Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
Luật hóa trách nhiệm cơ quan thu hồi đất
Mạnh Bôn - 18/06/2013 06:44
 
Quốc hội đã kết thúc phần thảo luận vào Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi. Theo quan điểm của nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH), nếu trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong việc quyết định thu hồi đất, cưỡng chế thu hồi đất quy định mờ nhạt như Dự thảo thì tình trạng khiếu nại, khiếu kiện về đất đai khó có thể đẩy lùi.
TIN LIÊN QUAN

Bà Nguyễn Thị Khá, ĐBQH tỉnh Trà Vinh cho rằng, cưỡng chế thu hồi đất là công việc khó khăn nhất, phức tạp nhất, không chỉ mất rất nhiều thời gian, công sức mà với những vụ thu hồi đất kéo dài, việc cưỡng chế ảnh hưởng, tác động vô cùng lớn tới dư luận xã hội theo chiều hướng xấu.

Bà Nguyễn Thị Khá, Đại biểu Quốc hội tỉnh Trà Vinh

Theo Dự thảo Luật đất đai sửa đổi, trường hợp người có đất bị thu hồi không phối hợp với tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng thì đại diện của tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng, UBND cấp xã và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã nơi có đất thu hồi tổ chức vận động, thuyết phục.

Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày đã tổ chức vận động, thuyết phục mà người sử dụng đất vẫn không hợp tác thì chủ tịch UBND cấp huyện ban hành quyết định kiểm đếm diện tích đất và tài sản trên đất bắt buộc.

Trường hợp người bị thu hồi đất vẫn không chấp hành thì chủ tịch UBND cấp huyện ban hành quyết định cưỡng chế và tổ chức cưỡng chế.

Theo bà Khá, quy định này chỉ có thể áp dụng trong trường hợp chỉ còn một tỷ lệ rất ít số người bị cưỡng chế không chấp hành, nhưng với trường hợp có đến 30% hoặc hơn 30% số người có đất bị thu hồi không chấp hành cho dù đã thực hiện đủ quy trình “thuyết phục, giáo dục, động viên” thì không thể áp dụng.

Bà Khá cho rằng, nếu có tỷ lệ người bị thu hồi đất không chấp hành quyết định cưỡng chế thì các cấp, các ngành và tổ chức chính trị xã hội tại địa phương phải tổ chức đối thoại trực tiếp đối với người bị ảnh hưởng, tác động do cưỡng chế để tìm hiểu lý do, nguyên nhân tại sao lại không thực hiện. Họ không giao mặt bằng có thể do quyền lợi bị xâm phạm, cũng có thể do bị kẻ xấu lợi dụng, lôi kéo.

“Vì vậy, nếu cứng nhắc thực hiện như Dự thảo sẽ dễ dẫn đến gây bất bình trong dân chúng và gây thất thoát tài sản nhà nước, tài sản công dân, tạo dư luận không tốt và là kẻ xấu lợi dụng”, bà Khá nói.

Cũng theo bá Khá, trong nhiều trường hợp, người dân có đất bị thu hồi không chấp hành quyết định cưỡng chế còn do các cấp chính quyền địa phương, cá nhân người ra quyết định thu hồi đất không thực hiện đúng các quy định về đất đai.

“Tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về đất đai bị xử lý theo pháp luật, thế còn những người có thể do vô tình, hoặc cố ý trong tham mưu, ra quyết định sai về quy hoạch, thu hồi đất, vi phạm pháp luật về đất đai thì bị xử lý xử phạt thế nào?”, bà Khá đặt câu hỏi.

ĐBQH tỉnh Thừa Thiên - Huế, ông Đồng Hữu Mạo đề nghị phải luật hóa trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, các cấp, các ngành trong việc thu hồi đất của tổ chức, cá nhân.

Đại biểu tỉnh Thừa Thiên - Huế, ông Đồng Hữu Mạo

“Người dân có đất bị thu hồi đều bị ảnh hưởng không tốt tới đời sống, sinh hoạt cũng như thu nhập. Vì vậy, đi đôi với giao quyền cho cơ quan thu hồi đất cũng phải luật hóa trách nhiệm của cơ quan thu hồi đất để tránh lạm dụng, làm sai quy định gây thiệt hại cho người có đất bị thu hồi”, ông Mạo kiến nghị.

Theo ông Mạo, cơ quan có thẩm quyền, người có thẩm quyền ra quyết định thu hồi đất, cưỡng chế thu hồi đất gây thiệt hại cho người dân phải có trách nhiệm bồi thường.

“Phải xử lý thật nặng đối với tổ chức, cá nhân thu hồi đất sai quy định. Bởi thu hồi đất sai quy định không chỉ gây thiệt hại vật chất cho người dân, mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng tới dư luận xã hội, với lòng tin của người dân với chế độ”, ông Mạo nói.

Đồng tình với quan điểm này, bà Khá đề nghị, Luật Đất đai phải có chế tài quy định trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức, cá nhân đại diện Nhà nước làm sai, tham mưu sai, đề xuất sai, quyết định sai trong việc thu hồi đất chưa đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự phải có trách nhiêm bồi thường, khắc phục hậu quả cho tổ chức, cá nhân bị thu hồi đất sai quy định.

“Chỉ có như vậy mới hạn chế được tình trạng người dân sử dụng đất đúng mục đích, không vi phạm pháp luật, tự nhiên lại có quyết định thu hồi đất, đem đấu giá cho người khác sử dụng gây bất bình trong dư luận xã hội như vụ Tiên Lãng, Hải Phòng”, bà Khá phát biểu.

Theo ghi nhận, đã có hơn 7 triệu lượt người dân đóng góp ý kiến vào Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư