Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 03 tháng 11 năm 2024,
Lập hội đồng thẩm định kết quả thanh tra chấp hành pháp luật kinh doanh xăng dầu
Thế Hải - 11/10/2022 12:13
 
Báo cáo kết quả thẩm định do Hội đồng thẩm định lập là một trong các tài liệu để Bộ trưởng Bộ Công thương tham khảo trước khi ký ban hành kết luận thanh tra.
Bộ Công thương quyết định thành lập Hội đồng thâm định
Bộ Công thương quyết định thành lập Hội đồng thẩm định dự thảo kết luận thanh tra việc chấp hành quy định pháp luật kinh doanh xăng dầu của các thương nhân đầu mối. (Ảnh: Một cửa hàng bán lẻ sáng 11/10 vẫn ngừng kinh doanh).

Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên vừa ký quyết định thành lập Hội đồng thẩm định dự thảo kết luận thanh tra việc chấp hành quy định của pháp luật trong kinh doanh xăng dầu của một số thương nhân kinh doanh xăng dầu.

Hội đồng này sẽ thẩm định dự thảo kết luận thanh tra của ba đoàn thanh tra được bộ trưởng Bộ Công thương thành lập từ trước đó vào tháng 2/2022 liên quan tới việc thanh tra 33 doanh nghiệp đầu mối xăng dầu.

Theo quyết định này, chủ tịch hội đồng là ông Nguyễn Anh Sơn, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, và Phó chủ tịch hội đồng là ông Ngô Minh Đức, Phó vụ trưởng Vụ Pháp chế.

Hội đồng thẩm định có nhiệm vụ nghiên cứu, thẩm định dự thảo kết luận thanh tra do các đoàn thanh tra cung cấp; đồng thời Hội đồng này có trách nhiệm tiến hành thẩm định, xây dựng báo cáo kết quả thẩm định và chịu trách nhiệm trước pháp luật và bộ trưởng Bộ Công thương về báo cáo kết quả thẩm định.

Báo cáo kết quả thẩm định là một trong các tài liệu để Bộ trưởng Bộ Công thương tham khảo trước khi ký ban hành kết luận thanh tra.

Thành viên của Hội đồng thẩm định có trách nhiệm tham gia đầy đủ thời gian thẩm định, trường hợp vắng mặt phải được Bộ trưởng Công thương cho phép. Trường hợp chủ tịch Hội đồng thẩm định vắng mặt, Phó chủ tịch Hội đồng chủ trì và ký những tài liệu cần thiết phục vụ việc thẩm định.

Nội dung thẩm định sẽ bao gồm kết luận những nội dung đã tiến hành thanh tra như xác định hành vi vi phạm, hình thức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả, trên cơ sở kết quả các đoàn thanh tra đã kiểm tra, xác minh.

Thời hạn thẩm định trong vòng 10 ngày, kể từ ngày hội đồng thẩm định nhận được đủ dự thảo kết quả thanh tra và tài liệu có liên quan được các trưởng đoàn thanh tra bàn giao. Các đoàn thanh tra có trách nhiệm bàn giao đầy đủ dự thảo kết luận thanh tra và tài liệu có liên quan phục vụ việc thẩm định. 

Trong thời hạn 3 ngày làm việc, tính từ ngày 10/10 Quyết định có hiệu lực, các trưởng đoàn thanh tra xăng dầu phải bàn giao đầy đủ dự thảo kết luận thanh tra và tài liệu có liên quan phục vụ việc thẩm định.

Trường hợp cần thiết, Hội đồng thẩm định làm việc trực tiếp với Trưởng đoàn thanh tra, thành viên đoàn thanh tra để làm rõ thêm nội dung của dự thảo kết luận thanh tra. Trưởng đoàn thanh tra có trách nhiệm xây dựng báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến thẩm định, trình Bộ trưởng Bộ Công thương.

Hội đồng thẩm định tự giải thể sau khi Bộ trưởng Bộ Công thương ký ban hành kết luận thanh tra.

Đầu năm nay, Bộ Công thương đã thành lập 3 đoàn thanh tra chuyên ngành, để thanh tra việc chấp hành pháp luật trong kinh doanh xăng dầu đối với các doanh nghiệp đầu mối. Việc thanh tra được các cơ quan chức năng của Bộ thực hiện bao gồm các nội dung liên quan đến quy định về hoạt động kinh doanh xăng dầu của những doanh nghiệp đầu mối, bao gồm cả hoạt động kinh doanh xuất nhập khẩu, điều kiện phòng cháy chữa cháy, quy định về sở hữu, đồng sở hữu về phương tiện, tàu, kho bể, hệ thống phân phối...

Dù chưa công bố kết luận thanh tra chính thức nhưng Bộ đã thông tin việc xử phạt phạt hành chính và tước giấy phép kinh doanh xuất nhập khẩu xăng dầu với một số doanh nghiệp đầu mối, trong đó có 7 doanh nghiệp xăng dầu đầu mối bị tước quyền kinh doanh từ 1 đến 2 tháng. Ngoài ra còn 5 doanh nghiệp vi phạm bị tước giấy phép 1 tháng, để tránh nguy cơ đứt gãy nguồn cung, Bộ Công thương tạm dừng thi hành quyết định xử phạt này.

Đại diện Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam (Vinpa) cho rằng, trong bối cảnh thị trường xăng dầu thế giới biến động mạnh, việc đưa ra những hình phạt tước giấy phép với doanh nghiệp xăng dầu đáng lẽ nên được đánh giá đầy đủ, kỹ lưỡng trên cơ sở phạm vi tác động, mức độ ảnh hưởng tới cung cầu thị trường.

Thực tế trong những ngày này, thị trường xăng dầu trong nước chuyển biến xấu, tình trạng doanh nghiệp kinh doanh bán lẻ xăng dầu xin đóng cửa hoặc tạm ngừng kinh doanh diễn ra tại nhiều tỉnh, thành phố, người dân khổ sở xếp hàng nhưng thậm chí không mua được xăng dầu, ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống nhân dân và hoạt động sản xuất.

Bộ Công thương lý giải, nguyên nhân chính của hiện tượng trên là do từ cuối năm 2021 đến nay, các chi phí kinh doanh xăng dầu tăng mạnh, các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu không có đủ nguồn tài chính để nhập hàng nên chủ yếu chỉ duy trì lượng hàng đủ để cung cấp cho hệ thống phân phối của doanh nghiệp mình và duy trì lượng dự trữ tồn kho theo quy định.

Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp đã giảm mạnh chiết khấu bán hàng để hạn chế việc lấy nhiều hàng của các đại lý bán lẻ, dẫn đến doanh nghiệp bán lẻ kinh doanh thua lỗ; bão lũ  cũng ảnh hưởng một phần đến việc giao hàng của các doanh nghiệp, dẫn đến gián đoạn hoặc thiếu hụt nguồn cung cục bộ tại một số địa phương.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư