Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 26 tháng 04 năm 2024,
M&A: Hợp tác hay bán đứt?
Nhã Nam - 15/08/2015 09:36
 
Một làn sóng mua bán - sáp nhập (M&A) doanh nghiệp thứ hai đang bắt đầu, với rất nhiều thương vụ đình đám. Tuy nhiên, bài toán đặt ra là, khi M&A, nên “bán mình” hay chỉ là thực hiện một cuộc “kết hôn” với đối tác phù hợp khác?
Ông Bùi Ngọc Hùng, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Hùng Vân trong vị trí người chơi
Ông Bùi Ngọc Hùng, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Hùng Vân trong vị trí người chơi tuần này

Cuối tháng 7/2015, Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển bất động sản An Gia đã chính thức ký kết hợp đồng hợp tác đầu tư toàn diện với Quỹ đầu tư Creed Group (Nhật Bản). Theo đó, Creed sẽ đầu tư 200 triệu USD vào An Gia để mua lại cổ phần của Công ty, đồng thời đầu tư vào các dự án theo tỷ lệ 50/50.

Trong khi đó, cuối tháng 6/2015, Tập đoàn Kinh Đô đã chính thức được đổi tên thành Kido, bước đi cuối cùng sau thương vụ Kinh Đô bán lại 80% mảng bánh kẹo cho Mondelez International với giá 370 triệu USD. Cùng với việc đổi tên, Kido cũng công bố việc tập trung vào kinh doanh ngành hàng thực phẩm theo chiến lược “thực phẩm và các sản phẩm thiết yếu”, với hàng loạt sản phẩm như mỳ ăn liền, nước chấm, gia vị…

Cùng là thực hiện M&A, nhưng hai thương vụ là hai phương thức hoàn toàn khác nhau. Trong khi An Gia chọn cách hợp tác thì Kido chọn cách bán đứt. Trên thực tế, đây cũng là thực tế đang diễn ra và cũng là câu hỏi không dễ trả lời đối với các doanh nghiệp Việt đang ngấp nghé đàm phán M&A. Chọn cách nào, hợp tác hay bán đứt?

Ngay cả lựa chọn hợp tác, không phải không có lúc “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt”. Chuyện của Lotte và Bibica trước đây là ví dụ điển hình.

Còn nếu bán đứt, ví như khi thương vụ của Kinh Đô và Mondelez International diễn ra, dư luận không khỏi băn khoăn và tiếc nuối, bởi sẽ không còn nữa thương hiệu bánh kẹo nội đình đám một thời. Kinh Đô bán tới 80% cổ phần như thế, thậm chí sẽ tiến tới 100%, thì chẳng khác nào “bán mình”. Nhưng Kinh Đô cũng có cái lý của mình. Với 370 triệu USD (tương đương 7.846 tỷ đồng), Kinh Đô có nguồn lực để chuyển hướng kinh doanh vào các lĩnh vực khác, thậm chí là để hiện thực hóa thương vụ M&A mà họ đã thực hiện trước đó với Tổng công ty Công nghiệp dầu ăn Việt Nam (Vocarimex).

Câu chuyện cũng đang diễn ra tại một doanh nghiệp công nghệ thông tin. Sau nhiều năm nỗ lực, hiện nay doanh nghiệp này đang kinh doanh khá tốt và đã tạo được cho mình một chỗ đứng khá vững chắc trên thị trường.

Tuy nhiên, nhìn thấy trước những khó khăn do phải cạnh tranh gay gắt trên thị trường khi Cộng đồng Kinh tế ASEAN được hình thành vào cuối năm nay, doanh nghiệp đang tính hướng để nâng cao năng lực cạnh tranh. Các đối tác nước ngoài đã đến đặt vấn đề hợp tác. Song vấn đề đặt ra là, nên chọn hướng hợp tác như thế nào?

Trong khi CEO cho rằng, đây là đối tác có tiềm lực, có kinh nghiệm, hợp tác sẽ giúp doanh nghiệp tận dụng được những thế mạnh của họ để thực hiện kế hoạch phát triển và cạnh tranh, và đề xuất bán cổ phần (không quá 49%) cho doanh nghiệp ngoại, thì các cổ đông lại cho rằng, nên bán đứt để rút khỏi ngành hàng đó và chuyển hướng kinh doanh.

Mỗi bên đều có lý và quyết định thế nào còn tùy thuộc vào chiến lược của doanh nghiệp trong thời gian tới.

Tuy nhiên, trong bối cảnh nhiều cuộc thâu tóm trên thị trường M&A đang diễn ra, thì lời khuyên được các chuyên gia kinh tế cho rằng, doanh nghiệp Việt phải thật thận trọng trong đàm phán với đối tác nước ngoài. Rõ ràng, không phải ngẫu nhiên khi nhiều chuyên gia quan ngại rằng, M&A bùng nổ cũng đồng nghĩa với việc doanh nghiệp Việt phải đối mặt với nguy cơ bị mất thị phần, thậm chí là bị thâu tóm.

Có hai xu hướng tồn tại trên thị trường được các chuyên gia trong lĩnh vực M&A thường nhắc tới, đó là “bị mua” và “được mua”. Doanh nghiệp của bạn sẽ bị mua hay được mua, nên hợp tác hay bán đứt? Đó là câu hỏi được đặt ra trong Chương trình CEO - Chìa khóa thành công kỳ này. Với chủ đề M&A: hợp tác hay bán đứt, Chương trình sẽ giúp các doanh nghiệp có kế hoạch thực hiện M&A tìm ra câu trả lời hợp lý nhất.

Ông Bùi Ngọc Hùng, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Hùng Vân, sẽ là người chơi ngồi ở vị trí CEO kỳ này và sẽ là người tranh biện cùng các cổ đông để tìm ra giải pháp hữu hiệu nhất cho chiến lược phát triển của công ty.

Kết nối đầu tư tại Diễn đàn M&A 2015: Nhu cầu đa dạng, cơ hội cụ thể
Phiên “Kết nối đầu tư” của Diễn đàn Mua bán - Sáp nhập Việt Nam 2015 (M&A Vietnam Forum 2015) với chủ để “Chờ đón sự bùng nổ”, đã...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư