Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 24 tháng 11 năm 2024,
Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi): Quy định rõ công khai thông tin để tránh lợi dụng
Khánh Linh - 20/06/2023 15:37
 
Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) đã được Quốc hội thông qua trong phiên làm việc chiều 20/6, với tỷ lệ tán thành là 93,72%.

Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) nhận được tỷ lệ tán thành thông qua là 93,72%. Không có đại biểu nào trong số 465 đại biểu Quốc hội tham gia bỏ phiếu không tán thành.

Luật này quy định về nguyên tắc, chính sách bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; quyền và nghĩa vụ của người tiêu dùng; trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh đối với người tiêu dùng; hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của cơ quan, tổ chức; giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh; quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Trong giai đoạn chuyển tiếp, giao dịch giữa tổ chức, cá nhân kinh doanh và người tiêu dùng chưa được thực hiện mà có nội dung, hình thức khác với quy định của Luật này thì các bên tiếp tục thực hiện theo quy định của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng số 59/2010/QH12 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 35/2018/QH14. Trường hợp các bên có thỏa thuận mới về việc sửa đổi, bổ sung nội dung, hình thức của giao dịch thì phải bảo đảm phù hợp với Luật này và để áp dụng quy định của Luật này.

Không quy định riêng về quyền lợi người tiêu dùng trong lĩnh vực dịch vụ tài chính, ngân hàng

Một số nội dung được thảo luận, đề xuất bổ sung trong các phiên thảo luận của Quốc hội trước đó, đã không có trong Luật BVQLNTD (sửa đổi) được thông qua, như quy định về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong lĩnh vực dịch vụ tài chính, ngân hàng.

Trong báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật gửi các đại biểu trước khi bấm nút thông qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội bày tỏ sự ủng hộ về sự cần thiết, đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra hiện nay.

Tuy nhiên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, đối với những lĩnh vực đặc thù cần có các quy định của pháp luật chuyên ngành để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, ví dụ như bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong lĩnh vực dịch vụ tài chính, ngân hàng cần phải áp dụng cả pháp luật về tài chính, ngân hàng, bảo hiểm.

Trong nội dung của Luật BVQLNTD (sửa đổi) đã có quy định về bảo vệ người tiêu dùng khi ký kết các hợp đồng theo mẫu hoặc điều kiện giao dịch chung. Hợp đồng theo mẫu của ngành ngân hàng, bảo hiểm thường là những hợp đồng in sẵn, nội dung rất phức tạp, mang tính nghiệp vụ chuyên ngành.

Để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong trường hợp này, Luật đã có quy định bên cung cấp dịch vụ phải giải thích rõ ràng, đầy đủ cho bên mua về quyền lợi, điều khoản loại trừ trách nhiệm, cung cấp bằng chứng giao dịch và các quy định để kiểm soát loại các loại hợp đồng này.

Bên cạnh đó, Luật có các quy định liên quan như các quy định về bảo vệ, thu thập, sử dụng, bảo đảm an toàn thông tin của người tiêu dùng; về trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân kinh doanh đối với người tiêu dùng trong giao dịch đặc thù, về giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh.

Vụ án dân sự có giá trị giao dịch dưới 100 triệu đồng là được giải quyết theo thủ tục rút gọn

Luật BVQLNTD (sửa đổi) đã quy định rõ vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng chỉ cần có giá trị giao dịch dưới 100 triệu đồng là được giải quyết theo thủ tục rút gọn mà không cần đáp ứng bất cứ điều kiện nào khác. Tòa án giải quyết theo trình tự, thủ tục quy định tại Bộ luật Tố tụng dân sự.

Giải trình lý do tiếp thu nội dung này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, quy định như vậy nhằm thể hiện tính chất đặc thù của vụ án về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Theo đó, phần lớn các vụ việc của người tiêu dùng đều có giá trị nhỏ, xảy ra thường xuyên, liên tục. Hai là, phù hợp với kinh nghiệm và xu hướng quốc tế. Ngay tại các nước có công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng phát triển cũng áp dụng thủ tục rút gọn đối với các vụ việc có giá trị nhỏ.

Việc áp dụng thủ tục rút gọn đối với vụ việc có giá trị xác định nhằm bảo đảm tiết kiệm chi phí, nguồn lực xã hội để giải quyết các vụ việc có giá trị không lớn, góp phần tạo niềm tin cho người tiêu dùng và nâng cao ý thức pháp luật một cách hiệu quả cho tổ chức, cá nhân kinh doanh.

Đối với các vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng khác ngoài trường hợp nêu trên thì sẽ giải quyết theo thủ tục rút gọn khi đáp ứng đủ các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 317 của Bộ luật Tố tụng dân sự.

Quy định công khai thông tin vì lợi ích công cộng

Trong quá trình thảo thuận tại Quốc hội, nhiều đại biểu đề nghị cân nhắc việc công khai thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng, tránh gây thiệt hại cho tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hoặc lợi dụng quy định này để phát sinh cạnh tranh không lành mạnh giữa các tổ chức, cá nhân có hoạt động sản xuất, kinh doanh và đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ giữa Luật BVQLNTD (sửa đổi) và các luật có liên quan khác.

Luật BVQLNTD (sửa đổi) quy định việc công khai thông tin chỉ áp dụng đối với vụ án do tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng khởi kiện vì lợi ích công cộng.

Việc công khai thông tin về vụ án là cần thiết nhằm bảo đảm cung cấp thông tin cho người tiêu dùng có liên quan đến vụ án.

Cụ thể, Luật đã quy định rõ hơn nội dung công khai, chỉ công khai “thông báo về thụ lý vụ án của Tòa án” nhằm bảo đảm tính khách quan, chính xác của thông tin được thông báo;

Về hình thức thông báo: được thực hiện tại trụ sở và trang thông tin điện tử, phần mềm ứng dụng (nếu có) của tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng;

Điều 72 của Luật cũng quy định việc công bố, công khai kết quả giải quyết vụ án trong thời hạn 7 ngày làm việc kể từ ngày kết thúc vụ án để bảo đảm cân bằng quyền lợi, nghĩa vụ giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh.  

Luật BVQLNTD 7 Chương, 80 điều; sửa đổi, bổ sung toàn bộ các điều và bổ sung khoản 5 của Điều 317 Bộ luật Tố tụng dân sự để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật liên quan đến BVQLNTD.
Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2024
Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng: Ngang bằng trách nhiệm các bên liên quan
Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghe báo cáo và cho ý kiến về một số vấn đề lớn giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư