Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 28 tháng 03 năm 2024,
Lãnh đạo ngân hàng yếu kém sao không bị xử lý
Hà Tâm - 09/10/2013 09:46
 
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư điện tử - baodautu.vn, TS. Nguyễn Đức Kiên, đại biểu Quốc hội tỉnh Sóc Trăng cho rằng, tái cơ cấu các ngân hàng thương mại thời gian qua đã đi đúng lộ trình. Tuy nhiên, tồn tại lớn nhất là chưa có cơ chế xử  lý những lãnh đạo ngân hàng yếu kém, gây thất thoát tài sản của cổ đông. >>> Thị trường chính thức có thêm nhà băng 100.000 tỷ >>> Hình ảnh đầu tiên về PVcom Bank

Thưa ông, quá trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thương mại đã triển khai được gần 2 năm. Ông đánh giá như thế nào về quá trình này?

Đề án Tái cơ cấu các tổ chức tín dụng (Đề án 254) được chia thành nhiều bước. Trong đó, bước một là xử lý 9 ngân hàng thương mại cổ phần yếu kém. Đến thời điểm này (hết quý III/2013), có thể nói, tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thương mại đã thực hiện xong bước một, theo đúng lộ trình đề ra.

TS. Nguyễn Đức Kiên

Việc sáp nhập, hợp nhất vừa qua không gây ra những xáo trộn lớn, thị trường tiền tệ đã đi vào ổn định. Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng đã đưa Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) vào hoạt động và đến nay, đã hình thành được chợ bán nợ xấu cho các ngân hàng thương mại.

Hệ thống ngân hàng đã làm cho nền kinh tế quen dần với thông tin ngân hàng là phải có nợ xấu, giống như con người thì phải có lúc ốm đau, không có tâm lý hoảng hốt như trước. Đây là một trong những thành công lớn nhất của tái cơ cấu.

Tuy đã đạt được những kết quả ban đầu, song nhiều ý kiến cho rằng, tái cơ cấu ngân hàng thời gian qua chưa đạt được kết quả vững chắc. Ông có tán thành quan điểm này?

Tái cơ cấu ngân hàng mới được triển khai chưa tới 2 năm, nên chưa thể kết luận được là hiệu quả có vững chắc hay không. Nợ xấu không phải hình thành một năm, mà đã hình thành cách đây hàng chục năm. Vì vậy, xử lý nợ xấu mà đòi hỏi phải xong trong vòng một vài năm và không ảnh hưởng đến nền kinh tế là phi thực tế. Tuy nhiên, tôi cho rằng, tồn tại lớn nhất trong tái cơ cấu ngân hàng hiện nay là xử lý trách nhiệm cá nhân những người đứng đầu ngân hàng thương mại cổ phần yếu kém như thế nào, thì chúng ta chưa làm được.

Hiện nay, các cổ đông của ngân hàng thương mại cổ phần đang phải chịu thiệt hại vì một số cán bộ điều hành, hoặc do kém hiểu biết, hoặc do tư lợi cá nhân. Ngay cả nền kinh tế cả nước cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Song chúng ta chưa xử lý được trách nhiệm của những cá nhân này. Trong một nền kinh tế thị trường, như vậy là chưa công bằng.

Vậy theo ông, với những cá nhân điều hành kém, đưa ngân hàng tới tình trạng mất thanh khoản, thì phải xử lý như thế nào?

Tôi cho rằng, trước hết, phải đánh giá lại tài sản của các ngân hàng thương mại yếu kém đó, như ngân hàng này còn bao nhiêu vốn, nếu mất vốn nên không còn đủ vốn điều lệ, thì NHNN đứng ra mua. Khi đó, NHNN đã là cổ đông lớn nhất, nắm quyền điều hành, còn cổ đông lớn của ngân hàng khi đó buộc phải ra khỏi HĐQT.

Việc bỏ tiền ra cứu một số ngân hàng yếu kém, nhưng vẫn cho những lãnh đạo cũ nắm quyền điều hành là không công bằng. Đó là chưa kể, những lãnh đạo này lẽ ra phải bị truy tố vì đã lợi dụng tín nhiệm cổ đông, làm mất vốn, làm mất tài sản của cổ đông. NHNN có thể cho ngân hàng đó không phải phá sản, nhưng là để bảo vệ tiền gửi của dân, chứ không phải để bảo vệ cổ đông đó. Trong trường hợp cần thiết, phải cho phép phá sản ngân hàng yếu kém. Không nên để nền kinh tế phải trả giá vì một số người tư lợi, yếu kém.

Thưa ông, sở hữu chéo chính là một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng yếu kém của các ngân hàng. Theo ông, xử lý sở hữu chéo có phải là trọng tâm tái cơ cấu ngân hàng thời gian tới?

Xử lý sở hữu chéo là vấn đề cấp bách. Tuy nhiên, trọng tâm tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thương mại thời gian tới chưa phải là xử lý sở hữu chéo, mà là xử lý nợ xấu. Bởi với ngân hàng, nhiệm vụ quan trọng nhất là tạo dòng tiền lưu thông trên thị trường như là mạch máu của cơ thể sống.

Nếu nợ xấu làm nghẽn dòng tiền, thì toàn bộ nền kinh tế sẽ bị tê liệt. Ngoài ra, bắt tay vào xử lý nợ xấu sẽ làm lộ ra những ngân hàng nào không có khả năng tự xử lý nợ xấu. Qua đó, NHNN sẽ yêu cầu các cổ đông lớn phải tăng vốn để đáp ứng đủ vốn điều lệ, xử lý nợ xấu. Nếu ngân hàng không đáp ứng được sẽ phải giảm tỷ lệ sở hữu, các cổ đông lớn sẽ mất quyền điều hành, để cho những cá nhân có thực lực tài chính khác tham gia tái cơ cấu. Sở hữu chéo từ đó cũng bị lộ dần và bị triệt tiêu.

Hình ảnh đầu tiên về PVcom Bank
Tuy vẫn nằm trên đề án nhưng không rõ từ lúc nào tấm biển đề tên thương hiệu PVcom Bank đã lặng lẽ dựng lên song song với tấm biển hiệu PVFC...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư