Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Lãnh đạo Trung Quốc: Nền kinh tế chưa có đủ động lực "nội tại"
Đông Phong - 01/05/2023 22:21
 
Các nhà lãnh đạo hàng đầu Trung Quốc cho rằng các động lực nội tại của nền kinh tế vẫn chưa mạnh còn nhu cầu vẫn yếu.
Trung Quốc sẽ tập trung nhiều hơn vào việc thúc đẩy tiêu dùng và ổn định đầu tư. Ảnh: AFP
Trung Quốc sẽ tập trung nhiều hơn vào việc thúc đẩy tiêu dùng và ổn định đầu tư. Ảnh: AFP

Đánh giá trên được đưa ra sau khi Trung Quốc công bố tăng trưởng GDP tốt hơn dự báo khi đạt mức 4,5% trong quý I/2023. Sau đó, một số công ty đầu tư đã nâng dự báo năm 2023 đối với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

"Hiện tại, bước chuyển biến tích cực trong nền kinh tế Trung Quốc chủ yếu là một phần của phục hồi. Các động lực bên trong vẫn chưa đủ mạnh và nhu cầu vẫn yếu", đài CNBC dẫn thông tin từ truyền thông nhà nước Trung Quốc cho biết.

"Chuyển đổi và nâng cấp nền kinh tế phải đối mặt với lực cản mới, và việc thúc đẩy phát triển chất lượng cao vẫn cần phải vượt qua nhiều khó khăn và thách thức", truyền thông Trung Quốc nêu.

Trước đó, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã chủ trì cuộc họp Bộ Chính trị vào ngày 28/4. Cuộc họp nhấn mạnh tới việc nâng cao nguồn thu nhập của người dân, đồng thời cải thiện việc làm, đặc biệt là cho sinh viên tốt nghiệp đại học.

Tỷ lệ thất nghiệp của những người từ 16 đến 24 tuổi tại Trung Quốc đã tăng lên 19,6% trong tháng 3, gần mức cao kỷ lục được ghi nhận vào tháng 7/2022. Tỷ lệ thất nghiệp chung của người dân ở các thành phố vẫn ở mức thấp, trên 5%.

Ông Bruce Pang, Trưởng bộ phận nghiên cứu thị trường Trung Quốc Đại lục tại JLL, cho rằng kết quả cuộc họp Bộ Chính trị không chỉ ra nhiều thay đổi về chính sách tài khóa và tiền tệ.

Ông Pang cho biết cuộc họp tập trung nhiều hơn vào việc thúc đẩy tiêu dùng và ổn định đầu tư. Đáng chú ý, Trung Quốc đặc biệt kêu gọi phát triển hơn nữa các phương tiện giao thông bằng điện, xây dựng các trạm sạc pin và chuyển đổi lưới điện.

Về trí tuệ nhân tạo, giới chức Trung Quốc cho biết nước này “coi trọng” trí tuệ nhân tạo chung, tạo môi trường cho đổi mới sáng tạo và chú ý đến phòng ngừa rủi ro.

Trong quý I/2023, mức độ phổ biến của chatbot trí tuệ nhân tạo ChatGPT gia tăng đáng kể, khiến nhiều công ty ở Trung Quốc sốt sắng với kế hoạch phát triển các sản phẩm tương tự.

Trong tháng 4, Cơ quan quản lý không gian mạng Trung Quốc (CAC) đã công bố dự thảo các quy định về cách thức mà doanh nghiệp phát triển các sản phẩm trí tuệ nhân tạo tạo sinh (Generative AI) như ChatGPT. Đây là những quy định đầu tiên của Trung Quốc đối với sản phẩm trí tuệ nhân tạo tạo sinh - một loại trí tuệ nhân tạo tạo ra dữ liệu mới, dựa trên một tập hợp các dữ liệu hoặc mô hình có sẵn.

Động thái của Trung Quốc nhắm vào công nghệ AI đang phát triển nhanh chóng khi những "gã khổng lồ" công nghệ nước này bắt đầu tung ra các sản phẩm tương tự ChatGPT.

Đơn cử, ngày 11/4, Alibaba đã cho ra mắt Tongyi Qianwen, một sản phẩm AI tạo sinh mà tập đoàn này dự định tích hợp trên nhiều dịch vụ khác nhau.

Còn trong tháng 3, "gã khổng lồ" công cụ tìm kiếm Baidu đã ra mắt bản thử nghiệm của Ernie Bot - một chatbot AI. Theo giới thiệu của Baidu, Ernie là một "mô hình ngôn ngữ lớn" được công bố vào năm 2019. Điều khác biệt giữa Ernie với các mô hình ngôn ngữ khác là sự tích hợp kiến thức sâu rộng với dữ liệu khổng lồ, dẫn đến khả năng hiểu và tạo đặc biệt.

Kinh tế Trung Quốc tăng trưởng 4,5% trong quý I/2023
Kinh tế Trung Quốc tăng trưởng mạnh nhất trong một năm qua với mức tăng trưởng 4,5% trong quý I/2023.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư