Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 27 tháng 04 năm 2024,
Lo độc quyền của chủ đầu tư, Hà Nội tính lập quy chế quản lý chung cư riêng
Thu Trang - 13/12/2019 14:09
 
Phó giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Nguyễn Chí Dũng cho rằng, Hà Nội cần có quy chế quản lý chung cư riêng khi mô hình giao cho chủ đầu tư quản lý các tòa chung cư có nhiều khiếm khuyết do việc độc quyền của chủ đầu tư.
1
Tình trạng tranh chấp, khiếu kiện xảy ra ở nhiều chung cư trên địa bàn Hà Nội

Thống kê của Sở Xây dựng cho thấy, Hà Nội hiện có 833 chung cư thương mại đã đưa vào sử dụng với trên 230.000 căn hộ, chiếm hơn 1/3 của cả nước nên đã phát sinh ra những mâu thuẫn, tranh chấp giữa chủ đầu tư với cư dân các tòa nhà với hơn 80 chung cư xảy ra tranh chấp, hiện 79 chung cư có tranh chấp đã giải quyết xong.Trong đó, câu chuyện về việc quản lý, sử dụng quỹ bảo trì nhà chung cư được xem là nan giải nhất 

Tính đến hết năm 2018, trên địa bàn Hà Nội mới có 454/697 nhà chung cư có Ban quản trị. Riêng đối với chung cư tái định cư mới có 73/168 tòa có Ban quản trị và chỉ có 31/73 tòa nhà bàn giao phí bảo trì 2%. Ngoài ra, những tranh chấp còn xảy đến do những nguyên nhân về quy hoạch, ranh giới không gian xung quanh không được xác định rõ trong quy hoạch tổng mặt bằng; tranh chấp liên quan đến việc sai thiết kế, thiếu diện tích...

Theo Phó giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Nguyễn Chí Dũng, trước khi Luật nhà ở 2005 có hiệu lực, việc quản lý, vận hành nhà chung cư được giao cho chủ đầu tư và kinh phí được lấy từ việc kinh doanh tầng một tòa nhà. Mô hình này có nhiều khiếm khuyết do việc độc quyền của chủ đầu tư.

Khi Luật nhà ở có hiệu lực, tham khảo mô hình của nhiều nước châu Âu, Singapore, Hàn Quốc, Trung Quốc, Bộ Xây dưng ban hành quy định quản lý, vận hành nhà chung cư, trong đó có mô hình Ban quản trị và quỹ bảo trì 2%. Nhưng quy định này cũng bất cập, hiện nhiều chung cư xảy ra tranh chấp về thành lập Ban quản trị, diện tích chung, riêng, quỹ bảo trì, ông Dũng cho hay. 

Ông Dũng cũng phân tích thêm, sau khi Ban quản trị được thành lập, chủ đầu tư phải bàn giao hồ sơ liên quan, nhưng việc này thường diễn ra rất chậm do chủ đầu tư xây không đúng hồ sơ, xây sai phép, không đủ giấy phép. Với việc bàn giao diện tích chung, riêng, quy định pháp luật rất rõ ràng, nhưng người mua nhà thường không đọc kỹ hợp đồng nên sau khi về ở dễ nảy sinh khiếu kiện.

Nếu thành lập Ban quản trị thì chủ đầu tư phải bàn giao quỹ bảo trì (2%). Với các chung cư lớn, số tiền quỹ lên đến hàng trăm tỷ đồng nên chủ đầu tư không muốn thành lập Ban quản trị. 

Trong thời gian chưa thành lập Ban quản trị, chủ đầu tư quản lý, vận hành tòa nhà và họ sử dụng quỹ bảo trì chi trả. Sau khi Ban quản trị được thành lập, chủ đầu tư bàn giao quỹ nhưng hai bên không thống nhất việc quyết toán số tiền chủ đầu tư đã chi, từ đó nảy sinh khiếu kiện.

Theo ông Dũng, một số cư dân các chung cư đề xuất chính quyền cưỡng chế, nhưng sở, ngành thành phố cũng không có cơ sở số liệu để thực hiện. Ngoài ra, có chủ đầu tư sử dụng quỹ bảo trì vào việc khác, hay tài khoản không có tiền. Sở phải mời bộ, ngành liên quan hỗ trợ giải quyết nhưng chưa dứt điểm.

Ông Đồng Minh Sơn, Hội Xây dựng Hà Nội đề xuất nghiên cứu mô hình quản lý, vận hành, sử dụng nhà chung cư bằng cách giao cho doanh nghiệp Nhà nước hoặc Ban quản lý của Nhà nước chủ trì với sự tham gia của đại diện cư dân, nhà đầu tư xây dựng nhà ở, đại diện cơ quan quản lý cấp quận, huyện... trong Ban quản trị nhà chung cư.

"Bộ Xây dựng vẫn kiên trì với mô hình Ban quản trị nhà chung cư nhưng có sửa đổi, vì vậy Hà Nội cần phải có sự rà soát, nếu cần thiết thì kiến nghị về quy chế quản lý, vận hành, sử dụng theo đặc thù của Thủ đô, để bao quát được cả nội dung sở hữu, sử dụng liên quan đến an ninh quốc phòng, liên quan đến sử dụng ngoài mục đích ở, liên quan đến người nước ngoài... nhất là những chung cư nằm gần trung tâm chính trị hoặc tại các vị trí chiến lược", ông Sơn cho hay.

Trong khi đó, KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Hà Nội, cho rằng quản lý nhà chung cư phải từ quy hoạch và dự án. Bởi chung cư không chỉ là trong không gian ngôi nhà mà còn không gian xung quanh. Ông đề xuất, ranh giới xung quanh chung cư cần được xác định trong quy hoạch tổng mặt bằng để tránh tranh chấp giữa chủ đầu tư và cư dân.

Quản lý chung cư: Góc khuất tình và lý
Mặc dù đã có những quy định cụ thể để xử lý những vướng mắc trong quá trình quản lý và vận hành chung cư, nhưng vẫn còn những góc khuất...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư