Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Lễ hội Hoa phượng đỏ - Hành trình lan tỏa
Nga Quỳnh - 11/05/2024 09:28
 
Lễ hội Hoa phượng đỏ là sự kiện thường niên về văn hóa, du lịch riêng có của thành phố cảng, từ đó giới thiệu hình ảnh, xây dựng thương hiệu, góp phần nâng cao vị thế, uy tín của Hải Phòng ở trong nước và quốc tế.
Lễ hội Hoa phượng đỏ Hải Phòng 2023 đánh dấu một thập niên của lễ hội.  Ảnh: Hồng Phong

Sẽ là một sân khấu của nghệ thuật hiện đại

Chương trình nghệ thuật Khai mạc Lễ hội Hoa phượng đỏ - Hải Phòng 2024 với chủ đề “Hải Phòng - Bừng sáng miền di sản” sẽ bắt đầu vào lúc 20h00 ngày 11/5. Đây là hoạt động có ý nghĩa thiết thực chào mừng kỷ niệm 69 năm Ngày giải phóng Hải Phòng (13/5) và các sự kiện lớn trong năm 2024 của đất nước và Thành phố.

Đặc biệt, chương trình năm nay được tổ chức nhân dịp TP. Hải Phòng tự hào, phấn khởi đón nhận danh hiệu Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà do UNESCO vinh danh. Đây sẽ là cơ hội để Thành phố quảng bá sâu rộng, lan tỏa hơn nữa đến du khách trong nước và quốc tế về quần đảo Cát Bà - kho báu thiên nhiên trên biển với những giá trị hết sức to lớn.

“Chương trình là sự giao thoa sống động giữa truyền thống và hiện đại, những nguồn ánh sáng từ các vùng, miền trên khắp Việt Nam sẽ cùng hòa nhịp và tô thắm, làm rực rỡ Lễ hội Hoa phượng đỏ năm nay. Lễ hội Hoa phượng đỏ - Hải Phòng 2024 cùng các hoạt động quảng bá về Di sản thiên nhiên thế giới Quần đảo Cát Bà, tiếp tục khẳng định quyết tâm xây dựng TP. Hải Phòng trở thành điểm hẹn văn hóa của nhiều vùng, miền, quốc gia và trở thành một điểm đến nổi bật trong khu vực”, bà Trần Thị Hoàng Mai, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hải Phòng cho biết.

Như vậy, Lễ hội Hoa phượng đỏ đã bước sang lần thứ 11. Giờ đây, Lễ hội đã trở thành sự kiện văn hóa quen thuộc của nhân dân và du khách khi đến với thành phố cảng mỗi dịp tháng 5 về. Chương trình năm nay dự kiến có nhiều điểm khác biệt, mang đến những trải nghiệm độc đáo và những xúc cảm mới mẻ đến từ địa điểm tổ chức, công nghệ hiện đại, với cách thức dàn dựng nghệ thuật đầy sáng tạo, các nghệ sĩ tham gia thể hiện được vẻ đẹp kiêu hãnh của một miền di sản đang bừng sáng.

“Chương trình lần đầu tiên được tổ chức tại Trung tâm Chính trị - Hành chính TP. Hải Phòng - công trình đánh dấu một mốc son trong sự nghiệp xây dựng và phát triển Thành phố, một biểu tượng của sự phát triển, mở rộng quy mô của Thành phố trong thời kỳ mới”, ông Lê Khắc Nam, Phó chủ tịch UBND TP. Hải Phòng - người nhận nhiệm vụ “chỉ huy” trong suốt chặng đường tổ chức lễ hội những năm qua.

Điểm khác biệt đầu tiên của lễ hội năm nay là yếu tố ấn tượng thị giác. Khán giả sẽ được chiêm ngưỡng sự vận động liên tục của chuỗi hình tượng liên đới có cùng cấu tứ khởi nguồn từ ánh sáng, đó là “mặt trăng - hải đăng - mặt trời”. Câu chuyện ánh sáng đồng hiện với câu chuyện về một vùng đất luôn tỏa sáng theo dòng thời gian. Điểm khác biệt này được thể hiện bằng sự kết hợp giữa công nghệ hiện đại và sự tinh tế trong việc khắc hoạ hình tượng văn học.

Điểm khác biệt tiếp theo là một sân khấu vô cùng đặc biệt, được lấy cảm hứng từ hình tượng bông hoa phượng bừng nở, với từng cánh hoa được thiết kế nổi bật, uốn cong mềm mại, vươn toả, tạo cảm giác vô cực, kết hợp được yếu tố “thực cảnh”, ứng dụng được nhiều thủ pháp thể hiện mới (chuyển động sân khấu 360, thay đổi hình ảnh liên tục trên các không gian tương hỗ xung quanh, dàn dựng được nhiều lớp diễn viên trên sân khấu trong những phần hoạt cảnh…). Khán giả ngồi ở bất cứ vị trí nào cũng có thể hình dung được hình tượng xuyên suốt mà chương trình muốn khắc họa, đó là “cánh phượng rực sáng”.

Lễ hội Hoa phượng đỏ - Hải Phòng 2024 với chủ đề “Hải Phòng - Bừng sáng miền di sản” sẽ khai mạc vào lúc 20h00 ngày 11/5.

Đây là hoạt động có ý nghĩa thiết thực chào mừng kỷ niệm 69 năm Ngày Giải phóng Hải Phòng (13/5) và các sự kiện lớn trong năm 2024 của đất nước và Thành phố.

Chương trình sẽ vẽ nên vẻ đẹp lung linh, kiêu hãnh của miền di sản bằng ánh sáng, công nghệ visual 3D..., thể hiện sức sáng tạo không giới hạn của các nghệ sĩ trên nền tảng cốt lõi là các giá trị di sản dân tộc và nhân loại, tạo nên một làn gió mới, cách tiếp cận và biểu đạt mới, thu hút sự theo dõi của đông đảo du khách Việt Nam và quốc tế.

Những nguồn sáng vốn luôn tiềm ẩn, lan tỏa tại mảnh đất Hải Phòng và sẵn sàng bừng sáng trong những ngày tháng 5 rực rỡ. Với chủ đề “Bừng sáng miền di sản”, chương trình năm nay được tạo nên từ cảm hứng của một vùng đất cảng tươi đẹp, hội tụ di sản của thế giới và kỳ vọng sẽ lan tỏa nguồn ánh sáng đa sắc đến với nhân dân, du khách trong nước và quốc tế khi đến với Hải Phòng.

Hải Phòng - Bừng sáng miền di sản

Sau phần nghi lễ đón nhận bằng di sản với quãng thời gian 55 phút, Lễ hội sẽ đưa 18.000 khán giả tham dự trực tiếp và khán giả cả nước đến 3 chương, với nhiều bất ngờ, cảm xúc.

Chương mở đầu là “Khúc nguyệt cầm của biển”, với hình tượng chủ đạo là ánh trăng huyền thoại. Mặt trăng cũng gợi nhắc đến thủy triều - một hiện tượng thiên nhiên đặc biệt quan trọng với cư dân vùng biển. Mặt trăng còn đại diện cho vẻ đẹp lãng mạn, huyền ảo của màn đêm. Dưới ánh trăng, những truyền thuyết, huyền tích của lịch sử TP. Hải Phòng sẽ được tái hiện. Dưới ánh trăng, vẻ đẹp lãng mạn của một vùng biển mênh mang sóng nước, của vùng đảo ngọc cũng hiện lên trong mối giao cảm của đất trời và tâm hồn con người. Đây là những cảm quan để dẫn dắt, gợi mở người xem khi nói về quá khứ lịch sử hào hùng cũng như di sản thiên nhiên đã tồn tại ở nơi đây từ bao đời nay.

Khán giả sẽ trôi theo cảm xúc của quá khứ, huyền thoại để đến chương 2 là “Hải Phòng - Rạng rỡ tháng Năm”. Với ngọn Hải đăng Long Châu là hình tượng chủ đạo, đạo diễn muốn nói đến những ý nghĩa về lịch sử và thời đại của thành phố cảng biển Hải Phòng. Hải đăng “mắt ngọc Long Châu” không chỉ gợi lên vẻ đẹp lung linh, huyền ảo của ngọn hải đăng, mà còn thể hiện vai trò quan trọng trong việc bảo đảm an toàn hàng hải. Nơi đây được xem là tiền đồn canh trấn vào cửa biển Hải Phòng, giữ vai trò quan trọng trong chiến lược biển đảo của nước ta. Suốt hơn một thế kỷ kể, từ năm 1894, Hải đăng Long Châu, ngọn hải đăng cổ xưa, vẫn sừng sững giữa biển trời Cát Hải, ngạo nghễ soi đường cho hàng vạn tàu, thuyền xuôi ngược trên vùng biển vịnh Bắc bộ và ngoài khơi của Việt Nam.

Nằm giữa khung cảnh thiên nhiên hoang sơ, hùng vĩ của đảo Long Châu, Hải đăng Long Châu như một nét chấm phá nổi bật giữa biển trời, bất chấp mọi khắc nghiệt của thiên nhiên, hiên ngang vượt qua sự mài mòn của thời gian, của hàng ngàn trận bão. Dù ở thời chiến hay thời bình, ngọn đèn ấy và tình yêu quê hương của người Hải Phòng luôn bất biến, tỏa sáng, soi rọi những giá trị vẻ vang mà lớp lớp thế hệ người dân nơi đây kiến tạo, dựng xây. Đó cũng là nguồn sáng chỉ lối cho cán bộ và nhân dân Hải Phòng tiến đến vinh quang, đạt được những thành tựu đáng nhớ trong năm 2023 và trong những hành trình phía trước.

Và “Hải Phòng - Bừng sáng miền di sản” là chương cuối của đêm nghệ thuật, với hình tượng chủ đạo là mặt trời khát vọng. Mặt trời là biểu tượng của sự sống, của nguồn sáng vô tận, rực rỡ nhất, soi sáng cho nhân gian. Mặt trời khát vọng  thể hiện những khát vọng mãnh liệt của một thành phố trước bình minh mang vận hội, thời cơ mới với những định hướng, tầm nhìn chiến lược, mở ra cánh cửa bước vào tương lai đầy hứa hẹn cho thành phố cảng. Và ánh sáng đó sẽ bừng chiếu rực rỡ, hòa chung sắc phượng thắm, mang đến tinh thần lạc quan, tràn đầy khí thế để những người con của Hải Phòng cũng như những ai nặng lòng với mảnh đất này cùng chung tay kiến thiết, tạo dựng những thành quả tự hào cho nơi đây trên hành trình phát triển phía trước.

Sau đó là màn bắn pháo hoa tầm cao rực rỡ. Một đêm hội lung linh, huyền ảo, mãn nhãn và cuốn hút.

Hải Phòng trưng bày 21 bảo vật quốc gia dịp Lễ hội Hoa Phượng Đỏ 2024
Nhân dịp Lễ hội Hoa Phượng Đỏ Hải Phòng năm 2024, từ 11/5 đến hết tháng 12/2024, Thành phố sẽ trưng bày khoảng 300 hiện vật trong bộ sưu tập...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư