Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 18 tháng 04 năm 2024,
Lọc dầu Vũng Rô đề nghị ưu đãi thuế xuất khẩu
Thanh Hương - 12/05/2013 22:32
 
UBND tỉnh Phú Yên vừa đề nghị các bộ liên quan xem xét trình Chính phủ cho áp dụng thuế xuất khẩu các sản phẩm hóa dầu và lưu huỳnh của Dự án Nhà máy Lọc dầu Vũng Rô (Dự án) là 0%, tương tự Dự án Liên hợp lọc hóa dầu Nghi Sơn. >>>   
TIN LIÊN QUAN
Khu vực Bãi Gốc - nơi dự kiến đặt cảng chính của Nhà máy
Lọc dầu Vũng Rô, tỉnh Phú Yên. (Ảnh: Đức Thanh)

Theo UBND tỉnh Phú Yên, sở dĩ địa phương này đề nghị bổ sung ưu đãi sản xuất sản phẩm hóa dầu và lưu huỳnh là do hai sản phẩm này chiếm tỷ trọng lớn trong tổng mức đầu tư toàn Dự án.

Trước đó, vào tháng 11/2012, Công ty TNHH Dầu khí Vũng Rô cũng đã đề nghị được áp dụng mức thuế xuất khẩu đối với sản phẩm của nhà máy là 0% cho suất đời Dự án.

Tuy nhiên, tại Văn bản 204/TTg-KTN, Dự án Lọc dầu Vũng Rô mới chỉ được đồng ý áp dụng thuế suất thuế xuất khẩu sản phẩm lọc dầu là 0%, mà không có các sản phẩm hóa dầu.

Làm việc với tỉnh Phú Yên mới đây, Thủ tướng Chính phủ cũng đã giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công thương nghiên cứu, xem xét thuế suất áp dụng cho sản phẩm, dự án về lĩnh vực này, đề xuất báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 5/2013.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư điện tử, một lãnh đạo của Công ty TNHH Lọc dầu Vũng Rô cho hay, có thể tại thời điểm này hay vài năm tiếp theo, thuế suất thuế xuất khẩu các sản phẩm hóa dầu mà Dự án xin vẫn đang ở mức 0% hay không có, nhưng Dự án được tính cho thời gian 30 năm, nên rất cần có các chính sách dài hạn, ổn định, làm cơ sở để tính toán hiệu quả tổng thể của Dự án.

Mặt khác, các tổ chức cho vay cũng nhìn vào các cơ chế được phép áp dụng để thẩm định hiệu quả của Dự án.

Được biết, khi đề xuất cho được hưởng thuế xuất khẩu 0% với các sản phẩm hóa dầu, tỉnh Phú Yên và nhà đầu tư cũng đã dẫn chứng Thỏa thuận Bảo lãnh và Cam kết của Chính phủ (GGU) cho dự án Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn.

Theo đó “Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn có thể xuất khẩu các sản phẩm hóa dầu và lưu huỳnh vào bất cứ lúc nào và các sản phẩm xuất khẩu đó sẽ không phải chịu thuế xuất khẩu”.

Trước đó, vào đầu tháng 2/2013, Chính phủ đã đồng ý cho Dự án Lọc hóa dầu Vũng Rô được áp dụng một số cơ chế chính sách để triển khai Dự án (xem bảng).

Dự án Lọc hóa dầu Vũng Rô cũng đã được chấp thuận cho tăng công suất gấp đôi, lên 8 triệu tấn. Một số thông tin cho hay, mức vốn đầu tư mới có thể là gần 3,18 tỷ USD cho công suất mới 8 triệu tấn dầu thô/năm.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư điện tử, một chuyên gia trong lĩnh vực dầu khí, đã có kinh nghiệm thực tế qua Dự án Liên hợp lọc hóa dầu Nghi Sơn cho hay, với quy mô 10 triệu tấn dầu thô/năm, Liên hợp lọc hóa dầu Nghi Sơn do các nhà đầu tư Nhật Bản và Kuwai có quy mô vốn đầu tư khoảng 9 tỷ USD.

Như vậy, Dự án Lọc hóa dầu Vũng Rô quy mô 8 triệu tấn dầu thô/năm cũng đòi hỏi mức vốn nhất định, chứ không thể cách xa như con số 3,18 tỷ USD được nhắc tới gần đây.

Các thông tin ngoài lề cũng cho hay, thiết kế tổng thể của Dự án Lọc hóa dầu Vũng Rô, theo kế hoạch, sẽ hoàn tất vào cuối quý III, đầu quý IV năm nay; hợp đồng EPC có thể sẽ được ký trong năm 2013.

Ứng cử viên sáng giá cho vị trí nhà thầu EPC được cho là một doanh nghiệp đến từ Nhật Bản. Doanh nghiệp này đã có kinh nghiệm thi công dự án lọc dầu ở Việt Nam.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư