Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
LienVietPostBank khơi tiềm lực của mạng lưới giao dịch khủng
Thùy Liên - 21/10/2013 08:28
 
Với sự tư vấn của đối tác Pháp (La Poste Group), LienVietPostBank hy vọng tốc độ tăng trưởng của hệ thống tiết kiệm bưu điện tăng 20 - 50%. Đồng thời, sự hợp tác này cũng giúp mô hình ngân hàng – bưu điện của Việt Nam được nâng lên chuẩn quốc tế và phát huy được mạng lưới “khủng” nhất hệ thống ngân hàng Việt Nam với hơn 11.000 điểm giao dịch, biến LienVietPostBank thành ngân hàng của mọi người. LienVietPostBank - Vietnam Post: Hai thương hiệu, triệu giá trị

Ngân hàng - Bưu điện: nhân duyên tất yếu

Ngày 17/10/2013, Lễ ký kết Biên bản ghi nhớ và Hợp đồng tư vấn kỹ thuật và chuyển giao công nghệ giữa Tập đoàn Bưu chính Pháp (La Poste Group) với Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (Vietnam Post) và Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) đã chính thức diễn ra. Như vậy, sau hai năm sáp nhập, LienVietPostBank đã chính thức mời đối tác ngoại vào để tư vấn.

Cam kết hợp tác giữa La Poste Group, LienVietPostBank -Vietnam Post

Câu hỏi đặt ra là, tại sao đến thời điểm này, tức sau hai năm sáp nhập, LienVietPostBank mới mời đối tác ngoại tư vấn?

Trả lời vấn đề này, ông Dương Công Minh, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng LienVietPostBank cho biết:

“Sau khi VietNam Post góp vốn vào Ngân hàng Liên Việt, chúng tôi phải mất một thời gian để thay đổi lại toàn bộ quy chế, quy trình và ổn định hoạt động. Khi đã cơ bản hoàn thành thì mới mời La Poste Group vào tư vấn để xem quy trình này có phù hợp không. Chúng ta phải mang kinh nghiệm, mô hình của La Poste áp dụng vào thực tế Việt Nam mới có hiệu quả, chứ không thể chỉ áp dụng một cách dập khuôn mô hình của Pháp ngay từ đầu”.

Với những tìm hiểu ban đầu về LienVietPostBank, ông Jean – Paul Forceville, Tổng vụ Đối ngoại La Post Group cũng khẳng định, kết quả sáp nhập trong hai năm vừa qua của LienVietPostBank là rất khả quan với nhiều thành công đáng kể. Tuy nhiên, để rút ngắn thời gian sáp nhập, đưa ngân hàng nhanh chóng đi vào hoạt động hiệu quả, sự tham gia của đối tác nước ngoài là cần thiết.

Cũng theo lãnh đạo của La Poste Group, mô hình “ngân hàng – bưu điện” tuy mới có ở Việt Nam, nhưng đã xuất hiện từ lâu trên thế giới và đây là mối nhân duyên tất yếu. Cũng giống như Việt Nam, mô hình bưu điện trên thế giới thường có 3 lĩnh vực hoạt động: bưu chính, chuyển phát và tài chính. Tuy nhiên, trong khi hai hoạt động đầu tiên đang ngày càng sút giảm thì nhu cầu hoạt động tài chính ngày càng tăng.

Chính phủ nhiều nước nhận ra rằng, có thể tận dụng mạng lưới bưu chính để phát triển thành mạng lưới ngân hàng, bởi hầu như không có nước nào mà các ngân hàng có thể phủ sóng mạng lưới rộng khắp cả nước như ngành bưu chính, nhất là các vùng nông thôn. Mô hình ngân hàng – bưu điện chính là giải pháp tốt nhất để bù đắp doanh thu cho ngành bưu chính và là cơ hội phát triển thị trường của các ngân hàng, nhất là vùng sâu, vùng xa.

Được biết, với kinh nghiệm quản trị Ngân hàng La Banque Postale, La Poste Group sẽ cử các chuyên gia có kinh nghiệm phối hợp chặt chẽ với đội dự án do LienVietPostBank thành lập thực hiện dự án theo từng giai đoạn đã thống nhất. Bên cạnh đó, La Poste Group cũng sẽ thực hiện việc chuyển giao công nghệ cho LienVietPostBank và Vietnam Post thông qua các chương trình tập huấn và đào tạo nhân sự tại Pháp.

Cụ thể, La Poste Group sẽ tư vấn cho LienVietPostBank và Vietnam Post ba vấn đề chính, bao gồm: Hợp nhất mô hình quản trị hiệu quả giữa LienVietPostBank và Vietnam Post; Thiết kế các sản phẩm bán lẻ của ngân hàng bưu điện và quá trình đưa sản phẩm mới ra thị trường; Xây dựng mô hình phòng giao dịch bưu điện kiểu mẫu và kế hoạch triển khai phòng giao dịch kiểu mẫu trong 5 năm.

Với La Poste Group, đây là hợp đồng tư vấn đầu tiên tại thị trường Việt Nam, song trước đó, Tập đoàn này đã có kinh nghiệm tư vấn mô hình ngân hàng – bưu điện cho nhiều quốc gia như Maroc, Gabong, Mali và gần đây là Brazin. Hơn nữa, trước khi sang Việt Nam, La Poste Group đã nghiên cứu kỹ lưỡng tình hình của LienVietPostBank cũng như mong muốn của lãnh đạo LienVietPostBank và Vietnam Post, vì vậy, phía La Poste Group tin rằng, hợp đồng tư vấn này sẽ mang đến cho Việt Nam một mô hình ngân hàng – bưu điện kiểu mẫu có tên LienVietPostBank theo tiêu chuẩn quốc tế trong một tương lai gần.

Tham vọng phủ sóng toàn quốc, biến thành “Ngân hàng của mọi người”

Năm 2011, với sự tham gia góp vốn của Vietnam Post, Ngân hàng Liên Việt đã đổi tên thành Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) và trở thành ngân hàng có mạng lưới hoạt động lớn nhất trên cả nước với hơn 11.000 bưu cục, điểm bưu điện và văn hóa xã của Vietnam Post.

Tuy nhiên, để đáp ứng tối đa nhu cầu về tài chính của người dân Việt Nam, đặc biệt là người dân khu vực nông nghiệp, nông thôn, LienVietPostBank và Vietnam Post cần nghiên cứu phát triển đa dạng sản phẩm, tăng cường hiệu quả quản trị doanh nghiệp, xây dựng mô hình phòng giao dịch bưu điện kiểu mẫu, đưa LienVietPostBank trở thành ngân hàng của mọi người. Việc hợp tác với La Poste Group chính là để cụ thể hóa mục tiêu này.

Ông Dương Công Minh, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng LienVietPostBank

Ông Dương Công Minh cho hay, LienVietPostBank và Vietnam Post đang có kế hoạch nâng cấp hơn 11.000 bưu cục, điểm bưu điện - văn hóa xã mà Vietnam Post đang quản lý thành phòng giao dịch ngân hàng trong vòng 10 năm tới.

Toàn bộ chi phí này gồm cải tạo, thay đổi nhận diện thương hiệu sẽ do LienVietPostBank đảm nhận. Trước mắt, LienVietPostBank sẽ nâng cấp khoảng 1.000 điểm giao dịch, nghĩa là trung bình mỗi ngày sẽ mở 2 điểm giao dịch.

Riêng trong 5 năm có sự tham gia của đối tác La Poste Group, ông Minh cho biết LienVietPostBank sẽ mở thêm tối thiểu 3.000 - 5.000 điểm giao dịch và phát triển các sản phẩm trên hệ thống này.

Về việc tích hợp mạng lưới, ông Đỗ Ngọc Bình, Chủ tịch Vietnam Post khẳng định, hai năm sáp nhập vừa qua là khoảng thời gian quá ngắn để tích hợp, mở rộng và làm mới lại toàn bộ mạng lưới bưu cục. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là khi lãnh đạo Vietnam Post và LienVietPostBank đều quyết tâm phát triển mạng lưới này.

Về vấn đề nhân lực, ông Đỗ Ngọc Bình cho rằng, đội ngũ nhân viên của Vietnam Post đã thực hành và làm các công việc liên quan đến tài chính bán lẻ trong 68 năm nay nên không có khó khăn gì với các sản phẩm hiện tại. Tuy nhiên, về lâu dài, khi mở rộng thêm các sản phẩm ngân hàng cao cấp khác thì cần phải đào tạo bài bản hơn. Thời gian vừa qua, LienVietPostBank và Vietnam Post đã phối hợp đào tạo lại được hơn 3.000 cán bộ nhân viên để chuẩn bị cho nhu cầu mới.

Sau hơn 5 năm hoạt động và sau 2 năm sáp nhập, LienVietPostBank đã có những bước tiến vững chắc trên thị trường tài chính. Tính đến cuối quý II/2013, vốn điều lệ của LienVietPostBank là 6.460 tỷ đồng, tổng tài sản đạt gần 80.000 tỷ đồng, huy động vốn đạt trên 55.000 tỷ đồng và gần một triệu khách hàng. Dự kiến, đến hết năm 2014, mạng lưới chi nhánh trực thuộc của LienVietPostBank sẽ có mặt trên toàn quốc, đưa ngân hàng này trở thành “ngân hàng của mọi người”.

Mô hình ngân hàng – bưu điện trên thế giới là con đường mà tất cả quốc gia đều sẽ đi theo, vấn đề chỉ sớm hay muộn mà thôi.

Ông Jean- Paul Forceville, Tổng vụ Đối ngoại, La Poste Group

Mô hình ngân hàng – bưu điện trên thế giới là con đường mà tất cả quốc gia đều sẽ đi theo, vấn đề chỉ sớm hay muộn mà thôi. Mô hình này tập trung vào việc bán lẻ để tiếp cận đại bộ phận dân chúng, nhất là người dân nông thôn, vùng sâu, vùng xa.

Tại Việt Nam, hai năm vừa qua, mô hình ngân hàng – bưu điện của LienVietPostBank đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ, nhưng cần phát triển mạnh hơn. Việc sáp nhập bao giờ cũng mất thời gian, nhất là khi ngân hàng và bưu điện có văn hóa hoàn toàn khác nhau.

Tuy nhiên, nếu lãnh đạo hai bên cùng nhìn vào một điểm, cùng thấy cần phải phát triển hơn, phải lớn mạnh hơn nữa thì sẽ dễ dàng tìm được sự đồng thuận.

Trước khi ký hợp đồng tư vấn với LienVietPostBank, chúng tôi đã cử đoàn công tác sang tìm hiểu ngân hàng, lắng nghe mong muốn của lãnh đạo LienVietPostBank và Vietnam Post. Với quyết tâm của hai bên, tôi tin chắc mô hình ngân hàng – bưu điện tại Việt Nam sẽ thành công. Trước mắt, tôi cho rằng, LienVietPostBank cần tập trung vào công tác đào tạo, marketing và đưa ra các sản phẩm đặc thù.

Hướng tới triết lý: “Hai trong một”.

Ông Đỗ Ngọc Bình, Chủ tịch VietNam Post

Hai năm sáp nhập là khoảng thời gian quá ngắn để tích hợp, mở rộng và làm mới lại toàn bộ mạng lưới bưu cục.

Tuy nhiên, hình thức không quan trọng bằng nội dung.

Điều quan trọng nhất là lãnh đạo hai bên ngân hàng cùng hướng tới triết lý: “Hai trong một”, nghĩa là khi nói tới ngân hàng là nghĩ tới bưu điện và ngược lại.

Với quyết tâm của lãnh đạo hai bên, chắc chắn mô hình ngân hàng – bưu điện ở Việt Nam sẽ ngày càng phát triển.

Tổng tài sản của LienVietPostBank tăng mạnh
Tính đến ngày 30/6/2013, tổng tài sản của Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) đạt 78.206 tỷ đồng, tăng mạnh 11.793 tỷ đồng (tương...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư