Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Lý do tôi quyết rời chung cư xuống mặt đất
Xuân Tùng (VnExpress) - 08/06/2018 08:38
 
Vài lần dắt xe vào nhà để xe của khu chung cư, anh T bị đầu thuốc lá từ trên tầng cao ném xuống trúng người và xe.
Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet
Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet

Dưới đây là chia sẻ của anh X.T, 40 tuổi, hiện sống tại Hà Nội.

Sau bao thời gian ở trọ, đến năm 2011, vợ chồng tôi đã lần đầu tiên có nhà Hà Nội. Chúng tôi mua một căn hộ chung cư rộng hơn 70 m2 giá 1,2 tỷ ở Đền Lừ, Hoàng Mai, Hà Nội. Khu chung cư này lúc đó đã được đưa vào sử dụng vài năm. Một phần không nhỏ cư dân ở đây là tái định cư, nhà cửa bị giải tỏa do việc xây dựng cầu Vĩnh Tuy. Qua năm tháng, các căn hộ đã được mua đi bán lại qua tay nhiều chủ. Nhiều gia đình trẻ, thu nhập trung bình như gia đình chúng tôi cũng chọn đây là nơi an cư cho mình. Ngoài ra, một số chủ nhà không ở mà cho người khác thuê lại. Trình độ dân trí của cư dân ở đây khá phức tạp. Người làm buôn bán, người làm thợ, người làm văn phòng...

Gia đình tôi cũng kết thân được với một vài hàng xóm trong khu chung cư. Tuy nhiên, nhiều hàng xóm ý thức sống trong cộng đồng kém, khiến tôi cảm thấy mất vui khi về nhà.

Sau khi mua nhà, tôi tốn thêm gần 100 triệu sửa chữa nhà như lát sàn gỗ, phá bớt mấy bức tường để phòng khách - nhà bếp thông nhau, và thay mấy món đồ nội thất nhà tắm quá cũ. Tuy nhiên, tôi có sai lầm là không động chạm gì đến trần nhà, một phần trần nhà không cao nên tôi không nghĩ đến việc lắp thêm các tấm thạch cao. Vậy là những khi hàng xóm ở tầng trên chạy nhảy mạnh, hay kê đồ mạnh, tôi đều nghe thấy và cảm thấy đau đầu. Căn hộ đó, chủ nhà không ở mà cho thuê. Ban đầu là mấy bạn trẻ độc thân, hay tập tạ và khiêu vũ uỳnh uỳnh trong nhà, tôi phải lên nhắc nhở. Sau đó, khách thuê là một gia đình trẻ, con quậy phá vô cùng. Hai vợ chồng không rõ làm nghề gì nhưng cũng hay có những hành động không được nhẹ nhàng. Một lần tôi định lên phản ánh mà thấy họ dữ dằn, cả hai xăm trổ đầy người, sợ động phải Chí Phèo nên đành nín nhịn đi xuống.

Ngoài việc thỉnh thoảng vẫn phải chịu đựng những tiếng ầm ầm từ trên đầu mình, còn nhiều thói quen xấu khác của hàng xóm khiến tôi cảm thấy không thích sống ở đây. Tôi vẫn còn nhớ hồi bé, đến nhà đứa bạn sống ở khu chung cư 4 tầng của thị xã, tôi từng chứng kiến cảnh người ta đổ cả thùng nước từ tầng cao xuống sân. Tôi nghĩ chỉ ở quê và dân trí còn thấp người ta mới đổ nước vô văn hóa như vậy, ở thủ đô sẽ khác. Nhưng không, tại chung cư của tôi, tuy chưa có tình trạng đổ cả xô nước như vậy nhưng nhiều người vẫn tiện tay hắt cặn cốc nước qua cửa sổ.

Cùng với nước thì có nhiều thứ được người ta hồn nhiên ném từ tầng cao xuống đất. Bọn trẻ nhỏ có thể ném vỏ hộp sữa, ống hút, mấy bà già thì ném cái tăm, mẩu giấy ăn nhỏ xíu. Đặc biệt các ông bố đứng hút thuốc ngoài ban công rồi gẩy tàn thuốc lá hay đầu mẩu thuốc lá từ trên cao xuống dưới. Thỉnh thoảng ban công nhà tôi vẫn nhận được những thứ rác từ trên trời rơi xuống đó. Tôi bực bội nhất là thỉnh thoảng thằng con tôi cũng ném chai lọ, hộp sữa qua cửa sổ để nhanh hơn đi ra thùng rác. Tôi phạt thì nó gào lên "con thấy bạn X, chú Y cũng làm thế".

Chính bản thân tôi, hơn một lần dắt xe ra vào nhà gửi xe, đã bị đầu mẩu thuốc lá ném trúng mũ bảo hiểm và yên xe. Nhiều ông hút thuốc lá còn nghiện và liều lĩnh đến mức hút ngay trong nhà để xe. Vài lần họp dân cư chung cư, tôi có nêu ý kiến không hút thuốc trong nhà để xe, rất nguy hiểm nhưng đâu vẫn hoàn đấy. Có lẽ vì hồi đó, chưa có nhiều vụ cháy như bây giờ nên người dân khu tôi không thấy sợ.

"Điếc không sợ súng", thậm chí bác hàng xóm cùng tầng nhà tôi còn không ngại hóa vàng mã ngay trong nhà, ở ban công và cả trong cầu thang bộ của chung cư, dù dưới sân người ta đã xây sẵn một cái lò. Tôi nhắc nhở thì các bác cười xòa, bảo lát bác hót tàn tro đi, yên tâm không bay lung tung đâu.

Lúc mua nhà, tôi chọn căn góc để có nhiều ánh sáng và gió, nhưng thật không may, căn nhà tôi nằm ngay cạnh phòng đổ rác của tầng. Các gia đình sẽ đổ rác xuống đây rồi rác trôi theo đường ống, đi xuống tầng trệt chung cư để nhân viên vệ sinh thu dọn. Nhiều người đổ rác xong quên đóng cửa, hoặc buộc rác không kỹ, để rác và nước bẩn rơi vãi trên sàn hành lang, mùi hôi theo hướng gió bay vào nhà tôi. Tôi bỗng trở thành người đi sau dọn rác cho họ.

Vợ chồng tôi đều là người cẩn thận, ưa sạch sẽ, dù chúng tôi giữ nhà mình sạch mà hành lang bẩn thì rồi nhà chúng tôi vẫn bẩn. Tôi cũng sợ những tai nạn do lỗi bất cẩn của hàng xóm gây ra, như nguy cơ cháy nổ hay tai nạn do bị đồ đạc từ trên ném trúng. Tôi vẫn còn nhớ, hồi tháng 7/2012, một gia đình đi vắng quên không đóng cửa sổ, gió bão làm vỡ cửa kính, rơi xuống sân chung cư. May lúc ấy không có người qua lại khu vực đó nên không có điều đáng tiếc gì xảy ra.

Tôi nghĩ, nếu mình bất cẩn, mình phải gánh chịu hậu quả là điều rất bình thường. Thế nhưng, gánh chịu hậu quả do thói bất cẩn của người khác thì thật không thể chịu nổi. Vì thế, sau 5 năm "sống chung với lũ" ở chung cư, tích cóp được ít tiền, tôi đã bán căn hộ đi, để mua một ngôi nhà 3 tầng, diện tích đất 45m2 cũng ở Hoàng Mai, Hà Nội. Được ở nhà riêng, không còn phải lo về những bất cẩn của hàng xóm, tôi thấy cuộc sống dễ chịu hơn hẳn.

Mua nhà chủ yếu bằng tiền vay, tôi phải bán đi mới thoát cảnh lao đao
Vay 70% giá trị ngôi nhà, hằng tháng, vợ chồng anh Tuyên phải co kéo để dồn tiền trả góp và càng lao đao khi có việc phát sinh.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư