Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
Lợi nhuận 400%, buôn lậu thuốc lá khó giảm
Hoàng Nam - 03/07/2019 10:02
 
Năm 2018, ước tính có hàng trăm triệu bao thuốc lá lậu hiện diện tại thị trường Việt Nam, chiếm gần 20% lượng thuốc lá tiêu thụ trong nước, gây thất thu lớn cho ngân sách.
Tình trạng nhập lậu thuốc lá hiện nay làm Nhà nước thất thu ngân sách khoảng 8.500 tỷ đồng/năm. Trong ảnh: Tiêu hủy thuốc lá nhập lậu. Ảnh: T.H
Tình trạng nhập lậu thuốc lá hiện nay làm Nhà nước thất thu ngân sách khoảng 8.500 tỷ đồng/năm. Trong ảnh: Tiêu hủy thuốc lá nhập lậu. Ảnh: T.H

Trường kỳ chống thuốc lá lậu

“Tình hình buôn lậu thuốc lá không giảm. Thủ đoạn vẫn không mới, như cất giấu trong cốp xe máy, thuê những người nghèo không có việc làm để vận chuyển. Một số đối tượng rất manh động, phóng xe máy với tốc độ lớn khi vận chuyển thuốc lá lậu, gây nguy hiểm về an toàn giao thông”. Đó là nhận xét chung của nhiều cơ quan quản lý thị trường các địa phương phía Nam khi nói về thực trạng buôn lậu thuốc lá hiện nay.

Tại An Giang - một điểm nóng về buôn lậu thuốc lá - vẫn tái diễn các trường hợp vận chuyển bằng ô tô khách, ghe tàu rất tinh vi phức tạp, có tổ chức. Các đối tượng dùng xuồng ghe từ bên kia biên giới vận chuyển thuốc lá lậu qua Việt Nam là có xe gắn máy chờ sẵn. Xe máy không đăng ký biển số hoặc biển số giả và chạy với tốc độ cao, gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông, đồng thời khó ghi hình để xử lý phạt nguội.

Theo ông Cao Văn Hồng, Trưởng phòng Nghiệp vụ tổng hợp (Cục Quản lý thị trường tỉnh Long An), hiện nay, đối tượng buôn lậu không còn dùng xe máy, xuồng máy, mà dùng ô tô, xe tải để vận chuyển thuốc lá lậu với số lượng lớn. Thậm chí, các đối tượng thường sử dụng ma túy đá khi điều khiển phương tiện, nên nếu bị lực lượng chức năng phát hiện, họ thường chống đối hoặc tông thẳng xe vào lực lượng để chạy thoát.

Theo số liệu thống kê của Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam, lượng thuốc lá nhập lậu vào thị trường Việt Nam trong năm 2007 chỉ khoảng 600 triệu bao, đến năm 2018 đã tăng lên hơn 850 triệu bao, chiếm gần 20% lượng thuốc lá tiêu thụ trong nước.

Thuốc lá nhập lậu vào Việt Nam ngày càng đa dạng, từ loại cấp thấp (5.000 - 7.000 đồng/bao) đến loại trung, cao cấp (16.000 - 35.000 đồng/bao), với đủ chủng loại như kingsize, slim, superslim.

Thị trường tiêu thụ thuốc lá nhập lậu hầu như phủ khắp toàn quốc, trong đó 2 nhãn Jet và Hero chiếm thị phần lớn nhất, tập trung tiêu thụ chủ yếu tại thị trường các tỉnh miền Trung, TP.HCM và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long.

Ông Phan Quang Huy, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Khánh Việt cho hay, buôn lậu thuốc lá đã trở thành vấn nạn, không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành thuốc lá Việt Nam, mà còn gây thiệt hại lớn cho Nhà nước, gây nguy hại cho sức khỏe cộng đồng. Đáng nói là, những năm qua, mặc dù Chính phủ và Ban Chỉ đạo 389 quốc gia cùng các các bộ, ngành, địa phương đã hết sức cố gắng trong công tác phòng, chống buôn lậu thuốc lá, nhưng tình trạng buôn lậu thuốc lá vẫn diễn ra với mức độ ngày càng tăng cả về số lượng, phạm vi và tính chất phức tạp.

“Hệ quả của tình trạng buôn lậu thuốc lá là hàng năm Nhà nước thất thu ngân sách khoảng 8.500 tỷ đồng; chảy máu ngoại tệ khoảng 500 triệu USD; các doanh nghiệp sản xuất thuốc lá trong nước bị sụt giảm 20% sản lượng tiêu thụ, làm hàng trăm ngàn lao động mất việc làm và giảm thu nhập. Đặc biệt, thuốc lá nhập lậu không kiểm soát được chất lượng (hàm lượng Tar, Nicotine vượt mức cho phép nhiều lần, có chứa một số chất độc hại bị cấm sử dụng, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm), gây nguy hại nghiêm trọng đến sức khỏe người tiêu dùng”, ông Huy nói.

Lợi nhuận lên tới 400%

Thực tế gia tăng của buôn lậu thuốc lá trong thời gian qua xuất phát từ nhiều lý do. Trước hết, hoạt động buôn lậu thuốc lá đem lại siêu lợi nhuận, tới trên 400%, bởi thuốc lá lậu không phải chịu bất cứ khoản thuế, phí nào, trong khi thuốc lá nhập khẩu chính ngạch phải chịu thuế nhập khẩu 100 - 202,5%, thuế giá trị gia tăng 10%. Trong khi đó, thuốc lá sản xuất trong nước phải chịu thuế tiêu thụ đặc biệt 75%, thuế giá trị gia tăng 10%; quỹ phòng, chống tác hại của thuốc lá 2%...

Lợi nhuận siêu khủng, nên các đối tượng buôn lậu thuốc lá ngày càng liều lĩnh, manh động, sẵn sàng chống trả lực lượng chức năng và dùng đủ mọi thủ đoạn tinh vi, manh động để vận chuyển, đưa thuốc lá nhập lậu vào thị trường nội địa tiêu thụ.

Theo ông Huy, thuốc lá là loại hàng hóa gọn nhẹ, dễ vận chuyển, trong khi đặc điểm địa lý của nước ta có đường biển, đường sông, biên giới đường bộ dài, tiếp giáp với nhiều nước, nên rất thuận lợi cho các đối tượng buôn lậu vận chuyển hàng hóa vào trong nước, đồng thời gây nhiều khó khăn cho các lực lượng chức năng trong công tác kiểm soát, bắt giữ thuốc lá nhập lậu.

Bên cạnh đó, cũng còn những hạn chế mang tính chất chủ quan như việc giám định chất lượng thuốc lá tiêu hủy chưa có hướng dẫn cụ thể; công tác tuyên truyền về những hệ lụy, tác hại do buôn lậu thuốc lá gây ra đối với nhà nước, doanh nghiệp và sức khỏe cộng đồng chưa được triển khai thường xuyên, sâu rộng...

Trên thực tế, lực lượng chức năng ở nhiều tỉnh miền Tây Nam bộ đang găp khó khăn vì kinh phí chống buôn lậu thuốc lá chưa được hỗ trợ... Thuốc lá lậu cũng chưa bán đấu giá được khi thực hiện theo Quyết định 20/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tiêu hủy thuốc lá ngoại nhập lậu bị tịch thu là thuốc lá giả, thuốc lá không đảm bảo chất lượng và thí điểm bán đấu giá thuốc lá ngoại nhập lậu bị tịch thu đảm bảo chất lượng để xuất khẩu ra nước ngoài.

Theo ông Cao Văn Hồng, từ khi có Quyết định 20/2018/QĐ-TTg, cơ quan chức năng gặp nhiều khó khăn trong quá trình xử lý thuốc lá lậu. Hiện lượng thuốc lá lậu do các lực lượng chức năng ở Long An bắt giữ còn tồn kho khoảng 2,6 triệu bao và suốt 11 tháng qua, tỉnh vẫn chưa thể thực hiện bán đấu giá được do không có tổ chức, cá nhân nào tham gia.

“Việc xác định chất lượng thuốc lá lậu cũng theo cảm quan. Hội đồng Đánh giá chất lượng cũng chỉ nhìn bên ngoài, nếu thuê cơ quan có chức năng giám định sẽ khó khăn và tốn kém. Mặt khác, các thành viên Hội đồng không có cơ sở khảo sát giá để làm căn cứ xác định giá khởi điểm, do đây là mặt hàng cấm, nên khi khảo sát giá, cơ sở kinh doanh không cung cấp giá được”, ông Hồng nói.

Tại Cần Thơ, tình trạng cũng tương tự. Số thuốc lá lậu bị bắt giữ và hiện được Quản lý thị trường quản lý là gần 100.000 bao. Số thuốc này đang được gửi ở một số kho hàng bên ngoài, bởi kho của Quản lý thị trường không đủ chỗ. “Chúng tôi cũng chưa nắm được cơ quan nào đánh giá chất lượng thuốc lá lậu. Chưa kể, với 63 tỉnh, thành phố mà giao một hai cơ quan giám định thì làm sao cho xuể”, ông Nguyễn Kim Sanh, quyền Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Cần Thơ thắc mắc.

Đại diện lực lượng chức năng các tỉnh trên kiến nghị bãi bỏ Quyết định 20/2018/QĐ-TTg, tiếp tục thực hiện tiêu hủy thuốc lá lậu theo Quyết định 2371/QĐ-TTg năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện tiêu hủy thuốc lá nhập lậu bị tịch thu.

Trước tình trạng buôn lậu thuốc lá tiếp tục có chiều hướng gia tăng, các đối tượng buôn lậu hoạt động ngày càng tinh vi, liều lĩnh và manh động hơn, thuốc lá lậu đang được bày bán công khai từ các chợ đầu mối đến các tủ bán lẻ, công tác tuyên truyền về những hệ lụy của vấn nạn buôn lậu thuốc lá lại còn rất nhiều hạn chế, không được tiến hành một cách thường xuyên, liên tục, ông Phan Quang Huy cho rằng, cần phải chống từ gốc đến ngọn, tức là phải chống từ việc buôn lậu thuốc lá qua biên giới đến việc bán lẻ thuốc lá lậu ở các tủ, quầy, cửa hàng, nhà hàng, khách sạn theo hướng hạn chế tối đa, không cho thuốc lá lậu dễ dàng tiếp cận được với người tiêu dùng.

“Không chỉ có các lực lượng chức năng trên địa bàn tích cực rà soát, kiểm tra các tụ điểm, đầu nậu buôn bán, tàng trữ thuốc lá nhập lậu để kịp thời phát hiện, kiên quyết xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm, cũng như tăng cường việc tuyên truyền để nâng cao tính răn đe, mà các cơ quan trung ương và địa phương cũng nên có văn bản yêu cầu cán bộ, công nhân viên làm việc trong bộ máy hành chính nhà nước không được hút thuốc lá lậu”, ông Phan Quang Huy nói.

Kiến nghị của Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam

Cho thực hiện tiêu hủy toàn bộ thuốc lá ngoại nhập lậu bị tịch thu nhằm chống thẩm lậu theo Quyết định 2371/QĐ-TTg về thực hiện tiêu hủy thuốc lá nhập lậu bị tịch thu, đồng thời đưa quy định tiêu hủy thuốc lá ngoại nhậu lậu vào nội dung sửa đổi, bổ sung Nghị định 67/2013/NĐ-CP ngày 27/6/2013 của Chính phủ về một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá về kinh doanh thuốc lá.

Bổ sung Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá theo hướng quy định Quỹ Phòng chống tác hại của thuốc lá có nhiệm vụ hỗ trợ cho các lực lượng chức năng (công an, biên phòng, hải quan và quản lý thị trường) trong công tác đấu tranh phòng chống thuốc lá nhập lậu; hỗ trợ kinh phí, trang thiết bị phương tiện, biên chế cho các lực lượng trực tiếp thi hành công tác chống buôn lậu thuốc lá.

Chưa áp dụng thuế hỗn hợp cho đến khi chống buôn lậu thuốc lá hiệu quả.
Bắt giữ 55.000 bao thuốc lá lậu tại Quảng Ninh
Công an tỉnh Quảng Ninh vừa bắt quả tang Phạm Đình Phi, thường trú tại tổ 3, khu 1, phường Cẩm Thịnh, thành phố Cẩm Phả, tỉnh quảng Ninh đang...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư