Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 24 tháng 11 năm 2024,
Lương cao quá, sức hút đầu tư sẽ giảm
Nhã Nam - 29/09/2013 19:09
 
Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam khẳng định, bao giờ chúng ta cũng muốn người lao động hưởng lương cao, nhưng nếu cao quá thì sức hút đầu tư sẽ giảm đi. Lương tối thiểu vùng năm 2014 sẽ tăng bao nhiêu?

Trả lời câu hỏi của phóng viên liên quan đến các đề xuất về phương án điều chỉnh lương cho người lao động trong các doanh nghiệp tại phiên họp báo thường kỳ Chính phủ tháng 9/2013, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam cho biết, vấn đề lương của doanh nghiệp có tính hai mặt.

Điều chỉnh lương phải cân đối, hài hòa, nếu lương cao quá,
sức hút đầu tư sẽ giảm (Ảnh minh họa)

“Bao giờ chúng ta cũng muốn người lao động hưởng lương cao, nhưng nếu cao quá thì sức hút đầu tư sẽ giảm đi. Chúng ta thường nói, Việt Nam có nhiều lợi thế thu hút đầu tư, trong đó có lợi thế là người Việt Nam cần cù, sáng tạo và lương thấp. Vì vậy, điều chỉnh thì phải rất cân đối, hài hòa”, Bộ trưởng Vũ Đức Đam nói.

Theo Bộ trưởng, việc tăng lương được tính toán dựa trên tốc độ tăng trưởng kinh tế, lạm phát… Tuy nhiên, hiện nay, sức ép về ngân sách là rất lớn. Doanh nghiệp cũng chịu sức ép nếu lương tăng cao.

“Đối với doanh nghiệp, cần cân đối, nếu tăng lương cao quá thì sẽ không còn sức cạnh tranh. Còn khu vực lương dùng ngân sách, nếu tăng cao thì ngân sách không có, vì chi thường xuyên chiếm 65% tổng chi, trong đó hơn một nửa là chi cho lương”, Bộ trưởng Vũ Đức Đam nói.

Được biết, trung tuần tháng 9 vừa qua, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) đã dự thảo Nghị định để trình Chính phủ phương án tăng lương tối thiểu vùng năm 2014, áp dụng đối với người lao động tại khối doanh nghiệp.

Theo dự thảo, mức lương tối thiểu sẽ chỉ tăng từ 250.000 - 400.000 đồng.
Trong đó, lương vùng I - III tăng 17% so với năm 2013, riêng vùng IV tăng 15% so với năm 2013.

Cụ thể, đối với doanh nghiệp hoạt động tại vùng I tăng từ 2,35 triệu đồng/tháng lên 2,75 triệu đồng/tháng, vùng II từ 2,1 triệu đồng lên 2,45 triệu đồng/tháng, vùng III từ 1,8 triệu đồng lên 2,1 triệu đồng/tháng và vùng IV từ 1,65 triệu đồng lên 1,9 triệu đồng/tháng.

Như vậy, theo Dự thảo, mức lương tối thiểu năm 2014 được điều chỉnh với mức tăng tương đương như mức tăng của năm 2013 so với năm 2012 (từ 16-18% tùy theo vùng) và thấp bằng 1 nửa so với 2 phương án điều chỉnh mà Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề xuất trước đó (tăng từ 21-36%).

Khi các phương án điều chỉnh lương được đệ trình, người lao động luôn lo lắng lương không đuổi kịp tốc độ tăng giá. Nhưng ngược lại, chủ doanh nghiệp lại quan ngại về việc lương tăng sẽ ảnh hưởng đến chi phí đầu vào, nhất là trong bối cảnh kinh tế khó khăn hiện nay.

Những năm gần đây, các nhà đầu tư nước ngoài cũng thường bày tỏ sự quan ngại khi mức lương tối thiểu cho người lao động không ngừng tăng. Điều này được cho là sẽ làm giảm sức cạnh tranh của Việt Nam trong thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Đừng dồn gánh nặng lên doanh nghiệp
Quy định yêu cầu người sử dụng lao động đóng 1% quỹ tiền lương, trong khi ngân sách nhà nước chỉ hỗ trợ tối đa 1% tổng quỹ lương cho những...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư