Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 28 tháng 04 năm 2024,
Nới trần giá để doanh nghiệp đăng kiểm không “túng làm liều”
Anh Minh - 03/07/2023 11:49
 
Mức thu giá dịch vụ kiểm định đối với các loại xe cơ giới đang lưu hành được đề xuất tăng từ 26% đến 28% so với mức giá hiện hành, nhằm đảm bảo cho các doanh nghiệp đăng kiểm không “túng làm liều”.

Nhà nước định giá tối đa

Đúng 10 ngày sau khi Quốc hội thông qua Luật Giá (sửa đổi), trong đó quy định hình thức định giá đối với dịch vụ đăng kiểm xe cơ giới là Nhà nước định giá tối đa. Vào cuối tuần trước, Cục Đăng kiểm Việt Nam đã có Tờ trình đề nghị Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) và Bộ Tài chính xem xét thông qua Dự thảo Thông tư quy định về mức giá tối đa dịch vụ kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe cơ giới, thiết bị và xe máy chuyên dùng đang lưu hành.

Theo ông Nguyễn Chiến Thắng, Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam, nếu được ban hành, thông tư này sẽ thay thế Thông tư số 238/2016/TT-BTC ngày 11/11/2016 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định về giá dịch vụ kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe cơ giới, thiết bị và xe máy chuyên dùng đang lưu hành và Thông tư số 55/2022/TT-BTC ngày 24/8/2022 của Bộ trưởng Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 238/2016/TT-BTC.

Cần phải nói thêm rằng, đối với 281 trung tâm đăng kiểm, trong đó có tới 192 trung tâm thuộc khối tư nhân, hoạt động theo mô hình doanh nghiệp, giá dịch vụ kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe cơ giới là nguồn thu chính yếu, nếu không muốn nói là nguồn thu duy nhất.

Vì vậy, thông tư này sẽ có tác động rất lớn đến hoạt động của các đơn vị, doanh nghiệp đăng kiểm xe cơ giới, cũng như hàng triệu chủ xe cơ giới đang lưu hành trong phạm vi toàn quốc, trong đó có cả các doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường bộ.

Nếu tính đúng, tính đủ thì biểu giá dịch vụ kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe cơ giới, thiết bị và xe máy chuyên dùng đang lưu hành phải tăng tối thiểu 40% thì các doanh nghiệp mới hòa vốn.

Điểm nhấn quan trọng đầu tiên nêu trong Dự thảo Thông tư là việc Cục Đăng kiểm Việt Nam kiến nghị Bộ GTVT xem xét, thống nhất với Bộ Tài chính, báo cáo Chính phủ chấp thuận áp dụng hình thức Nhà nước định giá tối đa đối với dịch vụ kiểm định xe cơ giới.

Lãnh đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết, theo quy định của pháp luật về giá hiện hành, giá dịch vụ kiểm định xe cơ giới đang lưu hành thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá theo hình thức giá cụ thể, trong đó cơ quan có thẩm quyền định giá dịch vụ kiểm định xe cơ giới đang lưu hành là Bộ GTVT.

Tuy nhiên, dịch vụ kiểm định xe cơ giới không thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ thiết yếu được quy định tại Quyết định số 1639/QĐ-TTg ngày 28/12/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành danh mục dịch vụ sự nghiệp công cơ bản, thiết yếu ngành GTVT và cũng không phải hàng hóa, dịch vụ thuộc lĩnh vực độc quyền nhà nước sản xuất, kinh doanh.

Hiện nay, thị trường cung cấp dịch vụ đăng kiểm xe cơ giới đang có một số lượng lớn các đơn vị được cấp phép. Đồng thời, sau khi Nghị định số 30/2023/NĐ-CP ngày 8/6/2023 của Chính phủ được ban hành và có hiệu lực, số lượng doanh nghiệp tham gia cung cấp dịch vụ kiểm định xe cơ giới có thể tăng lên đáng kể do có sự tham gia của các trung tâm 3S/4S của các hãng xe và các cơ sở sửa chữa, bảo dưỡng ô tô.

Lãnh đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam khẳng định, hoạt động cung cấp dịch vụ kiểm định xe cơ giới sẽ tiếp tục có sự cạnh tranh rộng hơn về cung cấp dịch vụ, giá cả theo cơ chế thị trường. Đối với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ kiểm định xe cơ giới thì theo từng khu vực, vùng miền, sẽ có chi phí cấu thành giá dịch vụ khác nhau (thuê đất, chi phí nhân công, khấu hao thiết bị, chi phí quản lý…).

Về nguyên tắc kinh tế thị trường, Nhà nước không nên cố định một mức giá dịch vụ kiểm định xe cơ giới cho nhiều loại hình đơn vị cung cấp dịch vụ kiểm định xe cơ giới trên toàn quốc, nhất là trong bối cảnh lĩnh vực đăng kiểm xe cơ giới, thiết bị và xe máy chuyên dùng có tính xã hội hóa và cạnh tranh rất cao.

“Việc áp dụng hình thức Nhà nước định giá tối đa đối với dịch vụ kiểm định xe cơ giới không chỉ phù hợp với Luật Giá (sửa đổi) có hiệu lực từ ngày 1/7/2024, mà còn giúp tăng cường tính tự chủ của các doanh nghiệp trong hoạt động cung cấp dịch vụ đăng kiểm xe cơ giới, tăng tính cạnh tranh của thị trường”, lãnh đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam phân tích.

Đề xuất biểu giá mới

Điểm nhấn quan trọng thứ hai trong Dự thảo Thông tư là việc Cục Đăng kiểm Việt Nam đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành biểu giá mới về dịch vụ kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe cơ giới, thiết bị và xe máy chuyên dùng đang lưu hành; đánh giá, hiệu chuẩn thiết bị kiểm tra xe cơ giới.

Theo phương án được lựa chọn, căn cứ vào cơ cấu chi phí trong giá thành dịch vụ của mức phí (giá) được ban hành vào năm 2013 để đề xuất điều chỉnh những yếu tố chi phí có biến động ảnh hưởng đến mức giá, Cục Đăng kiểm Việt Nam đề nghị điều chỉnh thu giá dịch vụ kiểm định đối với các loại xe cơ giới đang lưu hành, được đề xuất tăng từ 26% đến 28% so với mức giá hiện hành.

Đại diện Cục Đăng kiểm Việt Nam phân tích, hầu hết các yếu tố chi phí cấu thành lên giá thành dịch vụ của mức giá từ năm 2013 đến nay đã có nhiều biến động, ảnh hưởng đến mức giá dịch vụ kiểm định xe cơ giới.

Theo Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng, một trong những nguyên nhân dẫn tới tiêu cực trong đăng kiểm vừa qua là do doanh thu các trung tâm đăng kiểm thấp, từ đó dẫn tới thu nhập của đăng kiểm viên thấp. Đi làm mà không nuôi nổi bản thân và vợ con sẽ sinh tiêu cực khi có cơ hội, hoặc “ăn cắp” thời gian để làm việc khác nhằm bù đắp thu nhập, lo cho cuộc sống.

Cụ thể, mức phí (sau đó điều chỉnh thành giá dịch vụ) được Bộ Tài chính ban hành năm 2013 được dựa trên mức lương cơ sở áp dụng từ tháng 6/2012, đến nay mức lương cơ sở đã có 6 lần tăng. So sánh giữa mức lương cơ sở áp dụng từ 1/7/2023 (1,8 triệu đồng) với mức lương cơ sở áp dụng từ tháng 6/2012 (1,05 triệu đồng) đã tăng 71,43%.

Tuy nhiên, Cục Đăng kiểm Việt Nam chỉ đề xuất điều chỉnh 2 yếu tố chi phí cơ bản. Theo đó, chi phí lương và các khoản có tính chất lương, đề nghị điều chỉnh tăng 70% căn cứ theo mức tăng tiền lương cơ sở từ năm 2013 đến nay (thực tế tăng 71,43%); chi phí dịch vụ mua ngoài, đề nghị điều chỉnh tăng 20% do yếu tố tăng chỉ số giá tiêu dùng từ năm 2013 đến nay (thực tế Chỉ số giá tiêu dùng - CPI tăng 26,05%).

Theo đại diện các trung tâm đăng kiểm Hải Phòng, việc tăng lương cơ sở và tăng lương tối thiểu vùng làm cho chi phí tiền lương chi trả cho cán bộ, nhân viên các trung tâm đăng kiểm xe cơ giới tăng lên rất nhiều. Trong khi tiền lương chi trả cho người lao động là một trong các chi phí lớn nhất của các trung tâm đăng kiểm (chiếm khoảng 50% tổng chi).

“Nếu tính đúng, tính đủ thì biểu giá dịch vụ kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe cơ giới, thiết bị và xe máy chuyên dùng đang lưu hành phải tăng tối thiểu 40% thì các doanh nghiệp mới đạt điểm hòa vốn”, đại diện các trung tâm đăng kiểm Hải Phòng phát biểu.

Ông Đào Việt Long, Phó giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho rằng, Bộ GTVT cần khẩn trương xây dựng giá dịch vụ kiểm định xe cơ giới để sớm ban hành tháo gỡ khó khăn cho các trung tâm đăng kiểm.

“Sau 10 năm không được điều chỉnh biểu giá đã khiến các đơn vị đăng kiểm gặp khó khăn trong việc xoay xở kinh phí hoạt động. Bên cạnh đó, việc sụt giảm lượng phương tiện đến đăng kiểm thời gian vừa qua do thay đổi quy định về chu kỳ kiểm định, miễn đăng kiểm lần đầu xe cơ giới cũng khiến các trung tâm bị sụt giảm doanh thu, khó khăn trong duy trì hoạt động”, ông Long thông tin.

Bộ Giao thông Vận tải nêu nguyên nhân dẫn đến sai phạm tại các trung tâm đăng kiểm
Đã có một số cán bộ, đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý của Cục Đăng kiểm Việt Nam, đăng kiểm viên bị suy thoái về tư tưởng chính...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư