Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Lợi nhuận ngân hàng năm 2024 được dự báo tăng trưởng ở mức nào?
Vân Linh - 14/01/2024 09:57
 
Với mục tiêu tăng trưởng tín dụng ngành ngân hàng đưa ra 15%, dự báo tăng trưởng cho vay cải thiện, tác động tích cực lên kết quả kinh doanh 2024, dù vẫn có khó khăn nhất định về nợ xấu.

Lãi suất giảm, tín dụng cải thiện

SSI đặt ra kịch bản cơ sở rằng tăng trưởng GDP đạt khoảng 6,0% - 6,5%, lãi suất trung bình cả năm duy trì quanh mức thấp nhất trong thập kỷ và NHNN sẽ ứng phó linh hoạt về cơ chế ghi nhận và trích lập dự phòng nợ xấu. Với kịch bản này, tăng trưởng lợi nhuận trước thuế năm 2024 của các ngân hàng thuộc phạm vi nghiên cứu của SSI dự kiến đạt 15,4% so với cùng kỳ. Kỳ vọng này tốt hơn đáng kể nếu so sánh với kết quả 4,6% trong năm 2023.

Các chuyên gia phân tích của Shinhan Việt Nam (SSV) cũng cho rằng, nền kinh tế có nhiều tín hiệu đảo chiều, hỗ trợ ngành ngân hàng trong năm 2024. SSV dự phóng, kinh tế Việt Nam sẽ chỉ đạt tăng trưởng khoảng 5% trong năm 2023, nhưng sẽ khởi sắc vào năm 2024 với mức tăng trưởng 6%. CPI được kiểm soát ở mức 3-3.5% trong bối cảnh năm 2024 có nhiều Ngân hàng trung ương (NHTW) trên thế giới đã đến cuối chu kỳ tăng lãi suất.

SSV kỳ vọng mức tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế Việt Nam vào khoảng 13-14%. Lãi suất cho vay bình quân vẫn ở mức cao. Thông thường, lãi suất sẽ có độ trễ nhất định, vì các ngân hàng sẽ cần hạ chi phí vốn trước khi có thể điều chỉnh lãi suất đầu ra, nhằm duy trì biên lãi ròng NIM. Do đó, SSV kỳ vọng chi phí vốn của ngân hàng sẽ tiếp tục xu hướng giảm (tuy không còn nhiều dư địa như 2023). Từ đó, tạo cơ hội cho ngân hàng giảm thêm khoảng 50 điểm cơ bản trong thời gian tới.

Dư báo lợi nhuận ngân hàng tăng trên 10%

SSV cũng cho rằng, các ngân hàng thương mại niêm yết trên sàn HOSE thường sẽ có mức tăng trưởng tín dụng cao hơn trung bình của hệ thống khoảng 1,5%. Dự báo NIM cho cả năm 2023 có thể chỉ đạt 3.75% trước khi cải thiện nhẹ lên mức 3,9% trong năm 2024. Cùng với giả định tăng trưởng tín dụng, tăng trưởng thu nhập lãi thuần của ngân hàng cho hai năm 2023 và 2024 có thể đạt lần lượt 6,5% và 17,3%.

MBS kỳ vọng tăng trưởng tín dụng sẽ khả quan cùng với NIM cải thiện nhờ môi trường lãi suất thấp được duy trì, lợi nhuận sau thuế của hầu hết các ngân hàng đều được kỳ vọng khả quan năm nay.

Kết quả điều tra của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng cho thấy, các tổ chức tín dụng dự báo mặt bằng lãi suất huy động- cho vay có thể tiếp tục giảm nhẹ trong năm 2024; huy động vốn toàn hệ thống tổ chức tín dụng được kỳ vọng tăng bình quân 2,6% trong quý I/2024 và tăng 12,1% trong năm 2024, tương đương mức kỳ vọng tại kỳ điều tra trước.

Còn dư nợ tín dụng của hệ thống ngân hàng được dự báo sẽ tăng 4,4% trong quý I/2024 và tăng 14,2% trong năm 2024, điều chỉnh tăng 0,4% so với mức dự báo 13,8% tại kỳ điều tra trước.

Dư báo lợi nhuận tăng trên 10%

Còn về lợi nhuận, theo kết quả điều tra của NHNN, tình hình kinh doanh và lợi nhuận trước thuế của hệ thống ngân hàng trong quý IV/2023 có sự cải thiện nhẹ so với quý trước nhưng thấp hơn nhiều so với mức kỳ vọng ghi nhận tại kỳ điều tra trước.

Các tổ chức tín dụng kỳ vọng tình hình kinh doanh sẽ khả quan hơn từ quý I/2024 và cả năm 2024 nhưng lợi nhuận trước thuế có thể phục hồi chậm hơn so với tình hình kinh doanh. Do đó, các nhà băng vẫn thận trong khi xây dựng kế hoạch cho năm 2024, cho dù không ít ngân hàng đạt mức lợi nhuận tỷ USD trong năm vừa qua.

VCBS đưa ra dự báo tốc độ tăng trưởng tín dụng năm 2024 duy trì ở mức 12% và vẫn chịu áp lực từ nền kinh tế cũng như thị trường bất động sản chậm phục hồi. Dự báo về lợi nhuận trước thuế toàn ngành năm 2024, các chuyên gia của tổ chức này cho hay, tăng trưởng có thể không bằng năm ngoái, nhưng sẽ tăng trưởng khoảng 10%. Tuy nhiên, sự phân hóa về triển vọng lợi nhuận giữa các nhóm ngân hàng sẽ tiếp tục diễn ra và càng mạnh mẽ hơn ở năm 2024.

Trong trường hợp thị trường bất động sản và kinh tế vĩ mô hồi phục chậm, lợi nhuận các ngân hàng thuộc nhóm quy mô nhỏ sẽ tiếp tục giảm tốc, thậm chí tăng trưởng âm. Ngược lại, ngân hàng có bộ “đệm” mạnh hay những ngân hàng có kế hoạch tăng vốn năm nay, sẽ có động lực tăng trưởng mạnh, kỳ vọng vượt bình quân ngành, với mức tăng trưởng lợi nhuận từ 18-20%.

SSI đưa ra dự báo, năm 2024 vẫn iếp tục là một năm đầy thách thức đối với ngành ngân hàng về chất lượng tài sản. Tuy vậy, tình hình chung sẽ có sự cải thiện so với năm 2023, phần lớn là nhờ việc chi phí vốn đã giảm về mức thấp hơn nhiều so với năm ngoái khi lãi suất huy động chạm “đáy” và lợi nhuận trước dự phòng có sự cải thiện, giúp các nhà băng có dư địa để tạo một bộ đệm dự phòng tốt hơn.

Trong khi đó, SSV giả định, chi phí hoạt động trên tổng thu nhập (CIR) của nhóm ngân hàng duy trì ở mức 35% cho cả năm 2023 và giảm nhẹ về mức 34,5% trong năm 2024 nhờ vào sự tăng trưởng trở lại của mảng kinh doanh chính. Chi phí tín dụng trên dư nợ cho vay bình quân cho cả năm 2024 được SSV kỳ vọng tăng 15%.

Vì vậy, lợi nhuận trước thuế của nhóm ngân hàng được SSV dự báo sẽ tăng khoảng 17% cho cả năm 2024. Nhóm cổ phiếu ngân hàng có vốn hóa chiếm hơn 36% vốn hóa toàn thị trường, với mức tăng trưởng dự phóng năm 2024 khoảng gần 20%, định giá của không chỉ nhóm cổ phiếu ngân hàng mà toàn VN-Index được kỳ vọng tiếp tục cải thiện.

Các nhà phân tích của MBS cho rằng, năm 2023, ngành ngân hàng đạt mục tiêu tăng trưởng thấp hơn kỳ vọng. Theo đó, lợi nhuận sau thuế toàn ngành giảm 2,5% so với năm trước, trong khi chi phí hoạt động và chi phí trích lập tăng lần lượt 7,7% và 5,4%. Kết quả kinh doanh kém khả quan của ngành ngân hàng trong năm 2023 sẽ tạo ra một nền so sánh thấp cho tăng trưởng trong năm 2024.

Nợ xấu sẽ khó khăn

Nhờ tăng trưởng tín dụng tăng tốc vào cuối năm 2023, đạt mức trên 13,71%, theo số liệu NHNN đưa ra (chỉ riêng tháng 12/2023 tăng đến 4,7% so với tháng trước đó), SSI kỳ vọng tỷ lệ nợ xấu ngân hàng (NPL) sẽ giảm xuống còn 1,89% trong quý IV/2023.

Tuy nhiên, tỷ lệ này được dự báo có thể đi lên trở lại trong nửa đầu năm 2024 khi tăng trưởng tín dụng chậm lại và các yếu tố vĩ mô chưa có dấu hiệu cải thiện rõ rệt. Tỷ lệ nợ xấu cuối 2024 sẽ không có nhiều thay đổi so với 2023, do cuối năm dự kiến các ngân hàng sẽ đẩy mạnh xóa nợ xấu và nền kinh tế phục hồi mạnh hơn.

SSI cũng lưu ý rằng các khoản nợ có vấn đề (bao gồm nợ nhóm 2, khoản vay tái cơ cấu, trái phiếu doanh nghiệp quá hạn và khoản vay cũ) vẫn tiếp tục cần được giám sát chặt chẽ.

Bên cạnh đó, nếu dự thảo sửa đổi Thông tư 16 nới lỏng việc hạn chế đầu tư trái phiếu doanh nghiệp của ngân hàng được thông qua, không loại trừ khả năng một phần rủi ro tín dung sẽ quay trở lại đối với các ngân hàng tích cực mua lại trái phiếu doanh nghiệp. Với giả định rằng NHNN có cơ chế linh hoạt và chi phí được phân bổ trong khoảng 1 - 2 năm tùy tình hình, SSI cho rằng chi phí tín dụng sẽ không tăng quá mạnh trong năm 2024, ở mức 1,52%.

Thế nhưng, dù nợ xấu được dự báo tạo đỉnh năm nay, áp lực trích lập dự phòng trong năm 2024 vẫn đáng kể. Nguyên nhân, do dư địa trích lập của các ngân hàng sẽ không còn nhiều, khi kết quả kinh doanh cả năm 2023 được cho là sẽ kém khả quan.

Do đó, khi hiệu lực của Thông tư 02/2023/TT-NHNN hết hạn vào 30/06/2024 (đang được NHNN cân nhắc gia hạn), áp lực trích lập cho các khoản nợ tái cơ cấu hoặc các khoản nợ xấu không được tái cơ cấu sẽ gia tăng. Phó thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết, vài tháng tới, NHNN sẽ nghiên cứu việc gia hạn Thông tư 02/2023/TT-NHNN về cơ cấu nợ, không chuyển nhóm nợ

Mặt bằng rủi ro tổng thể của các nhóm khách hàng được các tổ chức tín dụng nhận định, tiếp tục tăng quý I/2024 so với quý trước, nhưng tốc độ tăng đang chậm dần lại, đồng thời ngân hàng kỳ vọng có thể giảm lại trong năm 2024. Tuy nhiên, áp lực nợ xấu sẽ có sự phân hóa rõ nét giữa các ngân hàng.

Những ngân hàng đã gia tăng trích lập lớn trong năm 2023 và nâng chất lượng tài sản lên mức cao có thể sẽ có nhiều dư địa để xử lý hơn và từ đó có được lợi thế tăng trưởng lợi nhuận cao hơn.

Lợi nhuận ngân hàng sẽ khởi sắc từ quý III, song áp lực nợ xấu ngày càng lớn
Lợi nhuận ngân hàng có thể đã chạm đáy trong quý II và được kỳ vọng sẽ khởi sắc từ quý III/2023 nhờ sự phục hồi của NIM, CASA tăng trở...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư