Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Luật Doanh nghiệp chỉ thực sự phát huy hiệu quả khi hiểu rõ, hiểu đúng
Việt Anh - 12/08/2015 09:23
 
Sau 1 tháng thực hiện Luật Doanh nghiệp 2014, số lượng doanh nghiệp (DN) đăng ký thành lập mới tăng khá, thời gian thực hiện thủ tục đăng ký được rút ngắn… Tuy nhiên, theo bà Trần Thị Hồng Minh, Cục trưởng Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), để đánh giá hiệu quả của Luật, cần có cái nhìn dài hơi.
.
Bà Trần Thị Hồng Minh, Cục trưởng Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư)

Trong tháng đầu tiên thực hiện Luật Doanh nghiệp 2014, tình hình đăng ký DN có khả quan không, thưa bà?

Trong tháng đầu tiên thực hiện Luật Doanh nghiệp 2014 (từ ngày 1/7 đến 31/7/2015), số lượng DN đăng ký thành lập mới đã tăng cao so với cùng kỳ năm trước.

Số liệu từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký DN cho thấy, có 7.662 DN thành lập mới với tổng vốn đăng ký trên 43.800 tỷ đồng, tăng 66,2% về số DN và tăng 49,4% về vốn so với cùng kỳ năm 2014. So với tháng trước đó, số DN thành lập mới tăng 15,7%.

Như vậy, tình hình đăng ký DN của cả nước trong tháng đầu thi hành Luật Doanh nghiệp 2014 tiếp tục duy trì tốc độ tăng về số DN thành lập và số vốn đăng ký. Tất nhiên, tốc độ tăng còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố kinh tế vĩ mô, vào kỳ vọng của cộng đồng và để nhận định tính hiệu quả của Luật, cần sự đánh giá “dài hơi” hơn.

Với Luật Doanh nghiệp 2014, cộng đồng và DN đã gặp thuận lợi gì?

Một số thuận lợi mà cơ quan đăng ký kinh doanh ghi nhận được là: thời gian thực hiện thủ tục đăng ký DN giảm; DN được chủ động quyết định về con dấu; số lượng giấy tờ cần nộp giảm...

Bên cạnh những thuận lợi, thì chắc chắn DN cũng đối mặt với những khó khăn khi tham gia thị trường, nhất là khi nghị định hướng dẫn chưa được ban hành. Đó là những khó khăn gì trong tháng đầu triển khai Luật Doanh nghiệp 2014, thưa bà?

DN vẫn còn gặp phải một số vướng mắc cơ bản như trong tuần đầu tiên thực hiện Luật Doanh nghiệp 2014, một số DN mới gặp khó khăn khi làm con dấu do nhiều cơ sở khắc dấu từ chối khắc dấu cho DN; nhiều DN khi nhận giấy chứng nhận đăng ký DN vẫn yêu cầu cơ quan đăng ký kinh doanh in bổ sung những nội dung đã không còn được ghi trên giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, như ngành, nghề kinh doanh, danh sách cổ đông sáng lập. Tuy nhiên, đến nay, những khó khăn đó đã cơ bản được giải quyết.

Nhìn chung, trong tháng đầu tiên triển khai Luật Doanh nghiệp mới, không tránh khỏi sự lúng túng, chưa sẵn sàng của một bộ phận DN khi tiếp cận các quy định mới. Đây là điều hoàn toàn có thể dự đoán được, nhất là khi Chính phủ chưa ban hành nghị định hướng dẫn Luật. Hiện nay, các cơ quan đăng ký kinh doanh địa phương đang thực hiện nghiệp vụ theo hướng dẫn tại Công văn 4211/BKHĐT-ĐKKD ngày 26/6/2015 và vẫn chủ động trao đổi với Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Về phía cơ quan quản lý nhà nước, việc triển khai Luật Doanh nghiệp 2014 có gặp khó khăn gì đáng kể? Nhiều địa phương phản ánh bị quá tải trong những ngày đầu triển khai, vậy thách thức này có được dự liệu từ trước?

Mặc dù đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng từ trước, nhưng thực tế triển khai trong những tuần đầu tiên cho thấy, nhiều địa phương phải chịu sức ép quá tải trong giải quyết hồ sơ, thủ tục cho DN. Thực tế này có nhiều lý do.

Thứ nhất, sức ép về thời gian giải quyết thủ tục rất lớn.

Thứ hai, mã số DN chưa được cơ quan thuế cấp tự động, nên ảnh hưởng đến thời gian thực hiện đăng ký DN, tạo áp lực không nhỏ đến cán bộ đăng ký kinh doanh.

Thứ ba, phần lớn DN chưa thực sự chủ động trong việc tìm hiểu các thông tin thay đổi, hoặc chưa hiểu đúng, hiểu rõ tinh thần cải cách của Luật, nên việc chuẩn bị hồ sơ còn thiếu sót. 

Cơ quan quản lý nhà nước sẽ có những biện pháp gì để tháo gỡ khó khăn cho các DN trong thời gian tới? Theo bà, cần có những biện pháp gì để phát huy tinh thần cải cách của Luật trong thực tiễn đời sống?

Cần nhìn nhận khách quan rằng, việc triển khai thực hiện Luật trên phạm vi rộng bao giờ cũng cần thời gian để thích ứng cho cả cộng đồng lẫn cơ quan quản lý nhà nước. Đối với Luật Doanh nghiệp 2014, không tránh khỏi việc DN lúng túng, chưa quen với tinh thần cải cách của Luật. Phần lớn DN chưa có sự chuẩn bị để thay đổi cách thức, phương thức tiến hành hoạt động kinh doanh phù hợp.

Đối với cơ quan quản lý nhà nước, tôi cho rằng, Luật Doanh nghiệp 2014 chỉ thực sự phát huy được hiệu quả khi tất cả các cơ quan quản lý liên quan hiểu rõ, hiểu đúng nội dung của Luật và chủ động thay đổi phương thức, cách thức quản lý nhà nước để hướng dẫn, hỗ trợ, tạo điều kiện cho DN thực hiện đúng những quyền và nghĩa vụ của mình, nâng cao lòng tin của DN vào tinh thần cải cách của Luật.  Như vậy, kết quả triển khai Luật Doanh nghiệp 2014 phụ thuộc rất lớn vào sự sẵn sàng, chủ động áp dụng của cả cơ quan quản lý nhà nước và DN trong thời gian tới.

Không được từ chối đăng ký kinh doanh
Trừ phi rơi vào các ngành nghề cấm kinh doanh, doanh nghiệp có quyền đề xuất bất cứ ngành nghề gì, kể cả không có tên trong Hệ thống Ngành nghề...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư