Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Diễn đàn M&A Việt Nam 2015: Đại tiệc sôi động cho giới đầu tư
Anh Hoa - 07/08/2015 08:28
 
Được cộng hưởng bởi nhiều yếu tố tích cực (như sự tăng trưởng của nền kinh tế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, sự chủ động thay đổi tư duy của nhà đầu tư và doanh nghiệp...), thị trường mua bán, sáp nhập (M&A) Việt Nam sẽ thực sự thăng hoa trong giai đoạn tới.

Xuất hiện những ngôi sao sáng

Gần 500 nhà đầu tư trong và ngoài nước, nhà môi giới và tư vấn chuyên nghiệp đã đến Diễn đàn M&A Việt Nam 2015 do Báo Đầu tư phối hợp với Công ty AVM tổ chức hôm qua (6/8) tại TP.HCM, với tâm thế “Chờ đón sự bùng nổ”.

Hiểu được tâm thế đó của giới đầu tư, TS. Nguyễn Anh Tuấn, Tổng biên tập Báo Đầu tư, Trưởng ban Tổ chức đã khai mạc Diễn đàn M&A Việt Nam 2015 với nhận định rất lạc quan: “Những cơ hội cho M&A đang được mở ra từ việc nâng cao tốc độ tăng trưởng gắn với phát triển bền vững, đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước dựa trên cải cách thể chế, tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, chủ động hội nhập sâu rộng với thế giới qua việc ký kết và thực thi hàng loạt hiệp định thương mại tự do với các đối tác lớn, cũng như việc tham gia Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC)”.

Phát biểu tại Diễn đàn M&A 2015, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông khẳng định, M&A đang trở thành hình thức đầu tư ngày càng hấp dẫn   	ảnh: l.t
Phát biểu tại Diễn đàn M&A 2015, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông khẳng định, M&A đang trở thành hình thức đầu tư ngày càng hấp dẫn. Ảnh: L.T

 

Minh chứng cho nhận định trên, tại phiên kết nối đầu tư trong khuôn khổ Diễn đàn M&A Việt Nam 2015, đã có gần 50 nhà đầu tư trong và ngoài nước, nhà môi giới và tư vấn chuyên nghiệp tham gia trao đổi nhu cầu với kỳ vọng sẽ tìm được đối tác. Không chỉ vậy, 4 trung tâm xúc tiến đầu tư của các tỉnh, thành phố miền Trung là Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình Định cũng không bỏ lỡ cơ hội tiếp cận các nhà đầu tư.

Tuy nhiên, cơ hội nhiều nhất mở ra cho các nhà đầu tư có lẽ nằm ở khu vực doanh nghiệp nhà nước. Do đó, sự xuất hiện của đại diện Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Tổng công ty cổ phần Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC), Tổng công ty Bến Thành…, với những chia sẻ cởi mở về kế hoạch thoái vốn, cổ phần hóa khiến các nhà đầu tư đứng ngồi không yên.

Ông Nguyễn Toàn Thắng, đại diện PVN mong muốn kêu gọi đối tác đầu tư tối đa 49% tổng mức đầu tư dự án do PV Gas làm chủ đầu tư (1,3 tỷ USD). “Bên cạnh đó, chúng tôi còn có nhu cầu thoái vốn tại Tổng công ty cổ phần Dầu khí Cà Mau, Công ty Xăng sinh học Bình Phước. PVC cũng bán đấu giá toàn bộ 10 triệu cổ phần nắm giữ tại Công ty Bất động sản Dầu khí Việt Nam”, ông Thắng nói.

Trong khi đó, các tập đoàn, công ty tư nhân cũng thể hiện sự trỗi dậy khi ngày càng khẳng định vị thế trên thị trường M&A. Ở lĩnh vực bất động sản, Novaland, BIM Group, Nam Long Group, FLC Group đang là những ngôi sao sáng với nhiều động thái đầu tư, mua bán, chuyển nhượng vốn trong các dự án. Song lĩnh vực được các nhà đầu tư Mỹ, Nhật Bản, Thái Lan, Malaysia quan tâm và được các chuyên gia dự báo sẽ xuất hiện dòng vốn đắt và ổn định hơn lại là hàng tiêu dùng, phân phối, bán lẻ, nông nghiệp.

Khơi thông điểm nghẽn

Những chuyển động chính sách gần đây được các diễn giả, nhà đầu tư, doanh nghiệp có mặt tại Diễn đàn M&A Việt Nam 2015 kỳ vọng sẽ thông điểm nghẽn, tạo động lực để khơi dòng vốn ngoại vào Việt Nam, tạo chất xúc tác quan trọng thúc đẩy hoạt động M&A, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước…

Đến dự và phát biểu tại Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông khẳng định, cùng với quá trình tái cấu trúc nền kinh tế, chủ động hội nhập quốc tế, mở cửa thu hút đầu tư nước ngoài và khuyến khích đầu tư trong nước, hoạt động M&A tại Việt Nam đã không ngừng gia tăng. Trong những tháng đầu năm nay, hoạt động M&A tiếp tục diễn ra sôi động với nhiều thương vụ lớn. M&A đang trở thành một hình thức đầu tư, một kênh tham gia thị trường ngày càng hấp dẫn đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Các diễn giả trao đổi về chuyển động chính sách tác động tới hoạt động M&A - Ảnh: Lê Toàn
Các diễn giả trao đổi về chuyển động chính sách tác động tới hoạt động M&A - Ảnh: Lê Toàn

Theo GS-TS Christopher Kummer, Chủ tịch Viện Sáp nhập, Mua lại và Liên kết (IMAA), tính đến thời điểm này, Việt Nam đã có bước tiến trong bảng xếp hạng hoạt động M&A toàn cầu, khi vươn lên xếp vị trí thứ 20, với gần 400 giao dịch. Trong khi đó, năm ngoái, Việt Nam xếp thứ 24 trong vị trí toàn cầu, với 339 giao dịch.

Theo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Việt Nam chỉ xếp thứ 55 về tổng sản phẩm quốc nội (GDP), thì vị trí 20 về M&A là đáng chú ý đối với các nhà đầu tư. Xét về quốc gia các công ty mục tiêu, 219 thương vụ đã được công bố gần đây đều có sự tham gia của các doanh nghiệp Việt Nam.

Với những yếu tố cộng hưởng tốt đã được đưa ra tại Diễn đàn M&A Việt Nam 2015, thì giá trị các thương vụ M&A có thể lên tới 3,8 tỷ USD trong năm nay. Trong khi đó năm trước, Việt Nam chỉ đạt hạng 55 về giá trị với 2,8 tỷ USD.

Về phần mình, ông Masataka Yoshida, Giám đốc điều hành cao cấp Recof Corporation (Nhật Bản) bất ngờ trước sự cạnh tranh mạnh mẽ từ dòng vốn đến từ Thái Lan, Singapore, Malaysia. “Bên cạnh các đối thủ đến từ phương Tây, các nhà đầu tư từ ASEAN thực sự là mối đe dọa cho các công ty Nhật Bản khi họ có những động thái đầu tư mạnh mẽ hơn vào thị trường Việt Nam. Chúng tôi đang tư vấn cho các công ty Nhật Bản phải chú ý nhiều hơn đến bước đi của các đối thủ trong khu vực ASEAN và cần nhanh chóng hơn khi đưa ra các quyết định”, ông Masataka Yoshida nói.

Để thị trường thực sự bùng nổ, đón thêm dòng vốn đắt xuyên quốc gia, các nhà đầu tư kỳ vọng, bên cạnh việc khơi thông điểm nghẽn về cơ chế, chính sách với những hướng dẫn cụ thể, thì các bên cung - cầu cần cởi mở hơn trong cung cấp thông tin, kiên trì thực hiện các mục tiêu, đưa ra mức giá phù hợp với thị trường, quy mô và tiềm lực của đối tác, những điều khoản trong hợp đồng cần chuyên nghiệp và kỹ càng hơn.

Ý kiến - nhận định
Kỳ vọng tìm được đối tác Mỹ và Nhật Bản
- Bà Hoàng Thị Kim Thoa, Giám đốc Đầu tư Công ty cổ phần Vinamit

Vinamit kỳ vọng sẽ tìm được đối tác đến từ Nhật Bản, Mỹ trong Dự án trung tâm thu mua nguyên liệu nông sản ở Hải Dương. Định hướng của Vinamit trong thời gian tới là củng cố mạnh vị thế tại thị trường trong nước, với những sản phẩm mới liên quan đến nông nghiệp, rau, củ và trái cây. Đặc biệt, trong vòng 3 năm tới, Vinamit đặt mục tiêu tấn công mạnh mẽ thị trường Mỹ và Nhật Bản bằng chính nhãn hiệu của Vinamit, thay vì làm gia công như trước đây, để tận dụng cơ hội từ Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Cơ hội không thể bỏ lỡ
- Ông Nguyễn Quý Lâm, Giám đốc Khối Dịch vụ Ngân hàng Đầu tư VPBS

Diễn đàn M&A Việt Nam 2015 là một trong những cơ hội không thể bỏ lỡ để chúng tôi cùng các doanh nghiệp giao lưu kết nối, trao đổi thông tin và tìm kiếm cơ hội hợp tác, kinh doanh. VPBS đang tiến hành tư vấn một số thương vụ trong các lĩnh vực thuộc thế mạnh của mình, như năng lượng, tài chính, chế biến thực phẩm, bán lẻ và sản xuất công nghiệp.

Khai mạc Diễn đàn Mua bán - Sáp nhập Việt Nam 2015 “Chờ đón sự bùng nổ”
Chiều nay (6/8), tại Trung tâm Hội nghị GEM - TP.HCM, Diễn đàn Mua bán - Sáp nhập doanh nghiệp Việt Nam 2015 (M&A Vietnam Forum 2015) chính thức khai mạc...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư