Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 12 tháng 01 năm 2025,
Lựa chọn cổ phiếu đầu tư trong thời kỳ lạm phát
Xuân Hạnh - 04/08/2022 07:42
 
Trong khoảng thời gian một năm tới, SSI Research cho rằng “cổ phiếu phòng thủ” là lựa chọn đầu tư hợp lý trong thời kỳ lạm phát cao và chính sách tiền tệ thắt chặt.

Áp lực lạm phát từ nửa cuối năm 2022 sẽ rõ ràng hơn

Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 6 tháng đầu năm 2022 tăng 2,44% so cùng kỳ, lạm phát cơ bản tăng 1,25%, thấp hơn so với mức mục tiêu ổn định 4% của Chính phủ. Cùng với tốc độ tăng trưởng kinh tế ấn tượng, Việt Nam hiện thuộc nhóm quốc gia có lạm phát thấp trên thế giới.

Tuy nhiên, lạm phát bắt đầu có dấu hiệu tăng tốc khi CPI tăng 3,4% so với cùng kỳ vào tháng 6, từ mức 2,86% trong tháng 5. Số liệu CPI mới nhất tháng 7 tăng 0,4% so với tháng 6 và tăng 3,6% so với cùng kỳ năm trước.

Bộ phận Phân tích của Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cho rằng áp lực lạm phát thậm chí có thể kéo dài đến nửa đầu năm 2023 khi giá nguyên, nhiên vật liệu trên thế giới ở mức cao và phản ánh nhiều hơn vào chi phí sản xuất, giá thành sản phẩm. Không loại trừ áp lực lạm phát vòng hai do giá xăng dầu tăng cao. VCBS dự báo lạm phát năm 2022 có khả năng vượt mục tiêu 4% của Quốc hội tuy nhiên vẫn ở mức thấp so với các quốc gia trong khu vực.

Báo cáo Chiến lược thị trường Tháng 7, SSI Research cho biết, áp lực lạm phát trong 6 tháng cuối năm sẽ ngày càng rõ ràng hơn, và mặc dù mức lạm phát bình quân trong năm 2022 vẫn nằm trong tầm kiểm soát (ước tính 3,5%), lạm phát tại thời điểm cuối tháng 12 có thể bật lên mức 5% so với cùng kỳ. Điều này cũng khiến mức lạm phát bình quân, đặc biệt ở nửa đầu năm 2023 có thể đẩy lên mức cao trên 4%.

Ảnh hưởng của lạm phát đến thị trường chứng khoán

Theo SSI Research, sức ép của lạm phát và xu hướng tăng lãi suất của các ngân hàng trung ương trên thế giới nhằm kiềm chế lạm phát đã khiến hầu hết các thị trường chứng khoán lớn đều đi xuống trong 6 tháng đầu năm. Cụ thể, chỉ số S&P 500 (TTCK Mỹ) giảm 19,9%, chỉ số Stoxx600 (TTCK Châu Âu) giảm 16,2%. Riêng 2 chỉ số MSCI Asia Pacific và MSCI EM cũng mất lần lượt 17,3% và 20% điểm số.

-	Xu hướng chung của các thị trường chứng khoán trên thế giới. Ảnh: SSI Research
- Xu hướng chung của các thị trường chứng khoán trên thế giới. Ảnh: SSI Research

TTCK Việt Nam có tháng điều chỉnh thứ 3 liên tiếp. Chỉ số VNIndex đóng cửa phiên giao dịch cuối cùng của tháng 6 tại 1.197,6 điểm, mất 95,08 điểm (-7,36%) so với thời điểm cuối tháng 5. Tính đến 3/8, chỉ số đại diện TTCK Việt Nam đã mất khoảng 17% điểm so với đầu năm.

Lựa chọn cổ phiếu đầu tư trong thời kỳ lạm phát

Trong khoảng thời gian 1 năm tới, SSI Research cho rằng “cổ phiếu phòng thủ” là lựa chọn đầu tư hợp lý trong thời kỳ lạm phát cao và chính sách tiền tệ thắt chặt. Rổ ưa thích là các công ty có thể đạt được sự phục hồi về doanh thu cũng như cải thiện tỷ suất lợi nhuận, bao gồm SAB, VNM - Vinamilk, QNS, MSN (MCH).

Trong báo cáo chiến lược tháng 7, SSI Research cũng cho biết “Chúng tôi cho rằng các nhà đầu tư có thể xem xét lại cổ phiếu VNM, vốn đã bị giảm định giá trong thời gian dài, vì chúng tôi dự báo công ty sẽ đạt mức tăng trưởng lợi nhuận ròng 11% vào năm 2023 sau 2 năm sụt giảm lợi nhuận (2020-2021), nhờ tăng trưởng doanh thu ở mức một con số và tỷ suất lợi nhuận cải thiện do giá sữa bột có xu hướng điều chỉnh giảm”.

-	Biên lợi nhuận dự đoán cải thiện, Vinamilk được kỳ vọng tăng trưởng các quý sau của năm 2022
- Biên lợi nhuận dự đoán cải thiện, Vinamilk được kỳ vọng tăng trưởng các quý sau của năm 2022

Tại mức giá hiện tại, Vinamilk đang được giao dịch ở mức 2022 P/E là 17,3 lần và 2023 P/E ở mức 15,6 lần, là mức chiết khấu đáng kể so với định giá của công ty trong quá khứ cũng như các doanh nghiệp hàng tiêu dùng cùng ngành trong khu vực. SSI Research kì vọng trong bối cảnh lạm phát tăng cao, các công ty thực phẩm và đồ uống với các yếu tố cơ bản tốt, cổ tức đều đặn và lợi nhuận duy trì ổn định có thể là điểm đến của dòng tiền đầu tư.

Giá sữa bột nguyên liệu đã có dấu hiệu "hạ nhiệt" từ tháng 3-4/2022 nên kì vọng các quý cuối năm áp lực lên biên lợi nhuận gộp sẽ giảm bớt. SSI Research cũng kì vọng tăng trưởng doanh thu sẽ tăng tốc trong các quý sau của năm 2022.

2 năm qua, giá nguyên liệu đầu vào của các doanh nghiệp sản xuất nói chung và Vinamilk chịu ảnh hưởng do dịch COVID-19 và các vấn đề về kinh tế - chính trị thế giới. Vì vậy, việc giá nguyên liệu bước vào giai đoạn điều chỉnh sẽ là tín hiệu tích cực góp phần cải thiện biên lợi nhuận của doanh nghiệp trong thời gian tới.

Nhiều chuyên gia chứng khoán khác cũng cho rằng việc nắm giữ những cổ phiếu cơ bản tốt sẽ giúp các nhà đầu tư đi qua "cơn bão" an toàn, thậm chí, đạt lợi nhuận khá tốt nếu may mắn mua được cổ phiếu cơ bản tốt vùng đáy. Một ví dụ điển hình, ở nhịp giảm thứ 2 sau khi thị trường hồi phục lại ngưỡng 1.300 điểm, khi VnIndex mất đi hàng trăm điểm, thì những cổ phiếu cơ bản như VNM cũng không có nhiều biến động, cùng với đó, những nhà đầu tư nắm giữ những cổ phiếu cơ bản này sẽ không phải rơi vào tình thế khủng hoảng, bán tháo cổ phiếu như những nhóm cổ phiếu đầu cơ, cổ phiếu "nóng".

Dù thị trường chứng khoán đã mấy lần nỗ lực hồi phục sau “bão” nhưng nhiều chuyên gia vẫn cho rằng thị trường chứng khoán vẫn còn những nhịp rung lắc mạnh, việc lựa chọn những cổ phiếu cơ bản để “tránh bão” là một trong những ưu tiên của các nhà đầu tư hiện tại.

HSBC đánh giá Vinamilk là 1 trong 5 cổ phiếu đáng quan tâm nhất tại Đông Nam Á
Vinamilk được Bộ phận Nghiên cứu toàn cầu HSBC lựa chọn là 1 trong 5 cổ phiếu đáng quan tâm nhất Đông Nam Á
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư