Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Tiêu điểm đầu tư tuần qua
Long An xây KCN 1.355 tỷ đồng; Bình Định khánh thành nhà máy năng lượng sạch 6.200 tỷ đồng
Hạnh Nguyên (tổng hợp) - 10/04/2021 09:12
 
Long An: Đầu tư 1.355 tỷ đồng xây dựng khu công nghiệp Thế Kỷ; Khánh thành nhà máy năng lượng sạch vốn đầu tư 6.200 tỷ đồng tại Bình Định...

Đó là những thông tin về đầu tư đáng chú ý trong tuần qua.

Đã có hướng dẫn về điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài

Chính phủ đã ban hành Nghị định số 31/2021/NĐ-CP quy định chi tiết hướng dẫn thi hành một số điều của Luật đầu tư.

Nghị định này quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư về điều kiện kinh doanh; ngành, nghề và điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài; bảo đảm đầu tư kinh doanh; ưu đãi, hỗ trợ đầu tư; thủ tục đầu tư; hoạt động đầu tư ra nước ngoài; xúc tiến đầu tư; quản lý nhà nước đối với hoạt động đầu tư kinh doanh tại Việt Nam và đầu tư ra nước ngoài.

Trong đó, về bảo đảm ưu đãi đầu tư trong trường hợp thay đổi pháp luật, Nghị định nêu rõ, trong trường hợp văn bản quy phạm pháp luật được ban hành có quy định thay đổi ưu đãi đầu tư đang áp dụng đối với nhà đầu tư trước thời điểm văn bản đó có hiệu lực, nhà đầu tư được bảo đảm thực hiện ưu đãi đầu tư theo quy định tại Điều 13 của Luật Đầu tư.

Ưu đãi đầu tư được bảo đảm theo quy định nêu trên gồm: Ưu đãi được quy định tại Giấy phép đầu tư, Giấy phép kinh doanh, Giấy chứng nhận ưu đãi đầu tư, Giấy chứng nhận đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, văn bản quyết định chủ trương đầu tư, Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư hoặc văn bản khác do người có thẩm quyền, cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp, áp dụng theo quy định của pháp luật; Ưu đãi đầu tư mà nhà đầu tư được hưởng theo quy định của pháp luật không thuộc trường hợp nêu trên.

Khi có yêu cầu áp dụng các biện pháp bảo đảm đầu tư theo quy định tại khoản 4 Điều 13 Luật Đầu tư, nhà đầu tư gửi văn bản đề nghị cho cơ quan đăng ký đầu tư kèm theo một trong các giấy tờ sau: Giấy phép đầu tư, Giấy phép kinh doanh, Giấy chứng nhận ưu đãi đầu tư, Giấy chứng nhận đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, văn bản quyết định chủ trương đầu tư, Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư hoặc văn bản khác do cơ quan nhà nước có thẩm quyền, người có thẩm quyền cấp có quy định về ưu đãi đầu tư (nếu có).

Văn bản đề nghị gồm các nội dung: Tên và địa chỉ của nhà đầu tư; ưu đãi đầu tư theo quy định tại văn bản pháp luật trước thời điểm văn bản pháp luật mới có hiệu lực như loại ưu đãi, điều kiện hưởng ưu đãi, mức ưu đãi (nếu có); nội dung văn bản quy phạm pháp luật được ban hành hoặc sửa đổi, bổ sung có quy định làm thay đổi ưu đãi đầu tư đã áp dụng đối với nhà đầu tư theo quy định nêu trên; đề xuất của nhà đầu tư về áp dụng biện pháp bảo đảm đầu tư.

Cơ quan đăng ký đầu tư xem xét, quyết định áp dụng biện pháp bảo đảm đầu tư theo đề xuất của nhà đầu tư trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ. Trường hợp vượt thẩm quyền, cơ quan đăng ký đầu tư trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét quyết định.

Về bảo đảm của Nhà nước để thực hiện Dự án đầu tư, Nghị định quy định: Căn cứ điều kiện phát triển kinh tế - xã hội và nhu cầu thu hút đầu tư trong từng thời kỳ, mục tiêu, quy mô, tính chất của dự án đầu tư, Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định hình thức, nội dung bảo đảm của Nhà nước để thực hiện dự án đầu tư thuộc thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ và dự án đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng quan trọng khác theo đề nghị của bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Bảo đảm của Nhà nước để thực hiện dự án đầu tư theo quy định nêu trên được xem xét áp dụng theo các hình thức: Hỗ trợ một phần cân đối ngoại tệ trên cơ sở chính sách quản lý ngoại hối, khả năng cân đối ngoại tệ trong từng thời kỳ; các hình thức bảo đảm khác của Nhà nước do Thủ tướng Chính phủ quyết định.

Bình Định: Chuẩn bị đấu giá, đấu thầu loạt khu đất “vàng”

Theo Trung tâm xúc tiến đầu tư tỉnh Bình Định, trong quý II/2021, tỉnh tập trung mời gọi một số Dự án theo phương thức đấu giá, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án sử dụng đất như: Khu dân cư phía Bắc Phú Mỹ Lộc; Khu đô thị Bắc Bằng Châu; Khu đô thị phía Nam cây xăng dầu Việt Hưng; Điểm số 2, 8C, 9H tuyến Quy Nhơn - Sông Cầu, Thành phố Quy Nhơn; Điểm dừng nghỉ Phước Thành; Trung tâm đào tạo nghề và cung ứng lao động đi nước ngoài tại Khu đô thị Long Vân; dự án Chuyển đổi sang đất ở đô thị trên một phần diện tích của dự án Trung tâm Thương mại dịch vụ du lịch Nhơn Hội; Khu du lịch Eo Vượt 1, Khu du lịch Eo Vượt 2, Khu du lịch Night Paradise,…

Song song với đó, Bình Định cũng chuẩn bị các bước thẩm định và phê duyệt Đồ án quy hoạch chi tiết KCN Nhơn Hội (Khu A, B); điều chỉnh Quy hoạch phân khu xây dựng tỷ lệ 1/2000 KCN Phú Tài; Thẩm định và trình phê duyệt QHCT 1/500 các dự án: Khu tái định cư - dân cư Hiệp Vinh 1A; Khu tái định cư - dân cư Hiệp Vinh 1B; Khu tái định cư - dân cư Hiệp Vinh 2; Khu tái định cư - dân cư Tân Vinh; KCN Becamex. 

Ngoài ra, tiến hành thẩm định và trình phê duyệt Hồ sơ đề xuất Khu vực phát triển đô thị, Khu kinh tế Nhơn Hội; Thẩm định và trình phê duyệt Đồ án QHPK xây dựng tỷ lệ 1/2000: Phân khu 2; Phân khu 8; Thẩm định và trình phê duyệt QHCT xây dựng tỷ lệ 1/500 điều chỉnh các Dự án: Khu vui chơi giải trí Night Paradise - Đầm Thị Nai; Khu du lịch cao cấp Thiên đường xanh; Khu Phong điện PM3; Khu du lịch Eo Vượt (Khu 1 và Khu 2), núi Phương Mai;  Khu đô thị Cửa biển; Thẩm định và trình phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch phân khu xây dựng tỷ lệ 1/2000 KCN Bình Nghi, KCN Long Mỹ 2. Ngoài các Dự án về thương mại, bất động sản, hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp; đón đầu xu hướng phát triển về công nghệ số, tỉnh sẽ có các kế hoạch dài hạn nhằm mời gọi nhà đầu tư phát triển mạnh về trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật (IoT), các dự án nghiên cứu về ứng dụng công nghệ…

Cũng trong quý II/2021, tỉnh sẽ triển khai một số hội nghị, hội thảo như Hội thảo xúc tiến đầu tư với các doanh nghiệp Hàn Quốc; Đối thoại với các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh nhằm mời gọi các nhà đầu tư Hàn Quốc đang đầu tư tại Việt Nam cũng như đồng hành hỗ trợ với doanh nghiệp vượt qua khó khăn sau Covid 19, ổn định sản xuất, kinh doanh. 

Đầu tư 7.702 tỷ đồng xây tuyến nối Hà Giang với cao tốc Nội Bài - Lào Cai

Dự án xây dựng đường kết nối Hà Giang với cao tốc Nội Bài - Lào Cai qua Hà Giang và Yên Bái đang được đề xuất đầu tư bằng nguồn vốn ODA Hàn Quốc.

Ban quản lý Dự án 2 vừa đề nghị Bộ GTVT có văn bản chính thức gửi Quỹ Hợp tác phát triển kinh tế Hàn Quốc (EDCF) về thông tin về Dự án xây dựng tuyến đường kết nối Hà Giang với cao tốc Nội Bài - Lào Cai  và đề nghị các hỗ trợ thực hiện chương trình, đồng thời giao đơn vị này là cơ quan làm việc với EDCF và các Bộ nghành liên quan trong quá trình thực hiện các thủ tục phê duyệt Đề xuất dự án.

Một đoạn cao tốc Nội Bài - Lào Cai qua Yên Bái.
Một đoạn cao tốc Nội Bài - Lào Cai qua Yên Bái.

Ban quản lý dự án 2 cũng muốn Bộ GTVT gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ tài chính đề xuất Dự án xây dựng tuyến đường kết nối Hà Giang với cao tốc Nội Bài - Lào Cai sử dụng vay vốn EDCF và đề nghị Bộ Tài chính xem xét xác định các thành tố ưu đãi, đánh giá tác động của khoản vay ODA và cơ chế tài chính đề xuất của Dự án; Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét, trao đổi với Nhà tài trợ và trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt đề xuất dự án.

Theo đề xuất của Ban quản lý dự án 2, Dự án xây dựng tuyến đường kết nối Hà Giang với cao tốc Nội Bài - Lào Cai có điểm đầu tại nút giao IC14_Km149+705 cao tốc Hà Nội - Lào Cai; điểm cuối tại thị trấn Việt Quang, huyện Bắc Quang khoảng Km235+700 – Quốc lộ 2, đi qua địa phận tỉnh Yên Bái và Hà Giang.

Tổng chiều dài tuyến thuộc Dự án là 83km, trong đó sẽ xây dựng mới 16 cầu có tổng chiều dài 2,24km, trong đó có 2 cầu lớn kết cấu dầm liên tục vượt sông Hồng, sông Chảy; 2 hầm đường bộ có chiều dài 1,12km.

Dự án được phân kỳ đầu tư theo 2 giai đoạn, trong đó giai đoạn 1 đầu tư xây dựng theo quy mô mặt cắt ngang tương ứng với quy mô mặt cắt ngang của đường ô tô cấp III đồng bằng gồm 2 làn xe với bề rộng nền đường 12m, với các yếu tố bình diện, trắc dọc theo tiêu chuẩn đường cao tốc  với mục đích để tận dụng xây dựng đường cao tốc sau này.

Giai đoạn hoàn chỉnh (dự kiến sau năm 2040) sẽ xây dựng với quy mô đường cao tốc hoàn chỉnh 4 làn xe, tốc độ thiết kế 80 - 100km/h, chiều rộng nền đường từ 22 m - 24,75m.

Tổng vốn đầu tư của Dự án khoảng 7.702 tỷ đồng, tương đương khoảng 332,45 triệu USD, dự kiến vay ODA theo dạng “Khoản vay bao gồm Hợp phần có điều kiện và không có điều kiện” của EDCF trị giá 263,42 triệu USD, tương đương khoảng 6.103 tỷ đồng cho chi phí xây dựng, thiết bị, thiết kế kỹ thuật, giám sát thi công và chi phí dự phòng tương ứng; vốn đối ứng 1.599 tỷ đồng, tương đương khoảng 69,03 triệu USD cho thuế giá trị gia tăng (phần chi phí xây dựng, thiết bị, thiết kế kỹ thuật, giám sát thi công và chi phí dự phòng), chi phí giải phóng mặt bằng, chi phí quản lý dự án, tư vấn đầu tư xây dựng, chi phí khác và dự phòng tương ứng.

Nếu được cấp có thẩm quyền phê duyệt, Ban quản lý dự án 2 dự kiến trong giai đoạn từ năm 2021 đến năm 2023 sẽ chuẩn bị, thẩm định Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án; từ năm 2023 – 2027 sẽ ký Hiệp định vay vốn và triển khai thực hiện.

Được biết, tỉnh Hà Giang có những tiềm năng rất lớn về du lịch, văn hóa và khoáng sản. Tuy nhiên, hiện nay tỉnh Hà Giang vẫn chưa phát huy được hết các tiềm năng này một phần là do hệ thống đường giao thông còn đi lại khó khăn. Do đó việc đầu tư xây dựng đường kết nối sẽ rút ngắn đáng kể thời gian hành trình nối liền thủ đô Hà Nội với tỉnh Hà Giang, thúc đẩy phát triển kinh tế - thương mại và giảm tải cho Quốc lộ 2 đang có lưu lượng xe lưu thông cao, góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông cho các tuyến quốc lộ có liên quan.

Kiểm điểm Công ty Cảng Đà Nẵng "xé rào" đầu tư cảng Tiên Sa

Thủ tướng Chính phủ vừa có công văn số 324/TTg–CN gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Bộ GTVT; UBND Tp Đà Nẵng; Tổng công ty Hàng hải Việt Nam liên quan đến Dự án nâng cấp, mở rộng Cảng Tiên Sa giai đoạn 2 của Công ty cổ phần Cảng Đà Nẵng.

Cảng Tiên Sa giai đoạn 2 được Công ty cổ phần Cảng Đà Nẵng đưa vào khai thác từ quý III/2018.
Cảng Tiên Sa giai đoạn 2 được Công ty cổ phần Cảng Đà Nẵng đưa vào khai thác từ quý III/2018.

Công văn số 324 nêu rõ, theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Công ty cổ phần Cảng Đà Nẵng (Chủ đầu tư), Dự án nâng cấp mở rộng Cảng Tiên Sa giai đoạn II của Công ty cổ phần Cảng Đà Nẵng đã được thực hiện hoàn thành (khai thác từ tháng 9 năm 2018), phù hợp với quy hoạch và đang phát huy hiệu quả; tuy nhiên Dự án chưa thực hiện đầy đủ thủ tục theo quy định pháp luật về đầu tư.

Thủ tướng yêu cầu các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan thực hiện xử lý trách nhiệm về hành chính trong việc Chủ đầu tư triển khai đầu tư Dự án thiếu thủ tục đầu tư theo quy định pháp luật về đầu tư.

Thủ tướng chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ GTVT, UBND TP.Đà Nẵng và các cơ quan liên quan hướng dẫn, giải quyết theo thẩm quyền đối với những quyền lợi của doanh nghiệp về ưu đãi đầu tư (nếu có) theo quy định pháp luật về đầu tư; hướng dẫn Công ty cổ phần Cảng Đà Nẵng chấp hành nghiêm các quy định pháp luật để đảm bảo Dự án hoạt động có hiệu quả theo Quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam và định hướng Quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

“Công ty cổ phần Cảng Đà Nẵng nghiêm túc kiểm điểm trách nhiệm và chấp hành các hình thức xử lý vi phạm hành chính của cấp có thẩm quyền trong việc triển khai đầu tư Dự án chưa theo trình tự thủ tục pháp luật về đầu tư; chịu trách nhiệm toàn diện về quá trình đầu tư, khai thác Dự án đảm bảo không gây thất thoát, lãng phí và sử dụng hiệu quả vốn đầu tư”, công văn số 423 nêu rõ.

Vào cuối tháng 6/2020, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có công văn 4196/BKHĐT-GSTĐĐT gửi Thủ tướng Chính phủ liên quan đến tình hình thực hiện và quyết định chủ trương đầu tư Dự án Nâng cấp, mở rộng cảng Tiên Sa, giai đoạn II của Công ty cổ phần Cảng Đà Nẵng.

Theo nội dung Công văn số 4196/BKHĐT-GSTĐĐT, trên cơ sở kiểm tra thực tế; báo cáo giải trình của Công ty Cảng Đà Nẵng; ý kiến của các bộ, ngành liên quan, Bộ Kế hoạch và Đầu tư ghi nhận Dự án Nâng cấp, mở rộng cảng Tiên Sa được UBND TP.Đà Nẵng phê duyệt tổng mặt bằng điều chỉnh quy hoạch chi tiết 1/500 vào tháng 8/2015. Hai tháng sau, HĐQT Công ty cổ phần Cảng Đà Nẵng đã có quyết định phê duyệt Dự án (Quyết định số 622/QĐ - ĐHĐCĐ ngày 2/10/2015). Công trình được khởi công vào ngày 31/7/2016, hoàn thành và đưa vào khai thác vào tháng 8/2018.

Trước đó, vào tháng 7/2017 - tức là 2 năm sau khi Dự án Nâng cấp mở rộng cảng Tiên Sa được khởi công, Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ mới ký Công văn số 5228/UBND - SKHĐT đề nghị Thủ tướng Chính phủ quan tâm, xem xét chấp thuận quyết định chủ trương đầu tư Dự án Nâng cấp, mở rộng cảng Tiên Sa giai đoạn II của Công ty cổ phần Cảng Đà Nẵng.

Lý do được lãnh đạo TP.Đà Nẵng đưa ra là nhằm hỗ trợ nhà đầu tư trong việc tiếp tục triển khai Dự án, đảm bảo việc luân chuyển hàng hóa, góp phần phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương và khu vực kinh tế trọng điểm miền Trung.

Tại thời điểm đề nghị Thủ tướng phê duyệt chủ trương đầu tư, UBND TP.Đà Nẵng thừa nhận, Dự án Nâng cấp, mở rộng cảng Tiên Sa giai đoạn II đã thực hiện được hơn 60% khối lượng công trình, giải ngân hơn 600 tỷ đồng trên tổng mức đầu tư được duyệt là 1.069 tỷ đồng.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, do Dự án được triển khai thực hiện sau ngày Luật Đầu tư năm 2014 có hiệu lực thi hành (1/7/2015) nên trình tự, thủ tục quyết định chủ trương đầu tư phải tuân thủ quy định của Luật Đầu tư 2014 và Nghị định số 118/2015/NĐ - CP ngày 12/11/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư.

Theo đó, điểm c, Khoản 1, Điều 31, Luật Đầu tư năm 2014 quy định, dự án xây dựng và kinh doanh cảng biển quốc gia thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ. Khoản 1, Điều 22, Nghị định số 118 quy định trình tự thực hiện dự án đầu tư gồm: quyết định chủ trương đầu tư; thực hiện thủ tục giao đất, giao lại đất, cho thuê đất, cho thuê lại đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất (nếu có); thực hiện thủ tục về xây dựng theo quy định của pháp luật về xây dựng.

“Qua xem xét hồ sơ Dự án và báo cáo của các bên liên quan cho thấy, Dự án chưa có quyết định chủ trương đầu tư được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Do vậy, cơ sở pháp lý triển khai Dự án chưa được đảm bảo”, Công văn số 4196 nêu rõ.

Thủ tướng giao UBND tỉnh Quảng Trị chuẩn bị đầu tư Dự án cảng hàng không Quảng Trị

Thủ tướng Chính phủ vừa có công văn số 447/TTg – CN gửi UBND tỉnh Quảng Trị và các bộ: GTVT, Giao thông vận tải, Kế hoạch và Đầu tư, tài chính, Tư pháp, Xây dựng, Công an, Quốc phòng về việc triển khai Dự án cảng hàng không Quảng Trị.

Vị trí sân bay Quảng Trị cách sân bay Phú Bài (Thừa Thiên - Huế) và Đồng Hới (Quảng Bình) khoảng 90km - Ảnh minh họa.
Vị trí sân bay Quảng Trị cách sân bay Phú Bài (Thừa Thiên - Huế) và Đồng Hới (Quảng Bình) khoảng 90km - Ảnh minh họa.

Theo đó, Thủ tướng đồng ý giao UBND tỉnh Quảng Trị là cơ quan có thẩm quyền để tổ chức lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, trình cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư Dự án Cảng hàng không Quảng Trị theo đúng quy định của pháp luật về đầu tư theo phương thức PPP như đề nghị của GTVT.

Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT, UBND tỉnh Quảng Trị nghiên cứu ý kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan tại các văn bản nêu trên, căn cứ định hướng quy hoạch phát triển GTVT hàng không giai đoạn 2021-2030, định hướng đến năm 2050 và các quy hoạch có liên quan để xác định thời điểm đầu tư Cảng hàng không Quảng Trị, bảo đảm hiệu quả, khả thi.

Trước đó, UBND tỉnh Quảng Trị đã có công văn gửi Thủ tướng và Bộ GTVT đề nghị giao UBND tỉnh Quảng Trị là Cơ quan có thẩm quyền để triển khai thực hiện theo khoản 3 Điều 5 Luật Đầu tư theo phương thức PPP và tổ chức lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi theo khoản 2 Điều 13 Luật PPP.

UBND tỉnh Quảng Trị đã tính toán sơ bộ kinh phí GPMB dự án khoảng 250 tỷ đồng và cam kết bố trí từ nguồn vốn ngân sách của địa phương để triển khai đảm bảo tiến độ yêu cầu.

Bộ GTVT cũng đã có công văn gửi Thủ tướng để thống nhất với đề xuất giao UBND tỉnh Quảng Trị làm Cơ quan có thẩm quyền triển khai dự án.

Được biết, Cảng hàng không Quảng Trị được xác định là cảng hàng không nội địa giai đoạn đến năm 2030 theo quy hoạch phát triển giao thông vận tải hàng không được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 236/QĐ-TTg ngày 23/2/2018 và Bộ GTVT phê duyệt quy hoạch tại Quyết định số 188/QĐ-BGTVT ngày 26/1/2021. Cảng hàng không Quảng Trị có chức năng sân bay dân dụng dùng chung quân sự quy mô cấp 4C (sân bay quân sự cấp II), công suất 1 triệu HK/năm và 3.100 tấn HH/năm, diện tích sử dụng khoảng  316ha; địa điểm tại huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị.

Hiện nay, Bộ GTVT đang triển khai lập quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và đang xin ý kiến các Bộ, ngành liên quan để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Trong đó, Cảng hàng không Quảng Trị được định hướng là cảng hàng không nội địa nằm trong hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc; công suất dự kiến đến năm 2030 là 1 triệu hành khách/năm.

Do vậy, việc chuẩn bị đầu tư xây dựng Cảng hàng không Quảng Trị, theo đánh giá của Bộ GTVT, là phù hợp với quy hoạch được phê duyệt cũng như định hướng phát triển trong tổng thể quy hoạch cảng hàng không, sân bay toàn quốc.

An Giang đặt mục tiêu thu hút vốn đầu tư trên 16.000 tỷ đồng trong năm 2021

Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước đã ký Quyết định số 551/QĐ-UBND ban hành Chương trình xúc tiến đầu tư tỉnh An Giang năm 2021.

Theo đó, trong năm 2021, định hướng xúc tiến đầu tư được tỉnh An Giang đề ra là tập trung thu hút vào lĩnh vực có thế mạnh của địa phương, lĩnh vực còn nhiều dư địa để phát triển như: Phát triển hạ tầng các khu, cụm công nghiệp; nông nghiệp công nghệ cao; sản xuất giống thủy sản và cây giống, công nghiệp hỗ trợ; công nghiệp chế biến; công nghiệp cơ khí; phát huy lợi thế trong phát triển du lịch đặc sắc và đa dạng trên địa bàn tỉnh như: du lịch sinh thái, du lịch tâm linh.

An Giang đề ra mục tiêu thu hút vốn đầu tư trên 16.000 tỷ đồng trong năm 2021
An Giang đề ra mục tiêu thu hút vốn đầu tư trên 16.000 tỷ đồng trong năm 2021

Đồng thời ưu tiên các dự án có công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ cao, công nghệ sạch, quản trị hiện đại, có giá trị gia tăng cao, có tác động lan toả, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu; Tăng cường các hoạt động xúc tiến đầu tư trực tuyến, bắt kịp xu hướng chuyển đổi số trong thực hiện công tác xúc tiến đầu tư, đa dạng hóa các hình thức hoạt động xúc tiến đầu tư dựa nền tảng khoa học công nghệ.

Bên cạnh đó, nâng cao năng lực quản lý, phòng ngừa, ngăn chặn tình trạng lẩn tránh xuất xứ, "vốn mỏng", chuyển giá, M&A, đầu tư "chui", đầu tư "núp bóng" gây tác động xấu đến nền kinh tế; Chú trọng xúc tiến đầu tư tại chỗ thông qua công tác hỗ trợ nhà đầu tư trong suốt quá trình đầu tư, kinh doanh trên địa bàn tỉnh. Xác định tinh thần “thành công của doanh nghiệp là thành công của An Giang” trong hỗ trợ doanh nghiệp nhà đầu tư, là nền tảng vững chắc cho niềm tin của nhà đầu tư thực hiện tái đầu tư.

Trên cơ sở kết quả đạt được các năm qua, đồng thời dựa trên quan điểm và định hướng thu hút đầu tư trong thời gian tới, tỉnh An Giang đề ra mục tiêu trong năm 2021 phấn đấu thu hút tối thiểu 5 dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), với tổng vốn đầu trên 50 triệu USD và trên 60 dự án đầu tư trong nước, tổng vốn đầu tư tối thiểu 15 ngàn tỷ đồng. Triển khai thực hiện và đưa vào hoạt động ít nhất 50% trên tổng số dự án được cấp phép.

Mời gọi thành công và cấp chấp thuận chủ trương đầu tư cho ít nhất 5 dự án đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao, quy mô lớn, diện tích sử dụng đất trên 200 ha cho mỗi dự án, tổng diện tích sử dụng đất trên 1.000 ha, vốn đầu tư vào lĩnh vực này tối thiểu đạt 2.000 tỷ đồng và giải ngân trên 50%.

Mời gọi thành công và cấp chấp thuận chủ trương đầu tư tối thiểu 10 dự án đầu tư vào lĩnh vực phát triển du lịch, kết cấu hạ tầng, thương mại và dịch vụ với tổng vốn đầu tư vào các lĩnh vực này tối thiểu đạt 3.000 tỷ đồng và giải ngân trên 50%.

Trong năm 2021, tỉnh An Giang sẽ tổ chức hoặc phối hợp tổ chức ít nhất 3 hội nghị xúc tiến đầu tư trực tuyến với các thị trường: châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, Mỹ, Đài Loan, Israel, Thái Lan, Singapore nhằm đẩy mạnh quan hệ hợp tác quốc tế, mời gọi các nhà đầu tư tiềm năng, có thế mạnh trong các lĩnh vực khai thác, chế biến, nuôi trồng thủy sản, đầu tư phát triển du lịch, dịch vụ, thương mại, đặc biệt là đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, logistics, hạ tầng khu cụm công nghiệp.

Bên cạnh đó, tỉnh An Giang sẽ hoàn thiện cơ sở dữ liệu về xúc tiến đầu tư của tỉnh, đảm bảo liên tục cập nhật chính sách ưu đãi, khuyến khích, hỗ trợ đầu tư, thông tin chi tiết về các Dự án mời gọi đầu tư, trình tự thủ tục đầu tư, những thuận lợi và khó khăn đối với từng dự án để nhà đầu tư có đầy đủ thông tin trước khi quyết định đầu tư.

Công bố 84 ngành, nghề hạn chế tiếp cận với nhà đầu tư nước ngoài

Kinh doanh các hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ thực hiện độc quyền nhà nước trong lĩnh vực thương mại; hoạt động báo chí và hoạt động thu thập tin tức dưới mọi hình thức; đánh bắt hoặc khai thác hải sản; các dịch vụ hành chính tư pháp; kinh doanh tạm nhập tái xuất; kinh doanh dịch vụ lữ hành (trừ dịch vụ lữ hành quốc tế phục vụ khách du lịch quốc tế đến Việt Nam) là một số trong danh sách 25 ngành, nghề mà nhà đầu tư nước ngoài không được đầu tư.

Danh mục ngành, nghề hạn chế tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài vừa được ban hành kèm theo Nghị định số 31/2021/NĐ-CP ngày 26/3/2021 của Chính phủ
Danh mục ngành, nghề hạn chế tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài vừa được ban hành kèm theo Nghị định số 31/2021/NĐ-CP ngày 26/3/2021 của Chính phủ

Đây là một phần trong Danh mục ngành, nghề hạn chế tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài ban hành kèm theo Nghị định số 31/2021/NĐ-CP ngày 26/3/2021 của Chính phủ.

Phần ngành, nghề tiếp cận thị trường có điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài gồm 59 đầu mục. Trong số này, nhóm ngành thứ 59 là ngành, nghề đầu tư theo cơ chế thí điểm của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, bà Trần Thị Thanh Huyền (Công ty Luật NHQuang và Cộng sự) cho biết, việc công bố danh mục này thực sự là một nỗ lực, vì lâu nay, việc xác định ngành, nghề hạn chế tiếp cận thị trường theo các cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên khá phức tạp, mất rất nhiều thời gian. “Nhà đầu tư sẽ chỉ quyết định khi biết rõ được làm gì, điều kiện ra sao”, bà Huyền nói.

Cùng với danh mục trên, nội dung quan trọng với nhà đầu tư là điều kiện tiếp cận thị trường được làm rõ ngay tại Nghị định 31/2021/NĐ-CP. Đó là tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ của nhà đầu tư nước ngoài trong tổ chức kinh tế; hình thức đầu tư; phạm vi hoạt động đầu tư; năng lực của nhà đầu tư; đối tác tham gia thực hiện đầu tư và điều kiện khác theo quy định của các văn bản quy phạm pháp luật.

Như vậy, theo nguyên tắc chọn - bỏ của Luật Đầu tư, nếu chọn đầu tư vào các ngành, nghề ngoài 84 ngành nghề này, nhà đầu tư nước ngoài sẽ được áp dụng điều kiện tiếp cận thị trường như quy định đối với nhà đầu tư trong nước.

Nghị định số 31/2021/NĐ-CP cũng quy định rõ, ngoài điều kiện tiếp cận thị trường đối với các ngành, nghề trên, nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài khi thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh tại Việt Nam phải đáp ứng thêm một số điều kiện, tùy theo từng Dự án. Đó là các điều kiện liên quan đến sử dụng đất đai, lao động; các nguồn tài nguyên thiên nhiên, khoáng sản; sản xuất, cung ứng hàng hóa, dịch vụ công hoặc hàng hóa, dịch vụ độc quyền nhà nước; sở hữu, kinh doanh nhà ở, bất động sản

Phải nói rõ, ngành, nghề hạn chế tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài và hạn chế về tiếp cận thị trường đối với ngành, nghề trên đã được quy định tại các văn bản pháp luật của Việt Nam và điều ước quốc tế về đầu tư. Đây là lần đầu tiên, danh mục ngành, nghề hạn chế tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài được công bố trong một danh mục.

Nghị định 31/2021/NQ-CP cũng lần đầu quy định rõ điều kiện tiếp cận đối với các ngành, nghề mà Việt Nam chưa cam kết về tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài.

Cụ thể, trường hợp pháp luật Việt Nam không có quy định hạn chế tiếp cận thị trường đối với ngành, nghề đó, thì nhà đầu tư nước ngoài được tiếp cận thị trường như quy định đối với nhà đầu tư trong nước.

Trường hợp pháp luật Việt Nam đã có quy định về hạn chế tiếp cận thị trường của nhà đầu tư nước ngoài đối với ngành, nghề đó, thì áp dụng quy định của pháp luật Việt Nam.

Như vậy, với nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào các ngành, nghề Việt Nam chưa cam kết về tiếp cận thị trường trước ngày 26/3/2021, thời điểm hiệu lực của Nghị định 31/2021/NQ-CP, thì việc thực hiện hoạt động đầu tư sẽ tiếp tục theo các điều kiện đã được áp dụng.

Trường hợp thành lập tổ chức kinh tế mới, thực hiện dự án đầu tư mới, nhận chuyển nhượng dự án đầu tư, đầu tư góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của tổ chức kinh tế khác, đầu tư theo hình thức hợp đồng hoặc điều chỉnh, bổ sung mục tiêu, ngành, nghề mà theo quy định của văn bản mới ban hành phải đáp ứng điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài, thì phải đáp ứng điều kiện đó. Trong trường hợp này, Nghị định 31/2021/NQ-CP quy định rõ, cơ quan nhà nước có thẩm quyền không xem xét lại điều kiện tiếp cận thị trường đối với các ngành, nghề mà nhà đầu tư đã được chấp thuận trước đó.

Theo quy định tại Nghị định 31/2021/NĐ-CP, việc xây dựng, đăng tải, cập nhật, sửa đổi, bổ sung Danh mục ngành, nghề hạn chế tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài thực hiện tương tự như quy định áp dụng với ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện.

Nghĩa là Bộ Kế hoạch và Đầu tư được giao chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ rà soát, tập hợp điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài để đăng tải trên Cổng thông tin quốc gia về đầu tư.

Kon Tum chấp thuận chủ trương đầu tư dự án điện mặt trời 200MW

UBND tỉnh Kon Tum cho biết vừa chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án Nhà máy điện mặt trời KN Ialy Kon Tum của Công ty Cổ phần Điện mặt trời Ialy Kon Tum.

Theo đó, Dự án Nhà máy điện mặt trời KN Ialy Kon Tum của Công ty Cổ phần Điện mặt trời Ialy Kon Tum có địa điểm thực hiện tại  xã Ya Tăng và xã Ya Ly, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum.

Ảnh minh hoạ.
Ảnh minh hoạ.

Diện tích đất, mặt nước, mặt bằng dự kiến sử dụng 233,2 ha. Trong đó, khu vực bố trí tấm pin có diện tích 228 ha (Trên lòng hồ Nhà máy thủy điện Ialy, xã Ya Tăng và xã Ya Ly thuộc huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum). Khu vực quản lý vận hành và TBA 110 KV là 5 ha. Đường vào khu vực quản lý và TBA 110 KV: 0,2 ha.

Dự án có công suất thiết kế 200 MW, gồm 449.428 tấm pin silic đơn tinh thể với công suất 445Wp/tấm, hiệu suất 20,2%, 980 bộ inverter. Sản phẩm, dịch vụ cung cấp là nguồn điện từ năng lượng mặt trời.

 Về tiến độ, dự án dự kiến khởi công từ tháng 12/2021. Tiến độ xây dựng các hạng mục công trình: Từ tháng 12/2021 đến tháng 12/2024. Tiến độ hoàn thành dự án đưa vào hoạt động: Cuối tháng 12/2024. Thời hạn hoạt động của dự án là 50 năm kể từ ngày chấp thuận chủ trương đầu tư.

Về tổng mức đầu tư, dự án có tổng vốn đầu tư 4.121 tỷ đồng, trong đó, vốn góp của nhà đầu tư 620 tỷ đồng, chiếm 15% tổng vốn đầu tư; vốn huy động 3.501 tỷ đồng, chiếm 85% tổng vốn đầu tư. Dự án áp dụng công nghệ sản xuất điện sử dụng năng lượng mặt trời có quy mô công nghiệp với hệ thống điện mặt trời nối lưới không lưu trữ.

Theo UBND tỉnh Kon Tum, dự án thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư.

Được biết, Công ty Cổ phần Điện mặt trời Ialy Kon Tum  có trụ sở chính tại 180 Nguyễn Hữu Thọ, phường Ngô Mây, TP Kon Tum, tỉnh Kon Tum. doanh nghiệp này được thành lập 26/1/2021, do bà Lê Nữ Thuỳ Dương (SN 1976 ) làm người đại diện theo pháp luật kiêm tổng giám đốc công ty.

Quý I/2021, Ninh Thuận cấp mới 8 dự án, tổng vốn hơn 25.000 tỷ

UBND tỉnh Ninh Thuận cho biết, tình hình kinh tế - xã hội quý I/2021 của tỉnh  có những chuyển biến tích cực, tốc độ tăng trưởng đạt cao. Theo đó, về phát triển kinh tế, tổng sản phẩm nội tỉnh (GRDP) Quý I ước đạt 4.847 tỷ đồng, tăng 13,68% so cùng kỳ; trong đó ngành Nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng 8,66%, công nghiệp – xây dựng tăng 24,9%, dịch vụ tăng 3,61% và thuế sản phẩm tăng 20,27%. Tổng thu ngân sách trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận ước đạt 1.042 tỷ đồng, đạt 26,7% dự toán năm; trong đó thu nội địa đạt 801 tỷ đồng, thu hải quan 241 tỷ đồng.

Nhiều Dự án năng lượng tái tạo trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận đã đi vào hoạt động.
Nhiều dự án năng lượng tái tạo trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận đã đi vào hoạt động.

Công nghiệp - Xây dựng tiếp tục là lĩnh vực tạo động lực phát triển cho Ninh Thuận khi tổng giá trị gia tăng toàn ngành ước đạt 1.966 tỷ đồng, trong đó công nghiệp 1.629 tỷ đồng, xây dựng 336 tỷ đồng. Các Dự án năng lượng tái tạo hoàn thành đi vào hoạt động đã giúp sản lượng điện sản xuất các loại tăng 78% so cùng kỳ,chỉ số phát triển công nghiệp (IIP) tăng 46,5% so với cùng kỳ.

Trong 3 tháng đầu năm 2021, trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận có nhiều dự án năng lượng đi vào hoạt động như Nhà máy điện gió Trung Nam giai đoạn 3 (xã Lợi Hải, xã Bắc Phong huyện Thuận Bắc 48MWp), Nhà máy điện gió 7A, Nhà máy điện gió Win Energy Chính Thắng, Nhà máy điện mặt trời Thiên Tân 2.1, Nhà máy điện mặt trời Thiên Tân 2.3, Nhà máy điện mặt trời Thiên Tân 2.3, Nhà máy điện mặt trời Phước Thái 2, Nhà máy điện mặt trời Phước Thái 3 …

Về thu hút đầu tư, đến ngày 15/3, tỉnh Ninh Thuận đã cấp mới 8 dự án, với tổng vốn đầu tư 25.872 tỷ đồng; trong đó cấp quyết định chủ trương đầu tư 3 dự án với tổng vốn là 3.128 tỷ đồng; chấp thuận chủ trương địa điểm 5 dự án với tổng vốn 22.744 tỷ đồng…

Dù kinh tế chuyển biến tốt, tuy nhiên một số ngành hàng công nghiệp tại tỉnh Ninh Thuận tiếp tục gặp khó khăn; giá trị sản xuất ngành xây dựng đạt thấp so mục tiêu; công tác bồi thường giải phóng mặt bằng được tập trung chỉ đạo nhưng một số trường hợp còn vướng mắc ảnh hưởng đến tiến độ triển khai một số dự án quy mô lớn; hoạt động doanh nghiệp còn khó khăn …

Vì vậy UBND tỉnh đặt ra nhiều mục tiêu để thực hiện “mục tiêu kép”, vừa phòng chống dịch bệnh hiệu quả, vừa phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó sẽ hoàn thành, trình phê duyệt Đề án phát triển Ninh Thuận trở thành trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước; tiếp tục đẩy nhanh tiến độ các dự án năng lượng đã bổ sung vào Quy hoạch điện VII điều chỉnh, đồng thời kiến nghị bổ sung vùng tiềm năng năng lượng tái tạo vào Quy hoạch điện VIII; phối hợp đẩy nhanh tiến độ hoàn thành dự án Hệ thống thủy lợi Tân Mỹ, cảng biển tổng hợp Cà Ná, khẩn trương hoàn tất thủ tục đấu thầu dự án điện khí LNG Cà Ná giai đoạn 1-1.500 MW…

Tập trung chỉ đạo hoàn thành Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm giai đoạn 2021-2025; triển khai thực hiện hiệu quả Đề án chuyển đổi mặt bằng các vị trí trước đây quy hoạch xây dựng các nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và 2. Tiếp tục tranh thủ, tận dụng tốt các cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ Tỉnh theo Nghị quyết số 115/NQ-CP của Chính phủ; rà soát tiến độ thực hiện các dự án để kịp thời hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, kiên quyết xử lý, thu hồi các dự án chậm tiến độ, hoặc không có khả năng thực hiện; triển khai quyết liệt các giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công; hỗ trợ kịp thời và tháo gỡ khó khăn phát triển doanh nghiệp, khởi nghiệp

Bộ Giao thông Vận tải lập đoàn kiểm tra Dự án cao tốc Mai Sơn - Quốc lộ 45

Đoàn kiểm tra do Bộ trưởng Bộ GTVT thành lập sẽ đánh giá công tác chuẩn bị, triển khai của ban quản lý dự án, đơn vị thi công Dự án cao tốc Mai Sơn – Quốc lộ 45.

Thi công cao tốc Bắc - Nam đoạn Mai Sơn - Quốc lộ 45.
Thi công cao tốc Bắc - Nam đoạn Mai Sơn - Quốc lộ 45.

Bộ trưởng Bộ GTVT vừa ký Quyết định số 512/QĐ – BGTVT thành lập đoàn kiểm tra công tác chuẩn bị và triển khai Dự án thành phần đầu tư xây dựng đoạn Mai Sơn - Quốc lộ 45 thuộc Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2017 – 2020.

Đoàn kiểm tra gồm 6 thành viên do ông Vũ Hoàng Hưng – Trưởng phòng Giám sát, kiểm tra và Xử lý sau thanh tra, Thanh tra Bộ GTVT làm Trưởng đoàn.

Đoàn kiểm tra có mục tiêu là đánh giá cơ bản công tác chuẩn bị và triển khai thi công xây dựng công trình tại Dự án thành phần đầu tư xây dựng đoạn Mai Sơn - Quốc lộ 45; việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao của các chủ thể, cơ quan, đơn vị tại các Chỉ thị của Ban Cán sự đảng, các quyết định và văn bản chỉ đạo của Bộ GTVT, qua đó tham mưu cho Ban Cán sự đảng, Bộ trưởng Bộ GTVT có các chỉ đạo để kịp thời chấn chỉnh, có biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý các các tồn tại, sai sót, vi phạm (nếu có) trong quá trình thực hiện của các chủ thể liên quan.

Trong quá trình kiểm tra, nếu cần thiết Đoàn kiểm tra có thể kiến nghị Bộ trưởng Bộ GTVT thành lập Đoàn thanh tra để làm rõ các nội dung sai phạm, vi phạm pháp luật.

Theo Quyết định số 512, Đoàn Kiểm tra sẽ tập trung đánh giá việc tuân thủ nội dung hợp đồng ký kết với chủ đầu tư; quy trình, quy phạm, tiêu chuẩn kỹ thuật dự án; hồ sơ thiết kế, biện pháp thi công đã được duyệt trong thực hiện dự án và các quy định khác của pháp luật; điều kiện khởi công công trình; công tác huy động nhân sự, thiết bị, máy móc, tổ chức công trường theo hồ sơ dự thầu và điều khoản hợp đồng; công tác huy động các nhà thầu phụ tham gia hoạt động xây dựng do nhà thầu chính hoặc tổng thầu xây dựng đề xuất theo quy định của hợp đồng xây dựng.

Đặc biệt, Đoàn Kiểm tra sẽ tập trung kiểm tra vật liệu sử dụng cho Dự án, bao gồm nguồn gốc, xuất xứ, chứng chỉ chất lượng, kết quả các thí nghiệm của các phòng thí nghiệm và khối lượng…; sự chấp thuận của chủ đầu tư, tư vấn giám sát các loại vật liệu trước khi đưa vào sử dụng tại Dự án.

Dự án cao tốc Mai Sơn - Quốc lộ 45 dài 63,37km đi qua địa phận 2 tỉnh Ninh Bình, Thanh Hóa. Trong giai đoạn 1, đoạn Mai Sơn - Quốc lộ 45 được xây dựng 4 làn xe hạn chế, bề rộng nền đường 17m, vận tốc 80km/h, tổng mức đầu tư 12.111 tỉ đồng từ vốn đầu tư công, trong đó chi phí xây dựng và thiết bị 7.684 tỉ đồng; giai đoạn hoàn chỉnh sẽ mở rộng nền đường lên 32,25m với 6 làn xe. Dự án do Ban quản lý dự án Thăng Long làm đại diện chủ đầu tư này đã khởi công gói thầu xây lắp đầu tiên vào tháng 9/2020, dự kiến sẽ thông xe, đưa vào khai thác vào cuối năm 2022.

Việt Nam đón gần 21,3 tỷ USD vốn FDI từ khối CPTPP

Báo cáo 2 năm thực thi Hiệp định Đối tác Toàn diện tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), đánh giá từ góc nhìn doanh nghiệp do VCCI thực hiện đã cho thấy bức tranh cụ thể về thu hút FDI từ các quốc gia thành viên CPTPP.

Thu hút vốn FDI từ các quốc gia thành viên CPTPP vào Việt Nam 2 năm 2019-2020 đạt gần 21,3 tỷ USD.
Thu hút vốn FDI từ các quốc gia thành viên CPTPP vào Việt Nam 2 năm 2019-2020 đạt gần 21,3 tỷ USD.

CPTPP có hiệu lực từ tháng 1/2019, được dự báo sẽ giúp tăng thu hút FDI vào Việt Nam nhờ các yếu tố: Cam kết mở cửa đầu tư về dịch vụ, sản xuất cao hơn WTO; các cam kết về thể chế, quy tắc tiêu chuẩn cao, tăng mức độ bảo hội cho nhà đầu tư nước ngoài nói chung và CPTPP nói riêng, đặc biệt là cơ chế giải quyết tranh chấp giữa Nhà nước và hà đầu tư nước noài (ISDS) và động lực từ cơ hội xuất nhập khẩu, sản xuất kinh doanh, kết nối thương mại.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong năm 2019, năm đầu tiên thực thi CPTPP, Việt Nam thu hút gần 9,5 tỷ USD vốn FDI từ các nước CPTPP, giảm gần 36% so với 2018, trong đó vốn đăng ký cấp mới 4,05 tỷ USD, giảm 51,3%, vốn đăng ký tăng thêm 1,6 tỷ USD, giảm 50,6%, giá trị góp vốn mua cổ phần 4,4 tỷ USD, tăng 36,5%.

Đáng chú ý là trong khi tổng vốn đăng ký giảm thì số Dự án cấp mới lại tăng hơn 13% so với 2018. Quy mô trung bình các dự án FDI mới từ khối CPTPP giảm mạnh so với trước đó, từ gần 11 triệu USD/dự án 2018 giảm xuống còn 4,7 triệu USD/dự án năm 2019.

Xét theo từng đối tác, FDI từ Nhật Bản vào Việt Nam có mức giảm sâu nhất về giá trị, từ gần 9 tỷ USD năm 2018 giảm còn hơn 4 tỷ USD (giảm 52%), tốc độ vốn FDI cũng giảm mạnh từ các nguồn truyền thống như Australia giảm gần 63%, Malaysia giảm 50%...

Mặc dù vốn đầu tư từ các nguồn truyền thống như Nhật Bản, Australia, Malaysia, Singapore) đều giảm mạnh trong năm 2019, nhưng  vốn từ các đối tác mới trong khối này vào Việt Nam gồm: Canada, Mexico hoặc các đối tác truyền thống nhỏ (Brunei, New Zealand) lại được cải thiện tích cực, điều này cho thấy CPTPP đang tạo ra những tác động tích cực đối với các đối tác mới.

Lý giải nguyên nhân kết quả thu hút FDI từ hiệu ứng CPTPP không mấy khả quan của năm 2019, Báo cáo phân tích: Năm 2018, vốn FDI từ Nhật Bản vào Việt Nam đã tăng đột biến nhờ một dự án lớn từ đối tác này (Dự án thành phố thông minh tại Đông Anh, Hà Nội của Sumitomo Coporation với tổng vốn 4,136 tỷ USD). Chỉ một dự án này đã chiếm gần 30% tổng vốn đầu tư từ các nước đối tác CPTPP. Trong khi 2019 không có dự án nào lớn như vậy, sự sụt giảm ở mức 35,9% trong bối cảnh sụt giảm chung trong thu hút FDI của Việt Nam cũng là điều có thể dự đoán trước.

"So với bức tranh ảm đạm của 2019, kết quả thu hút FDI từ khối CPTPP trong năm 2020 đã khả quan hơn, đạt 11,8 tỷ USD, tăng 24,4%. CPTPP và các FTA đang tạo ra sức hấp dẫn riêng của Việt Nam trong thu hút nguồn vốn FDI chuyển dịch từ Trung Quốc dưới ảnh hưởng của dịch Covid-19", Báo cáo nhận định.

Như vậy, sau 2 năm thực thi FTA thế hệ mới, tiêu chuẩn cao, lượng vốn FDI từ khối này vào Việt Nam đạt gần 21,3 tỷ USD. Trong đó, vốn từ Singapore đạt gần 13,5 tỷ USD, tiếp đến Nhật Bản 6,5 tỷ USD

Đà Nẵng cấp mới 9 dự án FDI trong quý I/2021

UBND TP. Đà Nẵng cho biết, tình hình sản xuất kinh doanh trên địa bàn dần được phục hồi trong quý I/2021. Theo đó, trong 3 tháng đầu năm, Đà Nẵng đã cấp Quyết định chủ trương đầu tư cho 2 Dự án đầu tư trong nước ngoài Khu công nghiệp với tổng vốn 320,422 tỷ đồng; 3 dự án đầu tư trong nước trong các KCN, khu CNC với tổng vốn 73,4 tỷ đồng. Lũy đến đến nay, Đà Nẵng có 343 dự án đầu tư trong nước ngoài KCN với tổng vốn đầu tư 121.509 tỷ đồng và 364 dự án đầu tư trong nước trong các KCN, khu CNC với tổng vốn đầu tư 26.547,8 tỷ đồng.

kinh tế Đà Nẵng đang dân hồi phục.
Kinh tế Đà Nẵng đang dân hồi phục.

Về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), Đà Nẵng đã cấp mới 9 dự án với tổng vốn đăng ký 146,410 triệu USD, có 5 lượt dự án tăng vốn với tổng vốn tăng thêm 9,372 triệu USD. Lũy kế đến ngày 15/3/2021, thành phố Đà Nẵng có 895 dự án FDI với tổng vốn đầu tư trên 3,862 tỷ USD. Trong 3 tháng đầu năm, Đà Nẵng đã cấp mới giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho 776 doanh nghiệp, chi nhánh và văn phòng đại diện, tổng vốn điều lệ đăng ký đạt 6.017 tỷ đồng.

Tổng thu ngân sách nhà nước trong quý I/2021 của Đà Nẵng ước đạt 5.879 tỷ đồng, trong đó: thu nội địa ước đạt 4.763 tỷ đồng; thu thuế xuất nhập khẩu ước đạt 1.115 tỷ đồng, bằng 31,42% dự toán.

Xuất nhập khẩu quý I/2021 trêm địa bàn Đà Nẵng cũng đạt kết quả khả quan nhờ công tác phòng chống dịch trong nước thực hiện tốt, sự nỗ lực của các doanh nghiệp trong việc đẩy mạnh xuất khẩu đơn hàng khi ngạch xuất khẩu hàng hóa quý I/2021 ước đạt 357 triệu USD, tăng 1,7%. Kim ngạch nhập khẩu quý I/2021  ước đạt 309,5 triệu USD, tăng 9,3%. Đáng chú ý, kim ngạch xuất khẩu phần mềm quý I/2021 tại Đà Nẵng  ước đạt 23,8 triệu USD, tăng 16,8% so với cùng kỳ 2020 ...

Theo UBND TP. Đà Nẵng, tình hình sản xuất kinh doanh từng bước dần được phục hồi; tuy nhiên sự phục hồi kinh tế thành phố còn chậm và chưa đồng đều, một số lĩnh vực ngành nghề tiếp tục bị tác động do dịch bệnh Covid-19.

Đặc biệt ngành dịch vụ du lịch bị ảnh hưởng trực tiếp, chưa có đà tăng trưởng, số lượt khách cơ sở lưu trú phục vụ quý I/2021 ước đạt 610,6 nghìn lượt, giảm 52,5% so với cùng kỳ năm 2020; doanh thu du lịch lữ hành ước đạt 170,3 tỷ đồng, giảm 61,3%.

Để phục hồi du lịch, thành phố Đà Nẵng sẽ tổ chức thí điểm chương trình “Đà Nẵng về đêm - Danang By Night”; tổ chức thí điểm các hoạt động vui chơi giải trí đêm tại bãi biển Mỹ An; triển khai Đề án Cơ cấu lại ngành du lịch thành phố Đà Nẵng. Tổ chức chương trình kích cầu du lịch Đà Nẵng năm 2021, Khai trương mùa du lịch biển 2021, Lễ hội “Tuyệt vời Đà Nẵng 2021…

Thủ tướng đồng ý chấm dứt đầu tư dự án cầu Châu Đốc theo hình thức hợp đồng BOT

Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản số 2440/VPCP-CN ngày 7/4/2021 về việc triển khai Dự án đầu tư xây dựng cầu Châu Đốc, tỉnh An Giang.

Theo đó, về đề nghị của UBND tỉnh An Giang (Văn bản số 44/UBND-KTN ngày 20/1/2021) và ý kiến của các Bộ: Giao thông vận tải, Tư pháp, Kế hoạch và Đầu tư, tài chính về việc chuyển đổi đầu tư Dự án cầu Châu Đốc, tỉnh An Giang từ hình thức hợp đồng BOT sang đầu tư công, Phó Thủ tướng Trịnh Định Dũng có ý kiến: UBND tỉnh An Giang nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các Bộ nêu trên, thực hiện thủ tục chấm dứt đầu tư dự án cầu Châu Đốc theo hình thức hợp đồng BOT theo đúng quy định của pháp luật; đồng thời thống nhất với Bộ Giao thông vận tải về cơ quan có trách nhiệm tiếp tục quản lý đầu tư dự án, làm cơ sở để triển khai dự án theo đúng trình tự, thủ tục của pháp luật về đầu tư công.

Tại Tờ trình số 44/TTr-UBND, ngày 20/1/2021 của UBND tỉnh An Giang về việc chuyển đổi đầu tư dự án cầu Châu Đốc từ hình thức hợp đồng BOT thành hình thức đầu tư công, UBND tỉnh An Giang cho rằng, quá trình tiếp nhận hồ sơ và hoàn chỉnh các thủ tục để thực hiện dự án cầu Châu Đốc theo hình thức theo hình thức hợp đồng BOT, đã gặp một số khó khăn, như sau:

Ngày 08/10/2020, UBND tỉnh An Giang đã có Văn bản số 1056/UBND-KTN trình Bộ Kế hoạch và Đầu tư và báo cáo các Bộ, ngành việc đề xuất hỗ trợ thực hiện dự án Tuyến đường liên kết vùng, đoạn từ thị xã Tân Châu đến TP. Châu Đốc, kết nối với tỉnh Kiên Giang và Đồng Tháp và những khó khăn trong việc đầu tư cầu Châu Đốc bằng hình thức hợp đồng BOT.

Hiện nay, UBND tỉnh An Giang đang hoàn chỉnh thủ tục theo quy định để thực hiện dự án Tuyến đường liên kết vùng, đoạn từ thị xã Tân Châu đến TP. Châu Đốc, kết nối với tỉnh Kiên Giang và Đồng Tháp. Dự án kết nối với tỉnh Kiên Giang và Đồng Tháp (thuộc tuyến đường Quốc lộ N1) nằm trong Quy hoạch định hướng phát triển hệ thống giao thông vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 68/QĐ-TTg ngày 15/01/2018, dự án này hoàn thành sẽ là trục đấu nối quan trọng góp phần hoàn chỉnh hệ thống giao thông vùng (vùng kinh tế trọng điểm vùng ĐBSCL, bao gồm: An Giang, Kiên Giang, Cà Mau và Cần Thơ), đối với đoạn qua địa bàn tỉnh An Giang sẽ kết nối với các tuyến hiện có để đi đến các cửa khẩu với Campuchia, như: Kết nối với tuyến đường tỉnh 952 để đến cửa khẩu Quốc tế Vĩnh Xương, kết nối với tuyến 2 Quốc lộ 91C để đến cửa khẩu Long Bình, kết nối với Quốc lộ 91 để đến cửa khẩu quốc tế Tịnh Biên và quan trọng hơn là phục vụ quốc phòng an ninh (với chiều dài gần 290 km đường biên giới của vùng với Campuchia, việc hoàn thành dự án tạo thành tuyến kết nối các đồn biên phòng trải dài theo 4 tỉnh của ĐBSCL, thuận lợi cho công tác tuần tra biên giới, bảo vệ an ninh xã hội, quốc phòng).

Vị trí thực hiện dự án cầu Châu Đốc phía bờ thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang là nơi sinh sống tập trung của đồng bào dân tộc Chăm, đời sống của nhân dân trong khu vực còn nhiều khó khăn, ngoài ra khi cầu Châu Đốc hoàn thành sẽ được kết nối vào dự án Tuyến đường liên kết vùng, đoạn từ thị xã Tân Châu đến TP. Châu Đốc, kết nối với tỉnh Kiên Giang và Đồng Tháp (như đã nêu trên, được thực hiện bằng nguồn vốn hỗ trợ từ Trung ương và ngân sách địa phương). Do vậy việc đầu tư cầu Châu Đốc bằng hình thức hợp đồng BOT là rất khó để thực hiện.

 Với những khó khăn nêu trên, để Tuyến đường liên kết vùng, đoạn từ thị xã Tân Châu đến TP. Châu Đốc, kết nối với tỉnh Kiên Giang và Đồng Tháp (trong đó có cầu Châu Đốc) được đầu tư đồng bộ, khi hoàn thành mang lại hiệu quả cao trong việc liên kết vùng, phát triển kinh tế - xã hội và phục vụ an ninh quốc phòng theo mục tiêu đầu tư đề ra, UBND tỉnh An Giang trình Thủ tướng Chính phủ xem xét chuyển đổi đầu tư dự án cầu Châu Đốc từ hình thức hợp đồng BOT thành hình thức đầu tư công, sử dụng nguồn vốn hỗ trợ từ Trung ương và ngân sách địa phương để thực hiện đầu tư chung với dự án Tuyến đường liên kết vùng, đoạn từ thị xã Tân Châu đến TP. Châu Đốc, kết nối với tỉnh Kiên Giang và Đồng Tháp.

Trước đó, vào ngày 19/5/2020, Thủ tướng Chính phủ có Văn bản số 571/TTg-CN đồng ý giao cho UBND tỉnh An Giang là cơ quan nhà nước có thẩm quyền, ký kết và thực hiện hợp đồng dự án đầu tư xây dựng cầu Châu Đốc, tỉnh An Giang theo hình thức hợp đồng BOT.

Long An: Đầu tư 1.355 tỷ đồng xây dựng khu công nghiệp Thế Kỷ

Thủ tướng Chính phủ vừa có Quyết định số 548/QĐ-TTg chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng, kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp (KCN) Thế Kỷ.

Dự án đầu tư xây dựng, kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN Thế Kỷ do Công ty TNHH Hải Sơn làm chủ đầu tư, thực hiện tại xã Hựu Thạnh, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An.

Thành phố Tân An, tỉnh Long An. Ảnh: Báo Long An Online
Thành phố Tân An, tỉnh Long An. Ảnh: Báo Long An Online

Dự án có quy mô sử dụng đất trên 119 ha, với tổng vốn đầu tư là 1.355 tỷ đồng, trong đó vốn góp của nhà đầu tư là 400 tỷ đồng. Tiến độ thực hiện dự án không quá 36 tháng kể từ ngày được nhà nước bàn giao đất. Thời gian hoạt động của dự án là 50 năm kể từ ngày được cấp Quyết định chủ trương đầu tư.

Tại Quyết định này, Thủ tướng Chính phủ giao UBND tỉnh Long An chỉ đạo Ban Quản lý khu kinh tế Long An hướng dẫn nhà đầu tư cụ thể tiến độ thực hiện dự án đầu tư theo quy định tại điểm d khoản 8 Điều 33 Luật Đầu tư năm 2014, trong đó lưu ý tiến độ góp vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư để thực hiện dự án phải đảm bảo tuân thủ quy định của pháp luật về đất đai.

Đồng thời, UBND tỉnh Long An đảm bảo tính chính xác của thông tin, số liệu báo cáo, các nội dung tiếp thu, giải trình và thẩm định theo quy định của pháp luật; triển khai thực hiện dự án phù hợp với các quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Chịu trách nhiệm về việc đề xuất lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đáp ứng điều kiện theo quy định của pháp luật về đầu tư, đấu thầu, đất đai, kinh doanh bất động sản và pháp luật khác có liên quan.

Tổ chức thực hiện thu hồi đất, đền bù, giải phóng mặt bằng, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án phù hợp với các văn bản đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt về quy mô, địa điểm và tiến độ sử dụng đất thực hiện dự án.

Đảm bảo không có tranh chấp, khiếu kiện về quyền sử dụng địa điểm thực hiện dự án. Nhà đầu tư đáp ứng điều kiện được nhà nước cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất theo quy định của pháp luật.

Có kế hoạch bổ sung diện tích đất hoặc tăng hiệu quả đất trồng lúa khác để bù lại phần đất trồng lúa bị chuyển đổi theo quy định tại Điều 134 Luật Đất đai năm 2013. Chỉ đạo nhà đầu tư khi được thuê đất thực hiện dự án phải nộp một khoản tiền để bảo vệ, phát triển đất trồng lúa theo quy định của pháp luật…

Quản lý, không để lấn chiếm đất trong phạm vi dự án đường ven biển Quảng Bình

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình vừa có chỉ đạo liên quan đến việc triển khai Dự án thành phần 1 - Đường ven biển thuộc Dự án: Đường ven biển và cầu Nhật Lệ 3.

UBND tỉnh Quảng Bình yêu cầu tạm dừng các hoạt động mua bán, chuyển nhượng, chuyển mục đích sử dụng đất, cấp phép xây dựng công trình trong phạm vi đất được xác định dành cho Dự án đường ven biển.
UBND tỉnh Quảng Bình yêu cầu tạm dừng các hoạt động mua bán, chuyển nhượng, chuyển mục đích sử dụng đất, cấp phép xây dựng công trình trong phạm vi đất được xác định dành cho dự án đường ven biển.

Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình giao Sở Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương liên quan khẩn trương đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị Dự án, nghiên cứu kỹ phương án triển khai nhằm tiết kiệm kinh phí nhưng vẫn đảm bảo chất lượng công trình, đánh giá kỹ yếu tố tác động của biến đổi khí hậu đối với công trình sau khi được triển khai thi công và hoàn thành đưa vào sử dụng.

Sớm hoàn thiện hồ sơ Dự án để khởi công xây dựng công trình; trên cơ sở hướng tuyến Dự án được phê duyệt, khẩn trương triển khai cắm mốc giải phóng mặt bằng trong phạm vi đất của đường bộ để tiến hành công tác trích đo địa chính và thu hồi đất; cắm mốc giới hạn đất hành lang an toàn đường bộ, mốc chỉ giới đường đỏ theo quy hoạch nhằm bàn giao cho địa phương quản lý theo quy định.

Cùng với đó, để tránh việc lợi dụng thông tin có Dự án đầu tư nhằm lấn chiếm đất đai, trục lợi, hưởng lợi trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, gây khó khăn cho công tác giải phóng mặt bằng cũng như làm tăng chi phí đầu tư dự án, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình yêu cầu lãnh đạo các địa phương nơi có Dự án đi qua chỉ đạo các xã, phường, thị trấn, cơ quan, đơn vị liên quan tích cực phối hợp với Sở Giao thông vận tải để xác định các mốc giải phóng mặt bằng, mốc giới hạn hành lang an toàn đường bộ và mốc chỉ giới đường đỏ theo quy hoạch.

Có biện pháp bảo vệ, giữ nguyên hiện trạng, quản lý chặt chẽ không để xảy ra tình trạng lấn chiếm, cơi nới, xây dựng, trồng cây, tạm dừng các hoạt động mua bán, chuyển nhượng, chuyển mục đích sử dụng đất, cấp phép xây dựng công trình trong phạm vi đất dành cho đường bộ đã được xác định. Trường hợp để xảy ra tình trạng vi phạm, lãnh đạo các địa phương phải chịu trách nhiệm trực tiếp trước Chủ tịch UBND tỉnh.

Bên cạnh đó, UBND tỉnh Quảng Bình cũng yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố nơi có Dự án đi qua chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan phối hợp với Sở Giao thông vận tải tổ chức rà soát, thống kê kiểm đếm hiện trạng tài sản bị ảnh hưởng, lập phương án và tổ chức giải phóng mặt bằng, tái định cư, phương án di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật đảm bảo thực hiện công khai, minh bạch.

Giao các Sở, ngành liên quan phối hợp, hướng dẫn, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát các địa phương trong việc tổ chức quản lý quy hoạch xây dựng, quy hoạch sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng rừng, rà soát các dự án đầu tư dọc hai bên tuyến, xây dựng đơn giá bồi thường; xử lý vướng mắc trong quá trình thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, hỗ trợ, tái định cư, các thủ tục thu hồi đất, giao đất để thực hiện Dự án.

UBND các huyện, thị xã, thành phố cần phối hợp với Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức nghiên cứu lập quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch chi tiết xây dựng, quy hoạch các phân khu chức năng dọc hai bên tuyến đường bộ ven biển phù hợp với tiềm năng, lợi thế của từng địa phương và quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh để tạo sự đột phá; có định hướng quản lý quy hoạch đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững, lâu dài.

Dự án thành phần 1 - Đường ven biển thuộc Dự án Đường ven biển và cầu Nhật Lệ 3 có tổng mức đầu tư 2.200 tỷ đồng, sẽ được triển khai từ năm 2021 - 2026 tại các huyện Quảng Trạch, Bố Trạch, Quảng Ninh, Lệ Thủy, thị xã Ba Đồn và thành phố Đồng Hới.

Dự án nhằm xây dựng hệ thống giao thông ven biển để tạo sự liên kết thông suốt của các vùng trong tỉnh và liên kết giữa các tỉnh Bắc Trung Bộ; khai thác sử dụng có hiệu quả tài nguyên biển và vùng ven biển, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; thu hút đầu tư; tăng cường củng cố quốc phòng - an ninh, bảo vệ vững chắc chủ quyền của đất nước; phòng, chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn; đồng thời góp phần giải quyết ách tắc giao thông.

Vĩnh Long: Cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho dự án khu công nghiệp Đông Bình

Mục tiêu của dự án là xây dựng và kinh doanh hạ tầng kỹ thuật khu công nghiệp (KCN) Đông Bình, với quy mô sử dụng đất là 350 ha, tổng vốn đầu tư 3.026,719 tỷ đồng.

Ban Quản lý các khu công nghiệp Vĩnh Long vừa cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư Dự án phát triển kết cấu hạ tầng KCN Đông Bình do Công ty CP Đầu tư TNI Vĩnh Long (địa chỉ trụ sở chính tại phường 8, TP. Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long) làm chủ đầu tư.

Bản đồ quy hoạch sử dụng đất khu công nghiệp Đông Bình, thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long
Bản đồ quy hoạch sử dụng đất khu công nghiệp Đông Bình, thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long

Dự án có quy mô sử dụng đất là 350 ha, được thực hiện tại xã Đông Bình và xã Đông Thành, thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long, với tổng vốn đầu tư là 3.026,719 tỷ đồng. Trong đó, vốn góp của nhà đầu tư là 454,008 tỷ đồng do Công ty CP Đầu tư TNI Vĩnh Long góp bằng tiền mặt, chiếm tỷ lệ 15% tổng vốn đầu tư; vốn vay là 2.572,711 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 85% tổng vốn đầu tư.

Thời hạn hoạt động của dự án là 50 năm, kể từ ngày được quyết định chủ trương đầu tư.

Tiến độ thực hiện dự án đầu tư không quá 36 tháng kể từ ngày được nhà nước giao đất, trong đó: tiến độ góp vốn và huy động các nguồn vốn từ quý II/2021 đến quý IV/2023, thời gian bắt đầu cho thuê lại đất công nghiệp từ quý IV/2021.

Khánh thành nhà máy năng lượng sạch vốn đầu tư 6.200 tỷ đồng tại Bình Định

Ngày 9/4, Công ty Cổ phần Tầm Nhìn Năng Lượng Sạch – Công ty thành viên của BCG Energy trực thuộc Tập đoàn Bamboo Capital đã tổ chức Lễ khánh thành Nhà máy năng lượng mặt trời Phù Mỹ.

Nhà máy năng lượng mặt trời Phù Mỹ được xây dựng trên quy mô 325 ha. Đây là nhà máy điện mặt trời lớn nhất Bình Định với tổng công suất thiết kế 330 MW và có tổng vốn đầu tư hơn 6.200 tỷ đồng.

Trước đó, nhà máy đã hoàn thành giai đoạn 1 và được công nhận ngày vận hành thương mại (COD) vào 31/12/2020. Khi Nhà máy điện mặt trời Phù Mỹ đi vào hoạt động toàn bộ, ước tính đạt sản lượng điện khoảng 520 triệu kWh/năm, tương đương mức sử dụng của 200.000 hộ dân, đồng thời giúp giảm phát thải khoảng 146.000 tấn CO2 mỗi năm.

Sau khi đi vào khai thác, nhà máy năng lượng mặt trời Phù Mỹ sẽ bổ sung nguồn điện dồi dào vào hệ thống lưới điện quốc gia, góp phần giảm thiểu tình trạng khan hiếm năng lượng, giải quyết hàng trăm việc làm, tạo thu nhập ổn định cho người dân địa phương, góp phần thúc đẩy kinh tế huyện Phù Mỹ nói riêng và tỉnh Bình Định nói.

Đà Nẵng hướng tới phát triển tàu điện ngầm; Quảng Trị sắp có thêm khu công nghiệp 2.000 tỷ
Quảng Trị có thêm khu công nghiệp quy mô hơn 2.000 tỷ đồng; Đà Nẵng hướng tới phát triển tàu điện ngầm; Bộ Giao thông Vận tải ủng hộ đầu...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư