Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 24 tháng 01 năm 2025,
Long An tập trung phát triển theo 3 vùng
Hữu Phúc - 16/04/2013 09:39
 
Ngày 16/4/2013, UBND tỉnh Long An sẽ tổ chức Hội nghị công bố Quy hoạch Tổng thể phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 và xúc tiến đầu tư năm 2013. Ông Đỗ Hữu Lâm, Chủ tịch UBND Long An khẳng định, quy hoạch này không chỉ là một chiến lược đúng, mà còn là một điều kiện cần thiết cho sự phát triển của tỉnh.
TIN LIÊN QUAN
   

(baodautu.vn) Thưa ông, Long An có những tiềm năng, lợi thế gì nổi bật so với các địa phương khác?

Do có vị trí địa lý khá thuận lợi, giáp với TP.HCM, cửa ngõ đi các tỉnh miền Tây Nam Bộ, lại có 133 km đường biên giới giáp với Campuchia, nên Long An vừa là tỉnh nằm trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), vừa là tỉnh thuộc Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Với vị trí chiến lược như vậy, Long An có đủ mọi điều kiện thuận  lợi cho phát triển công nghiệp (với quỹ đất dành cho phát triển công nghiệp hơn 15.000 ha đến năm 2020 và kết cấu hạ tầng ngày càng hoàn thiện), cũng như nông nghiệp, dịch vụ. Sau khi có quy hoạch, định hướng phát triển rõ ràng, Long An đang đứng trước nhiều cơ hội phát triển mới.

Những lợi thế đó trong thời gian qua đã được tỉnh khai thác, phát huy như thế nào để phát triển kinh tế - xã hội?

Dù tình hình kinh tế thế giới và trong nước còn gặp nhiều khó khăn, nhưng nhờ áp dụng linh hoạt các chính sách của Trung ương, cùng với sự chỉ đạo kiên quyết, kịp thời của lãnh đạo tỉnh cũng như sự nỗ lực, phấn đấu của các ngành, các cấp, cộng đồng doanh nghiệp (DN) và nhân dân trong toàn tỉnh, nên năm 2012, Long An vẫn đạt được mức tăng trưởng kinh tế khá cao (10,5%), GDP bình quân đầu người đạt 36,6 triệu đồng (tương đương 1.800 USD). Sản lượng lương thực của tỉnh đạt gần 2,7 triệu tấn, giá trị sản xuất công nghiệp (theo giá hiện hành) đạt trên 82.000 tỷ đồng, kim ngạch xuất khẩu đạt gần 2,4 tỷ USD, thu ngân sách đạt hơn 5.600 tỷ đồng...

Cơ cấu kinh tế của tỉnh có sự chuyển dịch tích cực. Cụ thể, năm 2012, khu vực công nghiệp - xây dựng chiếm 37,5% GDP (tăng 2,1% so với năm 2011), khu vực thương mại - dịch vụ chiếm 30,0% (tăng 0,8%), khu vực nông – lâm nghiệp -  thủy sản chiếm 32,5% (giảm 2,9%)...

Đến nay, tỉnh đã thu hút được 461 dự án FDI, với tổng  vốn đăng ký gần 2,98 tỷ USD. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn có 498 dự án đầu tư trong nước, với tổng vốn đăng ký 73.573,5 tỷ đồng và gần 5.000 DN trong nước hoạt động. Toàn tỉnh có 30 khu công nghiệp, 40 cụm công nghiệp, với diện tích quy hoạch là 15.139 ha. Hiện tỉnh có hơn 5.000 ha đất sạch có khả năng tiếp nhận các dự án đầu tư.

Long An là một trong số ít tỉnh, thành phố trong nước thuê tư vấn nước ngoài lập quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Ông có thể cho biết, mục tiêu của quy hoạch tổng thể được xác định ra sao ?

Tuy đã đạt được những kết quả như trên, nhưng nhìn chung, tỉnh Long An vẫn chưa khai thác hết tiềm năng, thế mạnh của mình. Một trong những nguyên nhân là tỉnh chưa có quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội. Vì vậy, Long An rất cần một định hướng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh theo hướng thống nhất, bền vững…

Trong bối cảnh trên, Long An đã xây dựng Quy hoạch Tổng thể phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, với nhiều mục tiêu, chiến lược phát triển mới đầy triển vọng.

Quy hoạch tổng thể mới được thực hiện theo phương pháp quy hoạch chiến lược (strategic planning), thay vì quy hoạch tổng thể thông thường (master planning) như cách làm phổ biến hiện nay. Sự khác biệt cơ bản giữa hai phương pháp quy hoạch này là quy hoạch chiến lược chú trọng tới yếu tố quản lý phát triển, còn quy hoạch tổng thể lại thiên về kiểm soát phát triển. Do phương pháp tiếp cận mới, nên đòi hỏi quy hoạch phải tập trung nhiều đến những chiến lược, dự án trọng điểm. Điều này đòi hỏi khi triển khai thực hiện quy hoạch, tỉnh phải chú trọng nhiều đến việc thực hiện các chiến lược và dự án trọng điểm. Đây là một thách thức với tỉnh, vì đòi hỏi phải huy động nguồn lực rất lớn.

Theo Quy hoạch do đơn vị tư vấn Almec của Nhật Bản  xây dựng, Long An sẽ định hướng phát triển bền vững trên cơ sở phân chia tỉnh thành 3 vùng, với 3 chức năng riêng biệt, vừa đảm bảo tăng trưởng nhanh thông qua phát triển công nghiệp, vừa đảm bảo phát triển nông nghiệp và bảo vệ môi trường sinh thái. Ngoài ra, quy hoạch cũng đưa ra các dự án ưu tiên hết sức tiềm năng mà khi được triển khai xây dựng hứa hẹn sẽ tạo điểm nhấn, sức bật cho sự phát triển của tỉnh. Đó là các dự án, như Phát triển khu công nghiệp sạch, chất lượng cao; Xây dựng trung tâm kho vận lương thực tại Vùng Đồng Tháp Mười; Trung tâm y tế quốc tế chất lượng cao;  Phát triển gắn kết các khu đô thị Tân An - Bến Lức; Phát triển vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao...

Ông kỳ vọng gì vào quy hoạch này ?

Có ý kiến cho rằng, quy hoạch của tỉnh là đầy tham vọng hoặc việc đặt mục tiêu tăng trưởng quá cao sẽ khó thành hiện thực. Tuy nhiên, Long An còn nhiều tiềm năng chưa khai thác hết và vẫn đang chuyển mình sang giai đoạn phát triển mới. Trong giai đoạn chuyển đổi này, việc đạt được tốc độ tăng trưởng vượt bậc là khả thi.

Chúng tôi sẽ triển khai thực hiện quy hoạch này với niềm tin rằng, nó không chỉ là một chiến lược đúng, mà là một điều kiện cần thiết không thể thay thế cho sự phát triển.

Với những tiềm năng, lợi thế mà Long An hiện có, với những mục tiêu, chiến lược mới của Quy hoạch, cùng với sự quyết tâm cao, giàu khát vọng vươn lên của người dân Long An, các nhà đầu tư sẽ tìm thấy ở Long An những cơ hội đầu tư mới, hết sức hấp dẫn và lý tưởng.

Trong thu hút đầu tư, những giải pháp nào được tỉnh quan tâm thực hiện, thưa ông ?

Có 3 giải pháp chính.

Thứ nhất, tỉnh thực hiện các biện pháp duy trì chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của mình hàng năm ở nhóm tốt trở lên, nhằm tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng, tạo điều kiện cho các DN thuộc mọi thành phần kinh tế đầu tư, kinh doanh.

Thứ hai, tiếp tục rà soát các dự án trên địa bàn tỉnh, nhanh chóng tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn, nhằm đẩy nhanh tiến độ đầu tư, nhất là về giải phóng mặt bằng. Tỉnh thường xuyên làm việc với các DN theo định kỳ để hỗ trợ tháo gỡ những khó khăn nhằm thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển.

Thứ ba, tập trung đầu tư hoàn chỉnh hệ thống kết cấu hạ tầng, nhất là về giao thông, điện nước, thông tin liên lạc để phục vụ nhu cầu phát triển công nghiệp, đảm bảo khi đầu tư vào tỉnh, các dự án sẽ có đầy đủ điều kiện để vận hành hiệu quả.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư