Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Viglacera đặt mục tiêu lợi nhuận năm 2024 đi ngang, dù sớm vượt xa kế hoạch 2023
Thanh Thủy - 27/12/2023 17:30
 
Năm 2023 là năm khó khăn với ngành xây dựng. Tuy nhiên, lợi nhuận công ty mẹ Viglacera đã sớm vượt 42% kế hoạch trong 11 tháng đầu năm. Mục tiêu cho năm 2024 tiếp tục được đề ra thận trọng.

Tổng Công ty Viglacera – CTCP (mã VGC – sàn HoSE) công bố thông tin về một số chỉ tiêu chính tạm thời của kế hoạch sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển năm 2024 theo Quyết định 161/TCT- ngày 22/12/2023.

Theo đó, Viglacera lên kế hoạch doanh thu tổng công ty đạt 13.468 tỷ đồng, trong đó doanh thu công ty mẹ đạt 5.000 tỷ đồng. Con số doanh thu kế hoạch đi lùi so với kế hoạch đề ra của năm 2023, lần lượt là 15.750 tỷ đồng doanh thu toàn Tổng công ty và 5.640 tỷ đồng doanh thu công ty mẹ.

Trong khi đó, mục tiêu lợi nhuận tổng công ty “đi ngang” ở mức 1.216 tỷ đồng. Tuy nhiên, đóng góp của công ty mẹ giảm đáng kể trong tổng lợi nhuận với mức kế hoạch năm 2024 là 1.100 tỷ đồng, giảm 15,3% so với kế hoạch đề ra năm trước.

Kế hoạch đầu tư của công ty mẹ trong năm 2024 nhích lên 2.860 tỷ đồng.

 Kế hoạch kinh doanh năm 2024 vừa được Viglacera công bố



Kết quả kinh doanh năm 2023 chưa được Viglacera công bố. Tuy nhiên, theo cập nhật mới nhất, lợi nhuận công ty mẹ trong 11 tháng đầu năm đã vượt 42% kế hoạch năm và tăng 7% so với cùng kỳ.  Lợi nhuận hợp nhất toàn tổng công ty ước  đạt 1.663 tỷ đồng, đạt 137% so với kế hoạch năm. Tuy nhiên, so với mức lãi kỷ lục đạt được trong năm 2022 (2.305 tỷ đồng), lợi nhuận năm nay nhiều khả năng hụt đi đáng kể.

Mảng kinh doanh bất động sản, bất động sản công nghiệp là dấu son đậm nét các năm qua, kết quả kinh doanh cùng với cổ tức thu từ các công ty con và công ty liên kết đã đóng góp một phần lớn vào tổng doanh thu và lợi nhuận của Tổng công ty.

Một điểm sáng trong năm vừa qua là tăng trưởng của mảng xuất khẩu. Theo ban lãnh đạo Tổng công ty, doanh số xuất khẩu luỹ kế 11 tháng đầu năm toàn Tổng công ty đạt 42,2 triệu USD, tăng 54% so với cùng kỳ. Trong đó, gia tăng ở các sản phẩm gạch ốp lát (+126%), Kính PFG (+79%), Kính ViFG (+16%), Sứ (+68%). 

Trong khi đó, mảng kinh doanh truyền thống vật liệu xây dựng, đa phần các chủng loại vật liệu xây dựng thông thường đối diện bối cảnh khó khăn chung. Tuy nhiên với các sản phẩm mới và có tính khác biệt như đá nung kết và kính siêu trắng đã chứng minh được sự xuất hiện đúng lúc, đúng thời điểm khi công trình ngày một giảm về số lượng nhưng lại yêu cầu đòi hỏi ngày càng cao về chất lượng và sự khác biệt.

Kết quả kinh doanh của hai dòng sản phẩm mới vẫn tăng trưởng, bất chấp thị trường bất động sản và xây dựng gần như đình trệ.

Tại cuộc họp đánh giá kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh tháng 11 và triển khai kế hoạch tháng 12 năm 2023, chuẩn bị kế hoạch SXKD năm 2024, lĩnh vực vật liệu xây dựng tiếp tuc được xác định tiếp tục gặp khó khăn trong ngắn hạn, do thị trường chưa xuất hiện nhiều dấu hiệu cải thiện. Các giải pháp nhằm giữ vững hiệu quả kinh doanh được đưa ra gồm bám sát và đánh giá kịp thời diễn biến thị trường, từ đó điều tiết chủng loại sản phẩm và sản lượng, điều tiết sản lượng sản xuất theo nhu cầu thị trường, tiết giảm chi phí sản xuất, giảm lượng tồn kho, đẩy mạnh công tác bán hàng, tập trung tái cơ cấu mạnh mẽ về sản phẩm cũng như  hoạt động quản trị công ty. 

Song song với đó, lãnh đạo Viglacera cũng cho biết sẽ  tiếp tục nghiên cứu phát triển các sản phẩm mẫu mã mới theo hướng xanh, thân thiện môi trường, giúp người tiêu dùng tiết giảm tối ưu chi phí sử dụng năng lượng. Các sản phẩm tiếp tục sẽ được chú trọng hàm lượng chất xám và đầu tư phát triển thị trường, cụ thể là kính tiết kiệm năng lượng, kính siêu trắng, gạch bê tông khí chưng áp, đá nung kết….

Bộ Xây dựng trễ hẹn thoái vốn Viglacera

Theo Quyết định 1479/QĐ-TTg phê duyệt kế hoạch sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước giai đoạn 2022 - 2025 do Chính phủ ban hành, trong năm 2022-2023, Bộ Xây dựng sẽ thoái toàn bộ vốn tại Tổng công ty cổ phần Sông Hồng (mã SHG, sàn UPCoM) và Tổng công ty Viglacera - Công ty cổ phần (mã VGC, sàn HoSE) từ mức lần lượt 49,04% và 38,58% hiện tại. 

Trong khi phiên đấu giá cổ phần Tổng công ty cổ phần Sông Hồng đã hoàn thành ngày 22/12 với 100% lượng cổ phiếu chào bán được 2 nhà đầu tư mua vào với giá đấu thành công bằng giá khởi điểm (10.500 đồng/cổ phiếu), cao hơn nhiều thị giá cổ phiếu ở thời điểm hiện tại. Số lượng đăng ký mua của hai nhà đầu tư vừa đúng bằng khối lượng cổ phiếu chào bán. Toàn bộ 49,04% vốn của Sông Hồng đã sang tay nhà đầu tư mới, giúp Bộ Xây dựng thu về 139 tỷ đồng.

Với giá cổ phiếu đóng cửa ngày 27/12 ở mức 53.600 đồng/cổ phiếu, số tiền Bộ Xây dựng thu về ước tính có thể lên tới hơn 9.270 tỷ đồng. 

Viglacera hoàn thành vượt mức kế hoạch lợi nhuận cả năm 2023
Với khoản lợi nhuận trước thuế hợp nhất toàn Viglacera 10 tháng năm 2023 đạt 136% kế hoạch năm, tương ứng hơn 1.640 tỷ đồng, doanh nghiệp đã...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư