Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 24 tháng 11 năm 2024,
Luật sư nói về vụ khởi kiện phá sản để đòi nợ
Hữu Tuấn - 28/06/2013 18:49
 
Liên quan đến việc Công ty Tài chính cổ phần Vinaconex - Viettel (VVF) vừa nộp đơn ra tòa yêu cầu mở thủ tục phá sản đối với Công ty Tài chính cổ phần Handico (Hafic), Văn phòng Luật sư Nam Hà Nội với tư cách là luật sư riêng của VVF có ý kiến bằng văn bản gửi Hafic và Toà án Nhân dân TP. Hà Nội.

Thụ lý đơn là đúng quy định

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư điện tử - baodautu.vn, ông Phạm Thanh Sơn, Trưởng Văn phòng Luật sư Nam Hà Nội khẳng định, việc Hafic cho rằng, không có căn cứ pháp luật để mở thủ tục phá sản đối với Hafic là hoàn toàn sai so với quy định của pháp luật.

Theo ông Sơn, với tư cách là chủ nợ không có bảo đảm, VVF hoàn toàn được quyền đệ đơn yêu cầu Tòa án mở thủ tục phá sản Hafic khi “nhận thấy” Hafic mất khả năng thanh toán nợ. Khoản 1, Điều 13, Luật Phá sản năm 2004 quy định rõ: “Khi nhận thấy doanh nghiệp, hợp tác xã lâm vào tình trạng phá sản, các chủ nợ không có bảo đảm, hoặc có bảo đảm một phần đều có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản đối với doanh nghiệp, hợp tác xã đó”.

Như vậy, VVF chỉ cần “nhận thấy” Hafic mất khả năng thanh toán nợ là đã được quyền đệ đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản đối với Hafic mà không cần bất kỳ một kết luận của cơ quan chức năng nào. Nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của chủ nợ, pháp luật không bắt buộc chủ nợ phải đưa ra bất kỳ một kết luận, một công bố nào của cơ quan nhà nước nhằm cản trở mục đích yêu cầu thanh toán nợ.

Bên cạnh đó, với tư cách là cơ quan tiến hành tố tụng, việc thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản của Tòa án Nhân dân TP. Hà Nội đối với Hafic là hoàn toàn đúng quy định pháp luật.

Theo Điều 22, Luật Phá sản năm 2004, điều kiện để toà án nhân dân cấp có thẩm quyền thụ lý đơn là chủ nợ không có bảo đảm, đã chuẩn bị hồ sơ đầy đủ theo quy định của pháp luật và đã nộp tiền tạm ứng phí phá sản.

VVF đã đáp ứng đầy đủ các yêu cầu, điều kiện nêu trên, nên toà án nhân dân cấp có thẩm quyền sẽ thụ lý đơn theo đúng trình tự thủ tục tố tụng. Đây vừa là trách nhiệm, vừa là quyền hạn của tòa án nhằm bảo vệ lẽ phải, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự.

“Việc Hafic trích dẫn Điều 4, Nghị định 05/2010/NĐ - CP để cho rằng, không đủ điều kiện xác định Hafic lâm vào tình trạng phá sản, nên không có căn cứ mở thủ tục phá sản là hoàn toàn nhầm lẫn về kiến thức pháp luật, bởi theo Điều 12, Nghị định 05/2010/NĐ - CP (thông báo việc thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản), trong thời hạn 5 ngày, kể từ ngày thụ lý đơn, Tòa án phải thông báo cho Ngân hàng Nhà nước biết. Chậm nhất 15 ngày, kể từ ngày nhận được thông báo của tòa án, Ngân hàng Nhà nước phải có văn bản về việc có, hoặc không áp dụng, hoặc chấm dứt áp dụng biện pháp phục hồi khả năng thanh toán của tổ chức tín dụng, hoặc chấm dứt áp dụng kiểm soát đặc biệt”, ông Sơn cho biết.

Đại diện Văn phòng Luật sư Nam Hà Nội cho rằng, việc xin ý kiến của Ngân hàng Nhà nước là bước sau, bước tiếp theo của thông báo thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản. Hafic đang nhầm lẫn khái niệm “thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản” với khái niệm “được coi là lâm vào tình trạng phá sản”. Việc xem xét và kết luận Hafic lâm vào tình trạng phá sản là nội dung của bước tố tụng tiếp theo của quá trình mở thủ tục tuyên phá sản Hafic, chứ không phải ở bước hiện tại.

Nói cách khác, Hafic đang nhầm lẫn giữa bước trước và bước sau trong quá trình giải quyết một vụ phá sản.

Ai vi phạm hợp đồng?

Về quan điểm Hafic cho rằng, VVF “bỏ qua thủ tục đàm phán thương lượng, hòa giải với Hafic, không sử dụng đến quyền khởi kiện dân sự để đòi nợ, mà đơn phương nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản đối với Hafic là việc làm không có căn cứ, thiếu thiện chí, vi phạm hợp đồng, vi phạm thỏa thuận ký kết giữa hai bên”, đại diện pháp luật cho VVF khẳng định là hoàn toàn sai, không đảm bảo đạo đức trong kinh doanh.

Cụ thể, VVF đã nhiều lần đốc thúc, nhắc nhở Hafic về việc thực hiện nghĩa vụ bằng văn bản, bằng việc làm việc trực tiếp. VVF đã tạo điều kiện hết sức để Hafic có thể thực hiện nghĩa vụ trả nợ, như gia hạn thời gian trả nợ; áp dụng giảm mức lãi suất; tổ chức rất nhiều buổi làm việc để tạo điều kiện cho Hafic giải trình khó khăn, cũng như cam kết về lộ trình trả nợ; gửi công văn đến các tổ chức tín dụng khác đề nghị phối hợp hỗ trợ Hafic.

Ngày 9/5/2013, VVF đã gửi Công văn 160/VVF-QLKDV về việc đặt lịch làm việc với Ban lãnh đạo của Hafic. Tuy nhiên, cùng ngày, Hafic có Công văn 185/CV-CT về việc phúc đáp Công văn 160/VVF-QLKDV về việc dời lịch làm việc và sau đó đã trì hoãn với lý do Ban lãnh đạo có việc bận và không thể tiến hành đàm phán.

“Chính Hafic mới là bên vi phạm hợp đồng, là bên không thiện chí, không hợp tác, cố tình chây ì, viện dẫn lý do không thực hiện nghĩa vụ. Hafic là một tổ chức tín dụng, nhưng không trọng chữ tín. Việc VVF buộc phải nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản đối với Hafic chính vì thái độ bất tín, cách hành xử thiếu nhân văn và vi phạm nghiêm trọng đạo đức kinh doanh của Hafic”, ông Sơn khẳng định.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư