Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Long An: Tháo gỡ khó khăn để du lịch xứng tầm với tiềm năng, lợi thế
Hoài Sương - 16/11/2023 08:35
 
Với tiềm năng, lợi thế, nguồn lực hiện có, du lịch Long An có nhiều dư dịa để phát triển nhưng lại gặp không ít khó khăn. Từ đó, nhiều giải pháp được triển khai nhằm giải quyết vướng mắc, thúc đẩy du lịch tỉnh phát triển hơn.

Nhiều tiềm năng

Mới đây, UBND tỉnh Long An đã tổ chức Hội thảo phát triển du lịch tỉnh Long An năm 2023 với chủ đề: “Phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa gắn với phát triển du lịch”.

Hiện nay, tỉnh Long An có 125 di tích lịch sử - văn hóa và 3 công trình văn hóa có tính lịch sử. Trong đó có 21 di tích quốc gia, 104 di tích cấp tỉnh.

Nhờ đó, tính đến tháng 10/2023, lượt khách đến Long An đạt 823.200 lượt, tăng 49% so cùng kỳ, tăng 10% so với kế hoạch. Trong đó, có khoảng 14.800 lượt khách quốc tế, doanh thu đạt khoảng 476 tỷ đồng, tăng 75% so cùng kỳ và tăng 17% so với kế hoạch.

Toàn cảnh Hội thảo phát triển du lịch tỉnh Long An năm 2023.

Ông Nguyễn Thành Thanh, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Long An cho biết, trên cơ sở phát huy tiềm năng sẵn có về tài nguyên thiên nhiên, cơ sở hạ tầng, nhất là phát huy giá trị các di sản, di tích lịch sử - văn hóa, cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh… có thể thấy, du lịch Long An đã có bước khởi sắc.

“Trước đây, các di tích lịch sử - văn hóa chỉ là trùng tu theo hướng khoa học, bảo tồn và phát huy, hiện nay song song với đó là tập trung khai thác du lịch. Không những trùng tu, tôn tạo, mà còn tăng cường các biện pháp mời gọi đầu tư theo xu hướng mở ra các cơ sở hạ tầng, dịch vụ thu hút du khách, không chỉ thuần túy như di tích, bảo tồn và giáo dục truyền thống mà tập trung hướng đến du lịch nhiều hơn”, ông Thanh chia sẻ.

Doanh nghiệp còn khó khăn

Cũng theo ông Thanh, mặc dù thời gian qua tỉnh đã đẩy mạnh công tác kêu gọi đầu tư, xã hội hóa nhưng vẫn còn trong tình trạng thiếu vốn và thiếu chiến lược đầu tư đồng bộ, hiệu quả.

Không những thế, việc phát triển du lịch gắn với quảng bá, phát huy các giá trị công trình văn hóa, di tích lịch sử chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của tỉnh. Ngoài ra, chưa tạo ra các sản phẩm du lịch có chất lượng, đặc trưng để thu hút du khách; nhiều điểm di tích giao thông chưa kết nối, nhiều di tích xuống cấp thiếu kinh phí trùng tu, tôn tạo; hầu hết các di tích thiếu dịch vụ như bán hàng lưu niệm, ăn uống, giải khát, vui chơi giải trí… tại các khu di tích chưa đáp ứng được nhu cầu phục vụ du khách.

Ông Nguyễn Văn Hiển, Chủ tịch Hiệp hội du lịch tỉnh Long An thông tin, hiện có 15 điểm đến tại Long An mà du khách có thể ghé thăm nhưng thực tế chỉ có Mỹ Quỳnh Safari, Happy Land là 2 điểm đến có quy mô và có thể đáp ứng được số lượng lớn học sinh, sinh viên tham quan trải nghiệm.

“Tuy nhiên, có một số khó khăn chúng tôi gặp phải như thời gian qua TP.HCM và một số tỉnh thành hạn chế cho các em học sinh tham quan, trải nghiệm, hoạt động ngoại khóa ngoài tỉnh. Cụ thể, năm 2022 chúng tôi đón khoảng 200.000 học sinh nhưng đến năm 2023 con số này đã giảm còn 20.000 học sinh, một sự sụt giảm đáng kể”, ông Hiển chia sẻ.

Về các chính sách đầu tư cũng như cơ sở hạ tầng tỉnh Long An, ông Lâm Phúc Hoành, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Vườn thú Mỹ Quỳnh cho hay: “Về cơ chế chính sách đất đai, doanh nghiệp rất cần một chính sách ổn định, nhất quán và không thay đổi, vì nếu thay đổi chúng tôi không dám đầu tư. Ví dụ như hiện nay, khu du lịch mà doanh nghiệp đầu tư không còn được giao đất trong 50 năm, thay vào đó là thuê đất và trả tiền hàng năm. Như vậy, sự thiếu ổn định trong chính sách đất đai đã làm giảm niềm tin để doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư quy mô lớn.”

Long An nỗ lực tháo gỡ khó khăn để khai thác du lịch xứng tầm với tiềm năng của địa phương.

Nỗ lực tháo gỡ khó khăn

Trong thời gian tới, Long An sẽ đẩy mạnh quảng bá sản phẩm du lịch tỉnh đến TP.HCM, các tỉnh miền Trung và miền Bắc. Đặc biệt, Hiệp hội Du lịch tỉnh Long An tiếp tục kiến nghị và tìm ra hướng giải quyết cho doanh nghiệp từ thủ tục đất đai đến đầu tư xây dựng các điểm du lịch như: Mỹ Quỳnh Safari, Cánh Đồng Bất Tận Chavi Garden… Ngoài ra, Long An tiếp tục vận động các huyện xây dựng làng du lịch văn hóa cộng đồng kết hợp nông nghiệp và sản phẩm OCOP.

Theo Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Long An, tỉnh sẽ tiếp tục xây dựng, hoàn thiện các sản phẩm du lịch văn hóa, nhất là du lịch học đường đẩy mạnh giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ trên địa bàn tỉnh.

Không những thế, tỉnh Long An sẽ ban hành cơ chế, chính sách đẩy mạnh kêu gọi đầu tư, nhất là chú trọng đầu tư các công trình phục vụ khách du lịch tại các điểm di tích. Đồng thời đầu tư, trùng tu tôn tạo có trọng điểm, tập trung vào từng điểm và cụm di tích lịch sử - văn hóa, những điểm di tích có lợi thế nổi bật về tiềm năng nhằm phát triển du lịch bền vững.

“Đặc biệt, Long An sẽ tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp du lịch và cộng đồng dân cư làm du lịch. Khuyến khích doanh nghiệp du lịch đầu tư trực tiếp vào các điểm đến văn hóa hoặc khu vực lân cận để phát triển du lịch văn hóa cũng như các loại hình du lịch khác”, ông Thanh chia sẻ.

Đến bản Bắc Hoa hòa vào cuộc sống đồng bào Nùng ở Bắc Giang
Đến bản Bắc Hoa (xã Tân Sơn, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang), du khách sẽ được hòa mình vào cuộc sống bình dị của 160 hộ gia đình dân tộc...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư