
-
80,8% doanh nghiệp chọn tin tưởng và kỳ vọng vào quý III/2025
-
Vicem đặt nhiều kỳ vọng tiêu thụ xi măng trong quý III/2025
-
Doanh nghiệp ngành dầu khí: Thận trọng khi xây dựng kịch bản cho giai đoạn mới
-
Phòng vệ thương mại với hàng xuất khẩu phức tạp hơn -
Vietravel Airlines có máy bay "của mình"; GELEX lập công ty con; Dabaco vượt kế hoạch lãi cả năm
![]() |
Các chuyên gia tham dự Hội thảo cho rằng, rào cản phi thuế quan vẫn làm tăng chi phí và giảm sức cạnh tranh của hàng Việt tại thị trường ASEAN |
Tác động lớn
Tại Hội thảo “Gỡ rào cản phi thuế quan vì thịnh vượng chung ASEAN” vừa được Báo Tài chính - Đầu tư tổ chức, bà Caroline Beresford, Đại sứ New Zealand tại Việt Nam nêu bật những số liệu đáng chú ý vài năm trước: hơn 2,5 triệu biện pháp phi thuế quan đang được áp dụng trên toàn cầu, tác động đến 78% giá trị thương mại quốc tế và gây chi phí ước tính 2.400 tỷ NZD.
Chưa có thống kê mới hơn, nhưng với bối cảnh chuỗi cung ứng chịu sức ép và chủ nghĩa bảo hộ mạnh mẽ hơn tại nhiều quốc gia, các biện pháp phi thuế quan tiếp tục gia tăng. Bà Caroline Beresford nhấn mạnh vai trò của các biện pháp phi thuế quan, như quy định về an ninh sinh học trong việc bảo vệ sức khỏe của người dân, nhưng nếu chúng được thực hiện không phù hợp, thì hoàn toàn có thể trở thành rào cản lớn.
- Bà Caroline Beresford, Đại sứ New Zealand tại Việt Nam
Chia sẻ tại Hội thảo, bà Nguyễn Mai Phương, Luật sư điều hành, Trưởng chi nhánh Hà Nội, Công ty Luật KPMG chỉ ra một ví dụ điển hình về rào cản phi thuế quan. Đó là vụ việc Indonesia (nước xuất khẩu dầu cọ lớn nhất thế giới) đã đệ đơn lên Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) một số nội dung trong Chỉ thị RED II do Liên minh châu Âu (EU) ban hành.
Với phán quyết hồi đầu năm 2025 của WTO về đơn kiện của Indonesia, EU được yêu cầu phải thực hiện các bước cần thiết để tôn trọng các nghĩa vụ WTO. Vụ kiện cho thấy ranh giới mong manh giữa chính sách môi trường và chủ nghĩa bảo hộ thông qua thiết lập các rào cản phi thuế quan.
Nhiều rào cản phi thuế quan đã gia tăng đáng kể chi phí cho doanh nghiệp. Tại Việt Nam, theo bà Nguyễn Mai Phương, doanh nghiệp xuất khẩu thường gặp rào cản do những khác biệt lớn về tiêu chuẩn kiểm dịch thực vật, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật...
Từ góc độ nhóm doanh nghiệp xuất khẩu, bà Lê Hằng, Phó tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), một số quốc gia ASEAN áp dụng yêu cầu ghi nhãn nội địa rất chi tiết. Chi phí điều chỉnh nhãn để đáp ứng yêu cầu cụ thể của từng quốc gia có thể tiêu tốn 5.000 - 20.000 USD cho mỗi dòng sản phẩm. Ngoài ra, còn có những rào cản khác như yêu cầu đặc thù về giấy phép nhập khẩu, danh sách các nhà xuất khẩu phải đăng ký trước…
Hoạt động trong lĩnh vực logistics, bà Chu Kiều Liên, Giám đốc Công ty T&M Forwarding Chi nhánh Hà Nội thấy rằng, các yêu cầu về kiểm định chất lượng, ghi nhãn phức tạp hoặc không nhất quán giữa các thị trường là các rào cản phi thuế quan tác động trực tiếp đến chi phí vận hành.
Cùng với đó, doanh nghiệp thường gặp rào cản chuỗi cung ứng bị gián đoạn do thủ tục kiểm tra kéo dài, từ kiểm dịch thực vật, động vật cho đến yêu cầu về an ninh hàng hóa tại cảng hoặc quy trình thông quan kéo dài ở một số quốc gia. Hàng hóa bị chậm giải phóng ảnh hưởng trực tiếp đến lịch trình tàu, năng suất khai thác cảng và độ tin cậy của dịch vụ logistics.
Lợi thế cạnh tranh quốc gia
Rào cản phi thuế quan xuất hiện ngày càng nhiều hơn trên sân chơi thương mại toàn cầu đang trở thành thách thức lớn với cộng đồng doanh nghiệp. Khi đó, nhà đầu tư không còn chỉ tìm đến nơi “rẻ hơn”, mà đến nơi “dễ làm ăn hơn”, thông minh hơn và bền vững hơn.
Chia sẻ tại Hội thảo, ông Lê Trọng Minh, Phó tổng biên tập Báo Tài chính - Đầu tư nhấn mạnh, gỡ rào cản phi thuế quan, nếu làm đúng cách, sẽ giúp giảm đáng kể chi phí giao dịch, tạo điều kiện cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận thị trường khu vực, thúc đẩy dòng vốn đầu tư.
Tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 46 vừa diễn ra tại Malaysia, bên cạnh việc nâng cao khả năng liên kết kinh tế, thúc đẩy số hóa thủ tục hải quan và thương mại, các nhà lãnh đạo ASEAN tập trung bàn thảo các biện pháp giảm thiểu các rào cản phi thuế quan không cần thiết.
Rào cản phi thuế quan là các biện pháp chính sách ngoài thuế quan hải quan có khả năng ảnh hưởng kinh tế đến thương mại quốc tế, làm thay đổi khối lượng hoặc giá trị hàng hóa giao dịch. Rào cản này thường không hiển hiện rõ ràng, bởi chúng được “ngụy trang” dưới các chính sách y tế, an toàn, môi trường, tiêu chuẩn kỹ thuật hoặc hành chính.
Nguồn: UNCTAD (2010)
Theo đại diện từ KPMG Việt Nam, các sáng kiến như cổng thông tin thương mại ASEAN và bản hướng dẫn xây dựng biện pháp phi thuế quan ASEAN đã ban hành năm 2018 cần được cập nhật, áp dụng hiệu quả và truyền thông mạnh mẽ. Từ đó, các bên có thể theo dõi các biện pháp phi thuế quan một cách minh bạch và thống nhất, cũng như đảm bảo các biện pháp phi thuế quan mới hợp lý, minh bạch, không phân biệt đối xử.
Đối với Việt Nam, bà Phương cho rằng, cần tập trung vào việc thúc đẩy triển khai chính phủ điện tử nhằm số hóa và minh bạch hóa các thủ tục hành chính liên quan đến cấp phép và chứng nhận.Việc đơn giản hóa quy trình thử nghiệm và cấp chứng nhận, giảm bớt các yêu cầu riêng áp dụng cho doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là điều cần thiết giúp tháo gỡ các rào cản phi thuế quan.
Cùng với đó, cần xây dựng cơ chế phối hợp hiệu quả giữa các cơ quan có thẩm quyền khi xử lý các chứng nhận cần phê duyệt liên ngành nhằm khắc phục tình trạng chồng chéo. Một cơ chế phối hợp liên bộ và triển khai kỹ thuật nhất quán nhằm giảm thiểu sự chênh lệch trong tuân thủ quy định cũng là giải pháp được ông Đoàn Vũ Hoài Nam, Cộng sự cấp cao Công ty Luật TNHH ASL nhấn mạnh.
Theo ông Nam, Việt Nam đã luật hóa nhiều tiêu chuẩn quốc gia theo hệ thống quốc tế, nhưng thực thi thiếu đồng bộ giữa các địa phương. Ngoài ra, việc mở rộng cơ chế một cửa quốc gia và số hóa thủ tục thông quan tại các cảng và cửa khẩu lớn sẽ giảm chi phí hành chính.
Cùng với đó, việc xây dựng cơ chế ưu tiên (fast-track) cho chuyên gia trong các lĩnh vực chiến lược sẽ góp phần tăng cường tính sẵn sàng triển khai dự án và nâng cao năng lực nhân lực. Những giải pháp này cũng là chìa khóa cải thiện năng lực tiếp cận thị trường Việt Nam trong mắt nhà đầu tư quốc tế.
Đại diện Fonterra (hợp tác xã ngành sữa với nhiều nhãn hiệu sữa phổ biến Anmum, Anlene, Anchor… xuất khẩu đến nhiều quốc gia), Giám đốc điều hành chiến lược thương mại Justine Aroll cho biết, các hiệp định thương mại tự do (FTA) đóng vai trò thiết yếu trong việc thúc đẩy tăng trưởng của Fonterra. Tuy nhiên, rào cản phi thuế quan vẫn đang là thách thức lớn tại nhiều thị trường.
Đơn cử, về việc áp dụng tiêu chuẩn ghi nhãn dành cho sản phẩm bán lẻ lên các nguyên liệu trung gian, đại diện Fonterra cho rằng, đây là điều không cần thiết và làm tăng chi phí tuân thủ. Fonterra hoàn toàn ủng hộ việc ghi nhãn rõ ràng vì lý do an toàn và truy xuất nguồn gốc, nhưng điều này không nên áp dụng cho sản phẩm không trực tiếp đến tay người tiêu dùng.
“Việt Nam là hình mẫu trong khu vực ASEAN về cải cách phi thuế quan. Các cơ quan chức năng tại Việt Nam minh bạch, cởi mở và sẵn sàng đối thoại”, đại diện Fonterra nhấn mạnh và cho biết, với Fonterra, ngoài cơ hội tiêu thụ sữa gia tăng, doanh nghiệp cũng nhìn thấy khả năng Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất thứ cấp, đặc biệt trong lĩnh vực dịch vụ thực phẩm và các dòng sản phẩm có giá trị gia tăng.
Xây dựng môi trường kinh doanh “dễ làm ăn hơn” không chỉ thúc đẩy dòng vốn bên ngoài, mà còn mở rộng dòng chảy thương mại và đầu tư trong nội khối, vốn cũng có tiềm năng tăng trưởng lớn. Theo ông Ngô Sỹ Hoài, Phó chủ tịch, kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, thương mại nội khối có thể tăng cường trước sự trỗi dậy của chủ nghĩa bảo hộ.
Dù chưa có hiệp hội chung trong khu vực ASEAN, ông Hoài tin rằng, nếu các nước ASEAN cùng ngồi lại với nhau và tăng cường hỗ trợ chính sách, các doanh nghiệp cùng đứng cạnh nhau, thì gánh nặng về các rào cản phi thuế quan sẽ nhẹ hơn đáng kể. Việc gỡ được nhiều rào cản hơn mà vẫn bảo vệ được mình tốt hơn sẽ tạo ra lợi thế cạnh tranh quốc gia và cũng là hành động kiến tạo một ASEAN thịnh vượng, bao trùm và cạnh tranh bền vững.

-
Tăng lợi thế cạnh tranh quốc gia từ gỡ rào cản phi thuế quan đúng cách -
Phòng vệ thương mại với hàng xuất khẩu phức tạp hơn -
Vietravel Airlines có máy bay "của mình"; GELEX lập công ty con; Dabaco vượt kế hoạch lãi cả năm -
Đã giảm thuế gần 50.000 tỷ đồng cho doanh nghiệp trong nửa đầu năm 2025 -
Chủ tịch UBND TP.HCM: Tỷ lệ "sinh và tử" của doanh nghiệp vẫn rất đáng quan tâm -
Việt Nam áp thuế bột ngọt nhập khẩu thêm 5 năm -
Cuộc chơi lớn giữa các doanh nghiệp ngành vật liệu chịu lửa
-
Vietcombank dẫn đầu ngành ngân hàng về đổi mới sáng tạo và ESG
-
Vietcombank giới thiệu Apple Pay đến chủ thẻ quốc tế Vietcombank JCB
-
Ngân hàng ngoại khuấy động thị trường bất động sản bằng chiến lược "cam kết dài hạn"
-
Acecook Việt Nam công bố chiến lược phát triển mới
-
Tập đoàn AEON chính thức ra mắt Chương trình Điểm thành viên “WAON POINT”
-
OBC Holdings ra mắt thị trường với dự án A&K Tower