Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 28 tháng 12 năm 2024,
Lợi nhuận Viglacera ước giảm sâu trong quý cuối năm 2023
Thanh Thủy - 16/01/2024 16:37
 
Lợi nhuận cả năm của ông lớn ngành vật liệu xây dựng sơ bộ vượt xa kế hoạch đề ra nhưng con số ghi nhận riêng quý IV khá khiêm tốn. Hoạt động thanh tra thuế giai đoạn 2018-2022 vừa hoàn tất cuối năm 2023.
Viglacera vượt
Viglacera vượt kế hoạch lợi nhuận năm 2023 nhờ kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm

Lợi nhuận quý IV/2023 ước đạt 5 tỷ đồng

Theo báo cáo ước tính kết quả kinh doanh quý IV/2023 của Trung tâm Phân tích & Tư vấn Đầu tư Chứng khoán SSI (SSI Research), các chuyên gia phân tích kỳ vọng Tổng công ty Viglacera – CTCP (mã VGC) sẽ bàn giao 14 ha đất khu công nghiệp trong quý IV/2023. Lũy kế cả năm 2023, ước tính doanh thu và lợi nhuận trước thuế lần lượt đạt 13.100 tỷ đồng và 1.593 tỷ đồng, lần lượt giảm 10% và 31% so với cùng kỳ. So với kế hoạch đặt ra tại cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2024, Viglacera vẫn vượt tới 32% kế hoạch lợi nhuận,

Thông tin sơ bộ về kết quả kinh doanh từ Viglacera cũng cho biết lợi nhuận cả năm ước dạt 1.593 tỷ đồng. Trước đó, theo báo cáo tài chính hợp nhất được công bố, lợi nhuận trước thuế 9 tháng đầu năm đã đạt 1.588 tỷ đồng.

“Công ty chịu chi phí quản lý tăng mạnh. Ước tính lợi nhuận trước thuế giảm 97% so với cùng kỳ và chỉ đạt 5 tỷ đồng”, SSI Research dự báo doanh nghiệp tốp đầu trong lĩnh vực vật liệu xây dựng này chỉ thu về mức lợi nhuận khiêm tốn trong quý vừa qua.

Chịu phạt và truy thu thuế hơn 11 tỷ đồng sau thanh tra thuế giai đoạn 2018-2022

Trong văn bản công bố thông tin gửi đến Ủy ban chứng khoán ngày 12/1, Viglacera cho biết đã nhận được Quyết định 2148/QĐ-CT ngày 28/12/2023 của Cục thuế Doanh nghiệp lớn xử phạt vi phạm hành chính về thuế.

Các quyết định xử phạt vi phạm pháp luật về thuế nằm trong nhóm thông tin mà công ty đại chúng buộc phải công bố trong thời hạn 24 giờ. Tuy nhiên, thông tin được công bố sau gần nửa tháng, dù doanh nghiệp này đã niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán nhiều năm.

Số tiền phải nộp là 11,09 tỷ đồng, bao gồm: 7,17 tỷ đồng thuế bổ sung cho phần lợi nhuận tăng thêm; 1,44 tỷ đồng xử lý hành chính; 2,48 tỷ đồng tiền nộp chậm tiền thuế phải nộp ngân sách nhà nước.

Giải thích thêm trong thông báo gửi đến các cổ đông, nhà đầu tư mới đây, Viglacera cho biết nghĩa vụ với ngân sách Nhà nước phát sinh thêm trong giai đoạn thanh tra thuế (2018-2022) do lợi nhuận của Tổng công ty trong giai đoạn trên tăng thêm 18,3 tỷ đồng so với các thông tin đã công bố trước đây. Đồng thời, Viglacera đã hạch toán đầy đủ chi phí cũng như hoàn thành đủ các nghĩa vụ với ngân sách nhà nước theo đúng quyết định.

Kế hoạch năm 2024, Viglacera đặt mục tiêu doanh thu gần 13.500 tỷ đồng và lãi trước thuế hơn 1.200 tỷ đồng, đi ngang so với kế hoạch năm trước nhưng giảm so với kết quả thực hiện. 

Báo cáo tại Hội nghị Tổng kết hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2023, bàn phương hướng thực hiện kế hoạch năm 2024, ông Nguyễn Anh Tuấn, Tổng giám đốc Viglacera thừa nhận năm 2023 là năm đặc biệt khó khăn, thậm chí “khó khăn nhất trong nhiều thập kỷ qua” đối với ngành vật liệu xây dựng nhưng Viglacera đã vượt bão và đạt mức lợi nhuận lớn nhất trong lịch sử hoạt động.

Ông Tuấn cũng cho biết kế hoạch hành động năm 2024 sẽ tập trung tái cơ cấu theo từng mảng. Trong đó, tái cơ cấu các đơn vị khó khăn nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh; tái cơ cấu hoạt động sản xuất kinh doanh, đổi mới để bám sát diễn biến thực tế. Ngoài ra, việc tiến hành nhanh chóng hoạt động thoái vốn để nâng cao hiệu quả bộ máy quản trị vận hành được vị CEO này nhấn mạnh.

Theo Quyết định 1479/QĐ-TTg phê duyệt kế hoạch sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước giai đoạn 2022 - 2025 do Chính phủ ban hành, trong năm 2022-2023, Bộ Xây dựng sẽ thoái toàn bộ vốn tại Tổng công ty cổ phần Sông Hồng (mã SHG, sàn UPCoM) và Tổng công ty Viglacera - Công ty cổ phần (mã VGC, sàn HoSE) từ mức lần lượt 49,04% và 38,58% hiện tại. 

Trong khi phiên đấu giá cổ phần Tổng công ty cổ phần Sông Hồng đã hoàn tất, vẫn chưa có thêm các thông tin liên quan đến hoạt động thoái vốn tại Viglacera ở thời điểm hiện tại.

Cổ đông lớn nhất của Viglacera hiện nay là Tập đoàn Gelex nắm hơn 50% vốn. Bộ Xây dựng còn sở hữu khoảng 38%. Với giá cổ phiếu đóng cửa ngày 27/12 ở mức 53.600 đồng/cổ phiếu, số tiền Bộ Xây dựng thu về ước tính có thể lên tới hơn hơn 8.800 tỷ đồng. 

Viglacera và Tổng công ty Sông Hồng: Bình chân trước hạn chót thoái vốn
Năm tài chính 2023 sắp kết thúc, hai doanh nghiệp mà Bộ Xây dựng nắm giữ cổ phần gồm Tổng công ty Sông Hồng và Viglacera đang tiến gần tới hạn...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư