Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 06 tháng 10 năm 2024,
M&A: Đâu là thực sự, đâu là toan tính?
Đ.T - 29/08/2013 12:41
 
 Con đường M&A sau gần 30 năm cải cách kinh tế Việt Nam đến lúc này có thể được xem là động lực phát triển cho chu kỳ kinh tế tiếp theo của Việt Nam. Trong đó, các doanh nghiệp tư nhân nội địa sẽ phải hợp tác cùng nhau trong theo nhiều phương thức, để gia tăng quy mô và năng lực cạnh tranh hoặc sẽ phải chọn lựa việc chuyển giao cho các công ty nước ngoài. M&A 2013: Hứa hẹn những thương vụ khủng

Những toan tính thời cơ

Năm 2011, Công ty CP Masan Food (thuộc Masan Group – MSN) sau những thành công bước đầu trên thị trường hàng tiêu dùng Việt Nam đã có kế hoạch đa dạng hóa hoạt động bằng cách lấn sân sang những “mặt hàng tiêu dùng nhanh” khác. Đây chính là tiền đề hình thành Masan Consumer, một trong những đại gia hàng đầu của ngành hàng này hiện nay tại Việt Nam.

Ngay sau đó, chỉ trong vòng 2 năm ba công ty tiêu dùng lớn của Việt Nam là Vinacafe, Proconco và Vĩnh Hảo đã “lọt vào tầm ngắm” của Masan Consumer giữa lúc tình hình kinh tế ảm đạm. Và trong tháng 4/2013 vừa qua, công ty này cũng thông báo sắp hoàn tất thêm thương vụ mua lại Bia Phú Yên, một công ty chuyên sản xuất bia cho Sabeco (nhà sản xuất bia lớn nhất Việt Nam).

Masan Group – MSN chủ động nhắm đến những thị trường có nhiều tiềm năng như khai khoáng

Nổi tiếng là người biết chọn sân chơi và biết cách thương lượng trong các thương vụ mua bán, lãnh đạo Masan đã có sự quan tâm đặc biệt đến ngành thực phẩm và đồ uống. Bởi lẽ, đây là lĩnh vực có thể nhấc Masan lên vị trí thống trị, với quy mô thị trường này được đánh giá có thể đạt doanh thu ít nhất 500 triệu USD và tổng chi tiêu tiêu dùng dự kiến sẽ tăng 173 tỷ USD trước năm 2020. Nói cách khác, đây là thị trường sẽ giúp Masan có khả năng xây dựng nhiều thương hiệu cao cấp và tạo ra tỷ suất lợi nhuận cao.

Không chỉ nhắm đến ngành hàng tiêu dùng, MSN còn nhắm đến những thị trường có nhiều tiềm năng như khai khoáng. Minh chứng là dự án Núi Pháo (Thái Nguyên) - mỏ vonfram có trữ lượng lớn nhất thế giới (ngoài Trung Quốc) được MSN mua lại từ nhà đầu tư nước ngoài DC. Dự kiến dự án này có khả năng đóng góp vào doanh thu chung của MSN từ 100-250 triệu USD/năm.

Có thể nói, thông qua Masan Consumer, Masan Group đang bằng mọi giá phát triển những công ty vệ tinh xung quanh mình để cạnh tranh với nhiều công ty đa quốc gia trong lĩnh vực hàng tiêu dùng là Unilever, Nestle, Coca-Cola, Pepsico, Acecook, C.P.

Cùng với Masan Group, một tên tuổi khác cũng áp dụng chiến lược này rất thành công là Công ty cổ phần Đầu tư Thành Thành Công (TTC). Đại gia mía đường này đã gia tăng sở hữu và ảnh hưởng tại hàng loạt công ty mía đường như SBT, BHS, Đường La Ngà và Đường Phan Rang tại khu vực Đông Nam Bộ và tại SEC, NHS và Đường 333 tại khu vực miền trung tây nguyên. Động thái sở hữu chéo và rối rắm này khiến cho dư luận liên tiếng TTC đang lũng đoạn thị trường, với khoảng 40% thị phần.

Tuy nhiên, những gì TTC làm và có hiệu quả khi các công ty đó dần dần có sự hỗ trợ nhau về nguồn mía nguyên liệu đầu vào nhờ khoảng cách rất gần nhau của vùng trồng mía nguyên liệu và nhà máy. Đặc biệt, việc hợp nhất sẽ giúp giảm bớt sự cạnh tranh về nguồn mía nguyên liệu đầu vào giữa các nhà máy đường, giúp gia tăng lợi nhuận của các công ty. Bên cạnh đó, có thể điểm đến một số tên tuổi khác như Công ty CP Thủy sản Hùng Vương, Công ty CP Sữa Việt Nam…

Như vậy, Trong 5 năm qua cùng với rất nhiều doanh nghiệp, tập đoàn nước ngoài đến Việt Nam và thực hiện các thương vụ M&A như Tập đoàn Carlberg (Đan Mạch), Tập đoàn SCG (Thái Lan), Tập đoàn Lotte (Hàn Quốc)… thì các doanh nghiệp thuộc khối tư nhân trong nước cũng trỗi dậy với tư cách là bên mua như một đối trọng.

Và đặc điểm chung giữa họ là mua rất nhiều doanh nghiệp cùng ngành, lĩnh vực để tăng trưởng cả về quy mô và chất lượng giá trị gia tăng. Những doanh nghiệp hay áp dụng chiến lược này chủ yếu là sản xuất trong lĩnh vực thực phẩm, tiêu dùng, đồ uống, vật liệu xây dựng hoặc dịch vụ đa ngành mà có tiềm lực tài chính mạnh, kinh nghiệm quản trị không thua kém các công ty đa quốc gia.

Đâu là M&A thực sự

Con đường M&A sau gần 30 năm cải cách kinh tế Việt Nam đến lúc này có thể được xem là động lực phát triển cho chu kỳ kinh tế tiếp theo của Việt Nam (bắt đầu vào năm 2011), thời điểm mà các doanh nghiệp tư nhân nội địa sẽ phải hợp tác cùng nhau trong bất kỳ phương thức nào để gia tăng quy mô và năng lực cạnh tranh hoặc sẽ phải chọn lựa việc chuyển giao cho các công ty nước ngoài.

Cần phải nhắc lại là, thị trường M&A đã sôi động được 5 năm (từ 2007 cùng với sự bùng nổ của thị trường chứng khoán). Trong đó, các thương vụ đầu tư vốn cổ phần (private equity investments) cũng là một hình thức M&A phổ biến tại Việt Nam. Tuy nhiên, một thương vụ M&A thật sự phải có sự chuyển giao sở hữu và kiểm soát doanh nghiệp. Và bất kỳ một trường hợp nào thì mục tiêu cuối cùng vẫn sẽ là sản phẩm/dịch vụ phải được người tiêu dùng chấp nhận.

Theo đó, để nói về những thương vụ thực sự “lột xác” sau khi được M&A thì chưa có nhiều. Thậm chí, nhiều thương vụ có đối tác chiến lược nước ngoài tham gia nhưng không có tiếng nói chung hoặc không thể kiến tạo giá trị cộng hưởng như mong muốn và cuối cùng trở thành một nhà đầu tư tài chính, ngắn hạn bất đắc dĩ bằng cách tìm kiếm và chuyển nhượng lại cho chính doanh nghiệp bản địa. Điển hình là trong ngành Viễn Thông (SK Telecom và Saigon Postel, Vimpecom và Gtel)… Hoặc ở chiều ngược lại, các doanh nghiệp trong nước cũng bị đối tác “hớt” mất khối tài sản mà chẳng làm được gì.

Vậy nên, các thương vụ “khủng” thành công mấy năm qua phần lớn được sự ủng hộ rất lớn từ phía sau của các cơ quan quản lý nhà nước. Trong đó, có thương vụ tập đoàn PT Semen Gresik (Indonesia) do Nhà nước sở hữu chi phối, mua lại 70% cổ phần Công ty xi măng Thăng Long với giá khoảng 230 triệu USD.

Thương vụ này được thực hiện khá nhanh chóng nhờ sự hỗ trợ rất lớn của hai Chính phủ và các cơ quan liên quan của hai nước. Đặc biệt là trong việc xử lý các vấn đề chuyển bảo lãnh của Bộ Tài chính đối với các khoản vay nước ngoài của Thăng Long, đảm bảo quyền khai thác lâu dài các mỏ nguyên liệu cho xi măng (đá vôi, đất sét), vốn là các vấn đề phức tạp khi chuyển nhượng cho phía nước ngoài trong ngành này.

M&A dù diễn ra dưới hình thức nào cũng chỉ nhằm phục vụ hai mục đích chính của bên mua đó là phát triển kinh doanh theo chiều dọc (Vertical M&A) hoặc phái triển kinh doanh theo chiều ngang (Horizontal M&A).

Trong đó, M&A theo chiều dọc là sự bổ sung chuỗi giá trị trong mô hình kinh doanh (ví dụ Công ty Tour Du lịch Thiên Minh mua chuỗi khách sạn Victoria) trong khi M&A theo chiều ngang là sự mở rộng thị phần hoặc năng lực sản xuất (Công ty Thủy sản Hùng Vương mua Lâm Thủy sản Bến Tre FBT nhằm mở rộng diện tích vùng nuôi nguyên liệu đầu vào).

Số liệu M&A cho thấy các thương vụ theo chiều dọc chưa có nhiều mà chủ yếu là M&A theo chiều ngang. Đặc biệt là việc các tập đoàn nước ngoài tham gia thị trường Việt Nam dựa trên các mảng kinh doanh cốt lõi ở nước của họ như đã đề cập ở trên.

Trong khi đó, hoạt động M&A sẽ ngày càng phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới. Theo dự báo của các chuyên gia, năm nay quy mô thị trường M&A Việt Nam có thể đạt giá trị 5 tỷ USD. Vì vậy để tận dụng những ưu thế mà M&A mag lại, các doanh nghiệp cần chuẩn bị các điều kiện cần thiết cho cho việc tham gia vào các hoạt động này.

Trên góc độ lợi ích quốc gia, việc đẩy mạnh hoạt động M&A cũng là giải pháp cho các chính sách phát triển ngành theo địa phương không hiệu quả như ngành xi măng, ngành thủy sản, thép, ngành ngân hàng, chứng khoán trong những năm gần đây.

Tuy nhiên, trong cuộc chơi này vẫn phải đảm bảo tính khách quan, phải tuân thủ luật chơi chung. Trong đó, Chính phủ Việt Nam, với vai trò như một người trọng tài, không thể thiên vị bất kỳ bên nào và chỉ có thể can thiệp khi phát hiện có tình trạng thâu tóm không thân thiện nhằm tránh mất mát, thiệt hại lớn gây ảnh hưởng đến nền kinh tế nói chung.

Masan hướng đến win-win trong M&A
Hàng tiêu dùng sẽ là một trong 3 thị trường thu hút sự quan tâm nhiều nhất trong lĩnh vực mua bán - sáp nhập (M&A) tại Việt Nam trong năm 2013.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư