Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Lập nghiệp giữa rừng, phía sau Đèo Chết
Thanh Hương - 03/05/2014 09:12
 
() Không phải là nhà máy thủy điện ra đời sớm nhất ở Việt Nam, song Thủy điện Đa Nhim là nơi đầu tiên được xây dựng với quy mô công nghiệp trong ngành điện. Đây cũng là cái nôi đào tạo cán bộ kỹ thuật cho nhiều nhà máy điện ở khu vực miền Trung - Tây Nguyên.
TIN LIÊN QUAN

Ở lại nơi rừng sâu

Có công suất 160 MW, Nhà máy Thủy điện Đa Nhim được người Nhật Bản khởi công xây dựng ngày 27/2/1962 và hoàn thành ngày 15/1/1964.

   nhà máy Thủy điện Đa Nhim (Đơn Dương, Lâm Đồng).  
 

Cư xá Công ty Thuỷ điện DHD tại Bảo Lộc có nhiều công trình thể thao phục vụ cán bộ, công nhân viên sau giờ làm việc

 

Được xây dựng cách đây hơn 50 năm, nhưng người Nhật đã nghĩ hộ cho những thế hệ sau. Dẫu vẫn chỉ có 4 tổ máy như ngày đầu vận hành, nhưng mặt bằng cho phần mở rộng đã được chuẩn bị sẵn sàng để không phải nổ mìn, bạt núi, gây ảnh hưởng tới công trình đang vận hành yên ổn.

Để đi từ nhà máy chính tới hồ thủy điện Đa Nhim, nằm ở huyện Đơn Dương của tỉnh Lâm Đồng, cách đó 50 km, chỉ có cách duy nhất là vượt đèo Ngoạn Mục. Trước khi hoàn tất nâng cấp vào đầu năm 2014, đèo Ngoạn Mục từng được gọi là “đèo chết”, cho thấy nỗi khiếp sợ của các tài xế.

Nói vậy để có thể hình dung được sự heo hút, khó khăn nơi đây khi được chọn là địa điểm đặt Nhà máy Thủy điện Đa Nhim và lập hồ thủy điện từ 50 năm trước. Bù lại, cho tới tận bây giờ, Đa Nhim vẫn là nhà máy thủy điện có điều kiện thủy văn tốt nhất. Thêm vào đó, với thiết kế cột nước cao, nên mỗi mét khối nước đổ xuống tua-bin nơi đây phát ra điện nhiều hơn hẳn so với bình quân của các nhà máy thủy điện.

Núi cao, rừng thẳm không làm nản lòng người. 50 năm đã trôi qua, nhưng bên trong Nhà máy Thủy điện Đa Nhim vẫn sạch sẽ, tinh tươm. Hồ thủy điện Đa Nhim luôn trong xanh và mát mắt, đẹp hơn cả hồ Tuyền Lâm ở Đà Lạt.

Tuy nhiên, điều ấn tượng nhất có lẽ không phải là công trình thủy điện có điều kiện thủy văn tốt nhất nước, mà là nơi ăn, chốn ở của những cán bộ, công nhân vận hành.

Cư xá của Nhà máy Thủy điện Đa Nhim nằm cách cổng nhà máy chính chừng trăm mét, hoàn toàn tĩnh lặng nơi chân đèo Ngoạn Mục phía Phan Rang. Những cựu cán bộ mà tôi được gặp trong dịp lễ kỷ niệm 50 năm vận hành Nhà máy Thủy điện Đa Nhim hồi đầu năm 2014 cho hay, khi họ nhận nhiệm vụ lên Đa Nhim từ cuối những năm 70 và thậm chí đến tận những năm 90 của thế kỷ trước, nơi đây rừng còn nhiều, nửa đêm nghe tiếng hổ gầm.

Cũng không thể trông đợi nhiều vào sự chi viện từ thành phố, khi đất nước còn nhiều gian khó hồi đó, vả lại, đường sá để vận chuyển hàng từ TP.HCM lên quá xa xôi, hiểm trở, nên những chàng trai, cô gái từ thành phố lên với rừng đã phải tự khai hoang, biết thêm việc trồng lúa, nuôi lợn để có thêm nguồn lương thực cho cuộc sống hàng ngày. Vất vả thế, nhưng dòng điện từ nơi đây vẫn chưa bao giờ ngơi nghỉ, phục vụ nhu cầu của các tỉnh miền Nam ngày ấy.

Nhận nhiệm vụ lên Đa Nhim cũng đồng nghĩa là chấp nhận xa bố mẹ, vợ con, bởi nơi rừng sâu hoang vu ấy, người qua lại còn hiếm, nói chi tìm được trường lớp phù hợp cho con học, hay bệnh viện phục vụ khám chữa bệnh. Những khó khăn cả về vật chất và tinh thần ấy nghe thì không quá khó, nhưng để khắc phục và bám trụ lâu dài, thì không phải ai cũng có thể vượt qua.

Nhưng giữa rừng xanh, núi thẳm ấy vẫn có một góc để họ an tâm, bởi không lo phải ở đậu, ở tạm, hay trăn trở khó ngủ bởi cái lạnh buốt của rừng đêm. Từ cách đây 50 năm, khi xây dựng Nhà máy Thủy điện Đa Nhim, người Nhật đã xây luôn khu cư xá thật khang trang dành cho những người vận hành Nhà máy.

Những háo hức muốn đến ngắm cư xá của Nhà máy Thủy điện Đa Nhim theo lời mời của ông Nguyễn Trọng Oánh, Tổng giám đốc Công ty Thủy điện Đa Nhim - Hàm Thuận - Đa Mi (DHD) đã biến thành sự ngạc nhiên khi tôi được tận mắt chứng kiến.

Những căn nhà chỉ xây 1 tầng nằm rải rác trong khuôn viên cư xá đều có đủ 2 phòng ngủ, phòng khách, phòng bếp... Thậm chí, có cả khu vực thờ cúng bên ngoài theo phong tục địa phương nơi đây.

Được thiết kế chu đáo, những ngôi nhà luôn ấm áp giữa mùa đông, nhưng lại mát mẻ trong mùa hè nhờ những lỗ thông khí tự nhiên. Từ 50 năm trước, người Nhật đã xây dựng cả bể bơi, sân bóng trong khuôn viên cư xá để người lao động nơi đây có chỗ thư giãn tinh thần.

Con đường nội bộ rộng rãi nhìn từ trên cao xuống có hình trái tim, bình yên ôm vào lòng những tiếng thở dài của người thợ về đêm khi chấp nhận xa gia đình để giữ cho dòng điện không ngừng chảy.

“Đẹp như biệt thự đấy, nhưng buồn và thèm khách đến chơi lắm”, ông Oánh nói. Chúng tôi đã có dịp trải nghiệm tâm trạng đó của những người vận hành Nhà máy Thủy điện Đa Nhim khi nghỉ đêm nơi đây. Ở đây, nếu không tự nấu cơm, thì chỉ có duy nhất một quán ăn đơn giản cách khu cư xá vài trăm mét, nhưng cũng phải đặt trước mới có đồ ăn. Còn muốn tìm nơi phố thị sầm uất, thì phải đi hơn chục kilômét đường, mà có khi cả khi đi lẫn về chả gặp ai, nhất là khi chiều đổ bóng.

Giờ còn có sóng điện thoại, mạng Internet với chi phí dễ chịu để giao lưu đỡ buồn, chứ nếu không, khi lên làm việc ở Đa Nhim, anh em chỉ biết vào nhà máy, tan ca thì về nấu cơm ăn, rồi quanh quẩn đi lại trong khuôn viên cho đỡ buồn, trước khi lên giường đi ngủ.

Lo học cho con

DHD không chỉ có cư xá Đa Nhim ấn tượng từ cách đây 50 năm. Cư xá cho phần đông cán bộ, công nhân viên của DHD đặt tại trụ sở chính, nằm ven TP. Bảo Lộc (Lâm Đồng) cũng là một nỗ lực lớn của lãnh đạo Công ty dành cho người lao động.

Sau khi nhận bàn giao từ Ban Quản lý Dự án Nhà máy Điện Hàm Thuận – Đa Mi năm 2000, khu ở cho các chuyên gia và Ban Quản lý dự án đã được DHD chăm chút, cải tạo để tạo chỗ ở đàng hoàng, ổn định.

Giống bao nhà máy thủy điện khác thường đặt ở nơi rừng sâu, đi lại khó khăn để tận dụng lợi thế của thiên nhiên trong việc phát điện, Nhà máy Thủy điện Hàm Thuận và Nhà máy Thủy điện Đa Mi cũng cách TP. Bảo Lộc khoảng 40 km.

Với tính chất của công trình điện, đòi hỏi những kiến thức và trình độ vận hành phải được đào tạo bài bản, việc thu hút chất xám ngay tại địa phương gặp không ít khó khăn. Tổng giám đốc Oánh cho biết, tuổi đời bình quân của người lao động tại DHD hiện nay là 30 - 33. Có tới 80% lao động tại DHD là người ngoại tỉnh, đến từ 40 địa phương trong cả nước, do lao động địa phương hầu như không tuyển dụng được vì không đáp ứng được yêu cầu về trình độ kỹ thuật.

Khu cư xá của DHD nhìn thật bắt mắt với những dãy nhà sơn màu vàng, đỏ, nổi bật, cộng thêm những khu vui chơi, giải trí nhỏ. Các gia đình cán bộ, công nhân sống tại đây cũng bỏ công sức để vạt đất quanh nhà nở đầy hoa hay mát mắt với màu xanh cây lá để có cái mà ngắm, mà thư giãn sau những giờ làm bạn với những tổ máy ì ầm.

Để hút những người trẻ tuổi, có trình độ ở nơi khác ở lại vận hành các nhà máy thủy điện giữa rừng heo hút, ngoài việc đảm bảo thu nhập ổn định, thì việc tạo dựng nơi ăn, chốn ở đàng hoàng là không thể thiếu. “Có vậy, các chất xám trẻ mới yên lòng ở lại, gắn bó lâu dài với doanh nghiệp”, ông Oánh nói.

Những chiếc xích đu làm từ lốp xe, cầu trượt xi măng cho con trẻ chơi đùa, hay vài thiết bị thể thao đơn giản, rồi sân tennis, sân bóng đá mini trong khuôn viên cư xá được miễn phí đấy, nhưng đâu dễ xua đi nỗi buồn xa xứ của người lao động nơi đây.

Dù sẵn phương tiện để giải trí, nhưng đâu phải lúc nào cũng có thời gian tận hưởng. Trong vòng xoáy khó khăn của kinh tế, DHD đã cổ phần hóa, nên cũng phải bươn chải để có nhiều việc, giúp người lao động tăng thêm thu nhập. Chả vậy mà dù quản lý tới 4 nhà máy thủy điện có tổng công suất tới 642 MW, bao gồm 13 tổ máy, nhưng DHD chỉ có 270 người.

Đạt được hiệu quả như vậy là nhờ áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, kết nối Internet đến tận từng tổ máy, giúp lãnh đạo doanh nghiệp dễ dàng điều hành, quản lý công việc, đồng thời giảm được số nhân sự phải trụ lại những nhà máy giữa rừng.

“Có gia đình ở đây thì đỡ buồn, chứ một mình thì buồn lắm”, Việt Anh, Trưởng phòng Hành chính của DHD, người miền Bắc vừa qua tuổi 30 cho hay. Nhưng bên cạnh niềm vui có vợ, con ở bên, thì những ông bố, bà mẹ mà tôi có dịp chuyện trò bên sân chơi của con trẻ sau giờ tan tầm cũng thấp thoáng nỗi lo tìm chỗ học có chất lượng khi con vào tuổi lớn. Học ở Bảo Lộc thì gần đấy, nhưng sao so được với thầy cô, trường lớp ở thành phố lớn. Nếu gửi con về TP.HCM thì phải nhờ họ hàng, bạn bè hay chấp nhận cho con ở nội trú.

Thực tế tuyển dụng nhân lực vào làm việc tại DHD hiện nay cũng là minh chứng rõ ràng nhất cho mối âu lo của những ông bố, bà mẹ đang công tác nơi đây. Vì tương lai, nên có những gia đình ở DHD đã chấp nhận vợ chồng mỗi người một phương để lo sự học cho con.

Sự thiệt thòi như vậy khó có vật chất nào bù đắp được…

TIN LIÊN QUAN
EVN muốn giữ lại hai nhà máy Bản Chát và Huội Quảng
Ngăn sông Mã đợt 1 dự án thủy điện Trung Sơn
Những trăn trở, lo âu từ diễn đàn Quốc hội

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư