Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 19 tháng 10 năm 2024,
Tiêu điểm kinh doanh trong tuần
Lộc Trời bổ nhiệm kế toán trưởng làm CEO; Gỡ lệnh hoãn xuất cảnh với CEO Bamboo Airways
Khánh An tổng hợp - 19/10/2024 08:08
 
Coteccons miễn nhiệm CEO; Bà Huỳnh Bích Ngọc vừa rời ghế Chủ tịch lại ứng cử thành viên HĐQT TTC AgriS; Lộc Trời bổ nhiệm kế toán trưởng làm CEO; Gỡ lệnh hoãn xuất cảnh với CEO Bamboo Airways; Tập đoàn Phúc Sơn có tổng giám đốc mới.

Lộc Trời bổ nhiệm kế toán trưởng làm CEO

Ông Nguyễn Tấn Hoàng, nguyên kế toán trưởng Tập đoàn Lộc Trời, vừa được bổ nhiệm làm Tổng giám đốc, có hiệu lực từ ngày 16/10. Thông báo này được Tập đoàn Lộc Trời (LTG) gửi tới Sở Giao dịch Chứng khoán TP. HCM ngày 17/10.

Ông Nguyễn Tấn Hoàng, tân CEO Tập đoàn Lộc Trời.

Ông Hoàng sinh năm 1977, nắm giữ 15.000 cổ phần, tương đương 0,015% vốn điều lệ của tập đoàn.

Ông đã giữ vị trí kế toán trưởng của Lộc Trời từ năm 2012 và đồng thời đảm nhiệm nhiều chức vụ quan trọng khác như CEO Công ty Nông sản Lộc Trời, Chủ tịch Quản nông Xanh và Kế toán trưởng Lộc Nhân.

Việc bổ nhiệm này là một bước quan trọng trong quá trình tái cơ cấu và kiện toàn nhân sự cấp cao của tập đoàn, sau khi ông Nguyễn Duy Thuận bị miễn nhiệm khỏi chức CEO vào tháng 7. Ông Thuận tham gia Lộc Trời từ tháng 6/2019. Trước khi bị miễn nhiệm ông có hơn 4 năm ở vị trí CEO Tập đoàn Lộc Trời. Việc miễn nhiễm ông Thuận diễn ra trong bối cảnh tập đoàn này đang thua lỗ. Trước đó, Chủ tịch Huỳnh Văn Thòn tạm thời điều hành công ty.

Vài ngày sau khi miễn nhiệm ông Thuận, Lộc Trời đề nghị UBND tỉnh thu hồi thẻ APEC và tạm hoãn xuất cảnh ông Thuận, với lý do ông không hợp tác bàn giao công việc và có dấu hiệu muốn ra nước ngoài tránh trách nhiệm. UBND tỉnh An Giang đã chuyển vụ việc sang công an tỉnh vì không có thẩm quyền xử lý.

Phía ông Thuận phủ nhận cáo buộc và đang tìm cách giải quyết ổn thỏa với Lộc Trời.

Coteccons miễn nhiệm CEO

HĐQT Công ty cổ phần Xây dựng Coteccons đã quyết định miễn nhiệm ông Võ Hoàng Lâm khỏi chức vụ Tổng giám đốc từ ngày 17/10. Lý do ông Lâm phải đảm nhận nhiệm vụ khác là Phó tổng giám đốc Coteccons kiêm Tổng giám đốc của Coteccons Business Unit 01 - đơn vị chuyên mảng hạ tầng, đầu tư công và FDI.

Ngoài ra, Hội đồng quản trị còn bổ nhiệm ông Phạm Quân Lực, trước đây là Phó tổng giám đốc CTD, sang vị trí Phó tổng giám đốc của Coteccons Business Unit 01.

Ông Võ Hoàng Lâm chuyển từ CEO sang là Phó tổng giám đốc Coteccons kiêm Tổng giám đốc của Coteccons Business Unit 01.

Ông Trần Ngọc Hải, trước giữ chức Giám đốc điều hành, sẽ nhận vị trí Phó tổng giám đốc Coteccons khối Thương Mại. Ông Nguyễn Chí Thiện, trước là Giám đốc điều hành, sẽ đảm nhận vị trí Phó tổng giám đốc CTD kiêm Tổng giám đốc của Coteccons Business Unit 02.

Ông Nguyễn Văn Đua, trước đây là người phụ trách quản trị công ty, sẽ vào ghế Phó tổng giám đốc Coteccons kiêm Giám đốc tài chính. Bà Nguyễn Trình Thùy Trang, trước đây nắm chức Giám đốc nội vụ, sẽ đảm nhận vị trí Phó tổng giám đốc Coteccons khối Vận hành. Ông Đua và bà Trang còn kiêm nhiệm thêm vị trí Giám đốc tài chính và Giám đốc vận hành.

Coteccons cho biết những thay đổi quan trọng trong cơ cấu nhân sự trên nhằm đáp ứng chiến lược trọng điểm ưu tiên mới giai đoạn 2025-2029 của công ty. Trong đó, ông Lâm sẽ tập trung toàn bộ vào phát triển mảng hạ tầng, đầu tư công, FDI và các dự án khác tại khu vực miền Trung và miền Nam.

Theo lãnh đạo này, quyết định chuyển từ việc quản lý chung sang tập trung mảng hạ tầng và FDI là phù hợp với sự phát triển của công ty. "Đến lúc cần đào sâu và tập trung hơn từng mảng chuyên biệt, vì tiềm năng ở hai lĩnh vực này rất lớn, nếu có sự tập trung sẽ mở ra những cơ hội đột phá lớn cho Coteccons", ông chia sẻ.

Hội đồng quản trị cho biết các thành viên kể trên sẽ dẫn dắt Coteccons thực hiện mục tiêu chiến lược năm 2025 với hai trọng tâm chính là giữ vững tăng trưởng kinh doanh cốt lõi và xây dựng nền tảng các mảng kinh doanh mới - vươn ra thị trường quốc tế.

Hồi tháng 8, doanh nghiệp này thông báo đầu tư ra nước ngoài dưới hình thức thành lập công ty con bằng nguồn vốn chủ sở hữu, không sử dụng đòn bẩy. Trước đó vào cuối tháng 3, họ quyết định thành lập văn phòng đại diện tại Indonesia để tham gia đấu thầu và thực hiện dự án tại thị trường này...

Bà Huỳnh Bích Ngọc vừa rời ghế Chủ tịch lại ứng cử thành viên HĐQT TTC AgriS

HĐQT TTC AgriS vừa công bố thông tin 2 ứng cử viên Thành viên HĐQT sẽ được bầu bổ sung tại ĐHĐCĐ thường niên niên độ 2023-2024, dự kiến tổ chức ngày 24/10, tại Tây Ninh. Ngày giao dịch không hưởng quyền là 19/09/2024.

Ứng cử viên đầu tiên là bà Huỳnh Bích Ngọc (sinh năm 1962), hiện là Phó chủ tịch thường trực kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Thành Thành Công (TTC Group).

Bà Huỳnh Bích Ngọc, Phó chủ tịch thường trực kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Thành Thành Công (TTC Group).

Bà Ngọc từng là Chủ tịch HĐQT TTC AgriS từ năm 2019-2024, miễn nhiệm ngày 13/07 do hết nhiệm kỳ 5 năm Thành viên HĐQT. Sau đó, bà Ngọc chuyển sang làm Cố vấn cấp cao cho HĐQT, tham mưu, tư vấn, phản biện cho HĐQT và thông qua các vấn đề quan trọng mang tính chiến lược của Công ty. Vai trò Chủ tịch HĐQT TTC AgriS do bà Đặng Huỳnh Ức My đảm nhiệm. Bà My chính là con gái của bà Huỳnh Bích Ngọc và ông Đặng Văn Thành, Chủ tịch TTC Group.

Bà Ngọc hiện là đại diện sở hữu toàn bộ vốn góp của TTC Group tại TTC AgriS với tỷ lệ 21,85%, cá nhân bà sở hữu 9,09% vốn. Còn con gái bà Ngọc - Chủ tịch Đặng Huỳnh Ức My nắm giữ 9,84%. Riêng ông Đặng Văn Thành (chồng bà Ngọc) không nắm giữ cổ phần nào.

Ứng cử viên thứ hai sẽ tham gia HĐQT TTC AgriS nhiệm kỳ mới  là ông Nguyễn Thanh Ngữ (sinh năm 1987), hiện là Phó Tổng Giám đốc thường trực của TTC Group; Chủ tịch HĐQT CTCP Toàn Hải Vân. Tại TTC AgriS, ông từng giữ chức Tổng giám đốc giai đoạn 2014-8/2024, và không nắm giữ cổ phần nào.

Theo tài liệu họp công bố trước đó, TTC AgriS hé lộ kế hoạch kinh doanh niên độ 2024-2025 (01/07/2024-30/06/2025), với mục tiêu doanh thu 26.168 tỷ đồng và lãi trước thuế 900 tỷ đồng.

Công ty dự kiến nâng tổng diện tích vùng nguyên liệu tại các quốc gia lên 90.000 ha. Mục tiêu giữ vững thị trường đường, mở rộng ngành hàng FBMC, hướng đến M&A công ty "beverage" (đồ uống) mục tiêu, tiếp tục đẩy mạnh kiểm soát chi phí, đảm bảo hiệu quả kinh doanh.

Phát súng M&A đầu tiên là thương vụ đầu tư mua cổ phần CTCP Xuất nhập khẩu Bến Tre (Betrimex). Ngày 09/10, HĐQT TTC Agris đã thông qua việc mua 40% vốn Betrimex nhằm thực hiện đầu tư danh mục thuộc lĩnh vực định hướng chiến lược của Công ty giai đoạn 2025-2030.

Gỡ lệnh hoãn xuất cảnh với CEO Bamboo Airways

Theo thông báo từ CTCP Hàng không Tre Việt (Bamboo Airways), lệnh hoãn xuất cảnh đối với CEO Lương Hoài Nam đã được gỡ bỏ vào chiều ngày 16/10/2024.

Ông Lương Hoài Nam. CEO CTCP Hàng không Tre Việt (Bamboo Airways).

Cụ thể, trên cơ sở Bamboo Airways cam kết trả nợ thuế theo lộ trình và được ngân hàng bảo lãnh nghĩa vụ trả dần nợ thuế hàng tháng, ngay chiều ngày 16/10/2024, Cục thuế tỉnh Bình Định đã ban hành văn bản chính thức huỷ bỏ tạm hoãn xuất cảnh đối với ông Lương Hoài Nam. Trong thời gian Bamboo Airways thực hiện trả dần nợ thuế theo đúng cam kết, Cục Thuế tỉnh Bình Định sẽ không áp dụng các biện pháp cưỡng chế thuế khác đối với hãng hàng không, tạo điều kiện cho Bamboo Airways ổn định hoạt động, tái cấu trúc thành công và phát triển hiệu quả.

Trước đó vào sáng ngày 15/10/2024, Bamboo Airways đã có buổi làm việc trực tiếp với lãnh đạo Cục thuế tỉnh Bình Định, dưới sự chủ trì của ông Phạm Anh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định.

Tại buổi làm việc trong sáng ngày 15/10, Bamboo Airways cho rằng, việc Cục Thuế tỉnh Bình Định áp dụng các biện pháp cưỡng chế và thông báo tạm dừng xuất cảnh đối với người đại diện theo pháp luật của Công ty là hoàn toàn đúng theo quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, thời điểm hiện nay Công ty đang thực hiện tái cấu trúc lại doanh nghiệp, do vậy nếu áp dụng biện pháp tạm dừng xuất cảnh sẽ gây khó khăn rất lớn cho công ty trong việc tìm kiếm đối tác, kêu gọi vốn và ký kết các hợp đồng. Do vậy, Công ty đề xuất xin được nộp dần tiền thuế và cam kết sẽ có thư bảo lãnh của ngân hàng. Bamboo Airways cũng đề nghị Cục Thuế tỉnh Bình Định không áp dụng biện pháp tạm dừng xuất cảnh để tháo gỡ khó khăn cho Công ty.

Tập đoàn Phúc Sơn có tổng giám đốc mới

Trong bức thư ngỏ gửi đến nhà đầu tư, CTCP Tập đoàn Phúc Sơn cho biết đã bổ nhiệm Tổng giám đốc và người đại diện pháp luật mới, thay thế cho ông Nguyễn Văn Hậu đã bị cơ quan chức năng khởi tố, bắt tạm giam.

Đây là bức thư được Tập đoàn Phúc Sơn gửi đến khách hàng và nhà đầu tư tại dự án Trung tâm đô thị Thương mại - Dịch vụ - Tài chính - Du lịch Nha Trang, Khánh Hòa vào ngày 08/10/2024.

Theo nội dung thư, ông Nguyễn Văn Hậu, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc, người đại diện pháp luật và là chủ tài khoản của Tập đoàn Phúc Sơn đã bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công An (C03) khởi tố, bắt tạm giam về tội “Vi phạm quy định Nhà nước về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng” từ ngày 26/02/2024.

Sau khi ông Hậu bị bắt, Công ty gặp nhiều khó khăn, đình trệ nhiều hoạt động, nên đã có công văn đề nghị Cơ quan C03 cho phép thực hiện thủ tục Ủy quyền quản lý, duy trì hoạt động Công ty.

Ngày 28/06/2024, Văn phòng công chứng Minh An tại Vĩnh Phúc đã chứng nhận văn bản ủy quyền, cho thấy ông Hậu ủy quyền cho ông Nguyễn Thanh Tùng và bà Nguyễn Thị Huệ thực hiện các hoạt động duy trì công ty (họp ĐHĐCĐ, tổ chức bộ máy nhân sự...).

Ngay sau đó, Tập đoàn Phúc Sơn đã tiến hành họp ĐHĐCĐ để bầu đại diện pháp luật mới. Kết quả, bà Nguyễn Thị Huệ là người đại diện pháp luật mới của Phúc Sơn, với chức danh Tổng giám đốc từ ngày 29/07.  

Với việc bổ nhiệm nhân sự mới, Tập đoàn cho biết cơ bản ổn định lại bộ máy tổ chức hoạt động, hiện đang tiếp tục tìm phương án tháo gỡ khó khăn, phối hợp với địa phương thực hiện các dự án còn dang dở. Tuy nhiên, các tài khoản giao dịch đứng tên công ty vẫn bị phong tỏa, chưa được phép mở, dẫn đến không giao dịch được.

Bên cạnh đó, Tập đoàn cũng nhiều lần làm việc với các sở, ban ngành tỉnh Khánh Hoà về các dự án trong khu vực, trên quan điểm “tiếp tục thực hiện các dự án”.

Trong vụ đại án tại Tập đoàn Phúc Sơn, C03 đã khởi tố 26 bị can với 5 tội danh như Vi phạm quy định về kế toán, Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, Nhận hối lộ, Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ... xảy ra tại Công ty Bất động sản Thăng Long, Tập đoàn Phúc Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, Vĩnh Phúc, Phú Thọ.

Đến nay, Cục C03 tập trung điều tra, củng cố các sai phạm và mở rộng điều tra đối với các đối tượng liên quan, để xử lý các đối tượng theo đúng quy định pháp luật, thu hồi triệt để tài sản.

Bình Định chính thức hủy bỏ tạm hoãn xuất cảnh đối với CEO Bamboo Airways
Chiều 16/10, Cục Thuế tỉnh Bình Định đã có văn bản gửi Cục Quản lý xuất nhập cảnh, Bộ Công An thông báo hủy bỏ tạm hoãn xuất cảnh đối...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư