-
Xử phạt Chứng khoán SmartInvest gần 1,4 tỷ đồng -
Cảng Thị Nại giảm tới 42% kế hoạch lợi nhuận năm 2024 -
Tổng giám đốc TNG muốn mua 1 triệu cổ phiếu -
Tình hình thị trường chứng khoán Việt Nam không đáng lo ngại -
Tiền ảo - “vàng số” hay canh bạc dưới thời ông Donald Trump? -
Ô tô Trường Long sắp chi 42 tỷ đồng tạm ứng cổ tức
Cho vay tiêu dùng tại Việt Nam là một lĩnh vực kinh doanh đang có tốc độ phát triển nhanh, đáp ứng tốt nhu cầu tài chính của các cá nhân. Vai trò của tài chính tiêu dùng càng được thể hiện rõ nét qua thời gian nền kinh tế chịu tác động của dịch Covid-19, những món vay giá trị không lớn nhưng đóng vai trò cung cấp giải pháp tài chính quan trọng cho nhiều cá nhân, nhiều gia đình vượt qua những khó khăn trước mắt.
Tuy nhiên, để tiếp tục nâng cao hơn nữa vai trò không thể thiếu trong thị trường tài chính Việt Nam, ngành tài chính tiêu dùng với đại diện chủ yếu các các công ty tài chính vẫn cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế cho vay, đa dạng hóa sản phẩm, đầu tư mạnh mẽ cho yêu cầu số hóa các giải pháp, dịch vụ…
Tọa đàm cũng là nơi các chuyên gia chia sẻ những phân tích, góc nhìn và giải pháp để hoạt động tài chính tiêu dùng nói riêng, tài chính vi mô nói chung được phát triển nhanh và lành mạnh, đáp ứng nhu cầu tốt hơn với cộng đồng.
Lĩnh vực cho vay tiêu dùng từ chỗ chỉ có ngân hàng thực hiện, giờ đây đã có sự tham gia mạnh mẽ của các công ty tài chính tiêu dùng. Tính đến cuối năm 2019 đã 18 công ty tham gia hoạt động trong lĩnh vực này, trong đó có 6 công ty nước ngoài.
Khung khổ pháp lý cho hoạt động tài chính tiêu dùng cũng ngày càng được cập nhật và hoàn thiện hơn. Gần đây nhất, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư số 18/2019/TT-NHNN, ngày 04/11/2019 về việc sửa đổi bổ sung một số điều của Thông tư 43/2016/TT-NHNN quy định cho vay tiêu dùng của công ty tài chính. Quy định mới này được đánh giá là sẽ giúp hoạt động cho vay tiêu dùng minh bạch và rõ ràng hơn, hạn chế những hệ lụy phát sinh trong công tác cho vay, thu hồi nợ có tính chất tiêu cực.
Theo một số báo cáo gần đây, ngành tài chính tiêu dùng đạt tốc độ tăng trưởng cho vay rất cao, bình quân 29%/năm. Quy mô thị trường tài chính tiêu dùng Việt Nam liên tục tăng mạnh, ước từ mức 646.000 tỷ đồng năm 2016 lên 1 triệu tỷ đồng vào năm 2019.
Tiềm năng tăng trưởng của thị trường vẫn còn rất lớn bởi tỷ lệ cho vay tiêu dùng trên tổng dư nợ ở Việt Nam mới đạt khoảng 11,4%. Đây là con số còn khá thấp so với bình quân ở các nước phát triển đạt 40-50%.
Toàn cảnh Tọa đàm (Ảnh: Chí Cường) |
Ông Lê Trọng Minh, Tổng biên tập Báo Đầu tư phát biểu đề dẫn (Ảnh: Chí Cường) |
Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương, Việt Nam đã đẩy lùi và kiểm soát tốt dịch bệnh Covid-19. Các hoạt động của đời sống xã hội cũng đã nhanh chóng thiết lập trạng thái bình thường mới. “Đây chính là thời điểm để chúng ta bắt đầu chuẩn bị các kịch bản, dự kiến sớm các giải pháp để vực dậy nền kinh tế sau khi dịch kết thúc”, ông nói.
Cho biết Chính phủ, các bộ ngành, địa phương đã có nhiều giải pháp kịp thời tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp, người dân bởi những tác động của dịch Covid-19, Thứ trưởng Trần Quốc Phương chia sẻ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có nhiều văn kiện, dự thảo tham mưu cho Chính phủ mà điểm chung của mô hình phục hồi kinh tế hiện nay đều là củng cố thị trường trong nước trước, sau đó mới vươn ra thị trường nước ngoài.
Để làm được điều đó, kích cầu thị trường nội địa thông qua thúc đẩy tiêu dùng chính là một trong những nhiệm vụ trọng tâm cần được ưu tiên trong giai đoạn khởi động lại nền kinh tế hiện nay. Có nhiều biện pháp để kích cầu tiêu dùng, trong đó có phát triển tài chính tiêu dùng, ông Phương nhấn mạnh.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương đánh giá, phát triển tài chính tiêu dùng là một trong những biện pháp kích cầu tiêu dùng (Ảnh: Chí Cường) |
Thứ trưởng phân tích, để mở rộng tài chính tiêu dùng, điều tối quan trọng là người vay phải có việc làm. Mong các chuyên gia thảo luận trong thời gian tới để có điều chỉnh phù hợp, tạo điều kiện cho người đi vay đồng thời đảm bảo giải pháp tài chính khả thi.
Gói 62.000 tỷ đồng mới chỉ dừng ở an sinh xã hội, do đó nguồn lực công cụ tiền tệ có tính khả thi, tác động hiệu quả hơn nhiều so với các công cụ khác.
Thứ trưởng Trần Quốc Phương cũng biểu dương sáng kiến tổ chức buổi Tọa đàm của Báo Đầu tư - cơ quan ngôn luận của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Ông bày tỏ tin tưởng, kết quả của buổi Tọa đàm hôm nay cũng như vậy và được lan tỏa tới rộng rãi tới bạn đọc của báo Đầu tư và cộng đồng xã hội.
Phân tích về thị trường tài chính tiêu dùng, ông Nguyễn Tú Anh, Vụ trưởng phụ trách Vụ Kinh tế tổng hợp, Ban Kinh tế Trung ương cho rằng, kỳ vọng thu nhập tăng thì tín dụng tăng và ngược lại. Do đó, đại dịch Covid-19 đã tác động mạnh lên lĩnh vực tín dụng tiêu dùng và nhiều ngành khác.
Theo ông Tú Anh, tín dụng tiêu dùng khác tín dụng doanh nghiệp bởi khả năng phát tán rủi ro thấp. Tuy nhiên, do đại dịch Covid-19 là rủi ro hệ thống chứ không phải cục bộ, dẫn tới khả năng phát tán rủi ro của tín dụng tiêu dùng bị vô hiệu.
Ông Nguyễn Tú Anh (Ảnh: Chí Cường) |
Phân tích một số yếu tố vĩ mô như dự trữ ngoại hối cao, kỳ vọng lạm phát thấp, lãi suất trái phiếu Chính phủ đang thấp, cán cân thặng dư…, ông Tú Anh cho rằng nền móng kinh tế vĩ mô của Việt Nam khá vững chắc.
Tuy nhiên, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 dự báo còn tác động tiêu cực đến kinh tế thế giới, chủ trương của nhà nước là khai thác thị trường nội địa, lấy thị trường nội địa làm động lực tăng trưởng, dựa vào tiêu dùng trong nước, cầu nội địa. “Cần cơ chế kết hợp được Chính phủ, nhà sản xuất, người cung cấp tín dụng”, ông Tú Anh nêu.
Do đó, ông Tú Anh khuyến nghị cần duy trì, đưa nền kinh tế đi qua khủng hoảng, làm sao để các tổ chức tín dụng đừng rơi vào tình trạng nợ xấu quá cao, mất cân đối. Ông cũng đánh giá, Thông tư 01 của NHNN đã giải quyết được phần nào vấn đề này.
Ông Tú Anh đánh giá, tăng trưởng của Việt Nam vài năm trở lại đây có sự đóng góp của tín dụng tiêu dùng. Lợi thế thứ hai là lãi suất sẽ dần giảm không chỉ ở Việt Nam mà toàn cầu, tức là sắp có dòng vốn giá rẻ, giúp chúng ta cân đối các chi phí. Cuối cùng, trong bối cảnh hiện nay, kinh tế số, giao dịch trên internet đang trở thành xu hướng và tạo thành lợi thế cho các tổ chức tín dụng.
Đánh giá bối cảnh hiện nay là thời điểm cần thắp sang để kích cầu nội địa, ông Phạm Xuân Hòe, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước cho biết, ước tính cho vay tiêu dùng ko chính thức chiếm khoảng 15-20% tổng dư nợ nền kinh tế (1,16-1,55 triệu tỷ đồng). Cho vay tiêu dùng qua ngân hàng và công ty tài chính tiêu dùng đạt khoảng 1 triệu tỷ đồng cuối năm 2019, bằng 11,4% tổng dư nợ, ngoài ra các kênh khác chưa có thống kê chính thức.
Theo thông lệ, dư nợ cho vay tiêu dùng chính thức vào khoảng 40% tổng dư nợ tín dụng nền kinh tế, do đó dư địa sẽ còn khá lớn khoảng 1,5- 2 triệu tỷ đồng, chưa kể hằng năm tổng dư nợ cho vay nền kinh tế tăng thêm khoảng 14% thì cho vay tiêu dùng cũng sẽ tăng theo.
Ông Phạm Xuân Hòe (Ảnh: Chí Cường) |
Đưa ra 7 nhóm giải pháp, ông Hòe cho rằng, cần khẩn trương chi hỗ trợ 62.000 tỷ đồng cứu trợ người mất việc, nghèo khó duy trì cuộc sống; giải ngân gói 16.000 tỷ đồng lãi suất 0% từ VBSP đối với DN để trả lương.
Thứ hai là kích cầu tạo việc làm có thu nhập từ gói đầu tư công 700.000 tỷ đồng.
Thứ ba là cho vay tiêu dùng với món nhỏ, lãi suất hợp lý, thời gian trả nợ cần kéo dài hơn so trước kia.
Thứ tư là giáo dục tài chính cá nhân cho người lao động. Đây là yêu cầu không thể thiếu, ông Hòe nhấn mạnh.
Thứ năm là công bố điểm tín dụng cá nhân cho bản thân họ; tích hợp các yếu tố tính điểm chuẩn để gia tang trách nhiệm người vay không vay bằng mọi giá.
Thứ sáu, ông Hòe nhấn mạnh việc cần chấn chỉnh hoạt động cho vay cầm đồ.
Cuối cùng, cần xử lý tôi cho vay nặng lãi; bắt buộc gỡ các App cho vay bất hợp pháp, truy tìm xử lý loại “công ty ma” này.
PGS. TS. Đặng Ngọc Đức, Nguyên Viện trưởng Viện Ngân hàng tài chính, ĐH Kinh tế Quốc dân cho rằng, nhu cầu vay tiêu dùng thuộc nhóm “dưới chuẩn" chưa được đáp ứng trên thực tế là rất lớn, rất đa dạng và cũng rất cấp thiết.
Nếu áp các quy định theo Thông tư 41 thì các ngân hàng có muốn cũng khó cho vay, do đó đây là cơ sở tồn tại các hoạt động tín dụng không chính thức, đặc biệt là tín dụng đen.
"Như vậy, nhu cầu vay tiêu dùng còn rất lớn khi tiềm năng tiêu dùng được đánh giá là tăng trưởng tốt, tỷ lệ khách hàng có thu nhập thấp và có nhu cầu vay tiêu dùng còn được thống kê là khá lớn chưa được tiếp cận các ngân hàng thương mại và các công ty tài chính cho thấy cung chưa đáp ứng được cầu về cho vay tiêu dùng và cơ hội hay “dư địa” cho sự phát triển của tín dụng tiêu dùng là rất lớn", ông Đức nói.
PGS.TS. Đặng Ngọc Đức (Ảnh: Chí Cường) |
Nên ra một số thách thức đối với phát triển tín dụng tiêu dùng trong thời gian tới, ông Đức nhấn mạnh 5 vấn đề.
Thứ nhất, cho vay tiêu dùng luôn phải đối diện với nguy cơ rủi ro cao. Có thể thấy cho vay tiêu dùng ở các nước phát triển cũng như Việt Nam chủ yếu là cho vay tín chấp.
Với những quy định của Ngân hàng Nhà nước, nên cho vay tiêu dùng tín chấp chủ ở Việt Nam phần lớn do các công ty tài chính triển khai và luôn phải đương đầu với nguy cơ rủi ro tiềm ẩn.
Việc phát triển cho vay tiêu dùng trong thời gian tới cần phải có sự vào cuộc của các ngân hàng thương mại, trong trường hợp đó, NHNN cần có những thay đổi, bổ sung và hoàn thiện để khuyến khích các ngân hàng thương mại có thể gia tăng cho vay tiêu dùng khi có thể đảm bảo về chất lượng tín dụng và cân đối với khả năng chịu đượng tổn thất.
Thứ hai, khác với các nước phát triển ở châu Âu và Mỹ, cho vay tiêu dùng thường tập trung vào 4 sản phẩm quan trọng, nhưng ở Việt Nam chỉ có 2 sản phẩm phổ biến đó là cho vay mua nhà (đầu tư bất động sản), sửa nhà chiếm tỷ lệ cao với gần 50% dư nợ tín dụng tiêu dùng, và vay để mua ô tô chỉ khoảng 10%. Trong khi 2 sản phẩm khác là thẻ tín dụng và cho vay sinh viên lại chưa phổ biến.
Thứ ba, tín dụng tiêu dùng tập trung vào nhu cầu mua và sửa nhà, mua ô-tô, các phương tiện đi lại và mua hàng điện máy, điện tử nhưng việc mở rộng dư nợ những sản phẩm cho vay này đang gặp một số khó khăn.
Thứ tư, ngoài các khoản vay trên, các khoản vay có mục đích khác hiện vẫn chiếm tỷ trọng khá khiêm tốn, một phần do yêu cầu nhiều nguồn lực hơn trong phát triển quan hệ với các nhà cung cấp, tiếp cận với khách hàng và xử lý thủ tục vay.
Trong khi đó, cho vay bằng tiền mặt dự kiến cũng sẽ bị hạn chế khi các cơ quan quản lý đang có ý định siết chặt hơn giải ngân trực tiếp cho khách hàng. Do vậy, việc mở rộng dư nợ tín dụng tiêu dùng nói chung sẽ trở nên khó khăn hơn so với giai đoạn trước.
Thứ năm, không thể không kể đến tác động của đại dịch Covid-19 đã gây ra những tác động hết sức nghiêm trọng. Covid-19 không chỉ làm suy thoái kinh tế mà còn thay đổi cả thói quen và đời sống của người dân, do vậy sẽ gây ra tác động kép đối với tín dụng tiêu dùng, cả về nhu cầu sụt giảm và khả năng thu nợ của các công ty tài chính cũng như của các ngân hàng thương mại.
Từ các thách thức trên, ông Đức đưa ra một số khuyến nghị nhằm phát triển tín dụng tiêu dùng giai đoạn 2020 - 2025 đối với các công ty tài chính và các ngân hàng thương mại.
Thứ nhất, xây dựng và phát triển chương trình cho vay tiêu dùng với những mục tiêu, khách hàng và sản phẩm mới một cách có chọn lọc và cụ thể.
Thứ hai, nâng cao chất lượng cán bộ tín dụng tiêu dùng không chỉ giỏi về chuyên môn mà còn phải thực sự am hiểu về những đặc điểm về nhu cầu và tâm lý khách hàng để có thể tư vấn một cách đầy đủ, chính xác và hiệu quả nhất.
Thứ ba, nghiên cứu thiết kế các sản phẩm tín dụng tiêu dùng ứng dụng công nghệ tài chính, sao cho có thể thỏa mãn nhu cầu tài chính chính đáng của các đối tượng khách hàng mục tiêu nêu trên. Song song với phương thức cho vay truyền thống, các công ty tài chính và các ngân hàng thương mại nên triển khai “thí điểm” các sản phẩm cho vay ứng dụng công nghệ “fintech” cũng như tạo ra một “flatform” giống như các công ty cho vay ngang hàng. “Tăng tiện ích, tiết giảm chi phí giúp giảm lãi suất cho vay”.
Đối với Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan quản lý, ông Đức cho rằng, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước cần hoàn thiện các cơ sở pháp lý vừa có thể khuyến khích nhưng vẫn có thể quản lý một cách chặt chẽ và minh bạch hoạt động tín dụng tiêu dùng. Trước hết là việc nghiên cứu và công bố một chương trình cho vay tiêu dùng hỗ trợ người dân có nhu cầu vượt qua khó khăn dịch bệnh Covid-19 hiện nay.
Song song với hoàn thiện các quy định hiện hành về tín dụng tiêu dùng, theo ông Đức, cơ quan quản lý cần bổ sung thêm một số quy định mới, sao cho có thể hỗ trợ về cơ sở pháp lý để các tổ chức tín dụng phát triển hoạt động cho vay tiêu dùng.
TS. Võ Trí Thành, Chuyên gia kinh tế cho biết, đại dịch Covid-19 khiến nền kinh tế gặp khó khăn, tuy nhiên, Việt Nam là quốc gia đặc thù nhờ văn hóa “tiết kiệm” ở tầng lớp trung lưu mới nổi, những người có việc làm và thu nhập.
Đánh đồng tiêu dùng cá nhân và cho vay cá nhân là không phù hợp, bởi đánh giá rủi ro sẽ khác nhau. Tiêu dùng cá nhân một nửa là bất động sản, trong đó đầu tư và đầu cơ không nhỏ. Tổng tín dụng ngân hàng cho vay liên quan đến bất động sản là gần 20% năm 2019, trong đó 1/3 là chủ đầu tư dự án và còn lại là khách hàng. Rủi ro trong đầu tư và đầu cơ lớn.
Đánh giá tác động của Covid-19 khiến thu nhập giảm, việc làm giảm, ông Thành lưu ý, quan trọng là hành vi, lối sống đang thay đổi. Đó là thay đổi ngắn hạn hay dài hạn?, ông Thành đặt vấn đề.
TS. Võ Trí Thành, Chuyên gia kinh tế (Ảnh: Chí Cường) |
Về mặt giải pháp, ông Thành cho rằng cần phải hiểu người tiêu dùng hơn rất nhiều.
Về vĩ mô, có mấy vấn đề cần quan tâm: nhà ở xã hội, đào tạo việc làm, chuyển đổi số…
Về luật, một số nước có Luật Bảo vệ tài chính tiêu dùng, trong khi Việt Nam vẫn cơ bản giải quyết trên Luật Dân sự.
Cho vay tiêu dùng phải gắn với việc làm thu nhập. Thứ hai là hành vi lối sống. Thứ ba là lòng tin. Thứ tư là rủi ro tài chính, bao gồm cả vĩ mô và vi mô, ông Thành nhận định.
Theo Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Công ty Luật BASICO, thực tế nhu cầu cho vay bên ngoài quá lớn khi nhìn vào tín dụng đen vẫn đang phát triển, nếu chuyển sang cho vay chính thống được phần tín dụng đen sẽ cho thấy không có lý do lo lắng đối với thị trường tài chính tiêu dùng.
Luật sư Trương Thanh Đức (Ảnh: Chí Cường) |
Tiêu dùng là lý do thúc đẩy sản xuất kinh doanh. Tôi đánh giá rất khả quan khi nền kinh tế vẫn đang tăng trưởng khá, ông Đức nói.
Làm rõ hơn về khái niệm tài chính tiêu dùng, TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV cho biết, tín dụng tiêu dùng (consumer credit) bao gồm cả tài chính tiêu dùng (consumer finance).
Dư địa tài chính tiêu dùng rất lớn nếu nhìn về quy mô và mạng lưới hoạt động: hiện nay chưa có thống kê cụ thể, nhưng ước tính, dư nợ tín dụng tiêu dùng đến cuối năm 2019 khoảng 1,68 triệu tỷ đồng (gấp 7 lần so với mức 230.000 tỷ đồng năm 2012).
Tỷ trọng tín dụng tiêu dùng trong tổng dư nợ nền kinh tế khoảng 20,5%, gấp 2,5 lần so với năm 2012 (khoảng 8%). Mức tăng trưởng của tín dụng tiêu dùng khoảng 20% mỗi năm là tương đối tích cực so với tín dụng toàn ngành (khoảng 14-15%). Tuy nhiên, nếu bóc tách phần tín dụng phục vụ mua nhà, sửa nhà (khoảng 40% tổng tín dụng tiêu dùng), thì dư nợ tín dụng tiêu dùng cuối năm 2019 chỉ khoảng 12,3% tổng dư nợ nền kinh tế.
Trong tổng dư nợ tín dụng tiêu dùng (1,68 triệu tỷ đồng nêu trên), dư nợ của 16 công ty tài chính chiếm khoảng 7,7% (tương đương 130.000 tỷ đồng), còn lại là từ các NHTM (chiếm 88%) và các tổ chức tài chính khác (khoảng 4%).
TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV (Ảnh: Chí Cường) |
Đưa ra đề xuất giải pháp để phát triển thị trường tài chính tiêu dùng Việt Nam một cách lành mạnh, bền vững trong tham luận gửi đến Tọa đàm, TS. Cấn Văn Lực cho rằng, các cơ quan quản lý cần tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý trong việc quản lý, giám sát các công ty tài chính, nhất là các qui định về chuẩn an toàn cũng như những sản phẩm mới như cho vay đám hiếu, đám hỷ, chữa bệnh…
Đồng thời, tạo điều kiện cho các CTTC quy mô vừa và nhỏ phát triển, nhằm tăng tính cạnh tranh, hạn chế rủi ro tập trung vào số ít CTTC lớn. Điều này sẽ giúp giảm lãi suất, tăng đa dạng về sản phẩm-dịch vụ, mang lại nhiều lợi ích hơn cho người tiêu dùng cũng như nền kinh tế.
Đồng thời, nhanh chóng hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia. Việc này không chỉ giúp cho các CTTC có thể hoạt động dễ dàng và hiệu quả hơn, mà còn giúp cho tất cả các tổ chức tài chính khác đưa ra được những sản phẩm, dịch vụ dựa trên công nghệ số (tài chính số, ngân hàng số, nhận diện số, phân tích khách hàng…) để mang lại nhiều tiện ích và trải nghiệm tốt hơn cho khách hàng.
Đối với các công ty tài chính tiêu dùng, ông Lực cho rằng cần rà soát, điều chỉnh chiến lược kinh doanh; phát triển mô hình kinh doanh mới phù hợp với xu hướng thị trường sau dịch bệnh. Trong đó, đặc biệt lưu tâm đến những thay đổi về xu hướng tiêu dùng, thị hiếu mới của khách hàng để phát triển các chính sách, sản phẩm phù hợp.
Tăng cường nền tảng công nghệ phục vụ cho vay tiêu dùng, giảm chi phí, tăng năng suất lao động, qua đó tăng sức cạnh tranh so với các mô hình kinh doanh mới (Fintech, cho vay ngang hàng…) cũng là một giải pháp được TS. Cấn Văn Lực lưu ý.
Bên cạnh đó, ông Lực cũng cho rằng các công ty tài chính cần chú trọng quản trị rủi ro tín dụng, cân đối phù hợp giữa rủi ro và lãi suất cho vay, đưa về mức hợp lý để thu hút người dân tăng vay tiêu dùng và giảm rủi ro không trả được nợ, xây dựng và phát triển đội ngũ nhân sự để phát triển hiệu quả, bền vững…
Mở đầu phần thảo luận, Bà Trần Thanh Nữ Tường Vy, Phó tổng giám đốc Công ty Tài chính SHB (SHB Finance) cho biết, khảo sát của đơn vị đối với hơn 6.000 doanh nghiệp trên toàn quốc cho thấy tỷ lệ doanh nghiệp hoạt động bình thường trong tháng 5 tăng 13% so với tháng 4 và chiếm > 85%. Nhóm doanh nghiệp bị giải thể, sắp giải thể, ngừng hoạt động không dao động nhiều giữa hai tháng, vẫn ở mức < 4% ,
Đối tượng khách hàng của tổ chức tín dụng chính là người lao động phân khúc trung bình thấp, đây cũng là nhóm dễ bị tổn thương, mất giảm thu nhập khi doanh nghiệp bất ổn. Tuy nhiên, khi doanh nghiệp có thể quay lại hoạt động sản xuất kinh doanh và tạo lại công ăn việc làm cho người lao động thì bài toán dần dần được tháo gỡ. SHBFC dự báo nhu cầu vay vốn tiêu dùng sẽ tăng trở lại từ tháng 5/2020.
Đối với các công ty Tài chính mới gia nhập thị trường trong 3 năm qua thì thách thức sẽ có nhiều hơn là cơ hội. Nếu công ty nào chưa đủ thời gian để thiết lập bộ máy nhân sự vận hành ổn định, chưa thể gia tăng nguồn tổng tài sản, doanh thu để tạo lợi nhuận thì trong bối cảnh hậu Covid-19 rủi ro nợ xấu gia tăng, huy động vốn khó khăn sẽ dễ dàng đưa các công ty mới vào ngõ hẹp.
Về cơ hội, sau giai đoạn dịch Covid-19 sẽ mở ra nhiều định hướng mới trong việc phát triển kinh doanh, là dịp để các công ty mới cấu trúc lại mô hình hoạt động kinh doanh phù hợp và nhanh chóng ứng dụng công nghệ số để tiết giảm chi phí và đáp ứng xu hướng cho vay tiêu dùng mới.
Bà Trần Thanh Nữ Tường Vy (Ảnh: Chí Cường) |
Chia sẻ về chính SHB Finance, bà Vy cho biết, ngay từ năm đầu hoạt động, Công ty đã xây tương đối hoàn chỉnh bộ máy vận hành khung khá vững và hoạt động đúng định hướng của Ngân hàng mẹ SHB đề ra.
Do đó, trong giai đoạn căng thẳng của dịch bệnh Covid-19, SHB Finance luôn bám sát thông tin thị trường, phân tích và tìm giải pháp tốt nhất cho các kịch bản tùy theo diễn tiến của dịch bệnh Covid-19, với mục tiêu đưa công ty hoạt động an toàn trong thời gian dịch bệnh hơn là tìm kiếm lợi nhuận.
Nhấn mạnh vấn đề pháp lý, bà Vy cho biết, hoạt động cho vay của công ty tài chính tuân thủ theo quy định tại Thông tư số 39/2016/TT-NHNN điều chỉnh về hoạt động cho vay tín dụng cá nhân.
Mặc dù công ty tài chính phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định của Ngân hàng Nhà nước trong hoạt động cho vay đối với khách hàng cá nhân, nhưng các quy định pháp luật hiện hành lại chưa đầy đủ và chặt chẽ để bảo vệ quyền lợi của công ty tài chính trong hoạt động thu hồi nợ của các khách hàng không trả nợ đúng hạn do cố tình chiếm dụng tiền vay của công ty tài chính.
Thực trạng trên dẫn đến việc các công ty tài chính đều tự xây dựng cho riêng mình nhiều cách thu hồi nợ khác nhau để có thể thu hồi vốn đã bị khách hàng chiếm dụng không đúng quy định pháp luật. Điều này vô hình trung đã làm cho hình ảnh của các công ty tài chính bị xấu đi từ góc độ quan hệ với khách hàng cũng như cách nhìn nhận vấn đề của giới truyền thông.
"Thậm chí, có trường hợp khách hàng chậm trả nợ hoặc không muốn trả nợ đã hành hung nhân viên thu hồi nợ tại địa bàn khi được yêu cầu trả nợ. Do chưa có những quy định pháp lý chặt chẽ nên các sự vụ này vẫn chưa được chính quyền địa phương nơi xảy ra vụ việc giải quyết thỏa đáng. Vì lẽ đó, thiệt hại cả về vật chất lẫn con người lại thuộc về Công ty Tài chính", bà Vy nói.
Việc không trả nợ đúng hạn của một nhóm khách hàng làm phát sinh các khoản nợ quá hạn, nơ xấu tại công ty tài chính. Với tiêu chí hạn chế tối đa các ghi nhận lịch sử tín dụng xấu đối với khách hàng cũng như hạn chế tối đa mức trích lập dự phòng cao đối với các khoản nợ quá hạn theo quy định của NHNH thì các công ty tài chính luôn phải dùng nhiều biện pháp ở các mức độ khác nhau để tối đa hóa việc thu hồi nợ nhưng vẫn phải bảo đảm tuân thủ Thông tư số 18/2019/TT-NHNN của NHNN quy định về việc nhắc nợ, đòi nợ. Điều này cũng tạo ra không ít khó khăn đối với hoạt động thu hồi nợ nói riêng của công ty tài chính.
“Với thực trạng nêu trên, các công ty tài chính mong muốn Ngân hàng Nhà nước có nhiều chế tài pháp lý chặt chẽ hơn nữa đối với các khách hàng không trả nợ đúng hạn để các công ty tài chính có thể xây dựng các phương án thu hồi nợ an toàn, toàn diện và hiệu quả hơn nữa”, bà Vy nói.
Về kiến nghị và gợi ý hướng hoàn thiện thị trường tài chính tiêu dùng, bà Vy cho biết, hiện nay Trung tâm tín dụng CIC là nơi thu nhận, lưu trữ, phân tích, xử lý, dự báo thông tin tín dụng của cá nhân, tổ chức nhằm phục vụ cho hoạt động của ngân hàng, tổ chức tín dụng.
Để các công ty tài chính có nhiều dữ liệu trong quá trình thẩm định và duyệt vay đối với Khách hàng thì việc ứng dụng big data rất quan trọng. Nếu CIC có thể cập nhật thêm về dữ liệu thể hiện hành vi thanh toán chi phí tiêu dùng của khách hàng như thông tin bảo hiểm xã hội, thông tin nộp thuế thu nhập cá nhân, thông tin thanh toán/nợ hóa đơn… thì các thông tin này rất hữu dụng cho tổ chức tín dụng để bảo đảm hoạt động cho vay đối với Khách hàng cá nhân được thực hiện đúng đối tượng để từ đó hạn chế tối đa nợ xấu.
Nhắc đến hoạt động cho vay bằng hình thức P2P (cho vay ngang hàng), bà Vy cũng cho rằng, cần có khuôn khổ pháp lý riêng cho nhóm công ty này để có chế tài quản lý hoạt động và kiểm tra được lịch sử nợ của khách hàng vay tại đây.
Cũng theo bà Vy, cần khuyến khích tất cả công ty tài chính tham gia Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, phân nhóm công ty tài chính và có diễn đàn chuyên đề riêng cho tổ chức tín dụng. Bên cạnh đó, tạo một sân chơi mới, liên kết phối hợp giữa các công ty tài chính để chia sẻ các thông tin khách hàng gian lận, nhóm nhân viên gian lận cấu kết khách hàng trục lợi công ty tài chính…
Nhìn nhận về vấn đề này, ông Hoè đề xuất 16 công ty tài chính tiêu dùng có thể thành lập Hiệp hội Tài chính tiêu dùng. Bên cạnh đó, ông Hòe cũng nhấn mạnh việc cần gây dựng lại Luật Hợp đồng kinh tế.
Về hành lang pháp lý nói chung, Luật sư Thanh Đức cho biết, thị trường tài chính tiêu dùng phát triển nhưng hành lang pháp lý vẫn nhiều điểm dậm chân tại chỗ, thậm chí còn đi thụt lùi. Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cần có Luật riêng cũng tương tự như vậy với thị trường tài chính tiêu dùng.
“Coi tài chính tiêu dùng như ngân hàng là không phù hợp trong khi các công ty tài chính tiêu dùng không được huy động vốn từ dân. Đó là một trong những lý do mà các công ty tài chính tiêu dùng “vừa chơi vừa run”, còn cho vay nặng lãi hoạt động tốt bởi lách luật ngoạn mục”, Luật sư Thanh Đức nói.
Sau hơn 3 tiếng trao đổi thẳng thắn, cởi mở, các chuyên gia, công ty tài chính đã cung cấp những thông tin hữu ích, những phân tích, góc nhìn và giải pháp để hoạt động tài chính tiêu dùng nói riêng, tài chính vi mô nói chung được phát triển nhanh và lành mạnh, đáp ứng nhu cầu tốt hơn với cộng đồng.
Phát biểu kết luận cuộc Tọa đàm, Tổng biên tập Báo Đầu tư Lê Trọng Minh đánh giá, các ý kiến chuyên gia tại Tọa đàm, thông qua nhiều kênh, sẽ là tiếng nói quan trọng cho các cơ quan hoạch định chính sách để thúc đẩy thị trường tài chính tiêu dùng phát triển hơn nữa.
-
Tổng giám đốc TNG muốn mua 1 triệu cổ phiếu -
Tình hình thị trường chứng khoán Việt Nam không đáng lo ngại -
Tiền ảo - “vàng số” hay canh bạc dưới thời ông Donald Trump? -
Ô tô Trường Long sắp chi 42 tỷ đồng tạm ứng cổ tức -
Người nhà Phó chủ tịch VIB đăng ký mua 14 triệu cổ phiếu -
VN-Index tăng mạnh phiên thứ hai nhờ cổ phiếu vốn hoá lớn -
Tín hiệu sôi động trở lại của trái phiếu xanh
-
1 Vietjet xin đầu tư xây dựng hangar bảo dưỡng tàu bay tại Sân bay Đà Nẵng -
2 Tín dụng tăng nhanh hơn huy động, ngân hàng tăng lãi suất tiền gửi -
3 Tình hình thị trường chứng khoán Việt Nam không đáng lo ngại -
4 Hút mỗi điếu xì gà sẽ phải trả thêm 50.000 - 100.000 đồng thuế tiêu thụ đặc biệt -
5 Tin vắn Đầu tư Online ngày 23/11
- Thu thập sinh trắc học trên Agribank Plus - Cơ hội rinh iPhone 16 và nhiều quà hấp dẫn
- Ký kết hợp tác chiến lược Vietnam Land và CaraWorld: Khai mở những cơ hội mới
- SeABank ưu đãi lãi suất 0% cho khách hàng vay mua căn hộ tại dự án Newtown Diamond
- Giải Golf ngành Nhôm - Kính - Cửa toàn quốc 2024: Hứa hẹn nhiều bất ngờ và trải nghiệm thú vị
- NAB Vietnam nhận giải thưởng “Doanh nghiệp xuất sắc châu Á” tại APEA 2024
- SeABank thông báo mời thầu