Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Luật Quy hoạch đã được rà soát, chỉnh sửa, hoàn thiện về mặt kỹ thuật
Mạnh Bôn - 24/11/2017 08:51
 
Ông Đinh Thanh Tâm, Phó vụ trưởng Vụ Quản lý quy hoạch (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, các cơ quan hữu quan đã tiến hành rà soát kỹ thuật, tiếp thu, giải trình toàn bộ Dự thảo Luật Quy hoạch, chỉ còn chờ Quốc hội thông qua vào hôm nay (24/11).
TIN LIÊN QUAN

Thưa ông, tiến trình rà soát Dự thảo Luật Quy hoạch lần cuối đã thực hiện đến đâu?

Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Thường trực Ủy ban Pháp luật đã chủ trì, phối hợp với Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, cơ quan chủ trì soạn thảo (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ tiến hành rà soát kỹ thuật văn bản, bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất với hệ thống pháp luật đối với Dự thảo Luật Quy hoạch.

.
.

Đại diện các cơ quan tham gia rà soát thống nhất với những nội dung đã được rà soát, chỉnh sửa, hoàn thiện về mặt kỹ thuật của Dự thảo để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội xem xét, thông qua.

Để Luật Quy hoạch đi vào cuộc sống, cần phải sửa đổi, bổ sung một số luật ngay trong Luật Quy hoạch. Vấn đề này được giải quyết ra sao?

Theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, khi ban hành văn bản quy phạm pháp luật, phải sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ văn bản, phần, chương, mục, tiểu mục, điều, khoản, điểm của văn bản quy phạm pháp luật đã ban hành trái với quy định của văn bản mới ngay trong văn bản mới đó.

Trường hợp chưa thể sửa đổi, bổ sung ngay, thì phải xác định rõ trong văn bản mới danh mục văn bản, phần, chương, mục, tiểu mục, điều, khoản, điểm của văn bản quy phạm pháp luật đã ban hành trái với quy định của văn bản quy phạm pháp luật mới và có trách nhiệm sửa đổi, bổ sung trước khi văn bản quy phạm pháp luật mới có hiệu lực.

Thực hiện quy định này, Dự thảo Luật Quy hoạch trước đó đã liệt kê các điều, khoản của 25 luật, bộ luật có quy định về quy hoạch cần sửa đổi. Tuy nhiên, khi rà soát từng điều, khoản, điểm cụ thể của các luật cần sửa đổi, thì nhiều nội dung có ý kiến rất khác nhau, có ý kiến cho rằng phải sửa, có ý kiến cho rằng không phải sửa, ý kiến khác lại cho rằng không phải sửa mà cần bổ sung quy định mới. Các cơ quan hữu quan chưa có sự thống nhất và chắc chắn về nội dung cần sửa đổi, bổ sung, mặc dù đều thống nhất phải sửa đổi, bổ sung 25 luật.

Theo ông, cần làm gì để đảm bảo sự ổn định trong quy định của Luật Quy hoạch?

 Để xử lý vấn đề này, Thường trực Ủy ban Pháp luật, Thường trực Ủy ban Kinh tế và Cơ quan soạn thảo thống nhất danh mục 25 luật (quy định cụ thể tại Phụ lục 3 ban hành kèm theo Luật Quy hoạch) cần sửa đổi, bổ sung, nhưng đề nghị không liệt kê cụ thể các điều, khoản, điểm cần sửa đổi của các luật như Dự thảo cũ. Thay vào đó, giao Chính phủ, trên cơ sở rà soát tổng thể các luật, sẽ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội để trình Quốc hội xem xét, quyết định sửa đổi các nội dung cụ thể của từng luật. Quy định như vậy, theo tôi, bảo đảm sự linh hoạt cho Chính phủ và ổn định trong quy định của Luật Quy hoạch.

Nhằm bảo đảm phù hợp với Luật Quy hoạch và có hiệu lực thi hành chậm nhất là ngày 1/1/2019, Dự thảo giao Chính phủ rà soát, trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến quy hoạch trong các luật, bộ luật thuộc danh mục quy định tại Phụ lục 3 và các văn bản quy phạm pháp luật khác.

Hiện Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành đang phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tư pháp, bám sát Dự thảo Luật Quy hoạch trình Quốc hội thông qua, tiếp tục rà soát tổng thể các luật thuộc lĩnh vực quản lý, lập đề nghị sửa đổi, bổ sung các luật có quy định về quy hoạch, bảo đảm đồng bộ với Luật Quy hoạch, gửi Bộ Tư pháp tổng hợp, trình Chính phủ tại phiên họp thường kỳ tháng 11/2011, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018.

Với những luật chỉ cần sửa đổi, bổ sung một số ít điều cho phù hợp với Luật Quy hoạch thì sao, thưa ông?

Bên cạnh việc thống kê và công bố danh mục 25 luật cần phải sửa đổi, bổ sung nêu trên, Luật Quy hoạch còn quy định cụ thể từng điểm, khoản, điều thuộc luật nào phải bãi bỏ; trường hợp phải sửa đổi, bổ sung thì cũng quy định cụ thể nội dung sửa đổi, bổ sung ngay trong Luật Quy hoạch.

Ngoài ra, với những luật, pháp lệnh sửa đổi đơn giản hơn, tức là chỉ thay cụm từ “quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội” bằng cụm từ “quy hoạch được cơ quan có thẩm quyền quyết định hoặc phê duyệt”, Luật Quy hoạch cũng quy định luôn luật nào, pháp lệnh nào phải sửa (gồm Luật Quốc phòng; Luật Tần số vô tuyến điện; Luật Biển Việt Nam; Luật Nhà ở; Luật Công an nhân dân; Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; Luật Tiếp cận thông tin; Luật Du lịch...). Văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn các luật này cũng phải sửa tương tự.

Phương án sửa đổi, bổ sung các luật, pháp lệnh liên quan đến quy hoạch như trên bảo đảm sau khi được Quốc hội thông qua, Luật Quy hoạch sẽ đi vào cuộc sống kể từ ngày 1/1/2019.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư