Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Lời hứa đưa 4 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông về đích đúng tiến độ
Bảo Như - 24/09/2022 09:11
 
Có khá nhiều nội dung được các nhà thầu và đại diện ban quản lý dự án ký cam kết nhằm đưa 4 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông về đích vào ngày 31/12/2022.

Sau 2 tuần kể từ khi Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) phát động đợt thi đua nước rút 120 ngày đêm thông xe kỹ thuật, hiện đã có những cải thiện đáng kể trên công trường triển khai 4 dự án thành phần thuộc Dự án Xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc phía Đông giai đoạn 2017 - 2020, gồm Mai Sơn - Quốc lộ 45, Cam Lộ - La Sơn, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây.

Có khá nhiều nội dung được các nhà thầu và đại diện ban quản lý dự án ký cam kết trong đợt thi đua nước rút 120 ngày đêm, nhưng tất cả đều hướng tới việc đưa 4 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông nói trên về đích vào ngày 31/12/2022.

Cần phải nói thêm, ngày 31/12/2022 cũng là thời hạn hoàn thành phần lớn các gói thầu xây lắp mà các nhà thầu ký với đại diện Bộ GTVT. Về lý, các nhà thầu có trách nhiệm thực hiện theo đúng điều khoản hợp đồng, nhưng việc các công trường bị đóng băng trong thời gian đỉnh dịch Covid-19; tình trạng khan hiếm vật liệu đất đắp; giá cả nhiều loại vật liệu đầu vào tăng đột biến; điều kiện thời tiết bất lợi..., nên nếu không có sự hỗ trợ, động viên, khích lệ, thì tiến độ các dự án nói trên có thể lạc nhịp sâu hơn.

Trên thực tế, áp lực trong đợt nước rút 120 ngày đêm đối với các ban quản lý dự án, nhà thầu, đơn vị thi công là rất lớn, bởi tính đến cuối tháng 8/2022, tuyến Mai Sơn - Quốc lộ 45 mới đạt 69,5%; Phan Thiết - Dầu Giây đạt 55,72%; Vĩnh Hảo - Phan Thiết đạt 50,18% giá trị hợp đồng. Thời hạn 3 tháng để hoàn thành công việc bằng cả 2 năm trước đó đòi hỏi các chủ thể tại 4 dự án nói trên phải nỗ lực cao độ.

Chính vì vậy, bên cạnh việc kịp thời thay thế những đơn vị thi công yếu kém, để đợt nước rút có kết quả, Chính phủ, Bộ GTVT, các địa phương liên quan cũng cần sớm có sự hỗ trợ cần thiết, đặc biệt là trong việc đảm bảo đầy đủ nguồn cung ứng vật liệu, cần có cơ chế thanh toán nhanh, gọn kịp thời, đồng thời ban hành các thông báo giá sát thực tế.

Quan trọng hơn, các đơn vị thi công - những người sắm vai chính trong đợt thi đua nước rút này phải gạt bỏ tâm lý “đo lọ nước mắm, đếm củ dưa hành”, để làm vì thương hiệu của mình, vì danh dự, trọng trách với đất nước.

Ở chiều ngược lại, nếu không dấn lên để hoàn thành dứt điểm công trình trong khoảng 3 tháng tới, thì thiệt hại với các đơn vị thi công còn nặng nề hơn, bởi kéo dài thêm ngày nào sẽ càng phát sinh thêm chi phí tài chính do giá nhiên liệu, vật liệu còn diễn biến phức tạp. Thực tế, đã có không ít lãnh đạo các đơn vị thi công chấp nhận bù lỗ, huy động thêm nguồn lực tài chính để hoàn thành dứt điểm gói thầu.

Với các cơ quan quản lý, đợt thi đua nước rút này cũng chính là thước đo quan trọng nhất để xác định những đơn vị thi công, nhà đầu tư có năng lực thực sự, có ý thức trách nhiệm cao với đất nước để tiếp tục chọn chỉ định thầu tại Dự án Xây dựng cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 và các dự án hạ tầng trọng điểm khác.

Đây được coi là một trong những yếu tố quyết định việc hoàn thành mục tiêu xây dựng 5.000 km đường cao tốc vào năm 2030 được Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đề ra.

Tại cuộc đối thoại với doanh nghiệp mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh, các doanh nghiệp tham gia vào các công trình hạ tầng chiến lược cũng phải vào cuộc trên tinh thần “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”, đồng lòng cùng cả nước vượt qua khó khăn chung trong bối cảnh hiện nay. Vì vậy, hơn lúc nào hết, các nhà thầu, đơn vị thi công phải thể hiện được bản lĩnh, năng lực và quyết tâm, trách nhiệm cao nhất để hoàn thành nhiệm vụ.

Đó còn là sự cụ thể hóa lời hứa của ngành GTVT trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, thể hiện quyết tâm vượt khó, phát huy truyền thống đi trước mở đường, đồng thời tạo động lực để Dự án Xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 hoàn thành đúng tiến độ, góp phần đẩy nhanh tiến trình phục hồi, phát triển kinh tế đất nước.

Quảng Bình: Nhiều vướng mắc tại Dự án Cao tốc Bắc - Nam
Quảng Bình đề nghị được hướng dẫn việc trồng rừng thay thế và chuyển đổi mục đích sử dụng rừng đối với 117,26 ha chưa được phê...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư