Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Loay hoay điều chỉnh giá dịch vụ hàng không
Anh Minh - 14/06/2017 14:41
 
Sẽ có những thay đổi đáng kể trong phương án điều chỉnh mức giá, khung giá dịch vụ chuyên ngành hàng không, dự kiến áp dụng tại các sân bay do Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) khai thác.
.
ACV hiện mới chỉ đáp ứng được 27% nhu cầu vốn đầu tư bình quân một năm của đơn vị này

Thận trọng

Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) đã cho thấy sự thận trọng khi đề nghị Tổng cục Thống kê phối hợp tính toán tác động của việc điều chỉnh các mức giá, khung giá một số dịch vụ chuyên ngành hàng không đến Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân của năm 2017.

Trước đó, Bộ GTVT đã nhận được khuyến nghị của Bộ Tài chính về việc cần phối hợp với các cơ quan liên quan để đánh giá kỹ tác động của việc điều chỉnh giá dịch vụ hàng không tới CPI, vốn được khống chế ở mức 4%.

Cần phải nói thêm rằng, trong phương án mới nhất gửi Tổng cục Thống kê về điều chỉnh mức giá, khung giá dịch vụ chuyên ngành hàng không, dự kiến áp dụng tại 21 cảng hàng không do ACV quản lý, Bộ GTVT đã tiếp thu khá nhiều ý kiến đóng góp của Bộ Tài chính nhằm không gây ra xáo trộn lớn tới doanh thu, chi phí của các hãng hàng không, cũng như người đi máy bay.

Cụ thể, Bộ GTVT đồng ý lùi thời điểm điều chỉnh giá dịch vụ hạ cất cánh giai đoạn I thêm một tháng, tức là từ 1/9/2017 sang 1/10/2017; đồng thời chia lộ trình điều chỉnh giá dịch vụ bảo đảm an ninh theo 3 giai đoạn, từ 1/10/2017, 1/1/2018, 1/1/2019. Đối với chuyến bay quốc tế, lùi thời hạn tăng giá dịch vụ bảo đảm an ninh từ 1/9/2017 sang 1/10/2017 so với phương án xin ý kiến Bộ Tài chính hồi đầu tháng 4/2017 (phương án tháng 4).

Đối với giá dịch vụ phục vụ hành khách - điều chỉnh có tác động lớn nhất, trực diện tới hành khách, Bộ GTVT áp dụng giá khởi điểm 75.000 đồng/hành khách/qua lại cảng hàng không nhóm A, đồng thời sẽ giãn lộ trình tăng giá thành 4 giai đoạn từ 1/10/2017, từ 1/1/2018, từ 1/4/2018 và từ 1/7/2018, thay vì chia thành 3 giai đoạn như đề xuất gửi Bộ Tài chính vào tháng 4/2017. Dịch vụ an ninh hành khách, hành lý cũng sẽ áp mức khởi điểm là 13.000 đồng, thay vì 15.000 đồng cho khách nội.

Theo tính toán của Bộ GTVT, nếu phương án mới này được thông qua, ACV có thể tăng doanh thu thêm 1.081 tỷ đồng/năm (giảm 29,71 tỷ đồng so với phương án tháng 4). Đối với các hãng hàng không, mức phí dịch vụ mới này sẽ khiến chi phí của Vietnam Airlines tăng 87,75 tỷ đồng; Vietjet Air là 55,41 tỷ đồng; Jetstar Pacific là 18,38 tỷ đồng. Tính tổng cộng, chi phí hành khách phải chi trả thêm cho 1 vé máy bay là 30.385 đồng, giảm 3.058 đồng so với phương án xin ý kiến Bộ Tài chính vào tháng 4/2017.

Hài hòa lợi ích

Được biết, ACV chính là đơn vị nóng ruột nhất đối với việc điều chỉnh mức giá, khung giá dịch vụ chuyên ngành hàng không. Nếu tính từ tháng 6/2016, số lượng văn bản mà chủ cảng hàng không gửi các cơ quan quản lý nhà nước xin điều chỉnh Quyết định số 1992/QĐ - BTC ngày 15/8/2014 của Bộ Tài chính về “khung giá một số dịch vụ hàng không tại cảng hàng không” hiện đã dày cả xấp.

Theo ông Lê Mạnh Hùng, Tổng giám đốc ACV, các đề xuất điều chỉnh hệ thống giá dịch vụ hàng không nội địa của đơn vị là nhằm đưa giá dịch vụ hàng không nội địa tiệm cận giá thành thực tế. Theo ACV, vào năm 2000, mức hạ cất cánh (HCC) quốc nội được các cơ quan chức năng ấn định bằng 47% giá quốc tế. Tuy nhiên, từ năm 2000 đến nay, do tốc độ tăng tỷ giá USD/VND nhanh hơn mức điều chỉnh giá HCC quốc nội, nên tỷ trọng giữa mức thu phí dịch vụ đối với bay quốc nội và quốc tế hiện chỉ còn khoảng 34%.

Cũng giống như giá dịch vụ HCC, chủ các cảng hàng không cho rằng, mức giá phục vụ hành khách quốc nội hiện quá thấp, chỉ bằng 14,81% giá quốc tế, trong khi chi phí đầu tư cảng hàng không nội địa gần như tương đương với nhà ga quốc tế. Đây là lý do khiến trong toàn ACV, chỉ có sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất là có lãi và đang phải bù chéo cho 18 cảng hàng không còn lại. Hai sân bay mới đạt đến điểm hoà vốn trong hệ thống là Cam Ranh và Đà Nẵng.

Sức ép với ACV là rất lớn, bởi tổng nhu cầu vốn để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng các cảng hàng không bình quân 5.561 tỷ đồng/năm, trong khi Quỹ đầu tư phát triển chỉ cân đối được vỏn vẹn 705 tỷ đồng. Ngay cả khi có khoản thu phát sinh do điều chỉnh giá dịch vụ thì cũng chỉ đáp ứng được 27% nhu cầu vốn đầu tư bình quân một năm của đơn vị này.

Trong văn bản gửi Tổng cục Thống kê, ông Trần Bảo Ngọc, Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ GTVT) cho biết, các cơ quan quản lý nhà nước đã xem xét kỹ đề xuất của ACV, thống nhất quan điểm giá dịch vụ cần hài hòa lợi ích của các doanh nghiệp và hành khách, tạo điều kiện và hỗ trợ các hãng hàng không nội địa phát triển, tăng sức cạnh tranh trong giai đoạn hội nhập.

ACV đề xuất thành lập trung tâm điều hành an ninh hàng không
Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) vừa có tờ trình gửi Bộ Giao thông Vận tải về phương án quản lý và khai thác lực lượng an ninh hàng...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư