Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Luồng vốn lớn đổ vào công nghệ giáo dục
Hữu Tuấn - 31/08/2021 08:12
 
Thị trường công nghệ giáo dục (edtech) tại Việt Nam đang nhận được nguồn vốn đầu tư lớn từ các nhà đầu tư quốc tế để chuẩn bị cho giai đoạn bùng nổ trong thời gian không xa.
Xu thế học online đang mở ra nhiều cơ hội cho thị trường edtech.

Dồn dập thương vụ đầu tư

Start-up Educa vừa nhận 2 triệu USD tại vòng gọi vốn Series A từ Redefine Capital Fund (Singapore) - quỹ đầu tư được hậu thuẫn bởi Alibaba và Ant Financial. Mới đây, nền tảng giáo dục trực tuyến Vuihoc cũng nhận vốn từ Quỹ đầu tư mạo hiểm Do Venture, giá trị thương vụ không được tiết lộ.

Trước đó, thị trường edtech tại Việt Nam dậy sóng khi Quỹ đầu tư KKR rót 100 triệu USD vào Tập đoàn Giáo dục EQuest - đơn vị sở hữu hệ thống trường phổ thông song ngữ từ lớp 1 tới lớp 12, hệ thống trường đại học và cao đẳng dạy nghề, trung tâm đào tạo tiếng Anh và các giải pháp công nghệ giáo dục.

Bên cạnh đó, hàng loạt thương vụ đầu tư vào edtech được ghi nhận như: ứng dụng học tiếng Anh ELSA huy động thành công 15 triệu USD (vòng Series B) từ các nhà đầu tư do Vietnam Investments Group và SIG đồng dẫn đầu; NPX Point Avenue nhận được 12 triệu USD (vòng Series A);  Marathon huy động được 1,5 triệu USD từ Forge Ventures; Astrid vừa kêu gọi đầu tư thêm 4 triệu USD; Manabie sẽ nhận 3 triệu USD từ Do Ventures, Genesia Ventures, Chiba Dojo và các nhà đầu tư khác; Edmicro huy động được vốn từ Beenext...

Không khó để nhận thấy, đang có một làn sóng dịch chuyển vốn đầu tư vào lĩnh vực edtech tại Việt Nam thông qua các hình thức rót vốn, mua bán - sáp nhập (M&A). Tổ chức Edtech Agency cho biết, Việt Nam đang là một trong số 10 thị trường có tốc độ tăng trưởng edtech lớn nhất thế giới. Các báo cáo của Do Ventures cũng nhận định, edtech là lĩnh vực đang được đầu tư nhiều thứ 3 tại Việt Nam. Tổng vốn đầu tư mạo hiểm vào lĩnh vực này trong giai đoạn 2019 - 2020 là 103 triệu USD, chỉ đứng sau sau thanh toán (462 triệu USD) và bán lẻ (416 triệu USD).

Vì sao edtech Việt hút khối ngoại?

Quan sát thị trường edtech tại Việt Nam thời gian qua, có thể thấy, bên chủ động rót vốn là các quỹ đầu tư, nhà đầu tư nước ngoài. Hiện nay, tại Việt Nam có hơn 200 doanh nghiệp trong và ngoài nước đang khai thác lĩnh vực giáo dục trực tuyến. Cả nước có hơn 2 triệu người dùng các chương trình học online, lượng người dùng Internet rất lớn với 68,17 triệu người, chiếm khoảng 70% dân số. Năm 2020, chi đầu tư cho giáo dục khoảng 258.700 tỷ đồng... Với những con số này, khối ngoại đánh giá, Việt Nam là môi trường để edtech bùng nổ trong những năm tới.

Theo ông Nguyễn Mạnh Dũng, đồng sáng lập Do Ventures, tiềm năng phát triển của thị trường edtech Việt Nam bắt nguồn từ quỹ đạo phát triển chung của châu Á và Đông Nam Á. Bên cạnh Trung Quốc và Ấn Độ, Đông Nam Á là khu vực có điều kiện thuận lợi cho edtech phát triển bởi quy mô dân số trẻ, kinh tế tăng trưởng nhanh, mật độ sử dụng điện thoại thông minh ngày càng cao và độ phủ Internet tốt.

“Việc chuyển sang môi trường học online là một xu thế không thể thay đổi. Covid-19 chính là cơ hội để mảng thị trường edtech bùng nổ tại Việt Nam”, ông Dũng nhận xét.

Chuyên gia giáo dục, PGS-TS. Nguyễn Quý Dy cũng khẳng định tiềm năng trong lĩnh vực đầu tư giáo dục tại thị trường Việt Nam với 4,9 triệu học sinh mầm non; 16,9 triệu học sinh bậc phổ thông và 1,7 triệu học sinh ở các bậc cao hơn. “Con số trên 500 dự án hợp tác đầu tư còn hiệu lực của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục với tổng vốn đầu tư lên tới trên 4,4 tỷ USD chưa phản ánh hết tiềm năng và cơ hội đầu tư cho giáo dục, trong đó có lĩnh vực edtech”, PGS-TS. Nguyễn Quý Dy nhận định.

Từ góc nhìn của nhà đầu tư, ông Wing Vasiksiri, Giám đốc iSeed SEA cho biết: “ iSeed SEA đặt kỳ vọng rất lớn vào tiềm năng của thị trường edtech ở Việt Nam, do nền văn hóa chú trọng đầu tư vào giáo dục của người Việt và dân số trẻ. Covid-19 cũng thay đổi mô hình học trên toàn thế giới từ offline sang online…”.

Tại Việt Nam, đối tượng khách hàng của edtech rất rộng, từ bậc mẫu giáo cho đến người đi làm. Trước đây, thị trường chủ yếu nghiêng về nhóm giáo dục phổ thông, nhưng gần đây, nhóm sinh viên và người đi làm đang rất sôi động. Các chuyên gia nhận định, nếu các doanh nghiệp edtech có nhiều sản phẩm tốt phục vụ nhóm khách hàng này, thì sẽ có nhiều cơ hội hút vốn đầu tư, M&A cao hơn doanh nghiệp trong các mảng khác.

Năm 2020, khoảng 227 tỷ USD đã được chi cho kỹ thuật số trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo trên toàn cầu và sẽ tăng lên mức 404 tỷ USD vào năm 2025.

Ken Research dự báo, quy mô thị trường giáo dục trực tuyến của Việt Nam đạt 3 tỷ USD vào năm 2023 với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm khoảng 20,2% trong giai đoạn 2019 - 2023.
Xu thế kinh doanh platform: Tới thời của các doanh nghiệp công nghệ giáo dục
Không ngoa khi nói bây giờ là thời đại thống trị của các nền tảng công nghệ (platform) từ những“ông lớn” như Facebook cho tới Uber hay Airbnb…...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư