Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 07 tháng 09 năm 2024,
Lê Thanh Hoài, Sáng lập & CEO SuperShip: Uy tín thương hiệu phải đặt hàng đầu
Thu Phương - 17/06/2018 14:05
 
Lê Thanh Hoài, CEO Công ty TNHH Dịch vụ vận chuyển Dấu chân Việt (SuperShip) quan niệm uy tín thương hiệu luôn phải đặt lên hàng đầu. Dù tốc độ tăng trưởng của Công ty vẫn ổn định, một số đối tác lớn đã tìm đến, song nhận thấy nhân sự có vấn đề, chất lượng dịch vụ cần phải cải thiện, anh đã sẵn sàng dừng lại mọi kế hoạch để giải quyết.

Dừng lại để cải cách

Trò chuyện với anh tại một quán cafe trên đường Nguyễn Chí Thanh, trong tiếng nhạc nhẹ nhàng, Hoài kể, ra Thủ đô dịp này, anh phải thực hiện nhiều nhiệm vụ lớn. Thứ nhất là tái cơ cấu nhân sự, thay đổi thủ lĩnh ở đầu cầu Hà Nội. Thứ hai, hợp tác với các đối tác ở miền Bắc để tạo ra thêm nhiều tiện ích nhằm tăng thêm giá trị cho khách hàng sử dụng dịch vụ. Thứ ba, đi thực tế tại các tỉnh phía Bắc quanh khu vực Hà Nội để nghiên cứu thị trường chuẩn bị cho chiến lược đầu tư, chuyển giao công nghệ cho các công ty địa phương có nhu cầu. Ngoài ra còn một số việc không tên khác.

.
CEO Lê Thanh Hoài.

Ở TP.HCM, nơi khai sinh của SuperShip, Công ty đã đạt được nhiều thành công, trung bình một ngày SuperShip xử lý hơn 2.000 đơn hàng, hỗ trợ giao nhận hơn 20.000 khách hàng, xử lý được bài toán giao hàng COD mỗi ngày trung bình đạt 1 tỷ đồng. Nhưng khi phát triển ra thị trường Hà Nội, SuperShip đã không đạt được thành công như trong TP.HCM. 

“Dù đã có kinh nghiệm hoạt động trong TP.HCM, song khi triển khai ra Hà Nội thì chưa làm được tốt, có thể do về vấn đề nhân sự. Đây cũng là một trong những vấn đề mà các nhà đầu tư đặt nhiều dấu hỏi trong quá trình gọi vốn vòng 1 của Công ty. SuperShip là một công ty dịch vụ, yếu tố con người luôn phải đặt lên hàng đầu. Nhân sự không hiệu quả, không ổn định thì sẽ ảnh hưởng lớn đến tăng trưởng”, CEO SuperShip nhận định. 

Trước khi cải cách, 70% nhân sự của Công ty là nhân viên giao nhận hàng, họ hầu hết đều là những lao động phổ thông, tính bấp bênh tương đối cao, luân chuyển công việc thường xuyên. Đội ngũ nhân viên văn phòng lại chiếm khá đông, nên năng suất lao động chung của Công ty thấp, dẫn đến công việc không đạt  hiệu quả, còn mang tính chất thời vụ.

Sau khi được đầu tư trên chương trình truyền hình thực tế Shark Tank, SuperShip được nhiều đối tác tiếp cận và đề nghị hợp tác. Đây là cơ hội cho Công ty đẩy doanh số và tăng trưởng doanh thu. Nhưng vì vấn đề nhân sự, nên CEO Lê Thanh Hoài quyết định tạm dừng hợp tác với các đối tác để tái cơ cấu.

Với Hoài, khi chất lượng dịch vụ chưa ổn thì không thể đẩy tốc độ tăng trưởng lên cao. Như vậy sẽ làm ảnh hưởng đến uy tín công ty rất nhiều. “Tôi sẽ không để trường hợp đó xảy ra, bởi thế, tôi chấp nhận dừng lại để ổn định”, Lê Thanh Hoài chia sẻ. 

Quy trình cải cách nhân sự của SuperShip diễn ra từ đầu tháng 3/2018. Những bộ phận văn phòng trước có 10 người thì bây giờ giảm còn 7 người. Các bộ phận khác cũng giảm tối thiểu là 25%. 

Cùng với đó, SuperShip còn sắp xếp lại quy trình làm việc. Hướng dẫn, giao nhiệm vụ rõ ràng từng nhân viên để nâng cao năng suất lao động. Ngoài ra, CEO Lê Thanh Hoài còn nâng cấp hệ thống quản lý quy trình mới, áp dụng nhiều công nghệ, giúp cho công việc giảm tải. 

Chia sẻ về quy trình cải cách, Lê Thanh Hoài cho biết, trước kia, về phần kế toán phải có 2 hệ thống riêng, nhưng hiện tại SuperShip đã tích hợp 2 hệ thống kế toán thành một. Ngoài ra, Công ty còn áp dụng công nghệ trong quản lý kho bãi, chuẩn hóa lại quy trình. Chắc chắn, chất lượng dịch vụ sẽ đươc cải thiện nhiều. Trong thời gian tới, SuperShip sẽ đầu tư hơn nữa chuẩn hóa lại quy trình công nghệ.  

Để tiếp tục phát triển, Công ty bắt buộc phải cơ cấu lại nhân sự. Quá trình này diễn ra, đôi khi phải chấp nhận những “đau thương”. Công ty giảm những bạn không thích nghi được với áp lực công việc, bổ sung người mới để có thể đáp ứng được yêu cầu. 

Đi vào thị trường nhỏ

Cùng với việc từ chối các đối tác như GHN, EMS để cải cách nhân sự, SuperShip đang tiến hành nghiên cứu thị trường, tiếp cận để chuyển giao quy trình công nghệ cho các doanh nghiệp ở các địa phương. Đây là một hướng đi nhằm mở rộng hệ thống.

Chia sẻ về hướng đi này, CEO Lê Thanh Hoài cho biết, trong năm nay, SuperShip sẽ đầu tư nâng cấp công nghệ và mở rộng thêm nhiều chi nhánh ở các tỉnh, thành phố để phục vụ nhu cầu của các khách hàng ở tỉnh lẻ. Trong chuyến công tác tại Hà Nội, anh cũng đã đi các tỉnh như: Bắc Giang, Tuyên Quang, Thanh Hóa, Quảng Ninh… để nghiên cứu thị trường, gặp gỡ đối tác. 

Kế hoạch mở rộng và phát triển các công ty con ở các tỉnh sẽ mang mô hình tương tự như chi nhánh Hà Nội và TP.HCM. Đây là thành phần trong hệ thống SuperShip. Mọi vấn đề trong đó đều được hệ thống tổng của SuperShip xử lý, thanh toán phản hồi trực tiếp với khách hàng.

Mô hình được áp dụng tùy vào từng trường hợp cụ thể ở địa phương. Nếu các đối tác là công ty giao hàng ở địa phương, đã có đội ngũ giao hàng, SuperShip có thể bỏ tiền ra đầu tư trực tiếp vào công ty đó và đưa họ vào hệ thống của mình, hoặc chuyển giao công nghệ cho các công ty nhỏ để đổi lại một tỷ lệ cổ phần. 

“Với chiến lược này, năm nay mục tiêu của chúng tôi là 10 tỉnh, thành phố, năm sau phủ sóng ít nhất là 40 tỉnh, thành phố. Khi các công ty nhỏ hợp tác với nhau sẽ hình thành mạng lưới liên vùng. Dự kiến năm 2019, Công ty sẽ phủ 70% tỉnh, thành phố trên cả nước. Khi đó, chúng tôi sẽ tiếp tục cộng tác thêm với các đơn vị khác để phủ 100% tỉnh, thành phố”, CEO SuperShip cho hay. 

Chiến lược và mô hình này của SuperShip không giống như những công ty khác cùng lĩnh vực đã và đang theo đuổi. Các công ty khác có thể sẽ đầu tư 100% hoặc gọi vốn để tự phát triển, thì SuperShip đi theo con đường hợp tác và chia sẻ kinh doanh. 

“Mình là người đi sau thì phải có cách làm khác trong việc mở rộng hệ thống. Khi có mạng lưới mở rộng vững chắc, lúc đó, mình có thể phát triển mạnh hơn với nhiều kế hoạch khác”, CEO Lê Thanh Hoài cho hay. 

SuperGroup

Việc hình thành mạng lưới công ty cổ phần nhỏ tại các tỉnh cũng là bước đi trong kế hoạch tạo lập SuperGroup mà Lê Thanh Hoài đang ấp ủ. 

“Mục tiêu xa hơn của SuperShip là phát triển lên hướng tập đoàn SuperGroup vào năm 2025. Chúng tôi sẽ mở rộng dịch vụ sang các lĩnh vực liên quan như SuperSpeed - giao hàng tức thời, SuperGo, SuperTech - chuyển giao công nghệ… nhằm gia tăng sự tiện lợi cho khách hàng khi sử dụng dịch vụ”, CEO Lê Thanh Hoài tự tin nói.

Lê Thanh Hoài cho rằng, đây sẽ là một hệ sinh thái với các dịch vụ cộng hưởng cùng phát triển tạo ra nhiều giá trị cho khách hàng.

Người sáng lập SuperShip cũng cho biết thêm, lý do hướng đến hình thành hệ sinh thái này xuất phát từ chính yêu cầu của khách hàng. Tại thời điểm này, khách hàng đang sử dụng SuperShip đã có thêm nhiều nhu cầu khác, nhưng tiềm lực của Công ty chưa đủ để hình thành nhiều dịch vụ bổ trợ. Nhưng sau khi SuperShip tạo lập được hệ sinh thái giao nhận tại 63 tỉnh, thành phố, lúc đó đã đủ tiềm lực, thì chắc chắn, SuperShip sẽ cung cấp thêm nhiều giải pháp để đáp ứng nhu cầu của khách hàng.  

Cùng với việc mở rộng dịch vụ, kết nạp thành viên, SuperShip cũng đang nghiên cứu mở rộng sang thị trường quốc tế. Theo CEO Lê Thanh Hoài, vừa qua đã có những đối tác ở thị trường Lào và Campuchia liên hệ đề nghị hợp tác với Công ty. 

Các đối tác này theo dõi chương trình truyền hình thực tế Shark Tank, thấy mô hình của SuperShip rất triển vọng, họ đã chủ động tìm hiểu và liên hệ trực tiếp, đề nghị hợp tác chuyển giao công nghệ với SuperShip. Với lời đề nghị này, cũng có thể trong thời gian tới, Công ty sẽ lên kế hoạch cụ thể để hợp tác chuyển giao tại thị trường các nước bạn. 

“Chúng tôi sẵn sàng đóng gói công nghệ và chuyển giao cho đối tác ở bất kể quốc gia nào”, người sáng lập SuperShip cho biết.

Chat với Lê Thanh Hoài:
Điểm đặc biệt của SuperShip là gì?
Hiệu quả chính là điều đặc biệt của SuperShip.
Bài học về tái cơ cấu nhân sự?
Theo tôi phải có những người trụ cột ở vị trị quan trọng đồng hành cùng mình trong qua trình tái cơ cấu. Nếu chưa có thì rất khó để tiến hành.
Đâu là điểm mà anh quan tâm nhất ở nhân sự của mình?
Tôi quan tâm nhất đến thái độ và sự cầu thị.
Làm thế nào để giữ lửa nhiệt huyết của nhân viên?
Tạo ra môi trường tốt, năng động, khuyến khích nhân viên phát huy khả năng.
Triết lý kinh doanh của anh?
Sự hài lòng của khách hàng là mục đích mà tôi theo đuổi.
SuperShip có kế hoạch gọi vốn đầu tư trong thời gian tới chưa?
Hiện tại thì chưa, đó là kế hoạch trong vòng 2-3 năm nữa.
Doanh nhân Đỗ Hữu Thanh, CEO Golden Lion: Chọn nghề kiến tạo hình ảnh chuyên nghiệp cho doanh nghiệp
Sự chuyên nghiệp trong cách phục vụ cũng như đáp ứng nhiều hơn yêu cầu của khách hàng, đã làm nên thương hiệu của Công ty May Sư tử vàng (Golden...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư