Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Khởi nghiệp để thoát khỏi vùng an toàn
Thu Phương - Anh Hoa - 13/10/2018 14:37
 
Sự phát triển mạnh mẽ của những ý tưởng tuyệt hảo đã giúp thế giới xuất hiện nhiều start-up kỳ lân (Unicorn). Đã đến lúc thế giới, trong đó có Việt Nam phải tìm ra một mốc mới cao hơn để đánh giá được tiềm năng và giá trị của những start-up “khủng” này.

Mơ ước “tái định hình nền kinh tế

Khoảng 1 năm trở lại đây, Thung lũng Silicon (Mỹ) bao trùm một cảm giác lạ lẫm. Ở khắp nơi trên thế giới, các thành phố lớn như Denver (Mỹ), Toronto (Canada), Berlin (Đức)… đều muốn trở thành một “thung lũng Silicon mới”.

Nhưng bên trong nơi này, người ta cảm nhận sâu sắc việc thời vàng son của các start-up đã qua. Trong khi đó tại Việt Nam, cụm từ start-up vẫn nổi lên cuồn cuộn mỗi ngày như thời của nó đã đến.

.

Những sinh viên mới tốt nghiệp ngành kỹ thuật và kinh doanh, thậm chí các ngành xã hội đều mơ ước tạo ra một Facebook, Uber, Grab... mới ở Việt Nam và khu vực. Gần như mọi thành phố lớn đều tự hào có một hoặc nhiều “vườn ươm” start-up. Họ mơ ước “tái định hình nền kinh tế”, trở thành những chú kỳ lân (Unicorn) được định giá 1 tỷ USD trở nên, thậm chí là những chú kỳ lân nhiều sừng định giá lên tới 10 tỷ USD, như Dropbox (10 tỷ USD), Pinterest (11 tỷ USD), SpaceX (12 tỷ USD), Airbnb (31 tỷ USD), Uber (68 tỷ USD)…

Unicorn khó nắm bắt, đôi khi còn tạo ra bong bóng. Rất nhiều start-up phát triển với một nền tảng bền vững chứ không thổi bong bóng.  

Nuôi start-up kỳ lân

Việt Nam không muốn đứng ngoài cuộc chơi khi tổng giá trị giao dịch qua Internet tại Đông Nam Á ước đạt 200 tỷ USD vào năm 2025, tương đương 6% tổng GDP khu vực theo dự báo của Google và Quỹ Temasek. Đây là nền tảng thuận lợi, là thị trường đủ lớn cho đổi mới, đầu tư, phát triển các mô hình kinh doanh mới ở Đông Nam Á cũng như Việt Nam.

Trong đó, môi trường start-up ở Việt Nam đã thay đổi rất nhiều. Thống kê của Echelon (Singapore), một tạp chí online lớn về khởi nghiệp ở Đông Nam Á cho thấy, Việt Nam hiện có khoảng 3.000 start-up, trong đó có nhiều tên tuổi đáng chú ý như Momo, F88, GotIt! Vntrip.vn, Toong, Foody, Tiki, Topica, Appota, Vicare, Rikkeisoft, WeFit, Kyber Network, Metub…

Năm 2017, Việt Nam tiếp nhận 92 thương vụ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo, với tổng vốn hơn 291 triệu USD, tăng gần gấp đôi về số lượng và gần 50% về tổng số vốn so với năm 2016. Hiện có khoảng 40 quỹ đầu tư có hoạt động tại Việt Nam, nhưng phần lớn là quỹ của nước ngoài. 

Khởi nghiệp tạo được công ăn việc làm và trên hết là vì những giấc mơ luôn là những điều tuyệt vời với các start-up.

Tuy vậy, Việt Nam mới chỉ nổi lên một start-up Unicorn kỳ lân là VNG, trong khi các nước trong khu vực có khá nhiều. Như Grab (Malaysia), Go - jek, Traveloka, Tokopedia (Indonesia); Sea, Lazada (Singapore)… Và họ đã giành chiến thắng trong cuộc cạnh tranh với công ty khổng lồ từ nước ngoài. Vậy nên, có lẽ mục tiêu của Việt Nam là sẽ tìm được những công ty tiềm năng và đồng hành phát triển để sớm có nhiều start-up Unicorn.

Tuy nhiên, nếu không có người sẵn sàng đầu tư và chấp nhận rủi ro từ lúc startup chưa có gì thì rất khó để tạo ra những doanh nghiệp trị giá triệu USD hay tỷ USD.

Start - up mang đến hướng đi và luồng suy nghĩ tươi mới, trong khi các ông lớn thường bị đình trệ theo cách làm việc cũ rích. Thế nhưng, không khó để nhận ra rằng, các ông lớn thường tích lũy được nhiều quyền lực hơn theo thời gian nhờ cuộc cách mạng công nghiệp bùng nổ, khiến start- up ngày càng khó để cạnh tranh. Thực tế là, khi các start- up vươn tầm bắt đầu lớn, thì các ông lớn đã để ý và lên kế hoạch thâu tóm. 

Không nhốt mình vào những cuộc chiến thắng - thua

Bất chấp những điều đó, các start-up Việt vẫn… liều mạng vì không có gì để mất. Và quan trọng là họ muốn làm chủ bản thân, muốn làm việc đúng sở thích ở bất cứ đâu, bất cứ khi nào và làm việc với người mình mong muốn.

Đặc biệt, họ muốn được thử thách. Có lẽ đây là điểu khiến nhiều người trẻ thích khởi nghiệp nhất. Trong khi đi làm thuê là “vùng an toàn” khi nhận lương đều đều hàng tháng. thì việc phải điều hành một công ty, phải lo tiền lương cho nhân viên của mình là thử thách lớn với những star-up. Song nhiều start-up cho rằng, quá trình đi tìm vốn thay vì làm việc, nhận lương đều đều hàng tháng sẽ giúp họ học hỏi được rất nhiều điều.

Cuối cùng, việc khởi nghiệp nhằm kiếm tiền, trở nên giàu có, tạo được công ăn việc làm và trên hết là vì những giấc mơ luôn là những điều tuyệt vời với các start-up. Tuy vậy, Trần Việt Hùng, nhà sáng lập GotIt cho rằng, các start-up không nên nhốt mình vào những cuộc chiến thắng thua với các đồng nghiệp, các tên tuổi trên thị trường, mà nên tập trung trong việc xây dựng sản phẩm và làm sao làm có thể cung cấp những gì mà người dùng cần. 

“Chiến thắng được niềm tin yêu từ khách hàng thì mới có có hội sống sót để tiếp tục phát triển công ty. Ngoài ra, mọi cuộc chiến thắng thua khác không có nhiều ý nghĩa”, Hùng nói.

Ý kiến – Nhận định:

"Sứ mệnh của start- up không chỉ là đưa sản phẩm cho thị trường nội địa"
Trần Tâm Phương, CEO Viet Ferm

Môi trường kinh doanh mà chính phủ đang xây dựng có nhiều bước đi tích cực. Việc cải cách hành chính, số hoá thủ tục và tinh gọn hoá chu trình giúp doanh nghiệp như chúng tôi giảm thiểu thời gian làm thủ tục, tăng thời gian tập trung cho khách hàng và sản phẩm.

Với doanh nghiệp của tôi, từ năm ngoái, thủ tục tự công bố chất lượng sản phẩm thực phẩm đã được thay thế cho thủ tục công bố cũ, doanh nghiệp mạnh dạn hơn trong việc tung ra sản phẩm mới.

Thời buổi cạnh tranh toàn cầu, sứ mệnh của start-up không chỉ là đưa sản phẩm cho thị trường nội địa, mà phải cạnh tranh được với hàng hoá cùng loại của các nước láng giềng. Để làm được điều đó, khởi nghiệp sáng tạo là vô cùng quan trọng. Những người trẻ là người tạo ra tương lai của kinh tế Việt Nam.

Để bắt kịp với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, theo tôi, vận dụng sáng tạo là vô cùng quan trọng. Trước mắt vận dụng những tiến bộ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 vào những ngành nghề truyền thống và thế mạnh sẵn có.

"Nhiều bạn đang ngồi trên ghế nhà trường đã mong tạo dựng doanh nghiệp riêng"
Trương Hoàng Hải, CEO Blacasa Việt Nam

Môi trường kinh doanh của Việt Nam tương đối thuận lợi, tinh thần khởi nghiệp đang phát triển mạnh mẽ ở nhiều nhóm lứa tuổi, tại nhiều vùng miền. Đây là một tín hiệu đáng mừng cho sự phát triển của đất nước.

So với cách đây 10 năm, sinh viên ra trường dường như chỉ có một suy nghĩ duy nhất là tìm một công ty nào đó để xin việc. Tại thời điểm hiện tại, nhiều bạn đang ngồi trên ghế nhà trường đã mong tạo dựng doanh nghiệp riêng. Số lượng công ty mới sẽ tăng lên và số lượng công ty tồn tại và phát triển cũng tăng lên. Đây là tiền đề để dất nước trở nên hùng mạnh.

"Biết những gì mình không biết để luôn luôn học hỏi"
Trần Việt Hùng, Nhà sáng lập GotIt

Tôi khởi nghiệp được gần 6 năm. Tutor Universe (tiền thân của GotIt) được thành lập từ giữa năm 2011 và từ đó tới nay đã qua rất nhiều thăng trầm do sự thay đổi của các nhà sáng lập, nhân sự, sản phẩm,… Nhìn chung, đây là một quá trình lâu dài, không phải là thành công đến nhanh.

GotIt cũng chưa thể gọi là thành công vì tất cả mới là những dấu hiệu khả quan ban đầu. Công ty vẫn có thể bị thất bại trong quá trình tăng trưởng. Cẩm nang sống còn của tôi với GotIt rất đơn giản: Biết những gì mình biết và quan trọng hơn là biết những gì mình không biết để luôn luôn học hỏi, hoàn thiện. Thế nên, tôi coi GotIt là chưa bao giờ hoàn thiện và luôn phải làm thêm điều gì đó để GotIt ngày một tốt hơn.

"Những người đồng trang lứa với tôi đang có tinh thần khởi nghiệp rất cao"
Nghiêm Xuân Huy, CEO Finhay

Môi trường kinh doanh của Việt Nam hiện rất tích cực, Chính phủ cũng đang khuyến khích rất nhiều và thường xuyên truyền tải thông điệp về cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Chính vì vậy, những người đồng trang lứa với tôi đang có tinh thần khởi nghiệp rất cao. Hy vọng 5-7 năm nữa, chúng ta sẽ “hái quả”, sẽ có Unicorn từ Việt Nam.

Khởi nghiệp dựa trên những gì đã trải qua sẽ có cảm xúc hơn
Theo bà Trương Lý Hoàng Phi, Giám đốc điều hành Trung tâm Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp (BSSC), nếu được xây dựng trên những trải nghiệm thực...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư