Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
“Lỏng tay” quản lý đăng kiểm phương tiện thủy nội địa
Bảo Như - 24/11/2023 08:17
 
Nhiều sai sót được cơ quan chức năng phát hiện khi thanh tra việc chấp hành các quy định trong hoạt động kiểm định an toàn kỹ thuật, bảo vệ môi trường đối với phương tiện thủy nội địa tại 7 tỉnh khu vực phía Bắc và Đông Nam Bộ.
Đăng kiểm phương tiện thủy tại Bà Rịa - Vũng Tàu.

Nhiều sạn

Sau hơn 1 tháng tiến hành thanh tra rốt ráo, Thanh tra Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) đã ban hành Kết luận thanh tra số 1302/KL - TTr về việc chấp hành các quy định của pháp luật chuyên ngành trong hoạt động kiểm định an toàn kỹ thuật, bảo vệ môi trường đối với phương tiện thủy nội địa tại các tỉnh: Lào Cai, Tuyên Quang, Lai Châu, Bắc Ninh, Hải Dương, Thanh Hóa, Bà Rịa - Vũng Tàu.

Mặc dù các địa phương nói trên chưa phải là địa bàn tập trung nhiều phương tiện thủy nội địa, nhưng đây vẫn là đợt thanh tra về đăng kiểm phương tiện thủy nội địa lớn và bài bản nhất từng được Bộ GTVT triển khai trong nhiều năm trở lại đây.

Thanh tra Bộ GTVT cho biết, trong số 7 đơn vị đăng kiểm nằm trong phạm vi thanh tra lần này, có 2 đơn vị đăng kiểm (Hải Dương từ ngày 27/3/2023 và Bà Rịa - Vũng Tàu từ ngày 1/4/2023) không thực hiện hoạt động đăng kiểm do không đủ đăng kiểm viên theo quy định.

Trong thời kỳ thanh tra, 7 đơn vị đăng kiểm đã thực hiện kiểm định 1 lượt phương tiện đóng mới, 5 lượt phương tiện hoán cải, 3 phương tiện sửa chữa phục hồi, 3 phương tiện đã đóng mà không có sự giám sát của đăng kiểm, 28 lượt phương tiện kiểm tra định kỳ, 818 lượt phương tiện kiểm tra hàng năm, 305 lượt phương tiện kiểm tra trên đà và 13 lượt phương tiện kiểm tra bất thường.

Trước đó, vào ngày 17/7/2023, Chánh thanh tra Bộ GTVT đã ký Quyết định số 17/QĐ - TTr về  thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật chuyên ngành trong hoạt động kiểm định an toàn kỹ thuật, bảo vệ môi trường đối với phương tiện thủy nội địa (đợt 1) tại đơn vị đăng kiểm trực thuộc Sở GTVT các tỉnh: Lào Cai, Tuyên Quang, Lai Châu, Bắc Ninh, Hải Dương, Thanh Hóa, Bà Rịa - Vũng Tàu. Thời kỳ thanh tra là từ ngày 1/1/2021 đến thời điểm thanh tra (25/7/2023) và các thời kỳ khác có liên quan.

Mặc dù diễn ra trong bối cảnh hàng loạt trung tâm đăng kiểm phương tiện cơ giới đường bộ, đăng kiểm phương tiện thủy đang rơi vào tầm ngắm của cơ quan công an, nhưng tại thời điểm triển khai Quyết định số 17, cả 7 đơn vị đăng kiểm đều không có lãnh đạo, đăng kiểm viên, nhân viên nghiệp vụ bị khởi tố, điều tra; các sở GTVT cũng chưa thực hiện thanh tra về công tác kiểm định phương tiện thủy trên địa bàn.

Một điều khá hy hữu là tại thời điểm thanh tra, có 5 đơn vị đăng kiểm (Lào Cai, Lai Châu, Bắc Ninh, Thanh Hóa, Bà Rịa - Vũng Tàu) đề xuất chuyển nhiệm vụ đăng kiểm cho các chi cục thuộc Cục Đăng kiểm Việt Nam trên địa bàn. Trước đó, 2 đơn vị đăng kiểm khác tại Hải Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu cũng gửi văn bản đề nghị nội dung này đến Cục Đăng kiểm Việt Nam do không đủ điều kiện về nhân lực.

Tại bản kết luận thanh tra dài tới 34 trang A4, Thanh tra Bộ GTVT đã chỉ ra một loạt tồn tại, hạn chế trong hoạt động kiểm định an toàn kỹ thuật, bảo vệ môi trường đối với phương tiện thủy nội địa tại các đơn vị đăng kiểm trực thuộc các Sở GTVT của 7 tỉnh, trong đó có điều kiện pháp lý để hoạt động.

Cụ thể, tại Kết luận số 1302, Thanh tra Bộ GTVT cho biết, có 2 đơn vị đăng kiểm (Hải Dương, Tuyên Quang) chưa được Cục Đăng kiểm Việt Nam xác nhận thông báo đủ năng lực theo quy định tại khoản 5, Điều 15; khoản 2, Điều 20, Thông tư số 48/2015/TT - BGTVT quy định về đăng kiểm phương tiện thủy nội địa.

Trong số 5 đơn vị đăng kiểm (Lào Cai, Bắc Ninh, Thanh Hóa, Bà Rịa - Vũng Tàu) đã được Cục Đăng kiểm Việt Nam xác nhận, thông báo đủ năng lực, thì 2 đơn vị có khoảng thời gian hoạt động khi chưa được xác nhận, thông báo đủ năng lực (Lào Cai trước ngày 9/5/2023, Lai Châu trước ngày 1/5/2022).

“Cục Đăng kiểm Việt Nam xác nhận, thông báo đủ năng lực cho 2 đơn vị đăng kiểm khi chưa đủ số lượng đăng kiểm viên; đưa ra một số hạn chế, giới hạn của đơn vị đăng kiểm trong xác nhận, thông báo năng lực là chưa đảm bảo đầy đủ cơ sở pháp lý theo quy định của phụ lục X, Thông tư số 48/2015/TT - BGTVT”, đại diện Thanh tra Bộ GTVT nêu rõ.

Thiếu chỉn chu

Một hạn chế nổi cộm khác trong công tác kiểm định phương tiện thủy nội địa của 7 địa phương được Thanh tra Bộ GTVT chỉ ra là việc thiếu hụt nhân lực phục vụ công tác đăng kiểm.

Theo Kết luận số 1302, có 3 đơn vị được xác nhận là thiếu 1 đăng kiểm viên (Lào Cai, Hải Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu); 5 đơn vị đăng kiểm (Hải Dương, Lào Cai, Lai Châu, Bắc Ninh, Thanh Hóa) sử dụng đăng kiểm viên của đơn vị khác để thực hiện kiểm định (sau khi được sự đồng ý bằng văn bản của Cục Đăng kiểm Việt Nam).

Hạn chế nổi cộm trong công tác kiểm định phương tiện thủy nội địa của 7 địa phương được Thanh tra Bộ GTVT chỉ ra là việc thiếu hụt nhân lực phục vụ công tác đăng kiểm.

Thanh tra Bộ GTVT cho rằng, việc Cục Đăng kiểm Việt Nam hướng dẫn, cho phép đơn vị đăng kiểm được sử dụng đăng kiểm viên của đơn vị đăng kiểm khác để thực hiện công tác kiểm định phương tiện thủy nội địa là không đảm bảo cơ sở pháp lý theo quy định tại Thông tư số 48/2015/TT - BGTVT.

Liên quan đến việc thực hiện các nội dung kiểm định phương tiện, Thanh tra Bộ GTVT phát hiện tại 6 đơn vị đăng kiểm (Hải Dương, Tuyên Quang, Lào Cai, Bắc Ninh, Thanh Hóa, Bà Rịa - Vũng Tàu) có tồn tại, hạn chế, vi phạm về danh mục kiểm tra, biên bản kiểm tra thiếu chữ ký của đăng kiểm viên, chủ phương tiện, có nội dung không phù hợp với phương tiện.

Ví dụ rõ nhất là tại đơn vị đăng kiểm Hải Dương, Đoàn Thanh tra Bộ GTVT phát hiện báo cáo kiểm tra trên đà chưa ghi nhận thời điểm kiểm tra của 3 phương tiện; thiếu thông tin về thời gian của 2 phương tiện; thiếu thông tin liên quan đến kết quả kiểm tra của 3 phương tiện, nhưng đơn vị đăng kiểm này vẫn ban hành kết luận đánh giá là thỏa mãn.

Tại đơn vị đăng kiểm Lào Cai, Đoàn Thanh tra Bộ GTVT phát hiện có đăng kiểm viên Nguyễn Văn Ch. thực hiện hoàn tất 16 hồ sơ kiểm định không phù hợp về thời gian được phân công thực hiện các công việc khác trong ngày.

Sai sót này xuất phát từ việc đơn vị đăng kiểm Lào Cai sử dụng đăng kiểm viên của đơn vị đăng kiểm khác, dẫn đến đăng kiểm viên Nguyễn Văn Ch. phải thực hiện nhiệm vụ đăng định ngoài giờ hành chính, do đó thời gian ghi nhận tại biên bản kiểm tra không đúng với thực tế.

Đặc biệt là đơn vị đăng kiểm Bà Rịa - Vũng Tàu, đăng kiểm viên Nguyễn Văn X. thực hiện 3 hồ sơ kiểm định; đăng kiểm viên Nguyễn Văn X. và Hồ Quang H. thực hiện 1 hồ sơ kiểm định không phù hợp về thời gian được phân công trong ngày; có 6 lượt phương tiện không phù hợp về thời gian khi các phương tiện được kiểm tra ở 2 địa điểm cách xa nhau 20 km, nhưng thời điểm kết thúc kiểm tra chỉ cách nhau 10 phút.

Lý giải cho sai sót khá nhạy cảm nói trên, Thanh tra Bộ GTVT cho biết là các phương tiện đã được các đăng kiểm viên kiểm tra thực tế tại hiện trường, nhưng do sai sót của đăng kiểm viên khi lập biên bản kiểm tra, dẫn tới thời gian ghi nhận tại biên bản không đúng với thực tế.

Ngoài các nguyên nhân khách quan như số lượng phương tiện thủy nội địa phân bố không đồng đều theo địa giới hành chính, tại một số địa phương có số lượng phương tiện kiểm định ít, gây khó khăn cho các đơn vị đăng kiểm trong việc duy trì, bố trí đủ số lượng đăng kiểm viên; thời kỳ thanh tra được thanh tra diễn ra đúng vào cao điểm của đại dịch Covid-19… Thanh tra Bộ GTVT khẳng định, đã có lỗi buông lỏng quản lý của Cục Đăng kiểm Việt Nam và một sở GTVT; một số đơn vị đăng kiểm đã thiếu giám sát hoạt động của các đăng kiểm viên dưới quyền.

Được biết, Đoàn Thanh tra đã đề nghị các sở GTVT chỉ đạo Thanh tra Sở rà soát, xác minh đối với một số phương tiện thủy nội địa có thời hạn kiểm định không liên tục hoặc hết hạn kiểm định mà chưa có hồ sơ thể hiện việc đã kiểm định lại để xử phạt vi phạm hành chính theo thẩm quyền.

“Các đơn vị đăng kiểm được thanh tra, các sở GTVT, Cục Đăng kiểm Việt Nam tổ chức kiểm điểm, xử lý trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan đến các tồn tại, vi phạm đã nêu trong Kết luận số 1302”, Thanh tra Bộ GTVT chỉ đạo.

Nới trần giá để doanh nghiệp đăng kiểm không “túng làm liều”
Mức thu giá dịch vụ kiểm định đối với các loại xe cơ giới đang lưu hành được đề xuất tăng từ 26% đến 28% so với mức giá hiện hành, nhằm...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư