Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 27 tháng 07 năm 2024,
Luật sư chỉ định sẽ có thù lao cao hơn
Duy Hữu - 11/11/2014 14:42
 
Hiện tại mức phí chi cho luật sư chỉ định rất thấp, 120 nghìn/ngày, do đó nhiều luật sư "ngại" án chỉ định.
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
Phó chủ tịch Quốc hội: Nói luật sư chỉ bảo vệ cho người có tiền thì không đúng!
Giới luật sư phản ứng dữ dội với câu nói của đại biểu Đỗ Văn Đương

Bộ Tài chính đang lấy ý kiến về dự thảo thông tư liên tịch Hướng dẫn về thù lao và thanh toán chi phí cho luật sư trong trường hợp luật sư tham gia tố tụng theo yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng (còn gọi là luật sư chỉ định). Hiện tại mức phí chi cho luật sư chỉ định rất thấp, 120 nghìn/ngày, do đó các luật sư phải rất nhiệt tình mới tham gia.

   
  Trong các vụ án mà người phạm tội vị thành niên, hoặc mức án cao nhất tới tử hình, nếu bị cáo không mời luật sư thì Tòa án có nghĩa vụ chỉ định luật sư cho họ (Ảnh minh họa)  

Theo dự thảo của Bộ Tài chính, mức thù lao chi trả cho 1 ngày làm việc của luật sư tham gia tố tụng trong vụ án do cơ quan tiến hành tố tụng yêu cầu là 0,4 lần mức lương cơ sở do Chính phủ quy định. Ngày làm việc của luật sư được tính là 8 giờ.

Như vậy, với mức lương cơ sở hiện nay là 1.150.000 đồng, thù lao một ngày làm việc của luật sư trong vụ án chỉ định sẽ là 460 ngàn đồng.

Cũng theo dự thảo thông tư của Bộ Tài chính, trong trường hợp luật sư làm việc trong nhiều ngày, nhưng mỗi ngày chỉ thực hiện một thời lượng nhất định, thì số ngày làm việc của luật sư được tính trên tổng số giờ làm việc thực tế của luật sư. Số giờ làm việc lẻ còn lại (nếu có) thì sẽ tính thù lao theo giờ, bằng cách: lấy thù lao theo ngày, chia cho 8 giờ rồi nhân với số giờ làm việc.

Nếu như trước kia, thời gian làm việc của luật sư chỉ được tính khi tham dự phiên tòa thì theo dự thảo thông tư này, thời gian làm việc của luật sư được tính bao gồm: Thời gian gặp người bị tạm giữ, bị can, bị cáo; Thời gian thu thập tài liệu, đồ vật, tình tiết liên quan đến việc bào chữa; Thời gian nghiên cứu hồ sơ và chuẩn bị tài liệu tại cơ quan tiến hành tố tụng; Thời gian tham gia phiên tòa (được xác định theo thời gian diễn ra phiên toà xét xử), trong trường hợp phiên toà hoãn xử không phải do yêu cầu của luật sư và luật sư không được báo trước, thì cơ quan tiến hành tố tụng phải có trách nhiệm thanh toán tiền thù lao cho luật sư bằng 1/2 ngày làm việc của luật sư...

Cơ quan tố tụng nào yêu cầu luật sư bào chữa thì lập dự toán và trực tiếp chi trả cho luật sư, cụ thể: Cơ quan điều tra yêu cầu cử luật sư tham gia vụ án ở giai đoạn điều tra, thì cơ quan điều tra có trách nhiệm chi trả cho luật sư đối với những hoạt động của luật sư trong giai đoạn điều tra; Viện Kiểm sát nhân dân có trách nhiệm chi trả cho luật sư đối với những hoạt động của luật sư ở giai đoạn truy tố; Toà án nhân dân có trách nhiệm chi trả cho luật sư đối với những hoạt động của luật sư ở giai đoạn xét xử.

Thời gian chi trả là sau khi kết thúc từng giai đoạn trong tố tụng (điều tra, truy tố, xét xử), luật sư tham gia vụ án hoàn chỉnh chứng từ đề nghị thanh toán thù lao và các khoản chi phí liên quan theo quy định gửi cơ quan tố tụng yêu cầu luật sư tham gia.

Điều 57 Bộ luật Tố tụng Hình sự quy định các cơ quan tố tụng có trách nhiệm chỉ định luật sư bào chữa cho bị can, bị cáo phạm tội có khung hình phạt cao nhất là tử hình và bị can, bị cáo là người chưa thành niên, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư