Thứ Hai, Ngày 28 tháng 04 năm 2025,
Lo ngại “té nước” theo giá xăng dầu
Mạnh Bôn - 01/04/2013 17:22
 
Bộ Tài chính yêu cầu kiên quyết dừng các trường hợp đăng ký tăng giá không do tác động trực tiếp của việc điều chỉnh giá xăng dầu hoặc tăng giá cao hơn tỷ lệ tác động của việc điều chỉnh giá xăng dầu.
TIN LIÊN QUAN

Sự lo ngại của Bộ Tài chính không phải là không có cơ sở. Bởi theo tính toán của Trung tâm Phân tích và Dự báo (Viện hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam), nếu giá xăng dầu và giá điện tăng 20% thì lạm phát có thể tăng thêm 1,73%.

Còn trong trường hợp tỷ giá VND/USD được điều chỉnh tăng 4% thì chỉ số giá tiêu dùng (CPI) sẽ tăng thêm 2% nữa. Trong đó, CPI tăng thêm 1,6% là do tăng giá hàng nhập khẩu và tăng thêm 0,4% là do giá điện và giá xăng dầu tăng vì điều chỉnh tỷ giá.

Trong vòng 1 năm trở lại đây, giá xăng dầu giảm 6 lần, tăng 7 lần, nhưng về tổng thể giá xăng A92 hiện tại đã tăng 18% so với cách đây khoảng 1 năm chắc chắn có tác động làm tăng CPI.

Tuy nhiên, tác động của việc tăng giá xăng dầu tới CPI ở cả vòng 1 (tác động trực tiếp) và vòng 2 (tác động gián tiếp) không đáng ngại và đã được Bộ Tài chính tính toán từ trước. Cái đáng ngại và thường xuyên diễn ra mỗi khi tăng giá xăng dầu là tình trạng “té nước theo mưa”: hàng loạt hàng hóa, dịch vụ đồng loạt tăng giá cho dù không bị ảnh hưởng bởi tăng giá xăng dầu.

Chính vì vậy, Bộ Tài chính yêu cầu các cơ quan trực thuộc ở địa phương phải tăng cường thanh tra, kiểm tra việc chấp hành quy định của pháp luật về giá của các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh trên địa bàn, trước hết là đối với những mặt hàng thiết yếu như cước vận tải, sữa, thuốc chữa bệnh, gas…

Bộ Tài chính yêu cầu xử lý nghiêm đối với trường hợp tự ý tăng giá đối với mặt hàng không chịu tác động trực tiếp của việc điều chỉnh giá xăng dầu hoặc tăng giá cao hơn tỷ lệ tác động của việc điều chỉnh giá xăng dầu và các trường hợp vi phạm quy định về quản lý giá, quản lý thị trường khác theo quy định tại Nghị định 84/2011/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giá.

Hiện Bộ Tài chính đang xây dựng Nghị định thay thế Nghị định 84/2011/NĐ-CP theo hướng tăng mức xử phạt đối với các vi phạm hành chính về giá.

Theo đó, tổ chức, cá nhân có hành vi tăng giá quá mức sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính từ 3 triệu đến 10 triệu đồng nếu hàng hóa, dịch vụ bán tăng giá có tổng giá trị đến 5 triệu đồng.

Khung xử phạt hành chính đối với hành vi tăng giá quá mức lên 10 triệu đến 20 triệu đồng, 20 triệu đến 30 triệu đồng, 30 triệu đến 60 triệu đồng, 60 triệu đến 90 triệu đồng, 90 triệu đến 120 triệu đồng và từ 120 triệu đến 150 triệu đồng. Khung hình phạt tùy thuộc vào tổng trị giá hàng hóa, dịch vụ vi phạm từ trên 5 triệu đồng đến trên 100 triệu đồng.

Ngoài ra, Bộ Tài chính còn đề xuất tước quyền sử dụng giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh, các loại giấy phép kinh doanh đối với tổ chức, cá nhân vi phạm hành chính các quy định về giá, đồng thời tịch thu nộp vào ngân sách nhà nước số tiền thu lợi do tăng giá quá mức.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư