Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 06 tháng 10 năm 2024,
Luật Các tổ chức kinh tế hợp tác cần lồng ghép vấn đề kinh tế tuần hoàn, bình đẳng giới
Thanh Huyền - 28/07/2022 14:51
 
Đó là một trong các góp ý của chuyên gia luật pháp tại cuộc họp Ban soạn thảo, Tổ biên tập mở rộng lấy ý kiến Dự thảo lần 3 Luật Các tổ chức kinh tế hợp tác.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông chủ trì cuộc họp Ban soạn thảo, Tổ biên tập mở rộng lấy ý kiến Dự thảo 3 Luật Các tổ chức kinh tế hợp tác.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông chủ trì cuộc họp Ban soạn thảo, Tổ biên tập mở rộng lấy ý kiến Dự thảo 3 Luật Các tổ chức kinh tế hợp tác.

Ngày 28/7, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức cuộc họp Ban soạn thảo, Tổ biên tập mở rộng lấy ý kiến Dự thảo lần 3 Luật Các tổ chức kinh tế hợp tác.

Tạo hành lang pháp lý thông thoáng, loại bỏ các quy định gây trở ngại

Luật Hợp tác xã năm 2012 được Quốc hội thông qua ngày 20/11/2012, có hiệu lực từ ngày 01/7/2013 (thay thế Luật Hợp tác xã năm 2003) đã thể chế hóa các chủ trương của Đảng về tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, tiếp cận gần hơn với bản chất, giá trị nguyên tắc của hợp tác xã trên thế giới.

Báo cáo Tổng kết 10 năm thi hành Luật hợp tác xã năm 2012 cho biết, Luật hợp tác xã năm 2012 đã bước đầu tác động tích cực đến tổ chức và hoạt động của các hợp tác xã. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, thực tiễn sau gần 10 năm triển khai thực hiện, Luật hợp tác xã năm 2012 còn bộc lộ một số tồn tại, hạn chế cần được nghiên cứu, sửa đổi, hoàn thiện để phù hợp hơn với thực tiễn.

Do đó, Luật Các tổ chức kinh tế hợp tác (được đổi tên từ Luật Hợp tác xã) được xây dựng, sửa đổi với mục tiêu tạo hành lang pháp lý thông thoáng, loại bỏ các quy định gây trở ngại gia nhập thị trường, phát triển thành viên; bảo đảm và phát huy đặc trưng, nguyên tắc cơ bản của hợp tác xã; tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức kinh tế hợp tác phát triển năng động, hiệu quả, bền vững, thực sự là thành phần quan trọng trong nền kinh tế với nhiều mô hình liên kết, hợp tác trên cơ sở tôn trọng bản chất hợp tác xã, thu hút nhiều thành phần, đối tượng tham gia vào khu vực kinh tế tập thể, xây dựng hệ sinh thái các tổ chức kinh tế hợp tác mạnh, giúp nâng cao thu nhập, chất lượng cuộc sống của các thành viên và góp phần thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội.

Dự án luật được xây dựng dựa trên 5 quan điểm chính, đó là thể chế hóa đầy đủ quan điểm của Đảng; giữ vững các nguyên tắc cơ bản của hợp tác xã; phù hợp thực tiễn, tiếp thu chọn lọc kinh nghiệm quốc tế, kế thừa quy định của Luật Hợp tác xã năm 2012 còn hiệu lực, hiệu quả; xây dựng luật chung thống nhất cho các loại hình kinh tế hợp tác, bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất trong hệ thống pháp luật.

Trên cơ sở đó, Dự thảo 3 Luật Các tổ chức kinh tế hợp tác hồm 11 Chương, 121 Điều, trong đó bổ sung bãi bỏ 03 Điều, sửa đổi 70 Điều, bổ sung 51 Điều so với Luật Hợp tác xã năm 2012.

Dự thảo luật tập trung vào 5 năm nhóm chính sách, gồm (1) nhóm chính sách về hoàn thiện các quy định về bản chất hợp tác xã, phát triển thành viên hợp tác xã; (2) nhóm chính sách về mở rộng phạm vi điều chỉnh và hoàn thiện các quy định về loại hình TCKTHT, tổ chức đại diện; (3) nhóm chính sách về mở rộng thị trường, nâng cao khả năng huy động vốn, tạo động lực cho hợp tác xã phát triển; (4) nhóm chính sách về hoàn thiện và nâng cao hiệu quả công tác quản lý, điều hành hợp tác xã; (5) nhóm chính sách về nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực kinh tế tập thể.

Tên gọi mới phù hợp trong tình hình mới

Theo ông Phùng Quốc Chí, Cục trưởng Cục Phát triển Hợp tác xã, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, có ý kiến cho rằng, giữ nguyên tên Luật hợp tác xã để bảo đảm tính ổn định, thống nhất trong hệ thống văn bản pháp lý, hạn chế việc sửa đổi các văn bản pháp luật khác. Ngoài ra, ý kiến khác cho rằng, nên đổi tên “Luật Các tổ chức kinh tế tập thể” cho phù hợp với tinh thần và nội dung Nghị quyết số 20- NQ/TW của Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII ngày 16/6/2022 về việc tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới. Tuy nhiên, Cơ quan soạn thảo đề xuất đổi tên thành “Luật Các tổ chức kinh tế hợp tác”, bởi tên gọi này không trái với chủ trương và tinh thần chỉ đạo của Đảng, đồng thời phù hợp với đối tượng và phạm vi điều chỉnh bao gồm các mô hình tổ chức kinh tế hợp tác đang hoạt động hiện nay là tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, liên đoàn hợp tác xã từ đơn giản đến phức tạp, từ quy mô nhỏ đến quy mô lớn cấp vùng, cấp quốc gia.

Đồng tình với quan điểm của Ban soạn thảo và Tổ biên tập, PGS-TS. Dương Đăng Huệ, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, Bộ Tư pháp cho biết, Nghị quyết số 20-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới, chỉ đạo “Đảng đoàn Quốc hội phối hợp với Ban cán sự đảng Chính phủ nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật Hợp tác xã năm 2012 phù hợp với tình hình và điều kiện phát triển mới”. Do đó, theo ông Huệ, trong điều kiện phát triển mới, kinh tế tập thể là một chủ thể kinh tế, còn dự luật này được xây dựng cho các chủ thể kinh tế nên không trái Nghị quyết 20.

Dẫn chứng thực tế tại Liên bang Nga có nhiều luật hợp tác xã cho từng mô hình, như Luật Hợp tác xã sản xuất, Luật Hợp tác xã tiêu dùng, Luật Hợp tác xã tín dụng…, PGS-TS. Dương Đăng Huệ cho rằng, điều kiện hiện nay của Việt Nam không thể xây dựng hàng loạt đạo luật như vậy, nên dự luật mới với tên gọi như trên là tất yếu.

“Mặc dù đây mới là bản dự thảo lần 3 nhưng chất lượng nội dung đã rất tốt, nếu dự luật này được ban hành sẽ là cơ sở pháp lý rất tốt để hợp tác xã phát triển, tương tự như Luật Doanh nghiệp năm 1999 vì có rất nhiều nhiều điểm mới”, ông Huệ nói.

Cùng quan điểm, PGS-TS. Vũ Thị Lan Anh, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Luật Hà Nội cho rằng, dự thảo luật lần 3 có nhiều bước tiến so với dự thảo đầu tiên. “Dự thảo này mang nhiều tư tưởng mang tính cách mạng, có ý tưởng mang lại hệ sinh thái phát triển linh hoạt cho hợp tác xã. Với tư tưởng cởi mở, phát triển trong bối cảnh hiện nay, hi vọng quy định mới trong luật sẽ tạo khuôn khổ pháp lý vững chắc, hoàn thiện”, bà Lan Anh nói.

Đề xuất lồng ghép các nội dung về kinh tế tuần hoàn, bình đẳng giới

Góp ý vào nội dung dự thảo, PGS-TS. Vũ Thị Lan Anh cho rằng, kiểm toán là chế định quan trọng, tạo ra không gian minh bạch cho các hợp tác xã. Tuy nhiên, nếu quy định kiểm toán là bắt buộc khi nhận hỗ trợ thì sẽ tạo ra khó khăn cho các hợp tác xã. Bởi lẽ, hỗ trợ được chia làm 2 giai đoạn là hỗ trợ thành lập và hỗ trợ duy trì phát triển. Nhưng trong giai đoạn thành lập sẽ không thể nào kiểm toán.

Vấn đề khác là quy định về việc Nhà nước hỗ trợ phí kiểm toán, điều này cần quy định rõ hơn hoặc sau đưa vào nghị định. “Nếu hợp tác xã nào cũng muốn kiểm toán nước ngoài thì chi phí đội lên, Nhà nước sẽ khó đáp ứng”, bà Lan phân tích.

Ngoài ra, vấn đề trích tỷ lệ lợi nhuận vào Quỹ không chia bao nhiêu phần trăm cũng cần làm rõ. “Để thu hút được nguồn lực tham gia hợp tác xã phải có cơ chế hấp dẫn. Mức bao nhiêu thì phải dựa vào kinh nghiệm, cơ sở nào, quốc tế có sử dụng không, tỷ lệ là bao nhiêu”, bà Lan Anh đặt vấn đề.

Ngoài ra, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Luật Hà Nội cũng đề nghị bổ sung lồng ghép vào dự luật các nội dung về thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, chống biến đổi khí hậu, bình đẳng giới… bởi đây là mô hình rất phù hợp, giúp hợp tác xã phát triển không chỉ hướng đến mục đích kinh tế mà còn đạt các mục tiêu xã hội khác nữa.

Đánh giá cao các ý kiến đóng góp của các chuyên gia, bộ ngành, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông cho biết Ban soạn thảo, Tổ biên tập sẽ tiếp tục hoàn thiện dự thảo với chất lượng cao để trình xin ý kiến Chính phủ.

Việt Nam phát triển 3 đến 4 trung tâm kinh tế biển mạnh hàng đầu Đông Nam Á
Đây là mục tiêu trong Đề án phát triển cụm liên kết ngành kinh tế biển gắn với xây dựng các trung tâm kinh tế biển mạnh thời kỳ đến năm 2030.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư