Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 25 tháng 04 năm 2024,
Loại tài sản nào bắt buộc phải bán thông qua đấu giá?
Luật Thịnh Trí (DNSG) - 04/01/2020 07:11
 
Các loại tài sản nào bắt buộc phải bán thông qua đấu giá? Tài sản của cá nhân có thể đem bán đấu giá được không? Trình tự thủ tục đấu giá tài sản như thế nào? (Ông T.V.S, quận Thủ Đức, TP.HCM).

Về việc bán đấu giá tài sản của tổ chức, cá nhân, luật sư Hệ thống Luật Thịnh Trí trả lời chung vấn đề của ông T.V.S nêu như sau:

Đấu giá tài sản là hình thức bán tài sản có từ 2 người trở lên tham gia đấu giá. Phương thức, trình tự, thủ tục đấu giá tài sản thực hiện theo quy định của Luật đấu giá tài sản năm 2016, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2017. 

Luật đấu giá tài sản và các quy định pháp luật liên quan, có quy định cụ thể các loại tài sản bắt buộc phải bán thông qua đấu giá. Có thể tóm lược lại thành 4 nhóm tài sản chủ yếu: tài sản công; tài sản thi hành án; tài sản bảo đảm; và tài sản của doanh nghiệp phá sản.

Tuy nhiên, tài sản thuộc sở hữu của tổ chức, cá nhân vẫn có thể được bán thông qua đấu giá khi chủ sở hữu đó tự nguyện bán thông qua trình tự, thủ tục đấu giá theo quy định của Luật đấu giá tài sản.

Theo Luật đấu giá tài sản quy định, các tổ chức đấu giá tài sản gồm có: Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản; doanh nghiệp đấu giá tài sản. Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản do UBND tỉnh thành lập, là đơn vị sự nghiệp công lập, trực thuộc Sở Tư pháp.

Còn doanh nghiệp đấu giá tài sản có 2 hình thức là: doanh nghiệp đấu giá tư nhân và công ty hợp doanh. Giám đốc của doanh nghiệp đấu giá tư nhân bắt buộc phải là đấu giá viên; còn công ty đấu giá hợp doanh thì phải có ít nhất 1 thành viên là đấu giá viên.

Trong đấu giá tài sản, giá khởi điểm là mức giá thấp nhất trong trường hợp đấu giá theo phương thức trả giá lên và là mức giá cao nhất theo phương thức đặt giá xuống. Mức giá là do người có tài sản quyết định và thông báo bằng văn bản cho tổ chức đấu giá.

Còn người trúng đấu giá là người có mức trả giá cao nhất so với giá khởi điểm trong trường hợp đấu giá theo phương thức trả giá lên hoặc là bằng với giá khởi điểm trong trường hợp không có người nào khác trả giá cao hơn giá khởi điểm. Còn trường hợp đặt giá xuống là người chấp nhận mức giá khởi điểm hoặc là chấp nhận mức giá đã được giảm giá tại cuộc đấu giá.

Về hình thức đấu giá có 4 hình thức là: đấu giá trực tiếp bằng lời nói tại cuộc đấu giá, đấu giá bằng bỏ phiếu trực tiếp tại cuộc đấu giá; đấu giá bằng bỏ phiếu gián tiếp; và đấu giá trực tuyến.

Về phương thức đấu giá, có 2 phương thức là: trả giá lên và đặt giá xuống. Phương thức trả giá lên là phương thức đấu giá mà theo đó người tham gia đấu giá trả giá từ thấp đến cao cho đến khi xác định được người trả giá cao nhất so với giá khởi điểm. Còn phương thức đặt giá xuống là phương thức đấu giá mà theo đó đấu giá viên đặt giá từ cao xuống thấp cho đến khi xác định được người chấp nhận mức giá do đấu giá viên đưa ra.

Trình tự thủ tục tham gia đấu giá diễn ra lần lượt gồm: Người có tài sản đấu giá phải ký hợp đồng dịch vụ với tổ chức đấu giá. Sau khi tổ chức đấu giá ký hợp đồng dịch vụ đấu giá tài sản, tổ chức đấu giá sẽ ban hành quy chế cuộc đấu giá cụ thể cho từng cuộc đấu giá.

Tiếp đó, tổ chức đấu giá sẽ thực hiện thông báo công khai và niêm yết về cuộc đấu giá. Tổ chức đấu giá sẽ tổ chức cho người tham gia đấu giá xem tài sản đấu giá, xem các giấy tờ có liên quan đến quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản đấu giá và các tài liệu khác liên quan.

Khi có đủ số người để tổ chức cuộc đấu giá thì đấu giá viên của tổ chức đấu giá sẽ trực tiếp điều hành cuộc đấu giá và xác định người trúng đấu giá, lập biên bản đấu giá ngay tại cuộc đấu giá. Sau đó, người có tài sản đấu giá và người trúng đấu giá sẽ ký hợp đồng mua bán tài sản đấu giá.

Luật Đấu giá tài sản chính thức có hiệu lực
Từ ngày 1/7/2017, Luật Đấu giá tài sản đã chính thức có hiệu lực, với 8 Chương, 81 Điều.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư