Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 28 tháng 03 năm 2024,
M&A - đấu trường sinh tử
Anh Hoa - 29/11/2014 08:49
 
Mua bán, sáp nhập (M&A) là hoạt động tăng cường sự thịnh vượng lâu dài cho tất cả các bên liên quan, vì vậy, các thương vụ M&A không nên triệt tiêu nhau để thu lợi trước mắt. Nhưng điều này không phải lúc nào cũng đúng trên thực tế.
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
Tỷ phú Thái Lan 'khát' thị trường đồ uống Việt Nam
VinMart khai trương 9 siêu thị và cửa hàng tiện ích tại Hà Nội
Vingroup bất ngờ công bố mua lại hệ thống Ocean Mart
Tỷ phú Thái Lan: Thâu tóm Metro chỉ là bước đầu

Những cuộc thay tên, đổi chủ

Hoạt động M&A toàn cầu sau nhiều năm ảm đạm vì ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính, đã sôi động trở lại và trở thành lực hấp dẫn mới.

  M&A - đấu trường sinh tử  
  Sau thương vụ mua lại Ocean Retail, Vingroup công bố hai thương hiệu mới là VinMart và Vinmart+  

Theo kênh thông tin của Bloomberg, các giao dịch trên toàn thế giới được công bố từ đầu năm đến nay có giá trị lên tới 3.600 tỷ USD, gần chạm mức đỉnh của năm 2007. M&A đặc biệt sôi động trong các ngành dược và truyền thông với trị giá giao dịch phổ biến hơn 10 tỷ USD. Mỹ và Anh là hai thị trường sôi động nhất, đồng thời tỷ lệ các vụ M&A xuyên biên giới đã tăng từ mức gần 17% trong thời kỳ giữa những năm 1990 lên 43% ở thời điểm hiện tại.

Trong khi đó, ở Việt Nam, M&A cũng đang có dấu hiệu khởi sắc và được cho là làn sóng thứ hai, với quy mô giá trị ước tính lên tới 20 tỷ USD, trong giai đoạn 5 năm tới. Làn sóng này diễn ra gắn liền với quá trình tái cấu trúc mạnh mẽ doanh nghiệp nhà nước cùng sự lớn mạnh của các tập đoàn tư nhân.

Trước đó, giới phân tích dự đoán, làn sóng M&A suy giảm trong năm 2013 sau thời kỳ đỉnh cao vào năm 2008 - 2009, chưa chắc đã được cải thiện trong năm nay. Nguyên nhân là do chất lượng các thương vụ thấp, niềm tin của nhà đầu tư bị suy giảm, môi trường pháp luật thiếu nhất quán và điều kiện cơ sở hạ tầng kém.

Tuy nhiên, những trở ngại này không làm giới đầu tư tự tin về sự bùng nổ trở lại các thương vụ M&A vào năm 2015, khi bên bán có những kỳ vọng thực tế hơn và tính minh bạch cao hơn.

Hầu hết các thương vụ M&A được diễn ra trong giai đoạn hay thời kỳ nào đối với doanh nghiệp cũng nhằm tái định vị bản thân, hoặc tạo sự thống trị lớn hơn. Biểu hiện này đang thể hiện rõ nhất đối với doanh nghiệp trong lĩnh vực phân phối, bán lẻ, hàng thực phẩm, tiêu dùng.

Vài ngày sau Diễn đàn M&A Việt Nam 2014 do Báo Đầu tư và Công ty AVM tổ chức diễn ra hết sức sôi động tại TP.HCM hồi tháng 8, Công ty Berli Jucker Public Company Limited (BJC) của Thái Lan đã chi 879 triệu USD mua toàn bộ hệ thống Metro Cash & Carry Việt Nam. Thương vụ mở ra viễn cảnh sáng sủa cho sự trở lại của các thương vụ M&A đình đám.

Cùng trong  lĩnh vực này, Tập đoàn Vingroup đã mua lại 70% cổ phần tại Công ty Ocean Retail và đổi tên thành Công ty cổ phần Siêu thị VinMart, với tham vọng vẽ lại thị trường bán lẻ. Vingroup công bố hai thương hiệu mới VinMart và Vinmart+, với kế hoạch xây dựng hệ thống phân phối bán lẻ gồm 100 siêu thị và chuỗi 1.000 cửa hàng tiện ích trên khắp Việt Nam trong vòng 3 năm tới. 

Bên cạnh đó, Công ty Masan Consumer (thuộc Tập đoàn Masan) công bố chào mua công khai 49% cổ phần của Công ty Cholimex Foods (thuộc Công ty Xuất nhập khẩu và Đầu tư Chợ Lớn - Cholimex), trị giá thương vụ khoảng 357 tỷ đồng. Thương vụ đang trong giai đoạn chào mua (quý IV/2014 - quý I/2015), nhưng Masan Consumer đã nắm chắc phần thắng. Với thương vụ này, không chỉ loại được đối thủ nặng ký trên thị trường gia vị, thực phẩm, Masan Consumer còn biến đối thủ thành “kẻ cùng thuyền” để vươn ra biển lớn.

Nếu những tên tuổi nêu trên đang thực hiện chiến lược M&A để tạo sự thống trị lớn hơn, thì Công ty cổ phần Kinh Đô (KDC) lại tái định vị bản thân bằng cách rời bỏ mảng bánh kẹo. Sau khi bán 80% cổ phần của mảng kinh doanh bánh kẹo đã được tái cấu trúc cho Tập đoàn Mondelèz International, KDC dùng khoản tiền này (7.846 tỷ đồng, tương đương 370 triệu USD) để tiến quân vào mảng kinh doanh mỳ gói, cà phê, dầu ăn và thương thảo mua lại 50% cổ phần của một doanh nghiệp trong lĩnh vực thực phẩm và đồ uống. Còn Mondelèz International xem KDC là sự lựa chọn hoàn hảo dựa trên những toan tính kỹ lưỡng trong thời gian dài để hiện thực hóa chiến lược kinh doanh tại châu Á, tăng cường mảng kinh doanh thức ăn nhẹ cốt lõi.

Sau hàng loạt bất động với các cổ đông là quỹ đầu tư, Công ty Bảo vệ thực vật An Giang (AGPPS) buộc phải tìm tiếng nói chung với đối tác mới. Ngược lại, Quỹ Standard Chartered Private Equity (SCPE) đã đạt được mục đích nắm lượng lớn cổ phần tại AGPPS (trị giá 90 triệu USD). Mục đích của cả hai bên là đẩy dư địa tăng trưởng của AGPPS. Trước đó, quỹ này cũng rót 35 triệu USD vào sở hữu chuỗi cửa hàng Cổng Vàng.

Không chỉ các doanh nghiệp tư nhân, mà khối doanh nghiệp nhà nước đã và đang thực sự tạo sự đột phá trên thị trường. Sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ và những kết quả khả quan về tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước thời gian qua đã cho thấy điều đó. Giới đầu tư hân hoan hơn khi chứng kiến thương vụ IPO đình đám của Tổng công ty Hàng không Việt Nam, với 100% lượng cổ phần chào bán được mua hết. Tổng công ty Công nghiệp Dầu thực vật Việt Nam (Vocarimex), Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex)… cũng đã tìm được đối tác chiến lược ở trong nước. Tuy số lượng cổ phần hóa trong năm nay chưa được nhiều, nhưng với những thương vụ nêu trên, cũng đủ mang niềm tin trở lại với nhà đầu tư.

Có lợi hại hơn?

Hàng loạt thương vụ M&A đã được công khai rầm rộ, hoặc âm thầm, hoặc đang chờ phê duyệt, nhưng không phải thương vụ nào cũng diễn ra suôn sẻ. Trong đó, định giá các vụ M&A là một công việc khó khăn, bởi không có công thức chung đảm bảo thành công.

Trường hợp Công ty ThaiBev (Thái Lan) là một ví dụ. Ý định theo đuổi để sở hữu lượng lớn cổ phần tại Công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) của ThaiBev khi biết trong kế hoạch tái cấu trúc của Sabeco sẽ bán tối đa 53% cổ phần cho một, hoặc vài nhà đầu tư chiến lược. Do Chính phủ sở hữu 89% cổ phần, nên quyết định vận mệnh của Sabeco vẫn thuộc về Bộ Công thương.

Theo giới đầu tư, chỉ khi ThaiBev nắm được tỷ lệ sở hữu trên 50%, họ mới có thể chi phối và thực hiện các quyết định lớn về chiến lược, nên chắc họ phải đạt được tỷ lệ cổ phần như mục đích, thì mới chốt thương vụ này.

Đáng chú ý, khi ThaiBev định giá thương hiệu Sabeco 2 tỷ USD, ông Phan Đăng Tuất, Chủ tịch HĐQT Sabeco khẳng định giá trị công ty cao hơn nhiều.

Theo Hãng nghiên cứu Euromonitor, Sabeco hiện chiếm lĩnh 46% thị trường bia Việt Nam với nhiều thương hiệu như 333 hay Bia Sài Gòn. Doanh thu 6 tháng đầu năm tăng 6% so với năm ngoái lên 14.300 tỷ đồng (680 triệu USD).

Thông thường những doanh nghiệp năng động đang đi đầu trong các hoạt động M&A, nhưng kỳ vọng vẫn là kỳ vọng. Đối với những thương vụ mua đứt bán đoạn và chủ doanh nghiệp muốn từ bỏ ngành hàng đó để tiến quân sang ngành hàng mới, thì không có nhiều lo ngại về hậu M&A. Song với những thương vụ vẫn còn “chung lưng đấu cật” thì nhiều rủi ro, dẫn đến phá vỡ kỳ vọng, gây thiệt hại cho các cổ đông.

Các tổ chức tư vấn M&A cho rằng, nguyên nhân khiến các thương vụ thất bại nhiều nhất là do sự khác biệt của hai bên về kỳ vọng giá trị sẽ tăng cao hậu M&A. Bên cạnh đó, yếu tố không công khai các khoản mục trọng yếu vào thời điểm phù hợp nhất cũng có thể dẫn đến phá vỡ các thương vụ. Cuối cùng là việc hay thay đổi các điều khoản, hoặc chậm trễ trong việc hoàn tất giao dịch do rào cản về pháp lý. Theo đó, M&A đang được coi như đấu trường sinh tử đối với doanh nghiệp và nó mang lại hiệu quả tích cực hay tiêu cực cũng chỉ mang tính tương đối.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư