệm Ủy ban Fintech, Hiệp hội Blockchain Việt Nam cũng cho rằng, thị trường tài sản thực được token hóa (Real World Asset - RWA) là cơ hội quý giá, giúp các quốc gia đang phát triển như Việt Nam có thể tham gia vào thị trường vốn toàn cầu với ưu điểm là kênh dẫn vốn hiệu quả, chi phí thấp cho các Dự án có tài sản thực tại Việt Nam.  

Trên toàn cầu, quy mô thị trường tài sản thực được token hóa dự kiến đạt 16.000 tỷ USD, tương đương 10% GDP toàn cầu vào năm 2030 theo báo cáo của Tập đoàn Tư vấn Boston Consulting Group. Thị trường này thậm chí có thể tăng gấp đôi, lên tới 30.000 tỷ USD trong 4 năm kế tiếp, theo Standard Chartered.

Tại Việt Nam, theo TS. Phạm Anh Khôi, do thiếu hành lang pháp lý quản lý tài sản số, tài sản ảo nên toàn bộ dòng tiền đầu tư vào tài sản số chưa được kiểm soát tốt, gây thất thu về thuế và kéo theo nhiều vấn đề khác như phòng chống rửa tiền, bảo vệ người dùng,...

“Nếu chúng ta sớm có chính sách quản lý chặt chẽ thì thay vì việc đi vào nền kinh tế ngầm chưa được kiểm soát, dòng tiền này có thể sẽ trở thành một động lực tốt giúp thúc đẩy nền kinh tế. Trong đó, lĩnh vực đầu tiên có thể nhận được dòng vốn này chính là RWA do những ưu thế vượt trội của loại hình tài sản này như được đảm bảo giá trị bằng tài sản thực, thanh khoản nhanh và đa dạng hóa danh mục đầu tư”, chuyên gia này khuyến nghị.

Mặc dù vậy, cũng theo các chuyên gia, các nhà đầu tư khi tham gia vào lĩnh vực tài sản số nói chung và RWA cần chuẩn bị kiến thức và hiểu biết về thị trường tài chính, công nghệ và pháp lý, tham vấn các chuyên gia, tổ chức đầu ngành, liên tục đánh giá và cập nhật các rủi ro biến động và pháp lý, lựa chọn nền tảng giao dịch uy tín và đặc biệt là cần có chiến lược đầu tư rõ ràng và đa dạng hóa danh mục để giảm thiểu rủi ro và tối đa hóa lợi ích.  

Tỷ giá bớt áp lực, chính sách tiền tệ duy trì nới lỏng

Áp lực tỷ giá giảm đáng kể trong tháng 8 nhờ sự suy yếu của USD. Chỉ số USD Index (DXY) chạm đáy 13 tháng, khi xuống sát 101 điểm sau khi Fed tuyên bố đã đến lúc điều chỉnh chính sách lãi suất. So với đầu tháng 8, tỷ giá liên ngân hàng đã sụt giảm 1,4%, xuống mức 24.860 VND/USD, đánh dấu mức tăng 2,1% so với đầu năm. Tỷ giá trên thị trường tự do cũng giảm mạnh xuống mức 25.250 VND/USD thời gian này.

Ông Suan Teck Kin, Giám đốc Khối Nghiên cứu thị trường và kinh tế toàn cầu của UOB đánh giá, tỷ giá đã hạ nhiệt và không còn nhiều lo ngại, căng thẳng chỉ còn ở lạm phát. Trong báo cáo công bố hồi đầu tháng 8/2024, UOB dự báo, tỷ giá sẽ xuống 25.100 VND/USD vào cuối quý III, 24.900 VND/USD vào cuối năm và chạm mốc 24.500 vào giữa năm 2025. Tuy nhiên, theo ông Kin, con số sẽ còn thấp hơn, tức là VND sẽ mạnh hơn so với dự báo trước đây của UOB.

Fed cho biết, cơ quan này có thể có đợt cắt giảm lãi suất vào tháng 12/2024 khi các dữ liệu về lạm phát dần tốt hơn. Nếu điều này xảy ra, thì những tác động của thị trường lãi suất Mỹ tới nền kinh tế Việt Nam sẽ diễn ra muộn hơn so với dự tính.

Một tổ chức tài chính nước ngoài đang duy trì quan điểm Fed sẽ có hai lần cắt giảm lãi suất USD, mỗi lần 0,25% vào tháng 9 và tháng 12/2024. Nếu thực tế diễn ra như dự báo này, thì sẽ là cơ sở thuận lợi để các nền kinh tế khác có thể cân nhắc cắt giảm hoặc không cần tăng lãi suất chính sách nữa và áp lực tỷ giá lên các đồng tiền mới nổi cũng giảm bớt.

PSG-TS. Nguyễn Hữu Huân (Trường đại học Kinh tế TP.HCM) cho rằng, việc Fed sớm cắt giảm lãi suất USD hai lần vào cuối năm nay sẽ tác động tích cực và làm giảm áp lực lên tỷ giá, lãi suất VND. Nhưng trước mắt, nhu cầu về vàng còn cao, nhất là trong các dịp cuối năm, cộng với nhu cầu thanh toán, nên tỷ giá chưa thể giảm sâu.

Trong bối cảnh áp lực tỷ giá vơi bớt, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã thực hiện một loạt biện pháp mang tính nới lỏng chính sách tiền tệ. Cụ thể, lãi suất kênh cho vay cầm cố (OMO) đã giảm 25 điểm cơ bản, xuống mức 4,25% vào đầu tháng 8/2024, tăng kỳ hạn từ 7 ngày lên 14 ngày vào phiên 26/8. NHNN cũng giảm lãi suất tín phiếu ba lần trong tháng này với mức giảm tổng cộng là 35 điểm cơ bản, xuống mức 4,15% và dừng phát hành tín phiếu từ phiên 26/8.

Theo nhận định của các chuyên gia phân tích Công ty chứng khoán MB (MBS), những động thái trên cho thấy định hướng của NHNN trong việc hỗ trợ thanh khoản hệ thống nhằm thiết lập một mặt bằng lãi suất liên ngân hàng mới thấp hơn.

NHNN cho biết, đến ngày 26/8, tín dụng toàn hệ thống tăng 6,63% so với cuối năm 2023, thấp hơn nhiều so với chỉ tiêu định hướng đầu năm. Để thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về điều hành tăng trưởng tín dụng linh hoạt, hiệu quả, kịp thời, đáp ứng vốn tín dụng cho nền kinh tế và kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, NHNN chủ động điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho các tổ chức tín dụng; đồng thời tiếp tục triển khai chủ trương về dỡ bỏ dần biện pháp giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng.

Ngày 28/8, NHNN đã có văn bản gửi các tổ chức tín dụng thông báo mức tăng trưởng tín dụng tăng thêm cho các tổ chức tín dụng theo nguyên tắc cụ thể, đảm bảo công khai, minh bạch. Theo đó, kể từ ngày 28/8, tổ chức tín dụng có tốc độ tăng trưởng tín dụng năm 2024 đạt từ 80% chỉ tiêu NHNN đã thông báo đầu năm, sẽ được chủ động tăng thêm dư nợ tín dụng dựa trên cơ sở điểm xếp hạng của tổ chức tín dụng, không cần phải đề nghị.

NHNN yêu cầu các tổ chức tín dụng thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo về hoạt động tiền tệ, tín dụng, các quy định về cấp tín dụng của NHNN, nhằm nâng cao hiệu quả kinh doanh, bảo đảm an toàn hệ thống cũng như ổn định thị trường tiền tệ.

NHNN cũng tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng duy trì ổn định mặt bằng lãi suất tiền gửi và tăng cường triển khai các giải pháp tiết giảm chi phí hoạt động, đơn giản hóa thủ tục cho vay, ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số để giảm lãi suất cho vay; cấp tín dụng đối với khách hàng theo đúng quy định của pháp luật, tăng cường các biện pháp kiểm soát rủi ro tín dụng, đảm bảo chất lượng tín dụng.

Thời gian tới, NHNN khẳng định, tiếp tục bám sát diễn biến thị trường trong nước và quốc tế, sẵn sàng hỗ trợ thanh khoản tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng cung ứng tín dụng cho nền kinh tế và kịp thời có giải pháp điều hành chính sách tiền tệ phù hợp.

Ngân hàng Nhà nước: Có khả năng đạt được mục tiêu tăng trưởng tín dụng 15%

Số liệu tăng trưởng tín dụng cập nhật tại báo cáo phiên họp Chính phủ ngày 7/9 là 7,75%, cùng với các giải pháp trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước tin tưởng có khả năng đạt được mục tiêu tăng trưởng tín dụng 15%.

Trả lời câu hỏi của Báo điện tử Đầu tư - Baodautu.vn về khả năng hoàn thành mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2024, tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 7/9, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú cho biết, báo cáo tại cuộc họp Chính phủ sáng cùng ngày, dư nợ tín dụng đến thời điểm này đã tăng 7,75%, theo số liệu thống kê của Ngân hàng Nhà nước.

Phó thống đốc cho biết, những tháng đầu năm tín dụng tăng trưởng âm, có thời điểm âm tới 2% trong 3 tháng đầu năm. Từ tháng 4 trở đi, tăng trưởng tín dụng khá tích cực, tăng trưởng trong tháng 7, tháng 8 tích cực hơn. So với thời điểm này của năm 2023, tăng trưởng tín dụng mới đạt 5,33% và cuối năm vẫn đạt được con số mục tiêu đặt ra là 13,71%.

Như vậy, với tốc độ cũng như xu hướng chung của nền kinh tế khởi sắc năm nay, tốc độ tăng trưởng trên tất cả các mục được đánh giá là rất tích cực, Ngân hàng Nhà nước tin rằng có khả năng đạt được mục tiêu tăng trưởng tín dụng 15%.

Cũng theo ông Tú, mục tiêu tăng trưởng 15% là con số định hướng trong điều hành, không phải con số áp đặt, nhưng cần tập trung thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, mở rộng đầu tư để góp phần tăng trưởng nền kinh tế. "Ngân hàng Nhà nước ngay từ đầu năm đã đặt ra những nhiệm vụ rất quyết liệt để tăng trưởng tín dụng. Chúng tôi ra hàng loạt giải pháp, biện pháp rất tích cực với kinh nghiệm từ những năm trước cũng như biện pháp của riêng năm nay", Phó thống đốc Đào Minh Tú khẳng định.

Trong đó, việc phân bổ và tạo điều kiện thuận lợi cho tất cả các tổ chức tín dụng ngay từ cuối năm 2023 đã phân bổ hết chỉ tiêu 15% cho tất cả các ngân hàng để các ngân hàng thương mại chủ động trong cấp tín dụng.

Đồng thời đã có các biện pháp để từng bước hạ lãi suất. Số liệu cho thấy lãi suất đã giảm khá tích cực, cụ thể lãi suất cho vay những khoản mới hiện nay trung bình là 6,23%, giảm 0,86% so với cuối năm 2023; lãi suất huy động 3,84%, tăng 0,23%, chủ yếu là một số ngân hàng thương mại nhỏ. "Có thể nói, lãi suất huy động tăng nhưng lãi suất cho vay giảm, chênh lệch đầu vào - đầu ra thu hẹp, đồng nghĩa là các ngân hàng thương mại đã chia sẻ với doanh nghiệp rất nhiều", Phó thống đốc nhận định.

Một yếu tố cũng được ông Tú nhắc tới là tỷ giá ổn định, mức mất giá của đồng tiền đến nay mới chỉ có 1,5%, thấp hơn rất nhiều so với các nước khác. Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục duy trì tỷ giá ổn định, hợp lý và thu hút được vốn đầu tư của nước ngoài.

Theo Phó thống đốc Đào Minh Tú, thanh khoản cho nền kinh tế và thanh khoản các tổ chức tín dụng đồng thời giảm, tức là khả năng cho vay của các ngân hàng thương mại hiện nay, kể cả room tín dụng cũng như nguồn lực, nguồn vốn thanh khoản, đều đủ cho nhu cầu vốn tín dụng. Điều quan trọng lúc này là khả năng hấp thụ nhu cầu vốn vay, cần đẩy mạnh nhu cầu vay vốn và khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp, thông qua nhiều chính sách vĩ mô khác.

Sau khi Luật Tổ chức tín dụng mới có hiệu lực, Ngân hàng Nhà nước đã tháo gỡ rất nhiều hay nói đúng hơn là tinh gọn rất nhiều thủ tục, điều kiện cho các ngân hàng thương mại có căn cứ pháp lý để đẩy mạnh việc cho vay. Bên cạnh đó là ứng dụng công nghệ trong hoạt động tín dụng, tạo điều kiện thuận lợi cho cả người vay cũng như người cho vay.

Về các gói tín dụng lớn, Phó thống đốc cho biết, gói tín dụng cho xuất khẩu thủy hải sản đã giải ngân vượt con số dự kiến 30.000 tỷ, đạt 36.000 tỷ. Sáng nay, Thủ tướng đã có ý kiến chỉ đạo chung, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục tăng số dư của gói này lên dự kiến khoảng 50.000 - 60.000 tỷ.

Đối với gói tín dụng cho nhà ở xã hội 140.000 tỷ đồng (vì có thêm 4 ngân hàng thương mại tham gia) cũng sẽ tiếp tục tăng ưu đãi, giảm lãi suất, thời hạn kéo dài từ 5 năm lên 10 năm để giúp người mua nhà có điều kiện tiếp cận cũng như giải ngân tích cực gói này.

"Với con số dư nợ tín dụng tới thời điểm hiện nay và bằng những chính sách của ngành cũng như chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và sự đồng bộ chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa, chúng tôi hi vọng cuối năm nay mức tăng trưởng tín dụng sẽ tiếp tục góp phần cho việc đạt được mục tiêu tăng trưởng nền kinh tế từ 6,5 đến 7%", Phó Thống đốc khẳng định.

Hơn 1 triệu tỷ đồng chờ bơm ra nền kinh tế: Kích tiêu dùng để đẩy tín dụng

Năm nay, ngành ngân hàng đặt mục tiêu đẩy hơn 2 triệu tỷ đồng ra nền kinh tế, song hiện mới có 900.000 tỷ đồng được bơm ra. Trong bối cảnh sức mua dần cải thiện, nhiều ngân hàng kỳ vọng vào sự tăng trưởng của tín dụng tiêu dùng.

Cùng chiếm khoảng 21% tổng dư nợ cho vay toàn ngành (hơn 3 triệu tỷ đồng), cho vay tiêu dùng và cho vay bất động sản là hai lĩnh vực trọng yếu nhất của các ngân hàng. Trước đây, động lực tăng trưởng của các ngân hàng chủ yếu đến từ bán lẻ, cho vay tiêu dùng. Sau giai đoạn Covid-19, sức mua của người dân suy yếu, tín dụng tiêu dùng tăng trưởng rất chậm.

Tuy nhiên, trong bối cảnh sức mua dần tăng trở lại, các ngân hàng đang kỳ vọng cho vay tiêu dùng sẽ lấy lại vị thế động lực. “Ở các nước phát triển trên thế giới, cho vay tiêu dùng chiếm tới 70% tổng dư nợ. Ở nước ta, cho vay tiêu dùng mới chiếm hơn 20% tổng dư nợ là còn quá thấp”, TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế nhận xét.

Theo các chuyên gia kinh tế, hiện nay, tín dụng nhiều ngân hàng dựa quá lớn vào bất động sản, rất dễ rủi ro. Vì vậy, đẩy mạnh cho vay tiêu dùng là hướng đi cần thiết để đảm bảo sự phát triển bền vững.  

Điều đáng mừng là, cùng với sự phục hồi của nền kinh tế, sức mua của người dân cũng đang dần tăng trở lại. Tín dụng tiêu dùng nhờ đó cũng kỳ vọng được phục hồi. “Từ nay đến cuối năm, tín dụng bán lẻ sẽ phục hồi mạnh, được dẫn dắt bởi tài chính tiêu dùng, thẻ tín dụng và cho vay mua ô tô”, chuyên gia phân tích MBS Research nhận định.

Theo khảo sát của Báo Đầu tư, đang có hơn 30 chương trình ưu đãi với vay tiêu dùng được các ngân hàng tung ra.

Trước đó, cuối tháng 8/2024, Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị 29/CT-TTg về việc kích cầu tiêu dùng, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh và phát triển thị trường trong nước. Theo đó, Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các tổ chức tín dụng nghiên cứu xây dựng các sản phẩm tín dụng, dịch vụ ngân hàng dành riêng cho lĩnh vực tiêu dùng, tăng cường cho vay phục vụ đời sống, tiêu dùng. Đẩy mạnh triển khai cho vay qua các hình thức điện tử, trực tuyến; đơn giản hóa thủ tục vay vốn, vay tiêu dùng, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong tiếp cận vốn vay nhằm thúc đẩy tiêu dùng hàng hóa trong nước sản xuất…

Sau năm 2023 ảm đạm, nửa đầu năm nay, tín dụng tiêu dùng dần khởi sắc, mảng cho vay tiêu dùng của nhiều ngân hàng tăng trưởng khả quan trở lại. Khối công ty tài chính thua lỗ nặng nề trong năm 2023 cũng dần thoát khỏi khó khăn.

Nửa đầu năm nay, lợi nhuận của EVN Finance đã tăng tới 55,5%, HD Saison tăng 91,4%, Home Credit tăng 124,6%. Trong khi đó, một số công ty khác giảm lỗ đáng kể, như Shinhan Finance chỉ còn lỗ 95 tỷ đồng, thay vì mức lỗ 246 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái; FE Credit chỉ còn lỗ hơn 700 tỷ đồng so với mức lỗ hơn 3.700 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái…

Theo báo cáo của FiinGroup, thị trường tài chính tiêu dùng đang bước vào một chu kỳ tăng trưởng mới, sự phục hồi sẽ rõ rệt hơn từ nửa sau của năm 2024. Song, kỳ vọng sẽ có những cơ hội phát triển thị trường này khi nền kinh tế được dự báo tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ. 

Mặc dù tín dụng tiêu dùng đang dần tăng trưởng dương, song theo TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược và Cạnh tranh, tín dụng tiêu dùng muốn tăng trưởng không thể dựa vào ý chí của các ngân hàng, mà phụ thuộc vào sức cầu của xã hội. Vì vậy, muốn kích cầu tiêu dùng và tín dụng tiêu dùng, cần phải hỗ trợ cho cả phía cung, chính là các giải pháp hỗ trợ cho các doanh nghiệp và người lao động. Chỉ khi việc làm và thu nhập của người lao động được bảo đảm, người dân mới an tâm chi tiêu. 

Tương tự, TS. Lê Duy Bình, Giám đốc điều hành Economica Vietnam cho rằng, tín dụng tiêu dùng chỉ có thể tăng trưởng nếu người dân tin tưởng vào thu nhập của mình trong tương lai. “Một khi người dân tin tưởng vào thu nhập của mình trong tương lai, họ sẽ cởi mở hơn trong vay vốn tiêu dùng”, TS. Lê Duy Bình khẳng định.   

Việc ứng dụng dữ liệu công dân cũng khiến các ngân hàng, công ty tài chính tự tin hơn trong cho vay tiêu dùng. Hiện tại, rào cản lớn nhất với cho vay tiêu dùng - ngoài vấn đề sức cầu - chính là khả năng thu hồi nợ.

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó chủ tịch, kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho hay, hiện nay, ngay cả với nợ có tài sản đảm bảo, các ngân hàng còn rất chật vật thu hồi. Do đó, với nợ vay tiêu dùng - đa phần là tín chấp - việc thu hồi nợ với các ngân hàng, công ty tài chính càng khó khăn.

Đây là lý do nhiều ngân hàng “chùn tay”, sàng lọc kỹ khách hàng cho vay, làm ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng tín dụng tiêu dùng. Để thị trường này tăng trưởng bền vững, TS. Nguyễn Quốc Hùng cho rằng, cần có thêm các quy định nhằm tăng trách nhiệm trả nợ của bên đi vay, đảm bảo cân bằng lợi ích của cả bên vay lẫn bên cho vay.

Chủ tịch Sacombank, PNJ thu nhập hơn 700 triệu đồng/tháng

Thu nhập của Chủ tịch HĐQT PNJ và Sacombank lần lượt là 8,8 và 8,6 tỷ đồng trong năm 2023, tương đương hơn 700 triệu đồng/tháng. Đây là mức thu nhập cao nhất giới lãnh đạo doanh nghiệp.

Báo cáo thu nhập của Tổng giám đốc, Chủ tịch HĐQT và thành viên độc lập HĐQT tại các công ty đại chúng mà FiinGroup vừa công bố cho thấy, năm 2023, Chủ tịch Cao Thị Ngọc Dung của PNJ dẫn đầu về mức thu nhập của Chủ tịch HĐQT với 8,8 tỷ đồng (tương đương 733 triệu đồng/tháng). Tiếp theo, Chủ tịch Sacombank Dương Công Minh đứng thứ hai khi nhận về thu nhập 8,6 tỷ đồng.

Trong số 15 doanh nghiệp có thu nhập của Chủ tịch HĐQT cao nhất năm 2023, có sự góp mặt của 4 ngân hàng, ngoài Sacombank còn có TPBank, SeABank và HDBank. Thu nhập của Chủ tịch HĐQT 3 ngân hàng này lần lượt là 6,2 tỷ đồng, 6 tỷ đồng và 5,2 tỷ đồng.

Top 3 doanh nghiệp trả lương cao nhất cho Chủ tịch HĐQT năm 2023 đều thuộc lĩnh vực dịch vụ tài chính. Theo đó, ngoài vị trí quán quân thuộc về PNJ, á quân thuộc về Sacombank, đứng thứ ba là SSI với mức chi trả 7 tỷ đồng cho Chủ tịch HĐQT năm 2023.

Ngoài ra, Chủ tịch HĐQT một số doanh nghiệp khác cũng nhận về mức thu nhập rất cao năm 2023, chủ yếu là lĩnh vực bất động sảnchứng khoán và một số doanh nghiệp sản xuất. Cụ thể, năm 2023, Chủ tịch HĐQT Vinhomes có thu nhập 6,4 tỷ đồng, Chủ tịch HĐQT Nam Long thu nhập 5,1 tỷ đồng, Chủ tịch HĐQT Nhựa Tiền Phong thu nhập 5 tỷ đồng, Chủ tịch HĐQT gỗ An Cường thu nhập 4,7 tỷ đồng…  

Theo FiinGroup, lý do của thu nhập của Chủ tịch HĐQT các doanh nghiệp trên cao hơn phần đông doanh nghiệp còn lại là phần lớn đây đều là doanh nghiệp đầu ngành; Chủ tịch HĐQT cũng tham gia vào một số công tác điều hành và chia sẻ một số phạm vi công việc của vị trí điều hành như CEO.

Riêng trong lĩnh vực ngân hàng, thu nhập của Chủ tịch HĐQT có mối tương quan đáng kể với hiệu quả hoạt động của ngân hàng. Thực tế, Chủ tịch HĐQT ở nhiều ngân hàng đều là Chủ tịch điều hành.

Đáng lưu ý, thu nhập của vị trí Chủ tịch HĐQT không bao gồm giá trị của cổ phiếu thưởng hoặc cổ phiếu theo chương trình quyền chọn dành cho cấp điều hành (ESOP).

Về thu nhập của thành viên độc lập HĐQT, Sacombank và PNJ cũng là hai doanh nghiệp có mức chi trả cao nhất. Năm 2023, thu nhập thành viên độc lập HĐQT của Sacombank là 3,5 tỷ đồng và của PNJ là 3,2 tỷ đồng.

Báo cáo của FiinGroup cũng chỉ rõ, thu nhập bình quân của Chủ tịch HĐQT và CEO doanh nghiệp nhà nước thấp hơn 16-20% so với mức bình quân toàn thị trường.

Được biết, năm 2023, Chủ tịch HĐQT BIDV và VietinBank có thu nhập 2,48 tỷ đồng, Chủ tịch HĐQT Vietcombank nhận về 1,63 tỷ đồng, thấp hơn nhiều thu nhập của các ngân hàng TMCP tư nhân lớn.    

Chuyên gia từ Fiingroup khuyến nghị cần thu hẹp khoảng cách về thu nhập giữa các vị trí điều hành như Tổng giám đốc tại nhóm doanh nghiệp nhà nước sở hữu và doanh nghiệp tư nhân, trong bối cảnh hiệu quả kinh doanh không có sự chênh lệch đáng kể. 

Đây là giải pháp được đánh giá rất quan trọng nhằm cải tổ khối doanh nghiệp có vốn nhà nước.

Bên cạnh đó, việc tách bạch vai trò của hai vị trí Chủ tịch HĐQT và Tổng giám đốc như quy định hiện nay, các doanh nghiệp có thể xem xét việc thiết kế và xây dựng chính sách và cấu trúc thu nhập cho các vị trí chủ chốt này dựa trên nhiệm vụ, phạm vi công việc và các chỉ tiêu đo lường hiệu quả.

Những chỉ tiêu này có thể bao gồm tỷ suất lợi nhuận, hiệu quả sử dụng vốn, tăng trưởng thu nhập cốt lõi/có tính bền vững, cùng với các chỉ tiêu hoàn thành kế hoạch như hiện nay.

Fed giảm lãi suất, thị trường Việt Nam sẽ ra sao?

Tỷ giá trong nước đang hạ nhiệt nhanh chóng khi khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) hạ lãi suất tới gần. Ngân hàng Nhà nước đang có nhiều động tác hỗ trợ thanh khoản hệ thống, nới room tín dụng cho một loạt ngân hàng.

Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế, nếu Fed đưa ra quyết định giảm lãi suất trong tháng 9 này, USD sẽ tiếp tục giảm giá, áp lực với VND sẽ giảm đi, thậm chí có thể tăng giá. Điều này giúp Việt Nam kiểm soát lạm phát tốt hơn, song nhược điểm là xuất khẩu sẽ chậm lại. Tỷ giá và lạm phát giảm, khiến ngân hàng Nhà nước có thể nới lỏng thêm chính sách tiền tệ, tức giảm lãi suất.

Các chuyên gia nghiên cứu Công ty chứng khoán Shinhan cho rằng, Fed giảm lãi suất, Ngân hàng Nhà nước sẽ không phải chịu nhiều áp lực về tỷ giá (khả năng tỷ giá VND/USD chỉ mất giá 0,5-1% trong năm 2025), cho phép Ngân hàng Nhà nước nới lỏng hơn chính sách tiền tệ, hạ thêm lãi suất điều hành. Ngân hàng Nhà nước có thể có thêm công cụ nới lỏng thông qua việc mua USD nhằm tăng dự trữ ngoại hối khi điều kiện thuận lợi. 

“Năm 2024, có thể Fed chỉ giảm nhẹ lãi suất, hơn nữa, Ngân hàng Nhà nước đã nới lỏng chính sách tiền tệ sớm hơn Fed, nên khả năng từ nay đến cuối năm, chính sách tiền tệ sẽ ổn định. Tuy nhiên, sang năm 2025, Fed được kỳ vọng sẽ giảm lãi suất lên tới 1,5%, khi đó Ngân hàng Nhà nước sẽ có dư địa để hạ 0,5-1% lãi suất điều hành trong năm 2025”, chuyên gia phân tích của Shinhan nhận định.

Dù vậy, việc lãi suất điều hành giảm có liên thông với lãi suất trên thị trường hay không lại là vấn đề khó nói.

“Ngân hàng Nhà nước chưa tạo được cơ chế tác động từ lãi suất điều hành tới lãi suất thị trường 1 (dân cư). Lãi suất hai thị trường này chưa liên thông với nhau, không ảnh hưởng trực tiếp như tại thị trường Mỹ. Ví dụ, một số loại lãi suất như lãi suất tái cấp vốn, lãi suất tái chiết khấu… không liên quan gì tới lãi suất thị trường. Thậm chí, từ đầu tháng 8 tới nay, Ngân hàng Nhà nước nhiều lần giảm lãi suất OMO, lãi suất chào thầu tín phiếu, nhưng lãi suất tiền gửi trên thị trường vẫn tăng. Điều này phản ánh cơ chế điều hành lãi suất của Ngân hàng Nhà nước đang có vấn đề”, TS. Lê Xuân Nghĩa nhận xét.

Do tác động truyền dẫn của lãi suất điều hành tới lãi suất thực của nền kinh tế lỏng lẻo, theo chuyên gia này, khả năng giảm lãi suất tiền gửi thời gian tới là khó xảy ra.

Nếu lãi suất cho vay nhích lên theo lãi suất huy động, khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế sẽ bị ảnh hưởng, bất chấp mong muốn nới lỏng của Ngân hàng Nhà nước.

Vốn sẽ kẹt cứng nếu bất động sản vẫn trầm lắng

Không chỉ phụ thuộc vào lãi suất, việc nới lỏng thêm chính sách tiền tệ có thành công hay không, phụ thuộc rất lớn vào khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế. Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, tăng trưởng tín dụng tính đến ngày 28/8 là 6,63% so với cuối năm 2023. Trước đó, tín dụng bật tăng mạnh trong tháng 5 và tháng 6, nhưng lại tăng trưởng âm trong tháng 7. Tín dụng phục hồi nhẹ trong tháng 8 chưa thực sự lạc quan.

“Dòng vốn hiện nay gần như kẹt cứng, không chỉ do lãi suất, mà còn do các yếu tố khác. Ba đầu ra lớn nhất của tín dụng là xuất khẩu, bất động sản và tiêu dùng. Hiện nay, xuất khẩu đã bắt đầu có tín hiệu tích cực, song thị trường bất động sản vẫn đóng băng. Hơn nữa, cho vay doanh nghiệp xuất khẩu cũng phải có tài sản đảm bảo là bất động sản.

Riêng cho vay tiêu dùng có thể không cần tài sản thế chấp, song đẩy mạnh tín dụng lĩnh vực này cũng đang khó khăn khi người dân thắt chặt chi tiêu. Kinh nghiệm cho thấy, cách để ngân hàng đẩy vốn ra nền kinh tế mạnh nhất, nhanh nhất, nhà băng yên tâm nhất là phục hồi thị trường bất động sản”, TS. Lê Xuân Nghĩa thẳng thắn nói.

Cuối tháng 8/2024, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 29/CT-TTg về việc kích cầu tiêu dùng, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh và phát triển thị trường trong nước. Riêng với Ngân hàng Nhà nước, Thủ tướng yêu cầu phải chỉ đạo các tổ chức tín dụng nghiên cứu xây dựng những sản phẩm tín dụng, dịch vụ ngân hàng dành riêng cho lĩnh vực tiêu dùng, tăng cường cho vay phục vụ đời sống, tiêu dùng, trong đó có gói tín dụng 140.000 tỷ đồng.

Theo ước tính của Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS), năm nay, tín dụng toàn hệ thống có thể tăng 12-13% với động lực tăng trưởng đến từ hoạt động sản xuất, xuất khẩu tích cực, thúc đẩy giải ngân đầu tư công, thị trường bất động sản hồi phục rõ nét hơn từ quý II/2024. Cho vay mua nhà vẫn là động lực dẫn dắt tăng trưởng tín dụng bán lẻ trong thời gian tới, khi lãi suất ở mức thấp và thị trường bất động sản dần hồi phục.

PGS-TS. Nguyễn Hữu Huân (Trường đại học Kinh tế TP.HCM) cho rằng, không nên tìm mọi cách để đạt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 15% năm nay. Tín dụng có thể tăng thấp hơn mục tiêu đề ra, miễn là chảy đúng hướng vào sản xuất, kinh doanh.

“Không nên đánh đổi an toàn hệ thống để đạt được mục tiêu tăng trưởng tín dụng bằng mọi giá, nhất là khi nợ xấu đang là nỗi lo thường trực của toàn hệ thống”, ông Huân khuyến nghị.

Chuyên gia UOB: Việt Nam là ngôi sao sáng trong nền kinh tế ASEAN
Đó là nhận định của ông Heng Koon How, Trưởng Bộ phận Chiến lược thị trường, Khối Nghiên cứu Thị trường và Kinh tế toàn cầu, Ngân hàng UOB...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư