Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
M&A từ lực đẩy “không gian kinh tế mở”
Thùy Vinh - 19/08/2016 08:51
 
Việc Việt Nam đạt được vị thế tốt trong các hiệp định thương mại tự do (FTA), tham gia Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC)... sẽ là lực đẩy mới khiến thị trường mua bán, sáp nhập Việt Nam tiếp tục hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài và xác lập kỷ lục mới về giá trị thương vụ.
TIN LIÊN QUAN

Hôm qua (18/8), tại Trung tâm Hội nghị Riverside Palace (quận 4, TP.HCM), đã diễn ra Diễn đàn Mua bán - Sáp nhập (M&A) doanh nghiệp Việt Nam thường niên lần thứ 8 - năm 2016 do Báo Đầu tư phối hợp với Công ty AVM Việt Nam tổ chức dưới sự bảo trợ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Với chủ đề “M&A trong không gian kinh tế mở”, Diễn đàn đã diễn ra sôi nổi, với sự tham gia của 20 diễn giả và 500 lãnh đạo cao cấp đến từ các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức, tập đoàn kinh tế, các quỹ đầu tư của Việt Nam và quốc tế.

Lực đẩy mới cho M&A Việt Nam

Phát biểu tại Diễn đàn M&A 2016, ông Nguyễn Thế Phương, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, cùng với quá trình tái cấu trúc nền kinh tế, chủ động hội nhập quốc tế của Việt Nam, trong những năm qua, hoạt động M&A tại Việt Nam không ngừng gia tăng. Từ mốc trên 1 tỷ USD vào năm 2009, tổng giá trị các thương vụ M&A tại Việt Nam đã đạt kỷ lục 5,2 tỷ USD vào năm 2015.

Toàn cảnh Diễn đàn M&A 2016 với sự tham gia của 20 diễn giả và 500 đại biểu đến từ các cơ quan, tổ chức, tập đoàn kinh tế...
Toàn cảnh Diễn đàn M&A 2016 với sự tham gia của 20 diễn giả và 500 đại biểu đến từ các cơ quan, tổ chức, tập đoàn kinh tế...

Thực tế, tính đến hết tháng 7/2016, tổng giá trị các thương vụ M&A tại Việt Nam đã đạt trên 3,7 tỷ USD và dự báo cả năm có thể đạt mức 6 tỷ USD, với 600 thương vụ, phá kỷ lục của năm 2015. Hoạt động M&A diễn ra sôi động trong hầu hết các lĩnh vực của nền kinh tế, trong đó có bán lẻ, hàng tiêu dùng, bất động sản

Theo báo cáo công bố tại Diễn đàn, việc tham gia Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) và đàm phán, ký kết nhiều FTA thế hệ mới như Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), các FTA với EU, Hàn Quốc… đang mở ra một không gian kinh tế mới, hứa hẹn sẽ thúc đẩy quá trình dịch chuyển dòng vốn đầu tư quốc tế vào khu vực ASEAN - một thị trường với dân số hơn 600 triệu người, nguồn lao động trẻ, tầng lớp trung lưu ngày càng tăng mạnh - và Việt Nam thông qua hình thức M&A.

Trong bài phát biểu khai mạc Diễn đàn, ông  Lê Trọng Minh, Tổng Biên tập Báo Đầu tư, Trưởng ban Tổ chức Diễn đàn cho biết, đó cũng là lý do năm nay Ban Tổ chức quyết định chọn chủ đề “M&A trong không gian kinh tế mở” để các diễn giả, các nhà đầu tư, doanh nghiệp trong và ngoài nước cùng nhau trao đổi, đánh giá những mặt tích cực và hạn chế của M&A tại Việt Nam trong năm qua và kết nối cơ hội hợp tác - đầu tư trong nhiều ngành, lĩnh vực của nền kinh tế, đề xuất các giải pháp nhằm thúc đẩy thị trường M&A phát triển lành mạnh.

Triển vọng M&A năm 2016 - 2017

Hoạt động M&A tại Việt Nam đang đứng trước những cơ hội phát triển mới, nhất là các thương vụ M&A có yếu tố nước ngoài. Cùng với các yếu tố kinh tế vĩ mô và chính sách pháp luật ngày càng thuận lợi, hoạt động M&A tại Việt Nam được dự báo sẽ bùng nổ vào giai đoạn 2016-2020.

Trong bài đề dẫn của Diễn đàn, TS. Christopher Kummer, Chủ tịch Viện Mua lại, Sáp nhập và Liên kết (IMAA) Thụy Sỹ cho rằng, trong khi M&A trên thế giới có dấu hiệu tạm lắng, số lượng các giao dịch tại châu Á - Thái Bình Dương cũng giảm đi, thì tại Việt Nam, số lượng và giá trị các thương vụ vẫn tiếp tục đà tăng trưởng, với sự xuất hiện của những thương vụ có giá trị lên tới hàng tỷ USD, có tác động quan trọng đến nhiều ngành, lĩnh vực và nền kinh tế nói chung..

Cũng theo TS. Christopher Kummer, Việt Nam là một trong những nước có mức dự báo tăng trưởng kinh tế trong năm nay cao nhất trên toàn thế giới. Điều này thu hút rất nhiều công ty nước ngoài mở rộng thị trường và sự hiện diện của mình tại Việt Nam. Mặt khác, việc Chính phủ Việt Nam đạt vị thế tốt trong các hiệp định thương mại cũng như việc loại bỏ giới hạn sở hữu nước ngoài trong các công ty niêm yết sẽ tiếp tục khiến Việt Nam trở thành một thị trường hấp dẫn cho các thương vụ M&A.

Tại Diễn đàn, ông Lê Hoàng, Giám đốc Tư vấn tài chính và Mua bán doanh nghiệp, M&A của Công ty TNHH Thuế và Tư vấn KPMG cũng đưa ra đánh giá, nền kinh tế phát triển tốt của Việt Nam, thể hiện qua tốc độ tăng trưởng GDP cao, lạm phát ổn định. cùng một cơ cấu dân số vàng trong những năm vừa qua, là nhân tố chính thúc đẩy sự tăng trưởng của các giao dịch M&A, về cả khối lượng lẫn giá trị giao dịch.

“Chúng tôi kỳ vọng vào sự gia tăng số lượng giao dịch M&A bởi các nhà đầu tư nước ngoài lẫn trong nước, nhất là trong ngành bán lẻ, bất động sản, công nghiệp sản xuất và hàng tiêu dùng. Đặc biệt, sự tham gia của Việt Nam trong TPP, AEC và EVFA sẽ tạo nên một lực đẩy cho các thương vụ M&A trong năm 2016 và 2017”, ông Hoàng nói.

Diễn đàn M&A 2016 được tổ chức trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam bước sang chu kỳ phát triển mới, trong một không gian kinh tế mới, với những thuận lợi và thách thức đan xen. Vì thế, theo đánh giá chung, Diễn đàn M&A 2016 đã góp phần quan trọng vào việc hoàn thiện khung khổ pháp lý, chính sách về M&A, cũng như thúc đẩy hoạt động đầu tư nước ngoài vào Việt Nam và kết nối đầu tư giữa các đối tác trong nước và nước ngoài.

Ý kiến - nhận định

 Chìa khóa thành công của thương vụ M&A

Ông Ken Atkinson, Chủ tịch Grant Thornton Việt Nam

Xu hướng M&A ngày càng tăng tại thị trường Việt Nam, nhưng làm thế nào để một thương vụ thành công mới là quan trọng. Chìa khóa dẫn đến thành công của một thương vụ M&A thường nằm ở việc lên kế hoạch cẩn trọng, đảm bảo sự chặt chẽ và tính kỷ luật trong suốt quá trình thực hiện. Trong đó, tham khảo ý kiến các chuyên gia tư vấn M&A độc lập giàu kinh nghiệm sẽ góp phần làm tăng giá trị cho công ty.

M&A là xu thế tất yếu của ngành mía đường

Ông Nguyễn Thanh Ngữ, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Mía đường Thành Thành Công Tây Ninh

Hoạt động sản xuất và kinh doanh của ngành mía đường Việt Nam hiện đối mặt với nhiều thách thức, cũng như chịu áp lực cạnh tranh gay gắt từ các quốc gia trong khu vực và trên thế giới. Điều này đòi hỏi ngành mía đường Việt Nam cần có hành động cụ thể, nếu không muốn mất lợi thế trong tiến trình gia nhập AEC và tham gia các FTA thế hệ mới như TPP. Vì vậy, M&A và tái cấu trúc là xu thế tất yếu giúp ngành đường Việt Nam tồn tại và các doanh nghiệp mía đường cộng hưởng, liên kết, phát huy thế mạnh lẫn nhau...

PV OIL mong muốn tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược trong diễn đàn này

Ông Đỗ Mạnh Bình, Trưởng ban Kế hoạch Tổng công ty Dầu Việt Nam (PV OIL)

Trong khuôn khổ các hoạt động của Diễn đàn M&A 2016, PV OIL mong muốn tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược. Chúng tôi tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược hoạt động trong lĩnh vực xăng dầu hoặc nhà đầu tư tài chính. Đó không nhất thiết là nhà đầu tư cùng ngành nghề, quan trọng là phải có tầm nhìn chiến lược, tư duy kinh doanh, có định hướng tốt về quản trị doanh nghiệp. Việc trở thành đối tác chiến lược của PV OIL đều rộng mở đối với các nhà đầu tư.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư