Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Hai, Ngày 17 tháng 06 năm 2024,
Lối thoát cho món nợ trăm tỷ đồng kéo dài 10 năm tại dự án cầu Hòa Trung
Anh Minh - 26/05/2024 13:05
 
Xuất hiện tia hy vọng cho các nhà thầu thi công Dự án Đầu tư xây dựng cầu Hòa Trung (tỉnh Cà Mau) để có thể nhận được khoản thanh toán trị giá gần 250 tỷ đồng kéo dài suốt từ năm 2015 đến nay.
Cầu Hòa Trung được các nhà thầu xây dựng xong đã gần 10 năm, nhưng chưa được thanh toán
Cầu Hòa Trung được các nhà thầu xây dựng xong đã gần 10 năm, nhưng chưa được thanh toán

Nợ đọng kéo dài

Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) vừa có Công văn số 5210/BGTVT - KHĐT gửi Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Phó thủ tướng Lê Minh Khái, liên quan đến việc xử lý vướng mắc trong bố trí vốn thanh toán cho Dự án Đầu tư xây dựng cầu Hòa Trung (Dự án cầu Hòa Trung).

Tại Công văn số 5210, Bộ GTVT kiến nghị lãnh đạo Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp, Bộ GTVT, nghiên cứu, đề xuất phương án bố trí vốn thanh toán cho Dự án cầu Hòa Trung.

“Trong thời gian chờ bố trí vốn, đề nghị Thủ tướng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xem xét có giải pháp hỗ trợ đối với khoản vay của nhà thầu để giảm bớt khó khăn cho các doanh nghiệp tham gia thực hiện Dự án”, công văn do ông Nguyễn Duy Lâm, Thứ trưởng Bộ GTVT ký nêu rõ.

Số tiền chưa thanh toán cho các đơn vị thi công Dự án cầu Hòa Trung tuy chỉ gần 250 tỷ đồng, nhưng lại là một trong những khoản nợ đọng kéo dài và phức tạp nhất.

Trước đó, ngày 7/2/2015, trong chuyến thăm và làm việc tại tỉnh Cà Mau, trên cơ sở báo cáo kiến nghị của lãnh đạo địa phương này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có kết luận chỉ đạo đối với việc đầu tư xây dựng cầu Hòa Trung thuộc Dự án Nâng cấp, mở rộng đường Cà Mau - Đầm Dơi. Trong đó, giao Bộ GTVT áp dụng hình thức đầu tư phù hợp; thực hiện chỉ định thầu tư vấn, xây lắp và cơ chế nhà thầu ứng vốn thi công theo quy định, ngân sách nhà nước chi trả hàng năm để hoàn thành trong năm 2015.

Các chủ thể tham gia Dự án Đầu tư xây dựng cầu Hòa Trung

- Cơ quan quyết định đầu tư và chủ đầu tư dự án: Bộ GTVT
- Quản lý dự án: Ban Quản lý Dự án đường Hồ Chí Minh
- Nhà thầu tư vấn thiết kế: Công ty TNHH Tư vấn xây dựng Hưng Nghiệp
- Nhà thầu tư vấn thẩm tra: Tổng công ty Tư vấn thiết kế GTVT (TEDI).
- Nhà thầu thi công: Cienco1 - Cienco4.

Chỉ đạo này, sau đó được cụ thể trong Thông báo số 55/TB-VPCP ngày 14/2/2015 của Văn phòng Chính phủ.

Để đáp ứng tiến độ yêu cầu rất gấp (hoàn thành trong năm 2015), Bộ GTVT giao Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh tổ chức tiếp nhận ngay hồ sơ Dự án cầu Hòa Trung từ UBND tỉnh Cà Mau và hoàn thiện hồ sơ để trình duyệt.

Tháng 4/2015, Bộ GTVT tiến hành thẩm định và có Văn bản số 4330/BGTVT-KHĐT ngày 7/4/2015, đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính thẩm định nguồn vốn dự án.

Do công tác chuẩn bị đầu tư đã được UBND tỉnh Cà Mau triển khai từ năm 2009 và với chủ trương sử dụng vốn ngân sách nhà nước chi trả hàng năm đã được Thủ tướng có ý kiến chỉ đạo, cộng với tiến độ yêu cầu rất gấp, nên Bộ GTVT đã phê duyệt Dự án Đầu tư xây dựng cầu Hòa Trung tại Quyết định số 1350/QĐ-BGTVT ngày 15/4/2015.

Theo Quyết định số 1350, cầu Hòa Trung bắc qua sông Gành Hào, thuộc tuyến đường bộ Cà Mau - Đầm Dơi, có chiều dài cầu và đường dẫn đầu cầu là 626,5 m; bề rộng cầu 10 m. Tổng mức đầu tư Dự án được phê duyệt là 383,14 tỷ đồng, sử dụng vốn ngân sách nhà nước chi trả hàng năm, trước mắt nhà thầu ứng vốn thi công.

Liên danh Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 1 (Cienco1) và Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 4 (Cienco4) được chọn là nhà thầu thi công, trong đó tại hợp đồng ký kết có nội dung nhà thầu tự ứng vốn để triển khai thi công theo đúng yêu cầu của dự án và chỉ đạo của Thủ tướng.

Tại thời điểm triển khai thi công (năm 2015), công trình cầu Hòa Trung chưa được bố trí vốn, nên liên danh Cienco1 - Cienco4 phải tự huy động vốn để triển khai thi công nhằm hoàn thành dự án.

Cùng với việc huy động nguồn vốn, các nhà thầu đã tập trung cao độ huy động nhân sự, máy móc thiết bị để triển khai thi công và hoàn thành công trình dự án trong thời gian chỉ khoảng 7 tháng, tiết kiệm được nhiều hạng mục chi phí và không sử dụng đến kinh phí dự phòng, nên tổng chi phí đầu tư theo giá trị quyết toán chỉ gần 250 tỷ đồng (trong khi tổng mức đầu tư được duyệt là 383,14 tỷ đồng).

Để kịp tiến độ, ngoài việc huy động một lượng lớn nhân lực, thiết bị, các nhà thầu đã phải vay nóng ngân hàng với hy vọng dự án sẽ được bố trí vốn ngân sách chi trả hàng năm (từ năm 2015 đến năm 2020). Tuy nhiên, tính đến tháng 5/2024, tức là sau gần 10 năm hoàn thành, các đơn vị thi công vẫn chưa nhận được bất kỳ khoản thanh toán này từ chủ đầu tư.

“Khoản nợ kéo dài này đã gây ra rất nhiều khó khăn và thiệt hại nghiêm trọng tới kết quả sản xuất, kinh doanh của 2 doanh nghiệp. Tính đến nay, riêng với công trình này, liên danh Cienco1 - Cienco4 đã phải trả lãi ngân hàng gần 150 tỷ đồng, trong khi chưa nhận được bất kỳ khoản thanh toán nào”, ông Đinh Ngọc Đàn, Tổng giám đốc Cienco1 bức xúc.

Lỗi không thuộc về nhà thầu

Tại Công văn số 5210, lãnh đạo Bộ GTVT cho biết, cùng với việc tổ chức triển khai thực hiện công trình trên thực địa, Bộ đã tích cực, chủ động nghiên cứu, đề xuất nhiều phương án về nguồn vốn để báo cáo Thủ tướng, đồng thời đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, trình cấp có thẩm quyền bố trí vốn thanh toán cho Dự án cầu Hòa Trung.

Tính từ tháng 7/2015 đến tháng 10/2020, Bộ GTVT đã gửi hàng chục công văn tới Chính phủ và các bộ, ngành liên quan để kiến nghị đưa Dự án cầu Hòa Trung được nhận vốn vào các kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020; 2021 - 2026, hoặc phân bổ nguồn vốn dự phòng 10% kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 còn lại của Bộ GTVT để xử lý các khoản nợ do doanh nghiệp đã ứng vốn thực hiện theo cơ chế đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận.

Tại Báo cáo kết quả thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn cho dự án (Báo cáo số 4448/BC-BKHĐT ngày 2/6/2017), Bộ Kế hoạch và Đầu tư kết luận: “Dự án đã được Bộ GTVT tổ chức thực hiện và đưa vào khai thác sử dụng từ đầu năm 2016 theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 55/TB-VPCP. Vì vậy, việc bố trí vốn để thanh toán hoàn trả nhà thầu giá trị khối lượng đã thực hiện là cần thiết và cần xử lý dứt điểm”.

Theo ông Nguyễn Duy Lâm, số tiền chậm thanh toán gần 250 tỷ đồng tại Dự án cầu Hòa Trung được xác định là khoản nợ thuộc nghĩa vụ thanh toán của ngân sách nhà nước.

“Cần sớm bố trí kinh phí thanh toán cho các nhà thầu, hoàn trả kinh phí địa phương đã ứng cho công tác giải phóng mặt bằng, giảm nguy cơ bị phá sản cho các doanh nghiệp, tránh việc khiếu kiện giữa nhà thầu với chủ đầu tư đang diễn biến rất phức tạp và các hệ lụy, nghĩa vụ pháp lý phát sinh do chậm thanh toán nợ của công trình dự án đã hoàn thành”, lãnh đạo Bộ GTVT cho biết.

Theo đại diện Ban Quản lý Dự án đường Hồ Chí Minh, vướng mắc lớn nhất tại Dự án cầu Hòa Trung là công trình này được Bộ GTVT phê duyệt quyết định đầu tư khi chưa có quyết định chủ trương đầu tư và chỉ đạo các nhà thầu ứng vốn thi công khi dự án chưa được bố trí vốn kế hoạch. Điều này là không phù hợp với quy định tại Luật Đầu tư công 2015.

Song, những vướng mắc nêu trên không phải do lỗi của doanh nghiệp, mà do các cơ quan quản lý nhà nước chưa hoàn thiện các thủ tục đầu tư theo quy định, nên việc xem xét, xử lý, bố trí kinh phí để hoàn trả nhà thầu giá trị khối lượng đã thực hiện là cần thiết, tránh gây thêm thiệt hại cho các nhà thầu.

Theo lãnh đạo Cienco1, số tiền 250 tỷ đồng với Nhà nước có thể không phải là số tiền lớn, nhưng với Cienco1 là bằng 1/4 vốn điều lệ. Sự thiếu hụt dòng tiền từ các dự án chưa được thanh toán khiến Tổng công ty rơi vào tình trạng báo động, nguy cơ phá sản cận kề.

Lối thoát cho nhà thầu tại Dự án cầu Hòa Trung
Việc được đề xuất đưa vào vốn đầu tư công trung hạn sẽ giúp thông “cục máu đông” nợ đọng xây dựng cơ bản trị giá 300 tỷ đồng tại...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư