Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Lừa đảo online hoành hành mọi ngóc ngách xã hội
Ngô Nguyên - 28/05/2024 08:15
 
Bản thân tác giả vừa được người tự xưng là cán bộ BHXH yêu cầu điều chỉnh các thông tin về BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), cập nhật ứng dụng VssID... nếu không sẽ ảnh hưởng quyền lợi.

"Cáo lòi đuôi" 

Đang ngập trong "núi" việc, tôi bất ngờ nhận được cuộc điện thoại từ số 02455555944 giọng nữ, xưng là cán bộ cơ quan BHXH hỏi rất rõ ràng rạch mạch: " Có phải họ tên anh, số CCCD... Hiện trên hệ thống trong ứng dụng VssIDBHXH của anh còn cập nhật thiếu thông tin liên BHXH Theo quy trình của BHXH, anh phải mang CCCD, sổ BHXH tới chỗ chúng tôi (Hà Nội) hoặc cơ quan BHXH ở TP.HCM để còn phải lăn tay, cập nhật trực tiếp chứ không được cập nhật trực tuyến vì đã hết thời gian! Nếu không cập nhật sẽ ảnh hưởng lớn tới các quyền lợi liên quan". 

Khi tôi than thở rằng đang đi công tác xa, vị "cán bộ BHXH" tỏ ra rất chia sẻ đề nghị cung cấp thông tin luôn qua điện thoại, có thể chụp hình CCCD và thẻ BHXH để được hỗ trợ, không phải đi lại nhiều lần. Tôi đã không "nhịn" được, bật cười rằng: "Em tính lừa cú double sao, vừa 'ăn" được tiền...hỗ trợ, vừa lấy giấy tờ để lừa tiếp". Lúc này vị "cán bộ BHXH" mới "lòi đuôi" lừa đảo, văng tục rồi...cúp máy! 

Các tin nhắn mạo danh cán bộ BHXH để lừa đảo 


Liên quan vấn đề này, vừa qua, Cơ quan BHXH Việt Nam đã phát phát cảnh báo các hình thức lừa đảo thông qua những dịch vụ liên quan tới ứng dụng VssID - Bảo hiểm xã hội số. 

Theo cảnh báo, thời gian qua vấn nạn lừa đảo BHXH bùng lên ở nhiều tỉnh thành như TP.HCM, Đồng Nai, Hà Nội.. với rất nhiều hình thức khác nhau. 

Phương thức điển hình là lợi dụng tâm lý muốn giải quyết nhanh chóng các thủ tục hành chính liên quan đến lĩnh vực BHXH, BHYT của người dân, nhiều đối tượng đã mạo danh là cán bộ, nhân viên cơ quan BHXH hứa hẹn sẽ giải quyết nhanh chóng tất cả các vấn đề hoặc một số thủ tục như giảm trùng BHXH, cắt giảm quá trình đóng trùng và hủy sổ BHXH.

Sau đó đối tượng lừa đảo đề nghị nộp nhiều khoản phí “dịch vụ BHXH”. Điều tinh vi ở chỗ, các đối tượng đã tạo loại giấy tờ giả có con dấu xác nhận của cơ quan BHXH, nhằm tạo lòng tin với người dân. Sau khi nhận được tiền, các đối tượng ngay lập tức khóa tài khoản, cắt mọi liên lạc. Lúc này nhiều người mới biết mình bị lừa và phản ánh với cơ quan BHXH.

Bên cạnh đó, gần đây, mạng xã hội xuất hiện một kênh Tik Tok mang tên “VssID - Hỗ trợ BHXH”. Kênh Tik Tok này thường xuyên đăng tải các video về cách thức lấy lại mật khẩu đăng nhập vào ứng dụng trong trường hợp người dùng không nhớ hoặc bị mất. Bên cạnh đó, kênh này cũng quảng bá dịch vụ thay đổi thông tin cá nhân như số điện thoại, email, địa chỉ ,... đi kèm một khoản phí nhất định với những ưu đãi hấp dẫn. Trong khi đó cơ quan BHXH không thực hiện hình thức này.

Hơn thế nữa, tại nhiều địa phương như Đồng Nai, Gia Lai..., các đối tượng lừa đảo cũng mạo danh nhân viên BHXH, gọi điện yêu cầu người dân cập nhật CCCD vào ứng dụng bằng cách truy cập đường link lạ có đuôi ".govvvn.com" trên thiết bị điện thoại di động và làm theo hướng dẫn.

Sau khi làm theo hướng dẫn, nhập số điện thoại và mật khẩu vào ứng dụng với màn hình hiển thị giao diện giống với ứng dụng "VSSID - Bảo hiểm xã hội số" của ngành BHXH Việt Nam, người dân đã bị mất toàn bộ số tiền trong tài khoản ngân hàng của mình.

Trước tình hình lừa đảo diễn biến phức tạp, Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông ) vừa phát phát đi khuyến cáo người dân nâng cao cảnh giác, đề phòng khi bắt gặp những dịch vụ liên quan tới ứng dụng VssID trên các nền tảng mạng xã hội. Người dân chỉ sử dụng dịch vụ từ các trang web chính thống hoặc trực tiếp đến với các cơ quan Bảo hiểm xã hội địa phương. Người dân chỉ nên tải ứng dụng VssID thông qua hệ thống cửa hàng trực tuyến như CH Play (đối với hệ điều hành Android) và App Store (đối với hệ điều hành IOS), tuyệt đối không cài đặt ứng dụng VssID từ các nguồn không xác định, những nguồn link lạ, không cung cấp thông tin cá nhân cho đối tượng lạ, khuyến khích tắt chế độ “cài đặt ứng dụng từ nguồn không xác định” trong điện thoại thông minh.

Giả làm dịch vụ hộ chiếu để chiếm đoạt tiền

Gần đây, trên mạng xã hội Facebook xuất hiện nhiều trang, hội nhóm dịch vụ đăng tải các bài viết “làm hộ hộ chiếu" như “Dịch vụ làm hộ chiếu nhanh," “Làm hộ chiếu nhanh giá rẻ tại Hà Nội," “Hộ chiếu nhanh (passport), visa xuất nhập cảnh Việt Nam"... với mức chi phí phải trả cho các “dịch vụ nhanh” này cao gấp nhiều lần so với lệ phí theo quy định của Nhà nước. Những lời chào mời hấp dẫn trên các trang mạng xã hội như “không cần phải đi xa, không xếp hàng, không chờ đợi, gửi về tận tay, dịch vụ làm hộ chiếu nhanh chi phí thấp…” đã thu hút sự chú ý của nhiều người.

Các trang, hội nhóm đăng tải dịch vụ làm hộ chiếu để lừa đảo

Các đối tượng không sử dụng số điện thoại của công dân để ghi vào tờ khai cấp hộ chiếu mà ghi số điện thoại của đối tượng hoặc ghi sai địa chỉ thường trú nhằm khai sai nội dung đề nghị cấp hộ chiếu, cản trở việc cán bộ Quản lý xuất nhập cảnh liên hệ với công dân khi cần thông báo, yêu cầu bổ sung hồ sơ, do đó sẽ kéo dài thời gian cấp hộ chiếu của công dân. Thông qua số điện thoại, các đối tượng tự xưng là công dân nắm bắt các nội dung cần phải bổ sung hồ sơ. Đến khi không được nhận hộ chiếu, công dân đến Phòng Quản lý xuất nhập cảnh hỏi thì mới biết hồ sơ chưa được bổ sung để xử lý.

Bên cạnh đó, một số đối tượng xấu còn lợi dụng việc này đánh cắp các thông tin của cá nhân như: ảnh chân dung, căn cước công dân, số điện thoại, email, địa chỉ thường trú, mã OTP... nhằm thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật khác trên không gian mạng như: đăng ký mở tài khoản ngân hàng, vay tiền trên các ứng dụng trực tuyến; đánh cắp tài khoản Facebook, VNeID…

Để ngăn chặn tình trạng trên, Cục An toàn thông tin khuyến cáo người dân rằng, hết sức cẩn trọng trước các lời mời chào sử dụng bất kể dịch vụ online nào. Bởi hiện nay, việc tiếp nhận hồ sơ cấp hộ chiếu trực tuyến trên Cổng Dịch vụ Công Quốc gia và Cổng Dịch vụ Công Bộ Công an tạo thuận lợi rất lớn cho công dân. Người dân có thể chủ động về thời gian, địa điểm, nộp hồ sơ nhanh chóng, dễ dàng hơn, không phải trực tiếp đến cơ quan công an để làm các thủ tục nộp hồ sơ. Vì vậy, người dân nên tự thao tác nộp hồ sơ cấp hộ chiếu trực tuyến trên Cổng Dịch vụ Công Quốc gia hoặc Cổng Dịch vụ Công Bộ Công an.

Trong trường hợp không thể nộp hồ sơ, người dân có thể nhờ người thân, bạn bè quen biết, có uy tín, am hiểu công nghệ thông tin hoặc trực tiếp đến cơ quan công an nơi cư trú để được hướng dẫn cụ thể, chi tiết.

Lập gian hàng ảo để chiếm đoạt tiền

Theo Cục An toàn thông tin, thời gian qua cũng bùng lên việc, các đối tượng lừa đảo lập các gian hàng ảo trên ứng dụng mua sắm trực tuyến Shopee để chiếm đoạt tiền của sàn thương mại điện tử (TMĐT) này thông qua các mã giảm giá, khuyến mại.

Tràn lan bẫy lừa đảo trên sàn thương mại điện tử


Các đối tượng đã dựng lên màn kịch lừa đảo hết sức chuyên nghiệp thông qua nhiều công đoạn: Lập gian hàng ảo - Tuyển người chốt đơn mua hàng ảo - Tìm kiếm mã giảm giá - Áp mã giảm giá, yêu cầu sàn TMĐT đặt đơn mua hàng ảo - Đóng gói hàng hóa không đúng mô tả - Cấu kết thực hiện giao nhận hàng hóa ảo để tạo chứng từ giả lừa sàn TMĐT chuyển tiền khuyến mãi vào tài khoản của người mua hàng. Tinh vi hơn, đối tượng tạo lập nhiều hội nhóm, Fanpage trên mạng xã hội để dẫn dụ những người thiếu hiểu biết về pháp luật tham gia chốt đơn hàng ảo cho chúng. Bên cạnh đó, các đối tượng trong vai cả người bán lẫn người mua nhằm dựng lên những màn kịch mua hàng, nhận hàng để chiếm đoạt tiền của các sàn TMĐT.

Với kịch bản trên, nhóm đối tượng này đã tạo ra giao dịch mua bán hàng hóa ảo với giá trị hàng chục tỷ đồng để chiếm đoạt tiền từ các voucher khuyến mãi của sàn TMĐT Shopee tài trợ cho người mua hàng trực tuyến chỉ trong thời gian nửa năm.

Trước tình trạng trên, Cục An toàn thông tin khuyến cáo người dân người dân không nên mua các sản phẩm trôi nổi, không rõ nguồn gốc trên mạng xã hội; không nghe tư vấn trên các trang web khi không xác định được mức độ uy tín và sự an toàn. Chỉ thực hiện giao dịch khi đã xác nhận được uy tín và đảm bảo người bán có đủ thông tin chi tiết về sản phẩm, hình ảnh chất lượng và mô tả chính xác. Tuyệt đối tỉnh táo khi đọc các đánh giá của người mua khác về chất lượng sản phẩm. Không tham gia vào các hội nhóm “việc nhẹ lương cao”, mua hàng nhận tiền hoa hồng để tránh trở thành nạn nhân của lừa đảo trực tuyến. Ngoài ra, người dân cũng nên tìm hiểu về chính sách bảo hành và hoàn tiền của bên bán hàng để đảm bảo quyền lợi cho bản thân.

Giả cả chữ ký của Chủ tịch HĐQT Tổng công ty cảng hàng không Việt Nam để lừa đảo
Theo Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam, trên các nền tảng xã hội xuất hiện các bài đăng, fanpage mạo danh đơn vị nhằm chiếm đoạt tài sản,...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư