Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 24 tháng 04 năm 2024,
Lê Nguyễn Quốc Văn, Giám đốc Công ty TNHH MTV Lê Gia: Chọn cách làm mới món ăn vặt
Hồng Phúc - 05/11/2018 11:33
 
Kiên Giang không chỉ nổi tiếng với đảo ngọc Phú Quốc, hay quần đảo Nam Du, mà còn có đặc sản là đệ nhất khóm (dứa) Nam Bộ, gắn với địa danh cù lao Tắc Cậu thuộc xã Bình An, huyện Châu Thành. Tự hào về sản phẩm bản địa, Lê Nguyễn Quốc Văn kỳ vọng có thể tăng thêm giá trị cho nông sản địa phương, bắt đầu với khóm sấy Tắc Cậu.

Nữ hoàng của mọi loại khóm

Lê Nguyễn Quốc Văn bắt đầu khởi nghiệp khi thành lập Công ty TNHH MTV Lê Gia, với thương hiệu khóm sấy mộc Lê Gia.  

Lê Nguyễn Quốc Văn với sản phẩm khóm Tắc Cậu sấy mộc
Lê Nguyễn Quốc Văn với sản phẩm khóm Tắc Cậu sấy mộc

Theo Quốc Văn, khóm được phân thành ba nhóm chính. Nếu khóm Tây Ban Nha (Spanish hay Red Spanish) có thịt quả vàng, phớt nắng, vị chua và nhiều xơ, thì khóm Cayen (Smooth Cayenne) dù chất lượng cũng chưa được đánh giá cao, nhưng được trồng nhiều để làm thực phẩm chế biến nhờ trái to. Trong khi đó, nhóm được đánh giá có phẩm chất cao nhất là khóm Hoàng hậu (Queen) mà cù lao Tắc Cậu trồng, hội tụ nhiều ưu điểm như thịt quả màu vàng đậm, thơm đặc trưng, vị ngọt. Loại khóm này có khối lượng và độ lớn trung bình từ 500 - 900 gr. 

Vùng đất Tắc Cậu bị chia cắt với khu vực thị trấn bởi con sông Cái Bé và Cái Lớn, tạo thành ốc đảo. Người dân địa phương chọn cách sống chung với địa hình trũng thấp, để gắn bó với mô hình 3 tầng giữa dừa, khóm và cau. Quốc Văn vẫn nằm lòng với câu nói: “Trên dừa, dưới khóm, giữa hàng cau xanh” của người dân địa phương khi chỉ về vùng trồng xen canh với dừa và cau từ những năm 1950. 

“Tắc Cậu mỗi năm có 4 tháng nước bị nhiễm mặn, nhiều hơn các khu vực liền kề khác. Nhưng điều này cùng với các điều kiện tự nhiên khác như phù sa, đất phèn… giúp trái khóm có một vị ngọt đậm đà và hương thơm rất riêng”, Quốc Văn nói.

Trước khi Quốc Văn thành lập Công ty Lê Gia, hơn 1.000 ha trồng khóm ở đây luôn phải đối mặt với câu chuyện được mùa rớt giá. Khi ấy, để đỡ phải phụ thuộc vào thương lái, người dân buộc phải mang khóm ra ven đường bán lẻ, hoặc chở đến Phú Quốc bán cho khách du lịch. 

Chọn cách chế biến cho sản phẩm tươi với khóm sấy, bánh khóm… là một phương pháp giải quyết vấn đề trên, mà Công ty Lê Gia thực hiện. 

Quốc Văn không phải là người đầu tiên nghĩ ra cách sấy sản phẩm, bởi bất cứ ai cũng có thể mua loại máy sấy mà Quốc Văn đang dùng. Tuy nhiên, với khóm, mỗi thời điểm sau thu hoạch đều có công thức sấy khác nhau. Điều này cần thời gian và sự tỉ mỉ của người thợ để thay đổi nhiệt độ, số lượng nguyên liệu đầu vào cho mỗi mẻ sấy. 

“Theo lý thuyết của nhà sản xuất máy, khóm sấy trong 18 tiếng với nhiệt độ 65 độ C, nhưng kết quả không đạt như ý mình muốn. Khóm là một loại trái cây có lượng nước rất nhiều, do đó, để sấy thành phẩm cần rất nhiều tinh chỉnh”, Quốc Văn cho biết. 

Không thể đếm hết số khóm sấy không đạt chất lượng, cho đến khi định bỏ cuộc thì “trời thương” nên mẻ ấy giúp Quốc Văn chọn ra công thức phù hợp. Hiện, chàng trai này nằm lòng 3 công thức áp dụng vào 3 mùa thu hoạch khóm, với lượng nước và lượng đường khác nhau.

Trung bình, Quốc Văn cần khoảng 10 kg khóm tươi để có 1 kg khóm sấy thành phẩm. Và công suất trung bình mỗi tháng của xưởng có thể tạo ra 500 kg. Tuy nhiên, cái khó trong kinh doanh mặt hàng này lại nằm trong sự quyết định của người tiêu dùng

Tận dụng từ gốc đến ngọn

Mỗi tháng, Công ty Lê Gia mua khoảng 4 tấn khóm tươi, từ 12 hộ dân, canh tác trên diện tích gần 20 ha. Sản lượng này không chỉ dùng làm nguyên liệu cho sấy, mà còn bán tươi cho một số chuỗi cửa hàng thực phẩm an toàn tại TP.HCM. 

Để đảm bảo chất lượng cho những mẻ khóm sấy, Quốc Văn luôn mua khóm cao hơn giá thị trường từ 500 - 1.000 đồng/trái, cho dù giá sản phẩm này có khi chỉ khoảng 2.000 đồng/trái. 

Vinamit có thể là thương hiệu đầu tiên được nhắc đến khi nghĩ về các món trái cây sấy, bằng phương pháp sấy dẻo hay sấy lạnh… còn Quốc Văn vẫn miệt mài với sấy mộc.

Theo Quốc Văn, sấy mộc là kỹ thuật không có bất kỳ tác động nào đến nguyên liệu, chỉ sơ chế, cắt gọt trước khi sấy. Do đó, sản phẩm cũng không cần sử dụng dầu, hay tẩm thêm đường để sấy. Quốc Văn cũng kiên định áp dụng phương pháp không đường, hay bất cứ phụ gia nào cho những sản phẩm sấy sau này như xoài Cát Chu. 

Khi giải được công thức sấy, những sản phẩm khởi nghiệp như khóm sấy Lê Gia lại phải tìm cách chinh phục thị trường. 

Quốc Văn đã lập trang web và Facebook để quảng bá cũng như bán trực tiếp sản phẩm. Thiết kế bao bì cũng được chăm chút, hay cách tạo một biệt danh khác cho khóm sấy là món ăn vặt vạn người mê cũng giúp tăng trưởng doanh số bán hàng đến giới văn phòng tại TP.HCM. Điều này cộng với những đơn hàng bán sỉ thăm dò thị trường nước ngoài giúp Lê Gia duy trì được dòng tiền dương. 

Lá khóm có thể dệt làm vải, hay thân (được gọi là củ hũ khóm) thì chế biến thành gỏi, nguyên liệu làm bánh xèo, mỹ phẩm… Riêng với trái khóm không chỉ ép, sấy, còn có thể sản xuất nước màu trong kho cá, thịt. Quốc Văn mở màn với khóm sấy và kỳ vọng vào các sản phẩm kế tiếp trong thời gian tới.

“Qua năm nay, chúng tôi dự định sẽ ra sản phẩm mới là khóm ngâm nước đường. Nhiều đơn vị đã làm sản phẩm này và xuất khẩu, nhưng hầu hết đều sử dụng trái chưa đạt tuổi chín, để sản xuất không hao hụt cũng như thu mua dễ dàng. Tôi muốn làm ngược lại để đảm bảo mỗi miếng khóm ngâm đều được cắt lát từ những trái khóm chín”, Quốc Văn nói.

Cũng theo Quốc Văn, nhu cầu từ các cửa hàng hay người dùng rất nhiều, nhưng các chi phí trong quá trình đưa sản phẩm đến tay người dùng một cách nhanh và thuận tiện nhất như tiếp thị, vận chuyển, phân phối… lại rất khó khăn với những cá nhân chỉ mới bắt đầu khởi nghiệp như Văn. Tuy nhiên, Quốc Văn không nản chí, bởi theo anh, muốn thành công không phải ngày một ngày hai, mà phải mất một quá trình dài, như Công ty Vinamit phải hơn 30 năm gây dựng, mãi đến năm 2005, người tiêu dùng Việt Nam mới biết đến thương hiệu này.

Khởi nghiệp để thoát khỏi vùng an toàn
Sự phát triển mạnh mẽ của những ý tưởng tuyệt hảo đã giúp thế giới xuất hiện nhiều start-up kỳ lân (Unicorn). Đã đến lúc thế giới, trong...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư