Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 19 tháng 05 năm 2024,
Lối đi riêng đột phá trong đào tạo nhân lực bán dẫn
Hữu Tuấn - 05/05/2024 08:36
 
Để đáp ứng nhu cầu khẩn cấp tham gia ngành công nghiệp bán dẫn trong 18-24 tháng tới và tham gia sâu vào chuỗi bán dẫn, Việt Nam cần một lối đi riêng.
Nhu cầu nhân lực bán dẫn trong thời gian tới rất lớn. Trong ảnh: Sản xuất chất bán dẫn tại Nhà máy Intel Việt Nam. Ảnh: Lê Toàn

Kết hợp đào tạo cấp tốc và dài hạn

Đề án Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2045, do Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng xác định, đến năm 2030, kỹ sư Việt Nam tham gia sâu vào quy trình thiết kế, công đoạn đóng gói và kiểm thử, làm chủ được một phần công nghệ đóng gói và kiểm thử; từng bước nắm bắt được công nghệ trong công đoạn sản xuất. Đào tạo được 50.000 kỹ sư phục vụ ngành công nghiệp bán dẫn trong tất cả các công đoạn của chuỗi giá trị; trong đó có 15.000 kỹ sư thiết kế vi mạch bán dẫn và 35.000 kỹ sư trong lĩnh vực khác của ngành công nghiệp bán dẫn. Tối thiểu 5.000 kỹ sư trong số đó có chuyên môn sâu về trí tuệ nhân tạo (AI).

Để đáp ứng nhu cầu cấp bách tham gia vào chuỗi bán dẫn trong 24 tháng tới, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng, cần áp dụng hình thức đào tạo ngắn hạn, nâng cao, chuyển đổi từ các ngành gần, ngành phù hợp, sang ngành công nghiệp bán dẫn. Song song đó, hình thức đào tạo chính quy cũng sẽ được triển khai trên cơ sở hợp tác chặt chẽ 3 nhà là “Nhà nước - Nhà trường - Nhà doanh nghiệp” và liên kết quốc tế trong xây dựng, nhập khẩu chương trình, thu hút chuyên gia quốc tế về Việt Nam giảng dạy.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cũng cho rằng, phải tập trung đào tạo lại và đào tạo trực tiếp trong ngắn hạn. Các nước khác muốn đào tạo một kỹ sư điện tử làm về công nghiệp bán dẫn phải đào tạo trong khoảng 2 năm, nhưng ở Việt Nam chỉ cần 3-6 tháng hoặc 12 tháng.

“Thiếu nguồn nhân lực bán dẫn có tính ngắn hạn, cho nên ngoài việc đào tạo nghiên cứu dài hạn, thậm chí đào tạo tiến sỹ, thì vẫn phải chú trọng trong ngắn hạn là đào tạo nhanh và cách tốt nhất là đào tạo lại hoặc đào tạo chuyển tiếp các kỹ sư công nghệ thông tin, công nghệ phần mềm, kỹ sư điện tử… Chúng ta đang có khoảng 600.000 đến 700.000 kỹ sư ngành này, đào tạo 3 tháng, 6 tháng, 12 tháng… là có thể sẵn sàng cho công nghiệp bán dẫn”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ.

Theo Bộ trưởng Hùng, để làm được điều này, cần giáo viên, người hướng dẫn, cơ sở vật chất và lời giải ở đây là sự hợp tác giữa doanh nghiệp và đại học, đầu tư cơ sở vật chất của Nhà nước và các cơ sở đào tạo. Việc đào tạo thu hút giáo viên bán dẫn nước ngoài lúc này là ưu tiên nhất. Nhà nước đầu tư vào cơ sở vật chất cho công nghiệp bán dẫn cần đầu tư tập trung tại một chỗ và các cơ sở đào tạo sẽ dùng chung.

Còn ông Bùi Thế Duy, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ lưu ý, đào tạo nguồn nhân lực về vi mạch thì phải chia ra làm mấy cấp độ và đặc biệt là liên quan đến tìm đầu ra. Cấp độ đầu tiên chúng ta cần quan tâm trong giai đoạn hiện nay, phục vụ mục tiêu đầu ra lớn nhất - là các doanh nghiệp nước ngoài đang có ở Việt Nam, cũng như sẽ chuyển về Việt Nam. Nhóm thứ hai là “outsourcing” cho các doanh nghiệp nước ngoài. Ví dụ như cách FPT đang làm là rất phù hợp, tức là đào tạo, thiết kế để outsourcing. Điều này rất phù hợp với kinh nghiệm đã khá thành công trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Cách đó triển khai trên diện rộng, ngay giai đoạn đầu tiên để đáp ứng nhu cầu và áp dụng nhanh.

“Tiếp theo là đào tạo trung hạn và dài hạn, ở đây liên quan đến đào tạo thạc sỹ, tiến sỹ. Đào tạo này không chỉ phục vụ riêng thị trường, mà còn phục vụ xây dựng tiềm lực quốc gia. Đây là lĩnh vực để chúng ta có tiềm lực. Tiềm lực ở đây, thậm chí là nhân lực, có thể không phục vụ cho doanh nghiệp ngay, nhưng thường xuyên nghiên cứu phát triển, duy trì đội ngũ để có những sản phẩm của riêng chúng ta phục vụ an ninh quốc phòng”, ông Duy khuyến nghị.

Hiện thực hóa chiến lược nhân lực bán dẫn

Để thực hiện mục tiêu đào tạo ra một lượng nguồn nhân lực đáp ứng đủ nhu cầu trong cả ngắn hạn và dài hạn, cần có các giải pháp đồng bộ.

Theo ông Phạm Bảo Sơn, Phó giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội, chúng ta đặt ra mục tiêu đào tạo các chuyên gia, nhưng sẽ có 2 nhóm chuyên gia, nhóm có thể giảng dạy được và nhóm chuyên gia đầu ngành. Điều này cần sự định hướng dài hơi, bởi phải gắn với các chương trình nghiên cứu, gắn với chương trình đào tạo dài hạn. Ngoài ra, cần có cơ chế không chỉ là bồi dưỡng, mà phải thu hút được các chuyên gia. Bên cạnh đó là đầu tư hệ thống trang thiết bị, phòng thí nghiệm và cuối cùng là thu hút các sinh viên giỏi tham gia trong lĩnh vực này.

Ở góc độ doanh nghiệp sử dụng nhân lực bán dẫn, ông Phùng Việt Thắng, Giám đốc Quốc gia Intel tại Việt Nam lưu ý, cần có sự cân đối trong đào tạo nhân lực bán dẫn thực hành với đào tạo người giảng dạy. Cơ sở đào tạo chưa chắc có năng lực để đào tạo ra một kỹ sư bán dẫn giỏi, mà năng lực đó được xây dựng trong quá trình làm việc. Để chuẩn bị cho quá trình đó một cách sẵn sàng, kỹ sư cần phải có những kỹ năng mềm, kỹ năng mềm của kỹ sư chứ không phải kỹ năng mềm nói chung. Vậy kỹ sư cần phải có những kỹ năng mềm gì? Ví dụ như kỹ năng giải quyết vấn đề, kỹ năng sáng tạo… những kỹ năng đó ở trường đại học cần phải tập trung hơn, làm tốt hơn.

“Một điểm cần lưu ý là kết hợp giữa các trường đại học với các trung tâm nghiên cứu của các doanh nghiệp, thay vì đặt ở doanh nghiệp, đặt ở đâu đó thì nên đặt gần trường đại học. Về phòng lab, có rất nhiều mức độ phòng lab khác nhau, có thể là quy mô quốc gia, cũng có thể là quy mô trường đại học, nhưng điều đặc biệt ở đây là cơ chế sử dụng phòng lab một cách có hiệu quả là điều vô cùng quan trọng. Điều này liên quan đến hợp tác công - tư, cùng sự hỗ trợ của các doanh nghiệp hàng đầu quốc gia. Đây là bài toán chung cần giải”, ông Thắng khuyến nghị.

Ở góc độ khác, ông Hùng Trần, Giám đốc điều hành Got It hiến kế, hiện Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia đã bắt đầu xây dựng mạng lưới những chuyên gia người Việt ở nước ngoài. Đây là một chiến lược ngắn hạn rất thông minh. Bởi vì chúng ta có rất nhiều người Việt đang làm việc thực tế ở các công ty toàn cầu, chứ không chỉ là giảng dạy hay nghiên cứu. Nếu trong chiến lược ngắn hạn, chúng ta có những người nhanh chóng làm được việc trong vòng 24 tháng tới, thì phải ngay lập tức thu hút được đội ngũ này giúp đào tạo, thực hành cho nhân lực Việt Nam.

“Bên cạnh đó, cần có chương trình dài hạn nữa. Đề án đến năm 2050, có nghĩa là các kỹ sư mà cuối Đề án còn chưa được sinh ra. Bây giờ chúng ta có chương trình như thế nào cho họ? Phải có những chương trình đào tạo cho học sinh từ cấp 1, cấp 2. Khi muốn có những người giỏi, những kỹ sư có thể thiết kế được, chúng ta phải có học sinh thật tốt ngay từ khi còn bé, chứ không thể đến khi người ta bảo học mới bắt đầu đào tạo”, ông Hùng đề xuất.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết, Bộ xác định các yếu tố then chốt nhằm thúc đẩy tăng số lượng và chất lượng đào tạo ở lĩnh vực công nghiệp bán dẫn. Theo đó, sẽ có nhiều sinh viên giỏi theo học ngành này. Chương trình đào tạo và nguồn tài liệu sẽ được cập nhật thường xuyên và hiện đại; có đủ nguồn lực giảng viên có trình độ và kỹ năng cao; có đủ hệ thống phòng thí nghiệm thực hành hiện đại cho các môn học; có sự hợp tác hiệu quả giữa các doanh nghiệp và các trường đại học nước ngoài để giúp nâng cao tính thực tiễn trong quá trình học của sinh viên; gắn kết đào tạo với nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo khác.

“Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tập trung đề xuất xây dựng các cơ chế, chính sách mang tính đột phá, các chương trình đào tạo tài năng, các chương trình đầu tư trọng điểm. Khi các chương trình này được phê duyệt sẽ tạo sự đột biến căn bản về số lượng và nâng cao chất lượng trong việc đào tạo nguồn nhân lực”, ông Sơn cho hay.

Chìa khóa mở ngành công nghiệp bán dẫn
Đầu tư đào tạo nhân lực bán dẫn là một hướng đi chiến lược, là chìa khóa để tận dụng tiềm năng, lợi thế, thúc đẩy sự phát triển của...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư